Dân trí Mạng tin tình báo chiến lược Stratfor (Mỹ) cho rằng, 2 khẩu đội tên lửa HQ-9 của Trung Quốc ở Hoàng Sa có thể chỉ là một sự “phô trương lộ liễu” nhằm gửi đi một thông điệp chính trị.
>> Philippines: Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo
>> Trung Quốc lớn tiếng "tố" ngược Mỹ quân sự hóa Biển Đông
>> Việt Nam trao công hàm phản đối Trung Quốc đưa tên lửa tới Hoàng Sa
Hãng tin Fox News đầu tuần này đã đăng tải các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, dựa trên ảnh vệ tinh mới vào ngày 17/2, Stratfor chỉ ra rằng, mặc dù HQ-9 mang lại năng lực phòng không đáng kể, nhưng sự hiện diện của chúng trên đảo Phú Lâm hiện tại không đáng lo ngại. Cụ thể, chúng đặt quá gần nhau và trên nền cát gần bờ biển. Điều này cho thấy chúng có thể chỉ được sử dụng cho mục đích “phô trương sức mạnh lộ liễu”.
Ảnh chụp tháng 12/2015 cho thấy hoạt động nạo vét cát ở khu vực này, như vậy, nền cát cũng mới được xây dựng vài tháng gần đây và cũng không ổn định khi một số vị trí của nền cát bắt đầu xói mòn.
HQ-9 được triển khai sát mép bờ biển trên nền cát không ổn định. (Ảnh: AllSourceAnalysis)
Dựa trên những phân tích này, Stratfor cho rằng, việc triển khai HQ-9 của Trung Quốc chỉ nhằm gửi đi một thông điệp chính trị trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc lãnh đạo các nước ASEAN thuyết phục Trung Quốc chấp nhận phán quyết từ tòa án trọng tài quốc tế liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
Ngoài xác nhận việc triển khai tên lửa HQ-9 của Trung Quốc, Stratfor với sự hợp tác của AllSource Analysis đã chỉ ra những hình ảnh vệ tinh chi tiết hơn về các hoạt động quân sự trên đảo Phú Lâm, trong đó cho thấy các nhà chứa trực thăng chiến đấu và tòa nhà có thể là kho vũ khí. Cụ thể, AllSource Analysis cho rằng, dọc đường băng xây trái phép ở đảo Phú Lâm, Trung Quốc đã bố trí 16 nhà chứa các trực thăng chiến đấu như J-11. Dựa theo vết bánh xe có thể thấy, một trong số 16 nhà chứa này đã được sử dụng. Hồi tháng 11/2015, Trung Quốc bị nghi là đã triển khai trực thăng chiến đấu J-11 tới căn cứ này.
Cùng với các nhà chứa trên, Trung Quốc đã xây các tòa nhà nhiều khả năng dùng làm kho chứa chất liệu nổ và đạn dược. Những tòa nhà này có thể chứa các phương tiện hậu cần lớn hơn để mang đạn dược như tên lửa phòng không.
Các nhà chứa trực thăng Trung Quốc xây dọc đường băng xây trái phép trên đảo Phú Lâm. (Ảnh: AllSourceAnalysis)
Kết thúc bài viết, Stratfor nhận định, mặc dù động thái triển khai tên lửa phòng không của Trung Quốc thu hút sự chú ý của truyền thông và phản ứng gay gắt của dư luận quốc tế nhưng dường như không làm thay đổi những tính toán của bất cứ bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Minh Phương
Theo Stratfor
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét