hình minh họa
Cuối cùng, cho đến trưa hôm đó thì anh cũng bắt được con dế sau mấy ngày theo dõi, nghe ngóng.
Đó là một con dế than, to hơn bất kỳ con dế nào mà lũ trẻ trong xóm có được. Anh bỏ nó vào trong một cái hộp diêm rồi chạy vội xuống nhà Trang. Tới ngõ, anh thấy trong nhà người ta đang chơi bài, còn Trang thì đang cầm một cục xôi, nhai trước sân. Anh vẫy nó ra cổng rồi nói:
- Trang, mày hát cho tao nghe lại cái bài “Em bé hát rong bên cầu Bến Lức” đi. Tao đổi cho mày con dế này.
Trang vừa nhai vừa hỏi
- Con này to hay nhỏ?
- To.
Nói xong anh mở hộp cho nó coi. Nhìn con dế như để cân nhắc có đáng đổi một bài vọng cổ hay không, nó bỏ hộp diêm có con dế trong đó vào túi rối hắn lấy giọng, ca lại bài vọng cổ này. Anh đứng im nhìn vào cái miệng của nó, còn hồn thì trả trôi theo những áng mây lạ ở một khúc sông nơi có đứa bé hát rong đang dạo bước bên cầu. Năm đó anh mười tuổi.
Phải mất gần bốn mươi năm sau, anh mới đến được cái cầu này. Chiếc xe ngựng lại bên chân cầu. Những cô gái bán trái cây ùa lên xe, rao bán. Anh đảo mắt tìm một bé hát rong nào đó nhưng không thấy, chỉ thấy lẫn trong đám người này là một em bé gái bán báo, đang cố ngoi đầu qua khỏi những rổ trái cây để có thể đi vào bên trong. Đứa bé có đôi mắt trong veo như một con chuột nhỏ. Nhìn bé, anh cười một mình rồi vẫy tay ra dấu là anh muốn mua một tờ báo. Nhìn đứa trẻ đưa tay vào cái túi nhỏ đeo bên hông để lấy tiền thối, anh nói nhỏ vào tai nó là con giữ lại số tiền còn lại đó đi để ăn quà. Nó nhìn anh, nói cám ơn rồi đi chỗ khác. Nghe trẻ con miền Tây nói cám ơn không khác chi được họ đãi mình một ly nước dừa. Anh không thể nói cho nó hiểu, là đã từ lâu lắm rồi anh chỉ đọc sách chứ không còn đọc báo. Anh chỉ muốn mua lại cái hình ảnh một thằng bé mười tuổi năm nào, phải rình mấy ngày trời bắt cho được môt con dế chỉ để muốn gặp lại đứa bé hát rong hay bán một thứ gì đó bên chân cầu này trong trí tưởng tượng mà anh có được từ một bài vọng cổ.
Chạy chơi cùng những mùa mưa nắng, lũ trẻ con trong xóm lớn dần như những nhánh cây rừng. Những con suối nhỏ trong trẻo, hồn nhiên thưở nào cứ chực chờ tìm ra biển lớn, nơi có gió khô nắng cháy, những hè phố lạ.
Cho đến một hôm có đoàn cải lương tới dựng sân khấu cạnh một ngôi chùa. Tối ngày, anh thấy Trang cứ quanh quẩn nơi đây nhìn đào kép bằng một cái nhìn ngưỡng mộ. Đây cũng là lần đầu tiên anh nhìn thấy những đào kép của một đoàn cải lương. Hầu hết đều xanh xao, gấy ốm, trông khá nhếch nhác, lôi thôi. Những đứa trẻ con sinh ra trên bước đường lưu diễn cũng giống hệt như bố mẹ chúng, bệu bã, thiếu nắng. Tất cả đều mang tính tạm bợ. Như thể cái cuộc sống thường xuyên di chuyển nay đây mai đó đã biến thế giới này thành một thứ lều trại chẳng có gì đáng được chăm chút. Cuộc sống chỉ là cuộc sống của từng ngày. Trẻ con chẳng đứa nào được đi học vì phải thường xuyên di chuyển theo bố mẹ. Chúng đẹp tựa một hạt bụi người.
Ngày họ nhổ trại ra đi, Trang cũng biến mất. Ba tháng sau nó quay về, rồi kể: Trong suốt ba tháng đó, tụi nó bắt tao thu gọn bàn ghế, giữ trật tự, phụ xé vé chớ có được hát hò gì đâu, trong khi tao muốn trở thành kép hát. Cơm thì bữa đói, bữa no. Càng lúc tao càng nhận ra mình chỉ là một thứ báo cô.
Cái xóm nhỏ cứ vắng dần. Cuộc chiến tranh dạo đó lớn dần theo từng ngày. Nắng cứ tắt dần theo những nụ cười vắng bóng. Những đứa bạn của anh cũng lần lượt biến mất khỏi cái xóm nhỏ. Rồi chúng xuất hiện trở lại cũng bất ngờ như lúc chúng đi. Buổi tối hôm đó anh đang ngồi học bài thì có hai người lính bước vào nhà. Đó là Trang với Đ.S. Điệp, mặt mủi trông rắn rỏi, phong trần.
Nói chuyện lan man một hồi, hai đứa hỏi anh: Mày đã biết mùi đàn bà chưa? Anh nói chưa. Cả hai đều thực sự tỏ vẻ thất vọng. Mọi chuyện cứ như thể đến giờ này mà vẫn chưa biết mùi đàn bà thì còn ra cái thể thống gì nữa. Trang nói: Vậy bây giờ đi theo tụi tao. Anh theo hai thằng tới một cái động điếm ngay trước cửa ga xe lửa Dalat. Chẳng lạ lùng gì với chỗ này vì ngày nào đi học cũng phải ngang qua đây. Bước vào bên trong anh thấy ba cô gái đang ngồi trên một chiếc ghế dài. Hai đứa nó chọn cho mình mỗi đứa một cô. Cô còn lại là của anh, một cô gái người Nam mập tròn, trông như thể chị Hai của anh vậy.
Tất cả đi theo môt cái cầu thang hẹp để xuống những phòng nhỏ ở phía dưới. Lúc chỉ còn hai trong phòng, anh chẳng chứng tỏ được gì ngoài sự vụng về ngớ ngẩn của một thằng con trai vừa mới lớn. Chị Hai tinh ý nhận ra ngay. Chị hỏi: Lần đầu phải không? Anh gật. Cuối cùng thì người chị gái này cũng giúp anh làm xong chuyện, đâu ra đó. Sau này nhớ lại, cả đời anh chẳng có lần nào thổ tả cho bằng cái lần đó. Cánh cửa đầu tiên mở ra để xem cái thế giới của người lớn mặt mũi ra làm sao, xem ra cũng tệ hạị ngang bằng với sự vụng về lúc anh lột xiêm y người phụ nữ kia vậy. Lúc đang mặc vội quần áo vào người, anh nghe tiếng của Trang từ bên phòng kia nói qua: “Xong rồi thì ra đứng chờ tụi tao ở cái trụ điện trước sân ga”. Anh đứng chờ dưới ngọn đèn đường, phố xá vắng tanh chỉ còn lại những ánh đèn khuya đổ bóng xuống mặt đường hoang vắng lê thê đang trôi sâu vào đêm tối. Rồi anh nghe tiếng người cãi cọ bên trong. Tiếng của Trang nho nhỏ ra chiều năn nỉ, còn tiếng của bà chủ chứa thì oang oang: “Mấy anh vừa phải thôi chớ, mấy anh cũng phải thương mấy em nó chớ. Tụi nó cũng cực khổ chớ có sướng gì đâu”. Rồi tiếng của Trang: “Chị yên tâm đi, tuần sau lãnh lương em mang ra trả”. Tiếng bà chủ: “Tôi tin anh”. Cuối cùng thì đâu cũng vào đó, bà chủ cho Trang nợ.
Ba đứa lơ ngơ đi về dưới một bầu trời khuya lơ thơ những ánh sao trời. Anh cứ ngỡ là nó nói cho qua chuyện. Đúng một tuần sau đi ngang qua nhà, Trang nói: “Tao qua đó trả tiền nợ cho mấy em bữa trước đây”. Nghe nó nói anh thấy nhẹ lòng. Lời phân trần của bà chủ nhà chứa vẫn còn ám trong cái đầu của anh “Mấy anh cũng phải thương mấy em nó chớ. Tụi nó cũng cực khổ chớ có sướng gì đâu”.
Mấy tháng sau đó, Đ.S. Điệp hóa thành người thiên cổ ở Campuchia. Năm đó nó mới hai bốn tuổi, xác được mang về chôn ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Sau này mỗi lúc nhớ tới thằng bạn này, anh vẫn thường xuyên có cảm tưởng là nó có mặt như một hoài niệm của một thứ thực tại nào đó chưa từng rõ nét, cái chết chỉ khiến cho mọi thứ mơ hồ thêm chút nữa…
Những năm tháng sau đó, Trang lại xuất hiện trước mặt anh như môt trí thứ. Chẳng biết hắn nhặt được ở đâu một cái kính cận rồi đeo suốt ngày. Trên tay thì lúc nào cũng kè kè cuốn “Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng” của Krishnamurti. Gương mặt hắn lúc nào cũng đăm đăm, ưu tư, cái ưu tư chỉ có ở một kẻ đang thất vọng về tình trạng của thế giới và đang tìm cách xoay trục nó lại. Nhìn cái khuôn mặt nó lúc này, anh vẫn thích nhớ lại khuôn mặt lúc nó xuống giọng với bà chủ nhà chứa hơn. Nó dạy anh là phải đặt toàn bộ ý nghĩa cuộc sống trên quan điểm của hiện sinh của “Cái Đang Là” thay vì trao thân cho những hoài nghi triết học với những câu trả lời lơ lửng chẳng đâu vào đâu cả… Anh phải ầm ừ cho qua chuyện vì nó nói năng khá giống một Đao sư. Nó đang muốn trở thành Đạo Sư cũng nên. Còn anh thì quá mệt mỏi với những ông Đạo này rồi. Những gì nó vừa rao giảng, anh tin chắc nó mới nhặt được từ cuốn sách đang kẹp trên tay. Anh nhớ mãi một đêm đang ngồi học bài thì có tiếng gõ cửa. Mở cửa thì thấy Trang với cặp kiếng cận to đùng. Hắn nói: Phải suy nghĩ mấy ngày trời tao mới vỡ lẽ một điều là, Không không phải là Không mới đích thị là không. Mừng quá tao muốn gặp mày để chia sẻ”. Nhìn vào đôi mắt thằng này, anh nhận ra đó là những đôi mắt mà người ta vẫn dễ dàng bắt gặp trong nhà thương điên.
Mấy ngày đầu năm 2016, anh phải lên Buôn Mê Thuột bằng xe gắn máy vì có một vài công chuyện. Lúc quay về gần tới chợ Đinh Văn thì gặp một người đàn ông giống hệt Trang đang đi nhặt rác giống những người điên mà anh vẫn thường gặp đâu đó ở các thành phố lạ. Cuối cùng anh tin chắc đó là Trang và quyết định quay đầu xe lại. Sau khi tìm được chỗ dựng xe, anh nhìn qua đường nơi có người đàn ông đang chăm chăm cúi xuống mặt đường như tìm một cái gì đó vừa đánh rơi. Đúng là Trang với cái đầu trọc lốc, khuôn mặt sạm nắng, ốm gầy nhưng rắn chắc. Anh bước qua đường, đứng trước mặt Trang vừa hỏi vừa cười cười:
- Sao, có còn nhớ ai đây không?
Trang nhìn anh bằng một hố mắt trống trơn, rỗng không, cái nhìn chỉ có ở một con người mà tất cả những gì có liên quan đến ký ức đều đã bị xóa sạch. Rồi hắn nói:
- Bộ mày là công an muốn bắt tao hả? Không dễ bắt thằng này đâu nha.
Anh cười rồi hỏi:
- Có nhớ cái lần chơi chạy ở Thanh Lịch không? Cái động điếm ở trước ga xe lửa Dalat đó ? Bị bà chủ đông la cho một trận đó. Nhớ chưa?
- Xe lửa chạy kêu hu hu đó hả? Thôi, tao phải đi đây, có mấy con bò đang chờ tao trên núi.
Nói xong nó lại cúi xuống đất như cố tìm một cái gì đó rồi vừa đi vừa ngó chằm chằm xuống đất. Anh nghe là từ lâu rồi, Trang sống một mình trong cái lều nhỏ ở An Phước cách chỗ nó đang đứng khoảng ba cây số.
Đứng nhìn người bạn thân chơi với nhau từ hồi còn nhỏ đang tìm một cái gì đó vô hình trên mặt đất, anh tự hỏi: Đã bao nhiêu năm rồi, nó tìm cái gì trên mặt đất này, từ lúc cái đầu còn tỉnh táo với một thế giới mà trật tự vẫn còn ổn định cho đến một sườn núi không hề có thực với một bầy bò đang gặm cỏ đâu đó trên những cánh đồng hoang tưởng? Và nó đi tìm cái gì trong đầu của nó giữa đống hỗn mang sương mù với những mê lộ, tuyệt lộ, không chừng là đạo lộ cũng nên? Những lối mòn ấy, loài người đã dẫm nát hàng triệu năm rồi..
Cũng như anh. Anh đã mất bao nhiêu năm để tìm một cái gì đó nửa hư nửa thực, nửa có nửa không, giữa một trần gian mà anh có mặt không khác chi một lữ khách tình cờ… Với một cái chết lúc nào cũng treo trước mặt, như một bản án chung thân.
Còn cuộc sống thì tất cả những gì anh muốn hiểu, muốn được khám phá vẫn còn đang ở phía trước, ngổn ngang ở phía trước…
Dalat, những ngày cuối năm 2016
Lê Công Tư
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét