Luật sư Vũ Đức Khanh Gửi cho BBC từ Canada/bbc
Tháng 3 này, một phái đoàn của Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thể sẽ đến Hà Nội để bàn thảo về lịch trình cụ thể cho chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Obama.Một chủ đề đang được phía Mỹ quan tâm là Tổng thống Obama sẽ đi đâu, gặp ai và nói gì?
Dĩ nhiên những gì là thông lệ ngoại giao thì bắt buộc phải làm không cần bàn cãi vô ích, thí dụ như đi hội kiến với lãnh đạo nước chủ nhà và dự quốc yến.
Nhưng, để đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại và để lại dấu ấn riêng cho mình thì bất cứ vị nguyên thủ quốc gia nào cũng phải suy nghĩ và nhất là Mỹ, một quốc gia đã từng có ân oán, nặng tình một thời với Việt Nam; đồng thời Tổng thống Obama cũng chỉ còn vỏn vẹn vài tháng trước khi rời chính trường.
Tổng thống Obama là vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm thứ ba, dự kiến sẽ đến thăm Việt Nam tháng 5 sắp tới, kể từ khi hai nước chính thức bình thường hoá bang giao năm 1995. Dĩ nhiên, ông không muốn lặp lại những gì mà những người tiền nhiệm như Tổng thống Bill Clinton và George Bush (con) đã làm. Ông nhất định sẽ phải để lại một dấu ấn riêng, đặc biệt và lịch sử.
Tổng thống Obama là người nổi tiếng với tài hùng biện trước đám đông, và ông đã từng diễn thuyết thành công vang dội tại Berlin trước một cử toạ khoảng 200.000 người, vài tháng trước khi ông đắc cử tổng thống năm 2008.
Bài diễn văn Berlin này, phần nào đã định hình chính sách ngoại giao Hoa Kỳ của chính phủ ông.
Vì thế, Việt Nam có thể sẽ là nơi mà ông đến, để tổng kết hai nhiệm kỳ của ông cũng như để làm "điểm nhấn" kế tiếp cho chính sách "chuyển trục Á Châu" của ông; đồng thời phác họa đại cương những điều mà ông cho là quan trọng trong thời gian tới cho các vị kế nhiệm.
Cam kết Mỹ ở lại Á Châu - Thái Bình Dương
Tháng 11/2011, trong bài diễn văn trước Quốc hội Úc, Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng "Á Châu - TBD là trọng tâm hàng đầu của chính sách an ninh Hoa Kỳ" và ông công bố chiến lược "tái cân bằng" với kế hoạch tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Ông cũng mạnh mẽ cam kết rằng "khu vực này sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự khó khăn tài chính của Hoa Kỳ sau khi nhấn mạnh Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ở lại đây". Chính vì thế mà các lãnh đạo trong khu vực cũng muốn được nghe ông nói lần cuối trước khi Hoa Kỳ có lãnh đạo mới.
Có tin cho biết rằng đã có gợi ý đề nghị chính phủ Việt Nam cho phép ông phát biểu trước công chúng tại sân tiền đình của Dinh "Độc Lập" cũ ở Sài Gòn nhưng phía Việt Nam quan ngại và đưa ra điều kiện chỉ sẽ có thể chấp nhận nếu Hoa Kỳ đồng ý hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hôm 15/2, tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Sunnylands, cũng đã nhắc lại với Tổng thống Obama về điều này, nhưng ở hậu trường, thì phía Mỹ đã cho Việt Nam hiểu rằng sẽ không bao giờ có điều đó khi Hà Nội chưa đáp ứng được "yêu cầu nhân quyền" của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẵn sàng tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, một cách sâu rộng và toàn diện, với Việt Nam.
Trong một diễn biến khác rất đáng chú ý, đó là phát biểu của Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 23/2, ông này khẳng định rằng, "Tôi tin là Trung Quốc đang mưu tìm bá quyền ở Đông Á" và ông đề nghị "hải quân Hoa Kỳ cung cấp thêm các tàu ngầm tấn công tới Châu Á, tăng cường hiện đại hóa thiết bị, đầu tư vào các phi đạn thế hệ mới để đối phó với các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc".
Trả lời câu hỏi của Thượng nghị sỹ John McCain, cũng trong phiên điều trần nói trên, liên quan đến việc liệu có nên dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam hay không.
Đô đốc Harry Harris khẳng định "Tôi nghĩ đây là cơ hội chiến lược quan trọng cho Hoa Kỳ và, tôi cho rằng người dân Việt Nam sẽ hoan nghênh cơ hội làm việc gần gũi hơn với Mỹ như là một đối tác an ninh mà họ chọn lựa... Tôi nghĩ chúng ta nên cải thiện quan hệ với Việt Nam".
Qua trên, chúng ta có thể nhận định rằng, nội bộ chính quyền Obama thời gian gần đây đã có những thay đổi lớn trong tư duy về cách tiếp cận với Hà Nội vì nhu cầu trước mắt và thực tiễn, nhưng nhìn tổng thể quan hệ Việt - Mỹ trong chiến lược lâu dài thì điều kiện "nhân quyền" vẫn là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững và thành công giữa hai quốc gia.
Cho nên việc cung cấp, trang bị và thậm chí chuyển giao một số công nghệ quốc phòng vẫn có thể xảy ra nhưng sẽ giải quyết theo nguyên tắc của từng trường hợp cụ thể một. Tổng thống Obama có thể sẽ sẵn sàng cấp thêm viện trợ quân sự cho Việt Nam và cho phép thỏa mãn một số đơn đặt hàng quân cụ, vũ khí hiện đại cho lực lượng không và hải quân Việt Nam trong chuyến đi lịch sử này.
Quảng trường Ba Đình và Ý chí Độc Lập
Dường như đã có gợi ý phản hồi từ các cơ quan chức năng của cả hai phía là sẽ có một giải pháp thỏa đáng thông qua đàm phán.
Trước tình hình đó, chúng ta thử mạn phép gợi ý Hà Nội nên để Tổng thống Obama có bài phát biểu nêu trên tại quảng trường Ba Đình; nơi đây cũng là nơi cố Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Đây cũng là thủ đô của Việt Nam hiện nay và nơi đây có thể được cho là "an toàn hơn" cho chế độ.
Đổi lại, Tổng thống Obama, ngoài việc thỏa mãn một số yêu cầu cụ thể về hợp tác quân sự, ông cũng sẽ nhấn mạnh đến ý chí "độc lập" của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Đồng thời qua bài diễn văn này, Tổng thống Obama cũng có thể đưa ra một thông điệp mới, định hình chính sách Á Châu -Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Đây có thể là phép thử cho ý chí "độc lập" của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, cái mà họ đang rất cần để "chính danh" sự cầm quyền của họ.
Bài viết thể hiện quan điểm của luật sư Vũ Đức Khanh từ Ottawa, Canada.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét