Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Người Trung Quốc tranh luận về giá trị quan phương Tây

Graduates-sit-next-to-a-C-012

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Tại Trung Quốc hiện đang diễn ra cuộc tranh luận về vấn đề giá trị quan sau khi lãnh đạo nước này đề xuất chủ trương ngăn chặn sự truyền bá giá trị quan của phương Tây. Sự việc bắt đầu từ một văn bản có tên “Ý kiến về việc tăng cường và cải tiến công tác tuyên truyền tư tưởng ở các trường cao đẳng-đại học trong tình hình mới” do Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản TQ và Văn phòng Quốc vụ viện công bố hôm 19/1/2015 [sau đây gọi tắt là “Ý kiến”].
“Ý kiến” nhấn mạnh công tác ý thức hệ là công tác cực kỳ quan trọng của Đảng và Nhà nước, các trường cao đẳng-đại học (CĐ-ĐH) là mặt trận tuyến đầu của công tác này, lãnh trách nhiệm học tập nghiên cứu tuyên truyền chủ nghĩa Mác, bồi dưỡng và phát huy giá trị quan hạt nhân XHCN, cung cấp người tài và bảo đảm trí lực cho sự nghiệp thực hiện Giấc mơ Trung Quốc vì sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. “Ý kiến” nêu lên 6 nhiệm vụ chủ yếu của việc tăng cường và cải tiến công tác tuyên truyền tư tưởng ở các trường CĐ-ĐH, trong đó nhiệm vụ thứ hai là tăng cường giáo dục giá trị quan hạt nhân XHCN.
Tất nhiên sau đó tất cả các trường CĐ-ĐH trong cả nước Trung Quốc đã nhiệt liệt hưởng ứng và ủng hộ “Ý kiến”, họ hăng hái tổ chức các buổi tọa đàm và thực thi mọi biện pháp nhằm biến “Ý kiến” thành hành động thực tế. Mặc dù trong văn bản “Ý kiến” không thấy có từ giá trị quan phương Tây, nhưng trong các cuộc tọa đàm lại thấy có nhiều lời lẽ đả kích giá trị quan phương Tây, đề cao giá trị quan hạt nhân XHCN.
Ngày 29/1, tại cuộc toạ đàm có lãnh đạo nhiều trường CĐ-ĐH lớn tham dự, Bộ trưởng Giáo dục Viên Quý Nhân (Yuan Gui-ren) nói: Giáo viên các trường CĐ-ĐH phải giữ vững ranh giới về chính trị, pháp luật và đạo đức, phải tăng cường quản lý việc biên soạn giáo trình và việc giảng dạy trên lớp, tuyệt đối không được để cho các giáo trình truyền bá giá trị quan phương Tây lọt vào nhà trường, tuyệt đối không cho phép các lời lẽ công kích nói xấu sự lãnh đạo của Đảng CSTQ, bôi nhọ CHXH xuất hiện trong giảng đường, giáo viên khi lên lớp tuyệt đối không được nói những lời phàn nàn oán trách tình hình xã hội, v.v…
Phản ứng trong dư luận
Chủ trương ngăn chặn giá trị quan phương Tây lập tức được dư luận Trung Quốc bàn luận sôi nổi. Dĩ nhiên người ta đều hiểu “Ý kiến” nói trên là do ai đưa ra, vì thế các phát biểu tán thành nhiều hơn phản đối.
Người đầu tiên dám lên tiếng phản đối là doanh nhân Nhiệm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Công ty bất động sản Hoa Viễn, người nhiều lần từng nói những lời “nghịch nhĩ”. Đồng thời cũng do dám nói mà ông được dân mạng gọi là “Nhiệm Đại Pháo”. Blog của ông trên mạng Tân Lãng có tới gần 30 triệu “fan”.
Ngày 14/2, tại buổi họp thường niên năm 2015 của “Diễn đàn 50 nhà kinh tế Trung Quốc”, Nhiệm Chí Cường phát biểu trong 5 phút, chỉ trích những lời lẽ bài xích giá trị quan phương Tây.
Ông nói: Hiện nay vốn dân gian [tức vốn tư nhân] Trung Quốc chảy ra nước ngoài với quy mô lớn là do “Chính phủ không giữ chữ tín, vi phạm các thỏa thuận và chiếm dùng tài sản tư nhân với quy mô rất lớn”. Ông phê phán: “Chính phủ quá nhấn mạnh súng và dao, phản đối giá trị quan phương Tây, làn gió Cách mạng Văn hóa lại dấy lên rồi.” “Chính phủ căn bản không muốn bảo vệ tài sản tư hữu, đây là một vấn đề lớn.” v.v…
Phát biểu nói trên của Nhiệm Chí Cường được đăng trên các báo mạng, có gần 8000 người khen ngợi, hơn 8500 người chia sẻ lại, 4300 người bình luận (phản đối hoặc tán thành).
Một dân mạng viết: “Lý lẽ của ông Nhiệm Chí Cường thật rõ ràng, vì cớ gì mà một số chuyên gia, học giả lại không hiểu nhỉ?” Một người viết: “Có mạng Internet rồi, chính sách ngu dân ngày càng khó thực thi.” Cũng có ý kiến nói: “Những người đề xướng giá trị quan phương Tây chẳng qua là muốn thi hành chế độ tư hữu mà thôi!”
Một người có nickname Lâm Tuyền Chi Thụ viết bài “Ngăn cản giá trị quan phương Tây, vì sao các đầy tớ dân không gọi con em mình về nước?” Sau khi định nghĩa giá trị quan là tiêu chuẩn dùng để xử lý sự việc, phán đoán đúng sai khi cần lựa chọn, tác giả viết:
Gần đây Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói tuyệt đối không được cho mọi giáo trình truyền bá giá trị quan phương Tây lọt vào giảng đường các trường CĐ-ĐH. Nói rõ hơn tức là phải ngăn cản sự xâm nhập của giá trị quan phương Tây. Cách làm này có đúng không?
Những người sống trong không gian chật hẹp thì không chịu ảnh hưởng của phương Tây, nhưng những người thân phương Tây, ngưỡng mộ xã hội phương Tây thì càng tiếp thu giá trị quan phương Tây, thí dụ những người Trung Quốc sinh ra ở nước ngoài hoặc đang muốn ra nước ngoài sinh sống. Nhưng người ta tiếp nhận giá trị quan phương Tây là có lý do của nó. Trước hết, các sự vật ở phương Tây có tác động đến người Trung Quốc, thí dụ sau cải cách mở cửa, chế độ quản lý của phương Tây, dây chuyền sản xuất của họ, … đều làm chúng ta ngạc nhiên và bắt chước. Dĩ nhiên khoa học và công nghệ của họ thì ta hấp thụ hết để mà dùng chứ không chút sĩ diện. Học phương Tây không phải để làm công dân phương Tây mà là để làm cho nước mình mạnh lên, đuổi và vượt chủ nghĩa tư bản.
Nhưng những người tiếp thụ giá trị quan phương Tây để thích ứng với xã hội phương Tây thì không còn yêu nước mình nữa, họ chọn con đường ra nước ngoài sinh sống. Sang phương Tây (trừ người được nhà nước cử đi), ngoài người đi đầu tư kinh doanh thì là người đi định cư, du học. Động lực mạnh nhất khiến họ xuất ngoại là họ cảm thấy Trung Quốc không bằng phương Tây; họ tin rằng ở bên ấy họ sẽ học tập, sống và làm việc tốt hơn, có tiền đồ hơn, thực hiện được giá trị cuộc đời. Dĩ nhiên không xuất ngoại thì cũng có thể tiếp thụ giá trị quan phương Tây.
Bây giờ Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói phải ngăn cản giá trị quan phương Tây; nói thế nhưng có thể làm được không? Trong thế giới mở này đâu chỉ nhà trường mới là nơi tiếp thụ giá trị quan phương Tây mà còn vô số con đường khác. Các bạn trên mạng nói rất đúng, những người tranh nhau xuất ngoại sang phương Tây (trong đó không biết có bao nhiêu người liên quan tới Đảng CSTQ) chẳng phải là chứng minh tốt nhất rằng họ đi tiếp thụ giá trị quan phương Tây đấy ư? Một cách trực quan, họ bảo dân ta rằng phương Tây tốt hơn Trung Quốc, kể cả mức độ sống an toàn cũng tốt hơn. Vì thế chuyện làm “Thẻ xanh”, “Hộ chiếu” ngày càng nhộn nhịp. Tôi nghĩ, nếu muốn toàn dân đều ngăn cản giá trị quan phương Tây thì đảng viên, cán bộ nên nêu gương, hãy gọi con em họ về Trung Quốc, đừng ở phương Tây nữa!
Nhiệm Chí Cường “nổ súng”
Phát biểu của Nhiệm Chí Cường đăng trên các báo mạng chưa được bao lâu đã bị gỡ bỏ hết. Để giải thích rõ quan điểm của mình, ngày 15/2, Nhiệm Chí Cường đăng trên blog bài “Thế nào là giá trị quan phương Tây?”. Nội dung như sau:
Tôi chưa thể nói rõ giá trị quan phương Tây là gì, nhưng tôi biết chế độ chính trị của các quốc gia trên thế giới đều là sự lựa chọn và đồng ý của nhân dân các nước. Giá trị quan mà chế độ đó thay mặt không phải chỉ là loại ý thức của một số ít người hoặc của nhà quản lý quốc gia đó tự định ra và áp đặt cho nhân dân nước mình (trừ một số ít nhà độc tài và chuyên chế), nhất là các quốc gia theo chế độ dân chủ, ai nắm chính quyền đều là kết quả bầu cử. Cho dù đảng phái tả hoặc phái hữu lên nắm quyền đều không thay đổi thể chế nhà nước, cũng tức là nói không thay đổi giá trị quan hiện có.
Trên thành lầu Thiên An Môn có hai biểu ngữ lớn: “Nước CHND Trung Hoa muôn năm” và “Nhân dân thế giới đại đoàn kết muôn năm”. Khi Trung Quốc yêu cầu thế giới thừa nhận nước CHND Trung Hoa, đồng thời Trung Quốc cũng cần thừa nhận sự lựa chọn của nhân dân các nước trên thế giới; nếu không thì nhân dân Trung Quốc chẳng thể nào đoàn kết được với nhân dân thế giới. Nếu chúng ta không thừa nhận giá trị quan mà nhân dân thế giới tự lựa chọn thì chúng ta sao mà có thể đại đoàn kết muôn năm với nhân dân thế giới?
Có lẽ có người cho rằng chỉ có giá trị quan phương Đông của Trung Quốc là đúng đắn, phải dùng giá trị quan phương Đông của Trung Quốc để thống nhất thế giới, giải phóng nhân dân những nước còn bị giá trị quan phương Tây đè nén? Vì thế mà phải đoàn kết, dẫn dắt nhân dân thế giới chống lại giá trị quan phương Tây?
Thụy Điển là điển hình của chế độ hai đảng nhiều lần thay nhau cầm quyền. Có thể hai đảng ấy có quan điểm khác nhau nhưng họ có được sự thống nhất về giá trị quan hiến pháp dưới cùng một chính thể nhà nước. Dù đảng nào cầm quyền thì đều là kết quả lựa chọn của nhân dân, không phải là đấu tranh giai cấp, cũng không phải là đấu tranh súng ống, càng không phải là đấu tranh đòi thay đổi chế độ nhà nước.
Nhân dân các nước phương Tây đó dùng lá phiếu bầu cử để lựa chọn chế độ nhà nước, dĩ nhiên kể cả lựa chọn hiến pháp và luật pháp cũng như giá trị quan thể hiện trong hiến pháp. Đương nhiên họ cũng có thể dùng cách bỏ phiếu để lựa chọn giá trị quan và hiến pháp nhà nước mà họ tán thành. Nếu họ ở lại quốc gia nào thì có thể coi là họ lựa chọn giá trị quan của quốc gia đó. Thế thì tiền đề của sự đại đoàn kết nhân dân thế giới là phải thừa nhận hoặc tiếp thụ sự lựa chọn của họ.
Nhân dân mỗi một quốc gia đều có quyền lựa chọn giá trị quan của mình. Các giá trị quan ấy có thể khác nhau, nhưng không thể vì mình có giá trị quan khác người ta mà phải phản đối [giá trị quan của họ]. Làm như thế thì khác gì đặt nhân dân Trung Quốc lên mặt đối lập với nhân dân thế giới, sao có thể nói đoàn kết được?
Nếu giá trị quan của chúng ta có tính ưu việt hơn giá trị quan phương Tây, nếu Trung Quốc muốn thế giới tiếp thu giá trị quan của Trung Quốc, thế thì tại sao không thể công khai để hai loại giá trị quan ấy lên cùng một mặt sàn mà cạnh tranh với nhau? Lại vì sao mà sợ giá trị quan phương Tây? Nếu không có quyền lựa chọn thì làm thế nào để nhân dân thế giới bị giá trị quan phương Tây “ô nhiễm” có thể đoàn kết với nhân dân kiên trì giữ giá trị quan phương Đông nhỉ?
Trung Quốc xưa có câu “Cầu đồng tồn dị” [tìm điểm chung, gác lại điểm bất đồng]. Các quốc gia và nhân dân trên toàn thế giới không thể chỉ có một loại giá trị quan, không thể đều cùng sống trong cùng một chế độ chính trị, không thể đều chỉ có một tín ngưỡng (kể cả tín ngưỡng tôn giáo), nhưng họ vẫn có thể cầu đồng tồn dị, chứ đâu phải là cứ một mực từ chối và phản đối, lại càng không e sợ biết được rằng có sự bất đồng trên các nhận thức đó, đâu phải là từ chối tìm hiểu chủ trương giá trị quan của các nước phương Tây. Nếu không thì làm thế nào để đoàn kết với nhân dân các nước đó?
Chủ nghĩa Mác không sinh ra ở Trung Quốc. Cách mạng Tháng Mười do Lenin lãnh đạo từng là tấm gương của người cách mạng Trung Quốc, cũng không đến từ Trung Quốc. Cuộc chiến tranh chống Nhật là một phần của cuộc chiến tranh chống phát xít do các nước trên thế giới không phân biệt Đông Tây liên hợp lại. Nhiều pháp luật pháp quy sau cải cách mở cửa đều được lợi từ việc học tập các nước trên thế giới hoặc phương Tây.  Việc vay mượn vốn của các nước không phân biệt Đông Tây, việc giao lưu buôn bán với các nước không phân biệt Đông Tây, việc sở hữu nhiều ngoại tệ và trái phiếu của phương Tây đều là những hành động mà thời kỳ Cách mạng Văn hóa không thể tiếp thụ.
Không có ảnh hưởng từ các chủ nghĩa và giá trị quan vốn dĩ không phải của Trung Quốc ấy thì có lẽ không có thành tựu Trung Quốc ngày nay hòa nhập vào thế giới. Biến các ưu điểm của phương Tây có lợi cho sự phát triển kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật của Trung Quốc thành nhân tố và sức mạnh để Trung Quốc lớn mạnh lên, lẽ nào không phải là một điều tốt ư? Ai có thể thể nói rõ ràng rằng trong đó không lén lút kèm theo giá trị quan phương Tây? Chẳng lẽ trong chế độ quản lý doanh nghiệp của phương Tây lại có giá trị quan của Trung Quốc? Lẽ nào chỉ trong trường học mới có giá trị quan phương Tây?
Giá trị quan tồn tại ở khắp mọi nơi mọi chốn. Lớn thì đến thể chế và luật pháp của nhà nước, nhỏ thì đến việc đối nhân xử thế, quyền lợi và sự tự do của con người, bảo vệ quyền sở hữu tài sản và sự giao dịch v.v… tất cả đều kết hợp chặt chẽ với giá trị quan. Nơi nào chỗ nào có thể chia tách rõ là nơi không có giá trị quan? Ngay cả đến Lễ hội tình yêu cũng đều bị gán giá trị quan Đông Tây, in dấu ấn giai cấp.
Bất cứ chính đảng, bất cứ người nào đều có thể có mục tiêu theo đuổi của mình, nhưng điều kiện của tự do cá nhân là không được gây trở ngại và phá hoại sự tự do của nhiều người. Giá trị quan anh theo đuổi cũng vậy, không được lấy điều kiện là đối lập với giá trị quan mà người khác theo đuổi. Chắc rằng cơ sở để nhân dân thế giới đoàn kết là ở chỗ họ có thể tìm kiếm được sự đồng thuận nào đó với nhau, như vậy thì mới có thể thực hiện được “tìm điểm chung, gác lại điểm bất đồng”.
Thời báo Hoàn Cầu phản pháo
Một ngày sau khi Nhiệm Chí Cường post bài nói trên, Thời báo Hoàn cầu, tờ báo anh em sinh đôi với Nhân dân Nhật báo (cơ quan của TƯ ĐCSTQ) liền có bài của Vương Đức Hoa phê phán đích danh Nhiệm Chí Cường.
Bài này có tiêu đề “Nhiệm Chí Cường lấy Cách mạng Văn hóa ra để nói chuyện là giấu đầu hở đuôi”. Nội dung tóm tắt như sau:
Đại gia bất động sản Nhiệm Chí Cường lại “nổ súng rồi”, “Ngữ bất kinh nhân thệ bất hưu” (Tạm hiểu: nếu câu văn viết ra chưa làm người đọc sửng sốt ngạc nhiên thì quyết chưa thôi viết). Ông ta lên án Chính phủ “Quá nhấn mạnh súng và dao, phản đối giá trị quan phương Tây, làn gió Cách mạng Văn hóa lại dấy lên rồi”. Ông còn trở thành “nhà lý luận”, dùng microblog đăng bài viết “Thế nào là giá trị quan phương Tây”, từng câu từng chữ toát ra mùi vị “độc tài chuyên chế, dân chủ hiến chính”, chẳng qua là để bảo vệ “giá trị quan phương Tây”.
Phát ngôn của Nhiệm Chí Cường lập tức được một số người hò reo khen hay, “Dám nói lời thật lòng, điều đó cần dũng khí, xin kính chào”, “Phản đối giá trị quan phương Tây là điều quá ư không thể hiểu được, [đó là ý định dùng] một cây gậy lật đổ nửa trái đất”, “Nhất thiết chớ có coi lời nói của Viên Quý Nhân là thật, chẳng qua ông ta nịnh bợ mà thôi” v.v…
Lý lẽ của Nhiệm Chí Cường có vẻ đúng nhưng thật ra là sai. Ông đề xướng giá trị quan phương Tây nhưng lại không giấu nổi “thứ bẩn thỉu dưới lớp áo da”, tức chế độ chính trị của phương Tây, mỗi người một phiếu, chế độ đa đảng, tam quyền phân lập v.v… Như ông ta nói “Nhà nước theo chế độ dân chủ, ai nắm quyền là kết quả của bầu cử”. Chính thể hiện hành của Trung Quốc không phải là mỗi người một phiếu, như vậy thì tính hợp pháp của việc Đảng Cộng sản nắm chính quyền trở thành vấn đề rồi, đây là then chốt của vấn đề.
Ông tâng bốc [chế độ] mỗi người một phiếu trong giá trị quan phương Tây là “chuẩn mực”, trở thành phương thuốc hiệu nghiệm giải quyết tất cả mọi vấn đề. Nhiệm Chí Cường cao giọng bàn về sự “cạnh tranh công bằng” của giá trị quan, nhiều lần tuyên bố giá trị quan chính trị của các nước là “sự lựa chọn của nhân dân”. Xin hỏi: chính thể hiện hành tại Iraq, Libya và Syria có phải đều là sự lựa chọn của nhân dân không? Cái giá trị phổ quát dùng tàu chiến máy bay bức ép người lương thiện làm việc xấu gây hại cho mọi người trên toàn thế giới còn chưa đủ chăng? Xưa nay giá trị quan tốt là anh tốt nhưng tôi còn tốt hơn anh, chứ đâu phải là anh tốt thì tôi đánh đổ anh.
Hiện nay hạt nhân của cuộc đấu tranh về giá trị quan là đấu tranh về chính thể. Trong mắt một số người, mọi vấn đề của Trung Quốc đều do chính thể một đảng cầm quyền gây ra, chỉ cần thực thi chế độ dân chủ phương Tây thì có thể giải quyết được vấn đề Trung Quốc. Dựa vào đâu để nói dân chủ phương Tây là chân lý đặt vào nơi nào cũng đúng? Dường như [ông ta] nắm được chân lý, dùng lý thuyết ấy áp dụng vào hiện thực Trung Quốc, [ông ta] thật là chẳng hề biết sợ.
Các nước không phải phương Tây mà làm theo mô hình phương Tây, về cơ bản làm lần nào thì thất bại lần ấy; Trung Đông và Ukraine đang ở trong cảnh loạn lạc là thí dụ rất hay. Giá trị quan phương Tây không hề có giá trị phổ quát. Cái chúng ta phản đối là thứ giá trị quan phương Tây dùng để làm chúng ta lóa mắt, muốn chúng ta trượt ngã. Xa rời tình hình nước mình, dập theo giá trị quan phương Tây, dù bề ngoài đẹp đẽ biết bao, thực ra chẳng qua là một chiếc vé đi xuống địa ngục, chỉ đem lại tai nạn cho dân tộc Trung Hoa.
Không tiếp thu thể chế chính trị phương Tây, phản đối giá trị quan phương Tây cưỡng ép thi hành, tấn công tham nhũng, sao [những cái đó] lại thành làn gió Cách mạng Văn hóa? ”Chống tham nhũng chống đến tận doanh nghiệp tư nhân”, “Doanh nghiệp dân doanh không có tham nhũng”, lẽ nào chống tham nhũng đến doanh nghiệp tư nhân đều là những vụ án sai án oan? Không vi phạm pháp luật thì sao lại sợ súng và dao gì đó? Lôi Cách mạng Văn hóa ra để nói chuyện là giấu đầu hở đuôi.
Có điều kỳ lạ là sau khi đăng lên trang mạng Thời Báo Hoàn Cầu mới được một ngày thì bài viết nói trên của Vương Đức Hoa đã bị tòa soạn gỡ bỏ. Cú phản pháo của tờ báo vào loại “to mồm” nhất Trung Quốc này “tịt ngòi” quá sớm. Cho tới nay chưa thấy Thời Báo Hoàn Cầu có thêm bài viết nào phê phán quan điểm của Nhiệm Chí Cường. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng đó là do lý lẽ của Vương Đức Hoa quá nghèo nàn và thiếu sức thuyết phục so với các giải thích khó có thể bác bỏ của Nhiệm Chí Cường, hay là do chủ trương ngăn chặn giá trị quan phương Tây thiếu tính khả thi?
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/02/29/nguoi-trung-quoc-tranh-luan-ve-gia-tri-quan-phuong-tay/#sthash.ffkilNPC.dpuf
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: