Tôi có một người bạn rất say mê Kinh Dịch và thuộc lòng tất cả các quẻ bát quái. Anh ta giải thích cho tôi rằng con số 8 là một con số kỳ diệu. Nó là một kết hợp chắc và mạnh nhất.
Là một nhà khoa học, anh ta càng phục quẻ bát quái vì nó có một kiểm chứng khoa học. Các nguyên tử mà vòng ngoài có 8 điện tử (électrons) là những nguyên tử chắc nhất. Anh ta thán phục người Trung Hoa từ đời nhà Chu đã khám phá ra những nguyên lý kỳ diệu. Anh ta tin là vào đời nhà Chu, nước Tàu đã tiến tới một trình độ văn minh rất cao siêu mà về nhiều mặt thế giới hiện nay chưa bắt kịp.
Để thuyết phục tôi, anh ta dẫn chứng những kinh nghiệm tổ chức. Các buổi họp 8 người là tốt nhất, các tổ chức khoảng 8 người là những tổ chức hiệu lực nhất. Điều này người ta có thể quan sát được. Nhiều tổ chức lúc đầu khi mới thành lập với một số thành viên dưới 10 người thì lành mạnh và hiệu lực lắm, sau khi bành trướng ra thì lủng cũng, chia rẽ, rồi tan rã.
Tuy nhiên, điều anh bạn giải thích một cách huyền bí khoa học tổ chức có thể giải thích một cách kỹ thuật.
Khi hai người thảo luận với nhau thì rất giản dị, người nọ nói người kia tiếp thu và ngược lại, chỉ có hai luồng giao cảm từ người nọ đến người kia và ngược lại.
Nhưng khi ba người A, B, C trao đổi với nhau thì có tới 12 luồng giao cảm: hai giữa A và B, hai giữa A và C, hai giữa B và C, hai giữa A và nhóm hợp thành bởi B và C, hai giữa B và nhóm hợp thành bởi A và C, và sau cùng hai luồng giao cảm giữa C và nhóm hợp thành bởi A và B. Bằng ấy luồng giao cảm qua lại trong một phối hợp giữa ba người mà thôi. Số quảng giao cảm tăng lên một cách rất nhanh chóng với số người tham dự. Bạn đọc nào thích toán hãy thử làm tính sẽ thấy nếu có năm người số lượng giao cảm qua lại là hơn một ngàn. Khoa học tổ chức kết luận một cách quả quyết là không thể chờ đợi một kết luận thông minh nào ở những buổi họp có quá 5 người bình đẳng với nhau về mọi mặt.
Trong thực tế cũng có những buổi họp có rất đông người mà vẫn có kết quả tốt nhưng đó là những buổi làm việc rất đặc biệt. Đó thực ra là những buổi họp có tính thông tin, trong đó một người, hay một vài người, thuyết trình và thông báo những quyết định cho cử tọa, phần còn lại chỉ ghi nhận. Cũng có những buổi họp tuy trên lý thuyết là thảo luận nhưng trong đó một người hay một vài người có vai trò vượt trội hơn những người khác, những quảng giao cảm ít ỏi liên hệ tới họ mạnh hơn hẳn và lấn át những quảng giao cảm khác, giản dị hóa sự trao đỗi và giúp cho buổi họp đạt kết quả.
Vì trong thực tế không thể có 8 người thực sự bình đẳng với nhau về mọi mặt nên con số 5 lý thuyết của khoa học tổ chức có thể nâng lên 8.
Xem như thế cái định luật 8 của anh bạn tôi không có gì là huyền bí và không chứng tỏ sự hiểu biết sâu xa của Kinh Dịch về sự mầu nhiệm của tạo hóa. Nó chỉ là một vấn đề cụ thể của tổ chức và phương pháp.
Nếu trong những điều kiện tuyệt đối khách quan, 5 người là con số tối đa để có thể làm việc với nhau, thì trong những điều kiện bình thường và tự nhiên trong cuộc sống, 8 là con số trung bình. Trong những điều kiện tự nhiên luôn luôn có một hay một vài nhân vật nói hơn phần còn lại và tạo ra quanh họ những liên hệ mạnh hơn hẳn và giữ cho tập thể được gắn bó.
Cũng có thể là vì một mục đích, một mục tiêu chung đủ rõ rệt đối với mọi người mà những quảng giao cảm giữa các thành phần bớt đi phần quan trọng so với những quảng giao cảm của mọi người với những người có trách nhiệm thực hiện mục tiêu, với điều kiện là những người có trách nhiệm được chỉ định theo một the thức chấp nhận được cho tất cả mọi người. Đó là cái tại sao của các nền dân chủ. Đó là lối thoát ra khỏi cái giới hạn khe khắt của định luật 8. Một lối thoát khác là kỷ luật sắt và khủng bố.
Người Việt nam ta vì dành quá ít suy nghĩ và tìm tòi cho phương pháp mà thiếu hẳn khả năng làm việc có tổ chức. Do đó hoặc là chúng ta làm cho một tổ chức có sẵn và chịu sự lãnh đạo một cách thụ động, hoặc chúng ta lập ra một tổ chức rồi tổ chức tan rã sau khi đã tăng trưởng quá mức giới hạn.
Vì không biết tới phương pháp, nhiều khi ta không ý thức được sự cần thiết và nghiêm chỉnh của phương pháp. Tôi đã dự không biết bao nhiêu buổi họp, trong đó nhiều người nói một cách chắc nịch: “Phải làm như thế này….” Chỉ cần nghe họ phát biểu, tôi cũng có thể nhận ngay ra rằng họ không biết gì về phương pháp cả hay chỉ nghe nói tới một cách rất lơ mơ. Nhưng họ cứ phát biểu vung vít, nói một cách rất quả quyết. Đôi khi có những người nói đúng, chứng tỏ có kinh nghiệm làm việc tập thể, nhưng tiếng nói của họ chìm đám trong vô số phát ngôn bừa bãi khác, và cử tọa không đủ hiểu biết để phân biệt cái đúng với cái sai. Kết quả của những buổi “ngồi lại với nhau” như thế chẳng có gì khó dự đoán. Người ta không làm được gì và chỉ chia tay nhau với kết luận hậm hực rằng anh này, anh kia nói bậy không biết gì cả. Nhưng người ta không chịu nhìn nhận rằng chính mình cũng không biết gì cả và chỉ nói khơi khơi. Đã không biết thế nào là đúng thì làm sao biết được mình sai?
Tôi cũng đã chứng kiến không biết bao nhiêu cố gắng để kết hợp hàng chục đoàn thể với nguyên tắc đặt ra là bình đẳng tuyệt đối giữa các thành viên, một nguyên tắc được coi là đứng đắn, rồi đi đến đè nghị lãnh đạo luân phiên, một nguyên tắc cũng được coi là rất công bình. Mỗi lần như thế tôi biết trước chắc chắn là họ sẽ mất thì giờ vô ích. Không những vô ích mà còn rất có hại vì sau khi đã kết hợp với nhau và thất bại người ta còn đỗ lỗi cho nhau.
Thiếu phương pháp làm việc chung là nhược điểm trầm trọng của người Việt, là lý do tại sao chúng ta thua kém các dân tộc khác mà trình độ hiểu biết có thể không hơn ta. Nó giải thích tại sao ba người Việt thua ba người Nhật ngay cả nếu mỗi người Việt không thua mỗi người Nhật.
Phương pháp có thể học được một cách tương đối dễ dàng rồi theo thực tế mà nhuần nhuyễn. Nhưng chúng ta không những không có phương pháp mà còn không chịu học hỏi phương pháp bởi vì học hỏi về phương pháp là một học hỏi thực dụng không đem lại hai bằng tiến sĩ. Cuối cùng chúng ta không có cả ý thức về phương pháp. Yêu cầu cấp bách của chúng ta là phải phá vỡ định luật 8. Nó chỉ huyển bí vì chúng ta không biết những quy luật thông thường của sinh hoạt tập thể. Phá vỡ nó không khó lắm vì môn tâm lý xã hội còn dễ hơn cả nhiều môn mà chúng ta đã học một cách thành công. Nhưng chừng nào nó vẫn còn đó như một chân lý huyền bí thì định luật 8 vẫn là cái cũi giam hãm chúng ta trong sự chia rẽ, đố kỵ và thua kém.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét