Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Biểu Tình, Luật Biểu Tình


Bản tin Infonet cho biết qua bản tin tựa đề: “Chính phủ lại xin lùi Luật Biểu tình, Thường vụ Quốc hội không cho...”. Bản tin này viết: “Sáng nay (17/2), Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 45. Sau phiên khai mạc, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Tại phiên họp này, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề nghị đẩy nhanh tiến độ trình Quốc hội khóa XIII thông qua dự án Luật đấu giá tài sản; Về dự án Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện; Về dự án Luật hành chính công.

Đặc biệt, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày Tờ trình của Chính phủ mới được ký ngày 16/2 về việc xin lùi thời gian trình Luật Biểu tình ra Quốc hội. Dự án Luật Biểu tình từng được nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị ban hành, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy nhiên, trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ đã phân công và chỉ đạo Bộ Công an soạn thảo dự án Luật Biểu tình. Bộ Công an đã tiến hành tổng kết pháp luật về lĩnh vực này, tiến hành khảo sát, nghiên cứu, biên dịch…

“Tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2016, Chính phủ đã thảo luận vấn đề này, nhưng ý kiến của các thành viên Chính phủ còn rất khác nhau về nội dung dự thảo luật”, ông Cường cho biết.

Vì vậy, để có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh lý Luật biểu tình đảm bảo chất lượng, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép lùi dự án Luật biểu tình từ kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII (tháng 3/2016) sang chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (cuối năm 2016).

Trước đề xuất trên của đại diện Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã lên tiếng chất vấn Bộ trưởng Tư pháp: Luật Biểu tình tại sao cứ lùi đi lùi lại mãi, do làm không được hay không chịu làm? Cái này cứ đưa ra đưa vào mãi. Không phải Quốc hội quyết định mà Bộ Chính trị cũng đã quyết định...”(ngưng trích)

Cũng lạ... Ông Nguyễn Sinh Hùng đột nhiên cấp tiến hẳn ra.


Trong khi đó, công nhân biểu tình vì bị nợ lương thê thảm.

Báo Tuổi Trẻ có bản tin “Bị công ty nợ lương, đầu năm công nhân kéo đến trụ sở tỉnh”...

Bản tin này viết:

“Sáng 17-2, hàng chục công nhân Công ty TNHH gốm sứ Mỹ Xuân (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã kéo trụ sở UBND tỉnh này đề nghị giải quyết việc họ bị chủ lao động nợ lương và không được chốt sổ bảo hiểm.

Trước đó, vào tháng 8-2014, công ty này đóng cửa nhà máy vì giám đốc người Pháp về nước. Lúc đó, công ty thông báo công nhân được nghỉ việc cho đến khi nhà máy hoạt động trở lại và trong thời gian nghỉ việc, công nhân vẫn được công ty hỗ trợ theo mức lương cơ bản của nhà nước là hơn 2,6 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, đến nay, công ty mới chỉ được trả lương tháng 9-2014. Sổ bảo hiểm xã hội của hàng chục công nhân cũng không được trả nên nhiều người tìm được việc mới thì không thể ký hợp đồng lâu dài.

Từ tháng 10-2015, công nhân của công ty đã gõ cửa nhiều phòng ban của huyện, tỉnh để yêu cầu được giải quyết việc nợ lương và chốt sổ bảo hiểm nhưng vẫn không được giải quyết nên bức xúc, kéo đến trụ sở UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu để được giải quyết...”(ngưng trích)

Biểu tình không cần luật biểu tình? Đúng vậy.

Lại một cuộc biểu tình khác: 2 nữ công nhân có bầu, bị đuổi việc... thế là hàng trăm công nhân biểu tình bênh vực 2 nữ công nhân này.

Báo Pháp Luật Plus có bản tin tựa đề “Hà Nội: Nữ công nhân bị đuổi việc vì lý do… mang bầu” hôm 17-2-2016, kê3 rằng, trích:

“Theo phản ánh của công nhân công ty TNHH Inkel có địa chỉ tại Lô 26, khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội đã đuổi việc hai nữ công nhân do người có bầu và người nghỉ sau sinh. Đa số công nhân làm việc tại đây đều không đồng tình với quyết định này.

Do bất bình trước sự việc trên công nhân công ty đã tổ chức đình công để phản đối. Ghi nhận của phóng viên tại thời điểm trưa nay (17/2), tại công ty Inkel tình hình có vẻ bớt căng thẳng hơn. Tuy nhiên, hàng trăm công nhân vẫn ngồi la liệt ở gần cổng ra vào và không làm việc.

Khi phóng viên Pháp luật Plus có mặt tại hiện trường và liên hệ tác nghiệp báo chí thì bị một tốp người đứng ra ngăn cản trở, trong đó có cả người mặc đồng phục là bảo vệ của công ty Inkel.

Được biết, hôm nay đã là ngày thứ 2 công nhân công ty đình công và hiện vẫn chưa có hướng giải quyết. Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện công ty TNHH Inkel đã sa thải hai công nhân nữ, một chị đang mang thai và một chị nghỉ sau sinh đi làm.

Chị Nguyễn Thị H (công nhân công ty) cho biết: “Công ty Inkel là đơn vị chuyên sản xuất linh kiện điện tử dân dụng, vốn đầu tư 100% của nước ngoài. Chính vì vậy, khi có quyết định tăng lương phía công ty đã không thực hiện mà cắt đi những chi phí trước đó của người lao động như tiền chuyên cần, phụ cấp bằng cấp. Không những thế, hiện tại công ty đã sa thải hai nữ công nhân trên. Với lý do “công ty đang khó khăn”?”(ngưng trích)

Than ôi... hãng ngoại tới Việt Nam mở công ty, có nhiều quyền như thế ư...

Trong khi đó, chính phủ lại cấm biểu tình, thì công nhân làm sao lên tiếng được...
.......
Trần Khải

(Việt Báo)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: