Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Ngu dốt là sức mạnh — hay những biện pháp mà bộ máy tuyên truyền thường dùng.


Phạm Duy Hiển


Georgina Kenyon

Phạm Nguyên Trường dịch

Đọc thêm bài cùng chủ đề: Victor Volsky – “Cá thối”: Vì sao Putin lại được 86% dân chúng ủng hộ?

Những người và những công ty đặc quyền đặc lợi thường dùng những biện pháp nào để truyền bá vô minh và những kiến thức làm cho người ta mất phương hướng?

Năm 1979, công luận được biết một bản ghi nhớ bí mật của ngành sản xuất thuốc là. Gọi là Đề xuất về sức khỏe và hút thuốc (Smoking and Health Proposal) do hãng sản xuất thuốc là Brown & Williamson soạn cách đó một thập kỉ, trong đó trình bày nhiều chiến thuật nhằm chống lại các “lực lượng bài trừ thuốc lá”.

Một trong những đoạn đáng chú ý nhất của tài liệu này nói về cách tiếp thị thuốc lá: “Nghi ngờ là sản phẩm của chúng ta vì nó là phương tiện tốt nhất nhằm đấu tranh với “các sự kiện” đang tồn tại trong đầu óc của dân chúng. Nó còn là phương tiện nhằm tạo ra tranh luận”.

Robert Proctor, giáo sư lịch sử của đại học Stanford (Stanford University), quan tâm tới tiết lộ này. Ông bắt đầu nghiên cứu hoạt động của các công ti thuốc lá và biện pháp mà họ sử dụng nhằm làm cho người ta nghi ngờ rằng hút thuốc có gây ra ung thư hay không.

Chiến lược của công ti thuốc là lớn nhằm che dấu sự kiện là hút thuốc có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe làm cho Robert Proctor nghĩ ra từ mới (Credit: Getty Images)

Proctor phát hiện ra rằng ngành công nghiệp thuốc lá không muốn người tiêu dùng biết những tác hại mà sản phẩm của họ gây ra và đã chỉ hàng tỉ USD nhằm che dấu tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe. Công trình nghiên cứu này dẫn ông đến việc nghĩ ra một từ nói về việc lan truyền vô minh một cách cố ý: agnotology.

Đây là tên ghép của từ agnosis - tiếng Hi Lạp cổ đại nghĩa là không biết - và thuật ngữ ontology - bản thể luận. Agnotology chuyên nghiên cứu những hành động cố ý trong việc làm cho người ta mất phương hướng và lừa dối, thường là để bán hàng hay giành cảm tình của người khác.

“Tôi đã nghiên cứu những biện pháp mà các ngành công nghiệp đầy sức mạnh có thể dùng để tuyên truyền những kiến thức sai lầm và bán được sản phẩm. Vô minh là sức mạnh … và agnotology là môn nghiên cứu về việc tạo ra một cách có chủ đích sự vô minh”.

“Nhìn kĩ vào môn agnotology, tôi đã phát hiện ra cả một môn khoa học bí mật và tôi nghĩ rằng các nhà sử học nên quan tâm tới vấn đề này nhiều hơn nữa”.

Protor nói rằng bản ghi nhớ năm 1969 và chiến thuật được ngành sản xuất thuốc lá áp dụng là ví dụ tuyệt vời về môn agnotology. “Vô minh không chỉ là chưa-biết một cái gì đó, nó còn là thủ đoạn chính trị, được những tay chơi đầy quyền lực cố ý sử dụng nhằm làm cho bạn “không thể biết” một cái gì đó”.

Proctor đã mời thêm Iain Boal, một nhà ngôn ngữ học ở đại học UC Berkeley cùng tham gia nghiên cứu và thuật ngữ mới được họ nghĩ ra vào năm 1995, mặc dù hiện tượng này đã được Proctor phân tích trước đó vài thập kỉ.

Vấn đề cân bằng

Hiện nay agnotology cũng quan trọng chẳng khác gì khi Proctor nghiên cứu cách mà ngành công nghiệp thuốc lá dùng để che dấu sự thật về mối liên hệ giữa thuốc lá và ung thư. Ví dụ, những người đối lập với tổng thống Barack Obama đã reo rắc suốt nhiều tháng trời sự ngờ vực về quốc tịch của ông này cho đến khi người ta đưa ra giấy khai sinh vào năm 2011. Trường hợp nữa: một số nhà bình luận chính trị ở Úc đã tìm cách reo rắc hoảng loạn rằng xếp hạng tín dụng của nước này ngang với xếp hạng của Hi Lạp, mặc dù thông tin công khai từ các tổ chức xếp hạng cho thấy đây là hai nền kinh tế hoàn toàn khác nhau.

Proctor giải thích rằng mầm mống của vô minh thường được reo rắc nhân danh cuộc tranh luận không định kiến. Ví dụ, mọi người đều cho rằng bất cứ vấn đề gì thì bao giờ cũng có hai quan điểm đối lập nhau – nhưng trên cơ sở này không thể rút ra được kết luận duy lí. Chính nhờ chiến thuật như thế mà các công ty thuốc lá đã đưa ra những bằng chứng khoa học chứng tỏ rằng sản phẩm của họ là vô hại. Hiện nay những người phủ nhận biến đổi khí hậu cũng làm như thế, bất chấp những bằng chứng mà khoa học đã tìm được.

“Sự cân bằng như thế đã tạo điều kiện cho những công ti thuốc là và những người phủ nhận biến đổi khí hậu tuyên bố rằng câu chuyện nào cũng có hai mặt, rằng các chuyên gia không tìm được quan điểm chung – tạo ra bức tranh sai lầm về chân lí, và vì vậy mà khuyến khích sự vô minh”.

Proctor nói rằng nhiều công trình nghiên cứu về chất gây ung thư trong thuốc lá ban đầu được thực hiện trên những con chuột, thế là ngành công nghiệp thuốc lá liền phản ứng lại bằng cách nói rằng thí nghiệm trên chuột không có nghĩa là người cũng gặp rủi ro như chuột, mặc cho những bằng chứng về sức khỏe kém của nhiều người hút thuốc lá.

Thời đại vô minh mới

“Chúng ta đang sống trong thời đại vô minh toàn diện và đáng ngạc nhiên là sự thật nào cũng phải vượt qua một rừng âm thanh hỗn loạn”, Proctor nói. Mặc dù bây giờ có thể dễ dàng tiếp cận kiến thức, nhưng như thế không có nghĩa là người ta sẽ tiếp cận với nó, ông cảnh báo.

“Mặc dù dễ dàng tìm được câu trả lời đúng cho hầu hết các vấn đề - ví dụ thủy ngân sôi ở bao nhiêu độ. Nhưng kiến thức về những vần đề lớn hơn trong chính trị và triết học lại thường xuất phát từ niềm tin hay truyền thống hoặc tuyên truyền”, ông nói.

Khi người ta không hiểu được khái niệm hay sự kiện nào đó thì họ sẽ trở thành mồi ngon cho những nhóm lợi ích đặc biệt

Proctor phát hiện ra rằng lan truyền vì hai điều kiện: thứ nhất, khi nhiều người không hiểu được khái niệm hay sự kiện nào đó và thứ hai, khi có những nhóm lợi ích đặc biệt – ví dụ như các công ti thương mại hay các nhóm chính trị - tìm cách tạo ra rối rắm xung quanh vấn đề nào đó. Trong trường hợp thuốc là và biến đổi khí hậu, những người không có nền tảng khoa học thường dễ bị ảnh hưởng.

Xin lấy ví dụ biến đổi khí hậu. “Cuộc chiến không chỉ về thay đổi khí hậu mà còn về việc Chúa có tạo ra trái đất để cho chúng ta khai thác hay không, liệu chính phủ có quyền kiểm soát sản xuất hay không, liệu có cần giao thêm quyền hạn cho những người bảo vệ môi trường hay không..v.v.. Vấn đề không phải là sự kiện mà còn là những kết luận mà người ta rút ra từ những sự kiện đó”, Proctor nói.

Tư duy bằng cái đầu của mình

Một nhà khoa bảng nghiên cứu về vô minh nữa là David Dunning, thuộc đại học Cornell (Cornell University). Dunning cảnh báo rằng Internet đang giúp truyền bá vô minh - đó là một nơi mà người đều có cơ hội tự mình trở thành chuyên gia, ông nói, nó làm cho họ trở con mồi của những nhóm lợi ích đầy quyền lực cố tình tìm cách lan truyền vô minh.

“Trong khi hiện nay một số người thông minh tìm được lợi ích từ tất cả các thông tin chỉ bằng một cú nhấp chuột, thì nhiều người lại bị lừa vì cảm giác là mình có hiểu biết. Tôi lo không phải vì chúng ta đang đánh mất khả năng tự đưa ra ý kiến của mình mà sợ rằng đưa ra ý kiến riêng là việc quá dễ dàng. Chúng ta nên tham khảo ý kiến với người khác nhiều hơn là chúng ta nghĩ. Những người khác cũng không phải là hoàn hảo, nhưng ý kiến của họ thường có ảnh hưởng , giúp khắc phục các khiếm khuyết của chúng ta, cũng như ý kiến của chúng ta - dù không hoàn hảo - sẽ giúp sửa chữa sai lầm lỗi của họ”, Dunning nói.

Dunning và Proctor cũng cảnh báo rằng sự lan truyền một cách cố ý vô minh đang diễn ra một cách rộng khắp trong những cuộc bầu cử sơ bộ ở Mĩ trên cả hai phía của phổ chính trị.

Giải pháp của ứng viên Donald Trump là bất khả thi hoặc vi hiến là ví dụ về agnotology, Dunning nói

“Donald Trump là ví dụ rõ ràng, ông ta đề nghị những giải pháp dễ dàng nhưng đây là những giải pháp bất khả thi hoặc vi hiến”, Dunning nói.

Vì vậy, trong khi agnotology có thể có nguồn gốc từ thời hoàng kim của ngành công nghiệp thuốc lá, ngày nay nhu cầu nghiên cứu về sự vô minh của con người càng cấp bách hơn bao giờ hết.

Nguồn: http://www.bbc.com/future/story/20160105-the-man-who-studies-the-spread-of-ignorance
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: