Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Trung Quốc ‘được nước lấn tới’ sau Hội nghị Sunnylands


25-2-2016
Trung Quốc đã hoàn chỉnh nhiều công trình quân sự, sân bay  trên đảo Chữ Thập (Trường Sa). Nguồn: báo TQ
Trung Quốc đã hoàn chỉnh nhiều công trình quân sự, sân bay trên đảo Chữ Thập (Trường Sa). Nguồn: báo TQ
Mỹ-Trung căng thẳng và nhiều ‘đấu khẩu’ kèm theo các động thái gây tranh cãi nhiều khi cũng khá gay gắt về Biển Đông. Những diễn biến và cảnh huống như vậy không phải đến bây giờ mới ‘có vẻ căng thẳng’. Vấn đề Biển Đông với mưu đồ bành trướng của Trung Quốc bộc lộ rõ qua việc công khai hóa ‘đường lưỡi bò’ kèm theo những hoạt động trắng trợn ngày càng gia tăng quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông đã khiến mối quan hệ Mỹ-Trung có những diễn biến phức tạp khác thường. Mỹ chưa dừng chiến lược ‘xoay trục’ sang Đông Nam Á, Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng không ngừng mọi thủ đoạn và hành động với sách lược ‘trỗi dậy hòa bình’, đoạt  chiếm Biển Đông.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN mới đây tại Sunnylands (Califonia –Mỹ) thể hiện rõ sự quan tâm ‘khá toàn diện’ của Mỹ đối với Châu Á-Thái Bình Dương mà điểm nóng là Đông Nam Á. Những nỗ lực thúc đẩy tác chiến lược Mỹ-ASEAN được các nước ASEAN chú trọng hơn, và Mỹ hầu như cũng đang dồn sức theo hiệu quả mong muôn. Theo một số nhà bình luận từ phía Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh bớt hình thức hơn là các hội nghị Mỹ-ASEAN thông thường với nhiều kết quả thương lượng cần đạt.
Văn kiện chung của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN là Tuyên bố Sunnylands, trong đó tái xác nhận các nguyên tắc cơ bản để thúc đẩy sự hợp tác đi tới. Văn kiện 17 đoạn liệt kê các nguyên tắc này, từ việc tôn trọng các chuẩn mực chung như tự do hải hành và phát triển kinh tế chung và bền vững đến quyết tâm chung giải quyết những vấn đề riêng biệt như khủng bố, buôn người và thay đổi khí hậu toàn cầu. Một cam kết chung của Hoa Kỳ và ASEAN cho một trật tự pháp luật trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương để gìn giữ hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ trong vùng đã được ghi nhận trong Tuyên bố chung. Trong đó nhán mạnh những nguyên tắc đề ra tàu bè có thể di chuyển an toàn trên đường biển thế nào; các chính sách hữu hiệu nhằm mở rộng và cạnh tranh trong lãnh vực kinh tế; vấn đề chấp hành Luật biển Quốc tế…
Ngoài ra, tại Hội nghị thượng đỉnh này cũng bàn về nối kết Mỹ-ASEAN (US-ASEAN Connect) là một đề xướng của chính quyền Hoa Kỳ nhằm tận dụng mạng ba chân vạc ở Đông Nam Á – Singapore, Jakarta, và Bangkok – để phối hợp nhịp nhàng hơn các hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ trong vùng và nối kết giới doanh nghiệp, đầu tư và thương mại. Chủ yếu tập trung vào việc phối hợp và nối kết các chương trình và cấu trúc hiện thời của Hoa Kỳ, đã và sẽ thông qua nhiều hội thảo giao thương để giúp 6 quốc gia Đông Nam Á chưa là thành viên của TPP tìm hiểu hiệp ước này cũng như những cải tổ cần thiết để tham gia trong tương lai. Hiện thời chỉ có bốn thành viên ASEAN có trong TPP (Brunei, Mã Lai, Singapore và Việt Nam), ba quốc gia đang muốn vào (Indonesia, Phi Luật Tân, Thái Lan), và ba quốc gia khác hiện nay không đủ điều kiện tham gia vì không thuộc Diễn đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (Lào, Miến Điện, Cam Bốt). Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands rất ít đề cập đến những tố cáo và luận trình ‘đúng nồng độ’ việc đang rất nóng là Trung Quốc xây các đảo nhân tạo, xây sân bay, đưa các hoạt động quân sự ra Hoàng Sa và Trường Sa. Hoa Kỳ chỉ có những động thái ‘sau hậu trường’ hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á những vấn đề liên quan đễn Trung Quốc và biển Đông, khiến dư luận cho rằng đây là sự né tránh rất tế nhị.
Có lẽ vì thế, mấy ngày qua cùng với việc ‘chu tất’ cả nội dung và phương sách cho chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao TQ, ông Vương Nghị, sang Hoa Kỳ, Trung Quốc tăng cường các hoạt động xây dựng căn cứ quân sự lâu dài, đưa máy bay và các phương tiện, khí tài chiến đâu hiện đại ra khu vực các đảo đã chiếm giữ và đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa.
Ngày 24-2, trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Quốc Hội Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris, Tổng Tư Lệnh hạm đội Thái Bình Dương, loan báo Hải quân Hoa Kỳ chuẩn bị tiến hành các chuyến hải hành tuần tra Biển Đông nhằm bảo vệ quyền tự do đi lại trong vùng biển này, trước sự bành trướng bá quyền quân sự vùng Đông Á của Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ phối hợp với các đồng minh là Nhật Bản và Nam Hàn để thực hiện các chuyến hải hành này. Đô đốc Harris khẳng định rằng “Trung Quốc đang mưu tìm bá quyền ở Đông Á”. Theo ông H. Harris: ngoài việc Bắc Kinh gần đây bố trí tên lửa HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc còn thiết lập hệ thống radar trên Đá Châu Viên thuộc Trường Sa, và xây các đường băng tại khu vực radar. Mới đây, Hoa Kỳ còn phát hiện Trung Quốc đưa cả chiến đấu cơ ra Hoàng Sa.
Theo Ông Darryn James, một sĩ quan cao cấp của Hải Quân hoa Kỳ xác nhận với báo chí thì loại máy bay mà Trung Quốc đưa ra đảo Phú Lâm là chiến đấu cơ tối tân. Đây là nỗ lực chiếm lĩnh quân sự vùng Đông Á của Bắc Kinh, Đô Đốc Harris đề nghị hải quân Mỹ cung cấp thêm các tàu ngầm tấn công tới Châu Á, tăng cường hiện đại hóa thiết bị, đầu tư vào các phi đạn thế hệ mới để đối phó với các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc. Cũng vậy, trong mấy ngày qua, tình báo Mỹ đã phát hiện nhóm chiến đấu cơ Shenyang J-11  và Xian JH-7 đã được Trung Quốc đưa tới đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 23-2, cùng ngày ông Vương Nghị đến thăm Hoa Kỳ và gặp Ngoại trưởng John Kerry tại Bộ Ngoại giao ở Washington, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng “Các chi tiết cụ thể của việc đưa máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn tiến xa hơn tham vọng trong khu vực.”
‘Vừa ăn cướp vừa la làng’, Trung Quốc tố ngược Mỹ đã gây căng thẳng trên Biển Đông bằng các hoạt động giám sát, tuần tra bằng tàu và máy bay những năm gần đây. Nhà cầm quyền Trung Nam Hải còn tung ra nhiều chiêu cáo buộc Mỹ và các nước ASEAN trong việc “có nhiều hoạt động làm rối Biển Đông”. Trung Quốc đưa ra nhiều ngụy biện rất vô lý về các hành động tăng cường quân sự trên biển Đông, đặc biệt tại Trường Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 22/2 nói, Bắc Kinh phản đối việc Washington dự định triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới bán đảo Triều Tiên. Bà Hoa cho rằng vũ khí này không nên được dùng để “làm suy yếu lợi ích hợp pháp của Trung Quốc”. Một quan chức Mỹ khẳng định với hãng AFP rằng Bắc Kinh đã triển khai hệ thống tên lửa HQ-9 với tầm bắn 200 km tới đảo Phú Lâm và chính Trung Quốc đã không ngần ngại xác nhận họ có “vũ khí” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trước hiện tình đó, Mỹ cáo buộc Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông qua việc triển khai tên lửa phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Ngoại trưởng Kerry cho rằng: “Có bằng chứng cho thấy mỗi ngày hoạt động quân sự đang gia tăng theo cách này hay cách khác. Đó là mối lo ngại nghiêm trọng”, ông nói khi đề cập tới những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nói:“Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rằng không tiến tới quân sự hoá ở Biển Đông”, và nhấn mạnh “sẽ tiếp tục trao đổi nghiêm túc hơn nữa với phía Bắc Kinh về vấn đề này”. Tin từ hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết, Mỹ sẽ “gây sức ép buộc Trung Quốc phải hạ nhiệt căng thẳng và ngừng việc quân sự hóa ở Biển Đông”.
Thế nhưng mới đây, trả lời câu hỏi về thông điệp mà Trung Quốc sẽ gửi đến Mỹ liên quan đến tình hình Biển Đông, bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố, Mỹ cần tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông và ngừng ngay việc làm trầm trọng hóa vấn đề hoặc làm leo thang căng thẳng. Bà Oánh nhấn mạnh, Mỹ không phải là bên có tranh chấp ở Biển Đông nên vấn đề Biển Đông không nên trở thành vấn đề chung giữa Mỹ và Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ cần đóng vai trò xây dựng trong vấn đề Biển Đông bởi theo bà Hoa Xuân Oánh, việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực sẽ đảm bảo được lợi ích chung cho Trung Quốc, Mỹ và các bên liên quan. Bà Hoa Xuân Oánh chỉ trích Mỹ vì cáo buộc Trung Quốc “cố tình quân sự hóa tình hình Biển Đông” và nhấn mạnh: “Phía Mỹ đang dùng sai từ ngữ bởi những công trình quốc phòng mà Trung Quốc xây dựng trên lãnh thổ của mình [trên thực tế Trung Quốc đã ngang nhiên ra yêu sách chủ quyền đối với hầu khắp Biển Đông và coi đó là lãnh thổ của mình-ND] cũng chẳng khác gì những gì Mỹ làm ở Hawaii”.
Bà Oánh còn thẳng thừng tuyên bố, việc Trung Quốc xây dựng các công trình trên các đảo của mình ở Biển Đông là vì mục đích dân sự, không liên quan gì đến việc “quân sự hóa tình hình Biển Đông”.
Hầu như có sự ‘tự mãn, yên bề bởi thái độ của Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands, bà Hoa Xuân Oánh khẳng định: “Mỹ không tham gia vào tranh chấp Biển Đông; điều này không và không nên trở thành một vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ. Việc triển khai các cơ sở quân sự phòng thủ cần thiết, hạn chế của Trung Quốc trên lãnh thổ của mình (?) về cơ bản không khác gì việc Mỹ củng cố phòng thủ ở đảo Hawaii”!
Tin mới nhất từ RFA, hôm qua, 24-2, tư lệnh Bộ chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris, phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng Viện rằng Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát khu vực Đông Á. Theo vị đô đốc này thì Bắc Kinh muốn vị thế bá quyền tại đó. Bà Hoa Xuân oánh, phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lặp lại rằng không có tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa do đó Bắc Kinh có thể bố trí những gì muốn có trên lãnh thổ của mình. Tin tức về việc Trung Quốc đưa phản lực cơ chiến đấu ra đảo Phú Lâm như vừa nêu được đưa ra vào khi ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm qua trước cuộc gặp người tương nhiệm Trung Quốc Vương Nghị ở Washington DC lên tiếng nhắc lại rằng biện pháp quân sự hóa các cơ sở tại Biển Đông không hề giúp được gì vào nổ lực giải quyết tranh chấp chủ quyền trong khu vực đó. Phát biểu trước Ủy ban Ngoại vụ Thượng Viện, ông Kerry nói rằng Hoa Kỳ khuyến khích giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: