Đặng Văn Sinh
Bất cứ ai lần đầu tiếp xúc với “Hỗn độn”* cũng sẽ bị mất phương hướng vì tác phẩm được phối hợp bởi nhiều loại văn bản khác nhau theo trình tự phi tuyến tính rất đặc trưng của thi pháp tiểu thuyết Hậu hiện đại. Tuy nhiên, “Hỗn độn” không hoàn toàn được viết theo khuynh hướng Hậu hiện đại. Nó là sự tổng hợp của nhiều thể loại khác nhau, trong đó, ngoài Hiện thực cổ điển, Hiện thực huyền ảo, còn thấp thoáng phong cách Liêu trai dưới dạng ẩn dụ với nhiều cấp độ khác nhau. Nói cách khác, với “Hỗn độn”, Nguyễn Khắc Phục có tham vọng biến tác phẩm của mình thành sản phẩm đa khuynh hướng, một thứ “hỗn độn” cả về lý thuyết lẫn thực hành như là sự thể nghiệm chưa từng có về “công nghệ sắp đặt”, bởi vì theo cách suy nghĩ của nhân vật chính Nguyễn Văn Rơm “hỗn độn” cũng là một thứ trật tự.
Về mặt bố cục, “Hỗn độn” được hình thành dựa trên dạng kết cấu mở giống như thực thể sinh động tiềm tàng thuộc tính đàn hồi, có thể bao quát được nhiều loại hình khác nhau mà không bị bão hòa cả về mặt sinh học lẫn cơ học. Logique của hệ thống văn bản này dựa trên sự tương thích giữa hoàn cảnh, tình huống và tâm trạng, bao hàm cả những khái niệm triết học mù mờ của dàn nhân vật nửa thực nửa hư.
Nếu những chỉ dấu về khuynh hướng Hậu hiện đại được hiển thị tương đối rõ nét qua 64 tiểu mục với hàng loạt tựa đề mà nội dung văn bản thường không ăn nhập với nhau, thì các chi tiết, tình tiết như một dạng tiểu tự sự lại diễn ngôn xen kẽ giữa tính nghiêm túc của loại chính văn với tính giễu nhại của loại phúng thích.
Khác với tiểu thuyết Hậu hiện đại thuần túy được sáng tác dựa trên lý thuyết nguyên thủy, “Hỗn độn” có vẻ như được hình thành từ khuynh hướng “kép”, giống như cặp Rơm và Nàng, kết hợp được cả Hậu hiện đại lẫn Hiện đại tạo nên một văn bản nghệ thuật đa phong cách, trong đó, yếu tố “đại tự sự” không bị “giải cấu trúc” hoặc đẩy ra vùng “ngoại biên” mà ngược lại, đã tham gia một cách tích cực vào quá trình hình thành tác phẩm cũng như điều tiết các mối quan hệ với tiểu tự sự.
Như vậy, về mặt cốt truyện, đọc “Hỗn độn” ta được tiếp xúc với ít nhât hai loại văn bản. Loại “chính văn” thuộc khuynh hướng hiện thực cổ điển và loại giễu nhại thuộc khuynh hướng Hậu hiện đại. Hai khuynh hướng này, lúc thì hoạt động riêng rẽ, lúc lại lồng vào nhau tạo thành cấu trúc lưỡng cực xoay quanh một trục giả tưởng. Người đọc có thể tìm thấy ở đấy, qua hiệu ứng thẩm mỹ những biến thiên của thời cuộc qua hàng loạt thân phận con người được tác giả nhào nặn, thậm chí thao túng như một thiền sư đắc đạo, đạt đến cảnh giới thượng thừa, tiên đoán được lẽ huyền vi của tạo hóa.
Về một mặt nào đó, có thể xem “Hỗn độn” có một đại tự sự xuyên suốt toàn bộ tác phẩm với tư cách “phản ánh hiện thực” được giấu dưới lớp vỏ Hậu hiện đại, nếu biết bóc tách nó người đọc sẽ nhận ra tư tưởng của nhà văn thông qua cuộc đời Nguyễn Văn Rơm. Đến đây, dù muốn hay không, ta vẫn phải thừa nhận, Rơm là một đại tự sự. Anh ta chiếm một vị trí quan trọng ở trung tâm tác phẩm với nhiều mối quan hệ xã hội, khu biệt hẳn với với các nhân vật Hậu hiện đại thường xuất hiện trong các tiểu tự sự, và không hiếm trường hợp, bị đẩy ra vùng ngoại biên. Rơm là nhân vật trung tâm tạo nên một trường lực hấp dẫn hàng loạt nhân vật vệ tinh xoay quanh ở những khoảng cách khác nhau tạo nên một tiểu vũ trụ vô cùng phức tạp.
Dưới góc nhìn của Chủ nghĩa hiện thực cổ điển, sẽ có người cho rằng Rơm không điển hình mà chỉ là sản phẩm hư cấu của một đầu óc hoang tưởng, được lắp ghép vô tội vạ theo kiểu tùy hứng, nhất là những đấng bậc tai to mặt lớn luôn có thói quen chăn dắt đám bách tính u mê, dễ bảo như Đấng Không Cảm, Bậc Giả Hình hay Người Đa Nghi. “Thời đại hôn ám” của Rơm được đánh giá là cực kỳ nguy hiểm vì đó là sản phẩm của một “Kẻ Phao Tin” ngược chiều chính thống, toàn những chuyện hư hư thực thực, chứa đầy những ký hiệu, những ám thị, những ẩn ngữ của một gã nửa tâm thần nằm trong cũi sắt Trại Cuồng Quá Cảnh đợi ngày ra bãi tha ma hoặc lên đài hóa thân Hoàn Vũ. Tuy nhiên, trên thực tế, Rơm và “Thời đại hôn ám” phức tạp hơn nhiều. Rơm không chỉ là vấn đề xã hội mà còn mang tư tưởng triết lý. Nói một cách dễ hiểu, bằng phương pháp Hậu hiện đại, tính cách điển hình của Rơm bị nhòe mờ, thay vào đó là những mảnh ghép gần như ngẫu nhiên bị đẩy ra khỏi trung tâm của trường hấp dẫn nhưng vẫn hiển lộ “bản lai diện mục” qua hàng loạt những thao tác phụ trợ, trong đó có những hồi ức được “liêu trai hóa” tạo nên những bối cảnh mang nặng âm tính như Ngõ Vong, trường bắn Cầu Một Nhịp hay Xóm Dựa Cột…. Thế nhưng, khi gạt bỏ lớp sương mù lảng vảng những hồn ma âm u, người tinh ý sẽ nhận ra ngay một thực thể kiến trúc giống như tòa lâu đài xây trên hoang mạc, không cần nền móng lại có tham vọng trường tồn, nên đã tạo ra hàng loạt bi kịch lịch sử. Đó là hệ ý thức chắp vá được tích hợp giữa sản phẩm văn hóa đầy khuyết tật từ cả ngàn năm trước với thứ triết thuyết cũ rích sặc mùi nghĩa địa, một thời từng được rao bán ầm ĩ nhưng giờ đã yên vị trong sọt rác nhân loại.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Rơm rất xứng đáng là hình ảnh tiêu biểu cho người nghệ sĩ Lạc Quốc mà tác giả gọi một cách mỉa mai là “Kẻ Phao Tin”. Ở vào hoàn cảnh chính trị, xã hội như Lạc Quốc, việc Rơm có nguồn gốc xuất thân không bình thường, bị tha hóa chẳng có gì là khó hiểu. Trong con người Rơm hội tụ đủ các tính chất điển hình của một nền chính trị nhếch nhác. Rơm là sản phẩm của thiết chế văn hóa đương đại nhưng cũng là di sản của quá khứ, một quá khứ u ám, bạc nhược, luôn lép vế trong các mối quan hệ đồng đẳng nhưng lại vượt trội ở tố chất “Phao Tin” và tự huyễn hoặc mình bằng công thức A.Q.
Về mặt hiện tượng, Nguyễn Văn Rơm có thành phần xuất thân và một nhân cách nghệ sĩ quá phức tạp. Có lúc anh ta là điển hình cho tầng lớp “Phao Tin” vừa đói khát về vật chất vừa bệ rạc về tinh thần chẳng khác gì một kẻ bần cùng dưới đáy xã hội. Đương nhiên, như phần đầu chúng tôi đã nhắc đến, Rơm không phải là một cá thể suy thoái nhân cách mà thực ra là cả một cộng đồng đang có nguy cơ biến đổi gene. Từ Rơm thành “Bọn Rơm”. Rơm có mặt khắp nơi, tham gia vào mọi trò du hý trong một giới hạn “nhà cái” cho phép, từ đàn đúm nhậu nhẹt, viết thuê đủ loại hồi ký, chơi gái mại dâm đến vào nhà thương điên hoặc tự tử nhưng dứt khoát không được phao tin đồn nhảm mà luôn được định hướng theo quan điểm của các đấng bề trên. Chính vì thế, nảy sinh cả một giai cấp Người Rơm tự nhiên mất cắp hộ chiếu, biến mình thành thứ rẻ rách nhan nhản khắp vương quốc. Chân dung Người Rơm được tác giả (rất có thể cũng là một Rơm) phác thảo chỉ vài đường nét nhưng xem ra khá chính xác nếu nhìn nhận từ phía những “Kẻ Phao Tin” hàng ngày sống vất vưởng bằng vài đồng nhuận bút còm. Có thể nói, chính Rơm tự họa khuôn mặt quái đản của mình: “Người Rơm là tất cả những ai bị xóa bỏ hay tự xóa bỏ, toàn bộ nhân thân, gốc rễ, ký ức, tương lai... của mình, bị xua đuổi hoặc trốn chạy, rơi vào tình trạng vô thừa nhận không riêng trên những miền đất hứa mà ngay tại nơi mình chôn nhau cắt rốn” (Hỗn độn, tr. 7). Và cũng thật khó hiểu, trước vong hồn nhà thơ Mũ Sắt, Rơm lên giọng triết lý như một nhà tư tưởng dự báo cho số phận con người: “Rơm là biến thái cuối cùng của kiếp Người trước khi quay về chính nơi y được một Đấng nào đó gửi đến đây với những ý đồ rất khó đoán định, hoặc là để chứng tỏ ta đây thừa mứa quyền năng, hoặc là để thực hiện các kế hoạch siêu việt, hoặc chỉ đơn giản do ngẫu hứng và thói ưa nhiễu sự của Kẻ Rách Việc Vĩ Đại...” (Hỗn độn, tr. 38).
Cũng như Rơm, Anh Hề, Con Tin, nhà thơ Mũ Sắt, Thiện Sĩ, Thày Lang, Bác Mộng, thậm chí cả Người Xanh, Ngợm Xám…, đều thuộc giai tầng Rơm, được tổng hợp từ nhiều thành tố, trong đó có cả những yếu tố độc hại lưu cữu trong bộ nhiễm sắc thể văn hóa Lạc Quốc do tổ tiên để lại. Về chuyện này, Rơm cũng đã tự thú nhận, rằng mình chỉ là loại sản phẩm phế thải, biến thành xác chết vô thừa nhận đang phân hủy về mặt lý thuyết.
Không phải ngẫu nhiên, một trong hai tác giả của tập bản thảo rớm máu mà nhà văn mua lại được từ chị đồng nát viết những dòng cảm khái sau đây: “Trong cả mớ hỗn danh quái gở ấy, thì tên Rơm đáng sợ nhất, nó chứa đựng số kiếp không riêng của nàng, mà của hàng triệu người trên cái đất nước khốn khổ này. Rơm rạ. Trôi dạt, nhẹ bẫng cọng rơm rác. Bị bỏ rơi. Bị khinh miệt. Bị giày xéo. Tị nạn. Bị lưu đày, tự giác hoặc bất đắc dĩ. Và có lẽ, đúng nhất Rơm dễ bị cháy...” (Hỗn độn, tr. 26). Thế nhưng, Rơm lại là một “Kẻ Phao Tin” đặc biệt trong các mối quan hệ xã hội vô cùng phức tạp. Ở lớp văn bản thứ nhất, tạm gọi là hiện thực, người đọc có thể xếp Rơm vào nhân vật trung tâm (một ngoại lệ không tương thích với lý thuyết Hậu hiện đại), và châu tuần xung quanh anh ta, ngoài hai gã Người Xanh, Ngợm Xám hành nghề xe ôm, thu nạp được từ Xóm Dựa Cột, lúc nào cũng kè kè bên mình, Rơm luôn có hàng tá bằng hữu trong đám văn nghệ sĩ “thành tích bất hảo” hoặc hành tung mờ ám như Thiện Sĩ, Anh Hề…, luôn được Đấng Không Cảm, Bậc Giả Hình hay Người Đa Nghi chăm sóc chu đáo vì nền an ninh Lạc Quốc. Nếu những hội viên lương thiện trong Hội Phao Tin coi Rơm là một tài năng thì dưới con mắt nhà cầm quyền, anh ta là điển hình cho loại văn nghệ sĩ thoái hóa biến chất, là trung tâm của đám người bất đồng chính kiến, chuyên phao tin bậy bạ, gây mất niềm tin của thần dân với triều đình.
Thật ra, cuộc đời Rơm là một chuỗi những thất bại ê chề được tác giả diễn đạt khá sinh động từ nhân thân đến sự nghiệp cầm bút, cầm cọ. Rơm có một căn cước luôn tiềm tàng khả năng vào trại tâm thần hoặc trại cải tạo bởi những ý tưởng nổi loạn, nhưng lại cũng rất nhu nhược, hèn nhát, thỏa hiệp trước những cám dỗ bởi nhu cầu vật chất tối thiểu. Câu chuyện anh ta buộc phải bán bản thảo “Thời đại hôn ám” cho gã chủ quán thịt chó Tạ Quay với giá rẻ mạt lấy tiền chữa chạy cho vợ, cùng thói máu mê cờ bạc đến nỗi cháy túi bị chủ trọ tống ra khỏi Ngõ Vong, hay vụ scandal cô vợ lăng loàn lao vào cơn lốc hụi đen, qua mặt chồng, lòng thòng với giám đốc Hồng Chuyên, bị đầu gấu xiết nợ, cũng chỉ là một cảnh trong vở bi hài kịch không tiền khoáng hậu.
Song hành với Rơm, văn bản hiện thực còn tạo ra mối liên kết, móc xích với hàng loạt văn bản thứ cấp, thường xuất hiện xen kẽ không theo bất cứ trình tự nào nhưng đều có giá trị tự thân nhằm bổ sung cho hình ảnh Rơm thêm đậm hơn về khả năng biến dạng của nhân cách, tha hóa tâm hồn, hay nói theo ngôn ngữ của chính Rơm: “sự thối rữa linh hồn”. Những nhân vật này phần lớn đều là thành viên của Hội Phao Tin nhưng ở đẳng cấp thấp hơn vì những lý do tế nhị, cho dù, trong đám ấy, không ít kẻ có thực tài thuộc thành phần nguyên khí quốc gia.
Như vậy, thân phận Rơm là thân phận của một lớp người vừa có tính cá biệt lại vừa mang tính cộng đồng, đang ngụp lặn trong một môi trường ô nhiễm, bị các loại virus độc hại tàn phá, không gian sinh tồn bị thu hẹp dẫn đến tình trạng, muốn tồn tại phải biến đổi gene. Cái chết của Nhà Thơ Mũ Sắt, vụ tự tử của Con Tin sau khi buộc phải nghỉ hưu hay cảnh thi hành án tử hình ở trường bắn Cầu Một Nhịp, xét đến cùng đều là cái chết về thể xác bằng những phương thức khác nhau, không đáng sợ với người dân Lạc Quốc vốn đã quá nhờn với súng đạn sau mấy cuộc chiến khốc liệt, nhân danh đủ thứ tốt đẹp. Cái chết về tâm hồn của cả một cộng đồng đáng sợ hơn nhiều. Theo nhận định của Rơm, dường như dân tộc Lạc đang chờ đợi một cái chết từ từ, mà Nàng - cũng là một Người Rơm – gọi là “tự đánh mất hộ chiếu”.
Rơm là một thực thể trong đám nhân quần nhếch nhác với cái đầu hoang tưởng trong cũi sắt trại Cuồng Quá Cảnh, nhưng cũng có thể chỉ là huyễn ảnh mang tính biểu tượng của lối tư duy ngược kiểu người trồng cây chuối khi mà linh hồn anh ta đang thối rữa. Ở lớp văn bản thứ hai này, hệ thống tiểu tự sự và chuỗi nhân vật ngoại vi bỗng nhiên gia tăng đột ngột. Trong khi ấy, các khái niệm thời gian và không gian vật lý dường như đã chuyển thành thời gian và không gian ảo. Toàn bộ các sự kiện được diễn dịch theo một quy trình phi logique, luôn có xu hướng phá vỡ cấu trúc ổn định, chẳng những không thể kiểm soát mà còn tạo ra vô số câu hỏi hoài nghi về bản chất của chúng.
Có thể nói, cấu trúc “Hỗn độn” càng đọc càng rối, hệt như lạc vào ma trận. Ở đó, cái thực chìm khuất trong cái ảo, cái sống lặn ngụp trong cõi chết, cái vĩnh cửu sóng đôi với khoảnh khắc, tất cả tạo nên một mớ bòng bong, không phải ở dạng xã hội học mà ở cấp độ triết học, có thể tìm thấy từ Platon, Nietzsche, Hegel, Heidegger, đến Lão Tử, Trang Tử và cả chuyên gia phân tâm học Freud trong tư tưởng của các nhân vật thuộc thành phần công dân khố rách áo ôm Lạc Quốc dưới đủ các hình thái Phao Tin.
Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đặt tên cho các tiểu mục toàn bằng những danh xưng hay khái niệm phiếm chỉ, mà hầu hết trong số đó, giữa văn bản ngôn từ và văn bản ngữ nghĩa không tương ứng với nhau. Nói cách khác, nếu chỉ đọc các đề mục mà bỏ qua nội dung đề mục, ta sẽ bị tác giả “qua mặt” bởi cách “nói một đàng làm một nẻo” rất phổ biến của khuynh hướng Hậu hiện đại. Chẳng những thế, không ít tiểu mục, ở phần đầu tác giả sử dụng lối kể truyền thống một cách lớp lang, có không gian thời gian tuyến tính, có nhân vật với đầy đủ diễn biến tâm trạng, có đối thoại, có độc thoại, đôi khi còn sử dụng phong cách văn chương trữ tình, tuy nhiên, ngay sau đấy, một loạt hiện tượng ma quỷ hiện hình với những ảo giác, những cô hồn từ cõi mê bất ngờ xuất hiện đồng loạt tạo nên vô số tiểu cảnh kịch tính bằng thứ ngôn ngữ lãng đãng liêu trai ma mị của những oan hồn vật vờ nơi hoang địa từ lâu không được siêu thoát.
Ngoài việc văn bản ngôn từ và văn bản ngữ nghĩa vênh nhau, các loại văn bản khác dưới hình thức liên kết hoặc phái sinh cũng không trùng khớp ở mức độ khác nhau. Phần thừa ra giữa hai loại văn bản này tạo thành sự tương tác, đôi khi lại triệt tiêu nhau qua công đoạn giải cấu trúc và giễu nhại.
Nói “Hỗn độn” có một trung tâm là theo cách gọi của Chủ nghĩa hiện thực cổ điển, còn xét dưới góc độ Hậu hiện đại, nó có khá nhiều trung tâm khi ta khảo sát dạng văn bản thứ hai, nhất là những phần chờm ra vùng ngoại biên. Văn bản Hậu hiện đại khá lỏng lẻo, gồm nhiều loại tiểu tự sự được ráp nối với nhau theo cấu trúc trò chơi xếp hình. Dạng cấu trúc này, trung tâm và ngoại biên luôn có khả năng đổi chỗ cho nhau. Vì thế, nhân vật Rơm cũng như Nàng, Người Mất Mặt, Con Tin hay Nhện Mù Tám Chân thường xuất hiện như những đơn vị protein trong chuỗi tế bào gốc. Tuy nhiên, khác với cấu trúc DNA vốn luôn trong trạng thái ổn định, các văn bản của cuốn sách lại được phát sinh tùy theo hoàn cảnh và tăng trưởng theo dãy số bí hiểm được mã hóa bằng những ký hiệu. Đây chính là nguyên nhân mỗi khi tiếp xúc với văn bản, người đọc cần phải lựa chọn phương pháp đọc, nếu không , sẽ bị sa lầy trong mớ bòng bong những từ ngữ được tổ hợp bởi nhiều mô hình câu, nhiều cấu trúc ngữ pháp phức tạp.
Như phần đầu chúng tối từng nhắc đến, yếu tố Hậu hiện đại đầu tiên của cuốn truyện đã tác động ngay đến tâm lý người tiếp nhận. Tuy rằng đó chỉ là lớp vỏ của “Hỗn độn”, nhưng một khi giở lướt qua hơn sáu mươi tiểu đề mục với hơn ba chục danh xưng, độc giả sẽ phải giật mình bởi sự kỳ quái chưa bao giờ thấy trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Nói một cách nghiêm túc, đó là một mớ từ ngữ có xu hướng “khiêu khích”, chẳng những nó loại bỏ hoàn toàn lớp từ Hán - Việt truyền thống, thay vào từ thuần Việt lạ tai, gai góc, mà còn sử dụng loại từ không hề tu sức chỉ sự vật một cách trần trụi, như cố tình gây trêu ngươi các nhà khoa bảng từng được đào luyện một cách trong hệ thống trường ốc nổi tiếng về khoa “đạo đức giả”! Đó là những địa danh như “Ngõ Vong”, “Thành Rốn Rồng” (Long Đỗ), “Thành Phố Không Mùa”, “Sông Vành Tai” (sông Nhĩ Hà), “Phường Đạo Sắp Thành”, “Thành Phố Váng Dầu”, “Ngã Tư Sáu Vú”, “Xóm Dựa Cột”, “Hẻm Thối”…, hay chùa chiền, miếu mạo, công sở…, như “Chùa Địa Ngục”, “Sở Căn Cước”, “Lạc Quốc” (nước Vui Vẻ hay nước của Chim Lạc(!?), “Trại Cuồng Quá Cảnh” (trại tâm thần), “Đấng Không Cảm”, “Bậc Giả Hình”, “Người Mất Mặt”, “Nhà Thơ Mũ Sắt v.v… Hầu hết những cụm từ trên đã bị dung tục hóa, giễu nhại hóa trong một giới hạn nhất định, có lúc khá tương thích với nội hàm tiểu mục, nhưng cũng không ít trường hợp chỉ là sự tương phản về hình thức gây hiệu ứng thẩm mỹ ở khía cạnh châm biếm, phúng dụ.
Quá trình diễn ngôn của “Hỗn độn”, ngoài Rơm mang tính biểu tượng cho lớp người được mệnh danh là những “Kẻ Phao Tin” ngược với chính thống, đang thối rữa linh hồn, tác giả còn “đẻ” ra hàng loạt nhân vật phụ trợ mà hình hài và nhân cách đều biến dạng đến mức quái dị. Phần lớn trong số ấy đều được khoác cho những cái tên phiếm chỉ căn cứ vào một hành vi vượt trội nào đó. Người đọc thừa biết chúng chỉ là những biệt danh mang tính sắp đặt, không loại trừ yếu tố ngẫu hứng, có điều, ở phần ruột của nó vẫn tiềm ẩn một ý tưởng. Chẳng hạn, Người Xanh, Ngợm Xám hành là cặp đôi, lúc nào cũng kè kè bên cạnh Rơm như hình với bóng, được miêu tả như hai vệ sĩ trung thành, tuy sở hữu một diện mạo khó coi nhưng lại chứng tỏ một tâm hồn cao cả. Hai gã cô hồn từng có hành vi nghĩa cử cứu ông chủ thoát khỏi cảnh “nhập kho” khi Rơm bị “Đấng Không Cảm” khám nhà vì liên quan đến bản thảo cuốn “Thời đại hôn ám”. Từ hai gã nửa người nửa ngợm này, ta có quyền liên tưởng đến anh giám mã Sancho Panza của ngài hiệp sĩ quý tộc Don Quixote. Người Xanh, Ngợm Xám không chỉ là hai quái nhân của trò chơi giễu nhại, mà ẩn phía sau lớp ngôn từ hài hước ấy, tác giả ngầm chỉ ra một căn bệnh trầm kha thời đại. Chỉ có trên đất Lạc Quốc, ở vào thời điểm xảy ra nhiều biến cố mới xuất hiện những quái nhân. Đó là dấu hiệu cho thấy sự thối rữa linh hồn mà chính Rơm và Nàng đã dự đoán.
Nhưng không chỉ có Người Xanh, Ngợm Xám. Cùng với hai gã xe ôm, tác giả còn “thả” một loạt “vong” khác vào “Hỗn độn” mà tính bi kịch còn đậm đặc gấp nhiều lần so với Nguyễn Văn Rơm. Trong số này phải kể đến Nhện Mù Tám Chân, Người Mất Mặt, Anh Hề và Con Tin. Nguyễn Khắc Phục có sở trường viết về các hồn ma. Những trường đoạn kể về cái chết của cô thợ hàn Thành Phố Váng Dầu hay vụ án bí ẩn của người cựu phi công phản lực cơ rất hấp dẫn người đọc tuy đều nặng mùi tử khí. Điển hình là cách kết thúc tính mệnh theo kiểu “trồng cây chuối” của thân phụ Thày Lang sau khi buộc phải thủ tiêu bạn mình là nhà văn Hồn Bướm, hay vụ tự tử của Con Tin đều được tác giả phục hiện với tâm thức người trong cuộc. Một điều dễ nhận thấy là, ngoài sự u ám, lạnh lẽo của không gian mộ địa, người viết còn sử dụng lối hành văn cổ điển, chân phương, tạo nên một văn bản khác hẳn với phong cách giễu nhại tùy hứng thường thấy ở những tiểu mục thuộc khuynh hướng Hậu hiện đại.
Riêng các nhân vật “vip” (Very Important Person), danh xưng thường thống nhất với hành vi. Ngôn ngữ diễn đạt của tác giả đối với loại người nay, nói chung đều được bộc lộ tối đa khả năng giễu nhại. Sự “ăn khớp” tuyệt đối giữa nội dung và hình thức, ít nhiều đã làm tăng hiệu quả tiếp nhận về cách nhìn không mấy thiện cảm với các “đấng”, “bậc” đang thối rữa linh hồn nhưng lại điếc khứu giác, không ngửi được loại mùi ghê tởm của chính mình. Trong tiểu mục “Bản thảo thành tang vật vụ án” (Hỗn độn, tr. 56), Rơm bị Đấng Không Cảm thẩm vấn sau khi bản thảo bị thu giữ, tác giả viết bằng giọng văn giễu nhại ở cấp độ trung tính: “Đấng Không Cảm nhìn xa trông rộng, tin rằng đây là một âm mưu nham hiểm, làm nhiễu loạn xã hội, gây hoang mang cho đám dân chúng vốn đã quá căng thẳng mệt mỏi vì lạm phát, dịch bệnh tràn lan, tệ tham nhũng tác oai tác quái, thói đạo đức giả ở đủ các cấp độ thi nhau nở rộ như nấm mùa mưa, tội ác hoành hành khắp nơi, rồi hạn hán, lũ lụt, động đất bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bùng phát... Nhất là giữa lúc trăm họ không ngớt rỉ tai nhau tin đồn thổi về chuyện, chính quyền Lạc Quốc từ nhiều năm trước đã bí mật ký một bản khế ước bán cả dẫy 99 ngọn Phượng Hoàng cho một đối tác họ Bành ở nước ngoài và khả năng nổ ra bạo loạn, càng trở nên nguy hiểm”. Ngay sau đấy, cường độ phúng thích gia tăng tỷ lệ thuận với thói hách dịch của ông lớn: “Đấng Không Cảm đứng phắt dậy, tuyên bố: Ắt là phác thảo này chưa đọc đã đáng được xay thành bột giấy”. Mức độ hoạt kê được đẩy lên đỉnh điểm khi một vị quan chức khác có biệt danh “Người Đa Nghi” lên giọng thẩm vấn: “Lý gì đặt tên triển lãm 00 Giờ - Hồn vía & Đột sinh? Tại sao lại 00 Giờ chứ không phải một giờ giấc nào khác? Hay 00 Giờ muốn ám chỉ một bước ngoặt, một kiểu giao thừa, cái cũ sắp qua và cái mới đang đến? Tại sao "Hồn vía", phải chăng hồn vía của những bóng ma? Tại sao "Đột sinh", cái gì sinh ra đột ngột, hay là một ổ nhóm chống đối hay cách mạng màu đột sinh?”. Còn đây là nhận xét không mấy dễ chịu của Người Xanh, Ngợm Xám về ông lớn chuyên cai quản phần hồn của trăm họ Lạc Quốc: “Thì chúng có khác gì những bong bóng xà phòng mà Đấng Không Cảm phun ra từ vô số những bài diễn văn, huấn thị hàng ngày phát trên đài phát thanh và sóng truyền hình?”.
Giữa Đấng Không Cảm, Người Đa nghi với Lũ Rơm có một hố ngăn cách đủ lớn không thể có được tiếng nói chung là trình độ học vấn, tầm văn hóa, và sau hết là hệ ý thức. Thiết chế toàn trị không bao giờ chấp nhận đa phong cách mà luôn duy trì tình trạng đồng phục. Cách diễn ngôn của tác giả thông qua miệng một anh chàng “quái dị” như Rơm thường đạt hiệu quả cao nhất mỗi khi muốn công chúng hiểu rõ bản chất những người cầm cân nảy mực trong chính quyền Lạc Quốc.
Nhìn từ khuynh hướng sáng tác, cả về mặt lý thuyết lẫn nội dung văn bản, ta còn nhận ra “Hỗn độn” có ít nhất hai trung tâm mà một trong số đó là mối quan hệ giữa Rơm với các nhân vật thuộc về thế giới hiện thực. Đây là dạng trung tâm mang tính quy ước, vì, ngay cả thế giới được gọi là thực này, lắm lúc cũng xuất hiện hồn ma. Ngược lại, trung tâm thứ hai hoàn toàn là ảo mà bản chất của nó là âm tính với với vô vàn những trò quỷ thuật, được tái hiện không phải bằng trực giác mà là linh giác bắt nguồn tư vô thức hay tiềm thức.
Tình yêu giữa giữa Rơm và Nàng cũng được xem là một trung tâm. Xét về mọi phương diện, giữa một “Kẻ Phao Tin” nửa người nửa ngợm, luôn trưng ra trước thiên hạ bản mặt “hãm tài”, lại là đối tượng luôn được nhà cầm quyền Lạc Quốc “chăm sóc”, nếu cần sẽ tống ngay vào Trại Cuồng Quá Cảnh như văn sĩ Rơm, với cô con gái của một vũ nữ ballet như Nàng, thuộc hai thế giới khác nhau. Vậy thì cơn cớ gì, những kẻ ở hai phương trời khác nhau này, đêm đêm lại “trèo qua cửa sổ webcam” đến với nhau sau mỗi phiên “chat”? Đành rằng nữ sĩ Đồng Á sắp đặt cho cuộc tình oái oăm này hoàn toàn vì động cơ vụ lợi, nhưng chuyện khó hiểu là, người phụ nữ Lạc Kiều, sống ở xứ sở văn minh bậc nhất thế giới, lại chấp nhận gã “Nội Kiều” đầu óc bệnh hoạn, hơn mình hẳn một thế hệ như người tình trong mộng? Rơm lý luận rằng, đó là định mệnh thông qua chính sự gửi gắm của vong hồn người phi công phản lực cơ.
Công nghệ thông tin đã góp phần đắc lực trong quá trình diễn đạt tình yêu thời @. Ở tiểu mục “Cân chỉnh tim & óc”, Rơm làm thơ: “Cả thế giới cởi truồng/Sao ta còn ý tứ/Hồn ta rửa sạch trơn/Đùng đùng ngọn lửa”, và cũng vào thời điểm ấy, tại Ngõ Vong, Nàng xuất hiện từ vũng nưới dưới lòng đường dưới dạng một “Rơm Cái” khiến văn sĩ của chúng ta phải thốt lên: “Trời ơi! Nàng cũng là một Người Rơm!”. Đến đây thì mọi thắc mắc đều được giải thích. Rơm và Nàng đến với nhau bởi cả hai đều có chung một thân phận. Trong cuộc tình “trăm năm dâu bể này”, Rơm và Nàng gọi nhau bằng đủ loại danh xưng, trong đó có những cái tên rất ấn tượng như “Người Bố Thí”, “Kẻ Hớp Hồn”, “Nàng Tiên Cá”, “Con Bé”, hay “Tò He”, “Zombi”, “Thuyền Trưởng”, “Kẻ Yêu Độc Tài”, “Thằng Bé”… Và cũng chính từ khi gặp nhau trong không gian ảo, nàng chủ trại chăn nuôi xinh đẹp đã trở thành đồng tác giả cuốn sách “Thời đại hôn ám” hay những bức tranh bôi bác từng bị biến màu ở cuộc triển lãm “00 Giờ, Hồn vía và Đột sinh” với Thiện Sĩ.
Viết về tình yêu của Rơm, tác giả sử dụng khá nhiều huyền thoại, thật cũng có mà phịa cũng không ít. Trong phần “yY”, ở tiểu mục “Cuốn sách về cái chết”, qua nhật lý “chat”, người đọc ít nhiều đã nhận ra “00 Giờ” giống như loại chìa khóa mà Rơm dùng để mở các tầng ký ức vốn vẫn đóng kín trong trạng thái tiềm sinh. Nội dung nhật ký “chat” khác hoàn toàn với lời kể trong văn bản truyền thống. Đó là những mảnh huyền thoại được lắp ghép bởi một trí tưởng tượng không giới hạn, lại được gia cố bằng lời bình sắc sảo, nhằm biểu đạt một tư tưởng nào đó nhưng vẫn còn khá mơ hồ. Giữa hai người luôn nảy sinh hiện tượng thần giao cách cảm, cùng nhau khai thác tối đa dữ liệu từ tầng vô thức. Nhật ký “chat” của họ giống như diễn ngôn đại tự sự, hàm chứa triết lý nhân sinh, giải tỏa vô số ẩn ức khi mà không gian tự do tối thiểu của con người mỗi ngày một thu hẹp bởi quyền lực vô hạn của Đấng Không Cảm, Kẻ Đa Nghi và Bậc Giả Hình. Những cuộc làm tình với Rơm Cái, Nàng Tiên Cá trên bờ vịnh Sirene, thậm chí với ca ve Lạc Quốc đều được xem như thể nghiệm thứ học thuyết do chính Rơm đề xướng mà cơ sở lý luận của nó là sự hoài nghi và cấu trúc ký hiệu.
Trong giới hạn “00 Giờ “, khi Rơm và Nàng “chat” với nhau, văn sĩ của chúng ta nghĩ đến đám tang Dì Út, và khi Nàng đã quay về với nhịp sống quen thuộc, hành trạng của Gã Phao Tin bỗng nhiên nhảy cóc, vượt cả thời gian và không gian thực tại vào miền ảo giác. Đến đây, ta có thể xem “Hỗn độn” như một tiểu thuyết sắp đặt. Sự lắp ghép các mảnh ký ức theo một trình tự có vẻ như ngẫu nhiên cùng với ngôn ngữ tình yêu “bặm trợn” trong mỗi phiên “chat” xem ra rất khó chấp nhận với những ai xưa nay vẫn quen nhấm nháp loại tiểu thuyết diễm tình: “Anh ơi, em thèm anh quá. Tựa đầu vào chiếc gối trên chiếc giường trong phòng đọc. Nóng nhức đến tội nghiệp. Em chết mất, chết mất. Làm sao đây. Chỉ có Tò He, chỉ có một mình Tò He với tình yêu nóng nhức, với mùi vị đậm sắc hoang dã ấy mới giải toả được cho em cơn thèm đang căng cứng đến bật vỡ. Anh ơi, chết mất. Khói từ bụng xông lên cay sè cổ. Làm sao bây giờ anh ơi!” (Hỗn độn, tr.191). Và đây, ngôn ngữ miêu tả của tác giả, xem ra cũng chẳng kém gì Rơm, nếu ta đọc dưới nhãn quan “Kẻ Phao Tin”: “ Mỗi khi nhớ nàng da diết, lòng Rơm mềm nhũn như bị cái khao khát quá nóng nhức hầm nhừ. Những lúc không chịu đựng được, Rơm thò tay mở dây buộc bảo bối vẫn giấu kín trong lòng: Cái túi vải đựng đầy kỷniệm. Mắt nàng xoáy sâu vào Rơm đòi hỏi, hờn giận, hai bầu vú lật thốc dưới lần áo rướn lên đón tay Rơm và...” (Hỗn độn, tr.192-193).
Thủ pháp “nhảy cóc” trong “Hỗn độn” luôn xảy ra với tần số cao, các sự kiện chẳng ăn nhập gì với nhau, nhưng một khi ta hình dung chúng qua nghệ thuật sắp đặt thì có vẻ như đã tồn tại một trật tự nào đó. Ví dụ, Rơm vừa thoát ra khỏi mạng internet, lập tức rơi ngay vào vùng tối của hồi ức về: “Chẳng phải chính Rơm và lũ bạn sống sót trên con tàu chở đầy thuốc nổ nhặt nhạnh những bài thơ vương vãi của Anh Hề, in thành tập “Xế bóng”và đó là một trong nhiều lý do khiến Rơm tổ chức chuyến đi này. Rơm muốn giúp người vợ góa và đứa con gái duy nhất của Anh Hề tìm được nấm mộ của chồng, của bố mình” (Hỗn độn, tr.194). Hình ảnh Anh Hề, nhà thơ quá cố, lúc này hiện lên qua những lời cảm thán chẳng hiểu của văn sĩ Rơm hay chính tác giả cuốn sách: “Anh Hề rơi vào lỗ thủng thời gian, hay chỉ là hiện tượng một đám bụi tinh vân bay xẹt qua cuộc sống này, để lại những bài thơ thê thiết buồn và đầy ám ảnh? Thi sĩ, Anh Hề, người ngay khi sống đã phải sống bằng chính những huyền thoại xám xịt, chát chúa và trớ trêu về mình, chàng trai Rốn Rồng lại sống như một đứa con của cái thành phố hải cảng mà ngay trong những giấc mơ cũng hôi mùi váng dầu...” (Hỗn độn, tr. 195).
Nét dặc trưng của loại “văn bản ảo” được tác giả sắp đặt như là sự phân thân tối đa đối với dạng nhân vật phiếm chỉ như Rơm. Rơm là hiện tượng phổ quát của khá nhiều gương mặt với những biến thái phức tạp về hành vi cũng như diễn biến tâm lý ở mỗi dạng hóa thân.
Cấu trúc tâm lý cũng như hệ tư tưởng nảy sinh từ vô thức của Người Rơm sau mỗi lần nhập Trại Cuồng Quá Cảnh lại vô cùng phức tạp. Rơm, lúc là Anh Hề bất đắc kỳ tử, lúc khốn khổ như Con Tin, lúc đa đoan như cô chủ trang trại - Lạc Kiều xinh đẹp, trí tuệ - xứ Phù Lãng, lúc là nàng Sirene đầy ma thuật, lúc lại trong hình hài Nhện Mù Tám Chân, như là khuyết tật tiền kiếp trong cấu trúc văn hóa Lạc Quốc. Nhện Mù Tám Chân không chỉ đơn giản là một "con ma" mà thực chất là biểu tượng của di sản quá khứ đã ăn sâu vào máu thịt và trở thành một bộ phận không thể thiếu của tâm hồn chúng ta. Nó què quặt, nó vật vã, nó hành hạ chúng ta. Có lúc nó làm ta sợ hãi. Có lúc nó lại cổ vũ chúng ta vì một sức mạnh mơ hồ nào đấy.
Tuy vậy, ở “Hỗn độn”, người đọc vẫn sàng lọc được một số nhân vật bị tách hoàn toàn khỏi Rơm trong nghệ thuật sắp đặt của tác giả. Một trong số đó là nữ sĩ Đồng Á. Nói về nhân vật của mình, chính tác giả từng bộc lộ: “Đây là một người thông minh, lý trí mạnh mẽ , nhìn thẳng vào hiện thực và nhận chân những vấn đề đang làm thối rữa xã hội Việt Nam. Nhưng thay vì tìm cách sửa chữa thay đổi hiện trạng ấy thì Đồng Á lại khai thác chúng, biến chúng thành chất liệu sáng tác để mưu lợi cho mình, hiện nguyên hình một con người vừa cơ hội vừa thực dụng - hình mẫu của một kiểu trí thức văn nghệ sĩ hiện đại. Chính vì vậy Đồng Á mới tìm cách sắp đặt cho Rơm và Nàng (con nuôi của Đồng Á) gặp nhau với một dụng ý rất rõ ràng: nữ văn sĩ dự đoán rằng khi hai con thỏ thí nghiệm Rơm và Nàng gặp nhau, nhất định một câu chuyện hấp dẫn đa diện và nhiều ngang trái sẽ diễn ra. Bà ta theo dõi các diễn biến này và biến nó thành tiểu thuyết, thứ tiểu thuyết sắp đặt theo ý bà ta. Nhưng hai con thỏ ấy không phải là robot, lúc nào cũng chịu sự điều khiển của người khác” (NKP).
Ngoài tình yêu mang nhãn hiệu Rơm được hiểu như một trò chơi sắp đặt, khuynh hướng Hậu hiện đại còn được ghi nhận khá rõ ở những sự kiện rất nghiêm túc nhưng lại được diễn ngôn bằng thứ văn phong giễu cợt làm người đọc không khỏi nghi ngờ. Cuốn sổ tay ghi chép việc vườn thú thanh lý những con hổ đã thoái hóa do bị nhốt quá lâu ngày, hay sư tử mẹ cắn chết con sau khi được tắm bằng xà phòng thơm đương nhiên là “ký hiệu” ám thị cho vấn nạn thời cuộc. Cái gọi là “Vườn Thú” theo thói quen dùng uyển ngữ của Đấng Không Cảm giống như trại tạm giam những thành viên Hội Phao Tin “bất trị” dưới sự quản giáo của một gã vô học nhưng lại có tên Hồng Chuyên. Trong khi ấy, một chủ quán thịt chó như Tạ Quay lại có hợp đồng sản xuất phim truyện.
Cấu trúc “Hỗn độn” từ vô số tiểu tự sự đã hình thành một dòng chảy ngầm xuyên suốt mọi ngõ ngách của cuốn sách qua thao tác sắp đặt, liên quan đến các huyền thoại được giải phóng từ tiềm thức, vô thức. Về mặt cấu trúc, “Hỗn độn” đã tiến rất gần đến thể loại tiểu thuyết sắp đặt, nhưng về văn bản ngôn từ, cách xử lý huyền thoại hiện đại như tác giả từng làm chính là hiện tượng “giải cấu trúc” những văn bản đa nghĩa dưới dạng ký hiệu.
Chí Linh, 17/2/2016
Đ.V.S.
* Tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phục, NXB Hội Nhà văn, 2015
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét