Ngày 2/2/2016, luật sư Phạm Quốc Bình đã thông báo trên FB của ông về quyết định ra ứng cử Quốc Hội. Ngày 5/2/2016, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, tuyên bố ứng cử đại biểu Quốc Hội. Tiếp đó Luật sư Lê Luân cũng tuyên bố ra tranh cử.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A đã ra lời kêu gọi công dân tự ứng cử như một bước đi trong việc khẳng định quyền công dân của mình và cũng là để phá vỡ dần đi cơ chế độc quyền Đảng cử – Dân bầu. Hưởng ứng lời kêu gọi này một loạt cá nhân đã tuyên bố và kêu gọi cộng đồng ủng hộ mình tranh cử Đại biểu Quốc Hội.
Nhưng…
Nguyên tắc bất di bất dịch Trọng thị cử tri – thực hành dân chủ
Đấu tranh chính trị không phải chỉ là câu like, không phải chỉ cuộc vui, chuyện phiếm. Đấu tranh chính trị, mà ở đây cụ thể là tranh cử dân biểu cần một bộ máy vận hành chuyên nghiệp, từ bước vận động xã hội, đến cương lĩnh hành động và thậm chí cả các giải pháp cụ thể đối với chính quyền hiện tại (nếu bị làm khó dễ).
Đấu tranh chính trị hay tranh cử cần nghiêm túc, khoa học không phải là trò đùa, trò diễu nhại sử dụng trí khôn Trạng Quỳnh. Cần nhớ cho rằng trí khôn Trạng Quỳnh, thực chất chỉ là các trò tiểu xảo lặt vặt của dân làng xã, cái trí khôn ấy không thể dẫn dắt con người đến với sự trưởng thành về mặt tư duy, diễu nhại tuy vui nhất thời nhưng chỉ mua lấy sự thất bại chung cuộc.
Nếu anh không nghiêm túc với công cuộc đấu tranh của mình thì người dân cũng nhìn thấy ở anh sự thiếu nghiêm túc với họ; nếu anh đem cuộc đấu tranh của mình ra làm trò đùa thì cũng có nghĩa rằng anh đang đùa với người dân – những cử tri thực sự. Đó là sự ngu xuẩn, lố bịch!
Hiện giờ công bằng nhìn nhận, các nhóm xã hội dân sự đều có thực lực yếu ớt, cương lĩnh không có gì, phần đa chạy theo sự kiện. Hơn thế, giữa các nhóm này đôi khi xuất hiện các mâu thuẫn, công kích lẫn nhau. Đem cái thực lực như vậy bước vào cuộc tranh đấu chính trị trước mắt mà nghĩ rằng mình thành công được ấy là ảo tưởng.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A ra lời kêu gọi công dân tự ứng cử, tuy là sáng kiến hay giúp hình thành nên một phong trào tự ứng cử nhưng lại pha loãng vấn đề, tiếp tục xẻ nhó thêm các tiềm lực ít ỏi của các nhóm xã hội dân sự. Đó là sáng kiến bất cập thời và tùy hứng.
Việc ra ứng cử Đại biểu Quốc hội không cứ là thắng cử hay bại, cái thành công là ở chỗ người dân nhận thức thế nào về anh, nhận thức thế nào về giá trị dân chủ. Thắng lợi nhằm vào chỗ nói với người dân thế nào là quyền của công dân và đưa lại một cơ hội công bình hơn cho người dân sử dụng quyền ấy.
Vậy tại sao các nhóm xã hội dân sự không liên hiệp lại với nhau, tạo nên sức mạnh tổng thể? Bó đũa chọn ra cột cờ rồi dồn sức cho ngọn cờ đó? Việc liên hiệp có thể công khai, có thể bán công khai, hoặc các nhóm chỉ cần thống nhất tinh thần chung, không cần hình thành một tổ chức hợp nhất.
Pháp lý và truyền thông
Việc thứ hai là những người ra ứng cử cần có ít nhất một luật sư để bảo vệ chính mình hoặc đấu lý lẽ pháp luật khi cần thiết; tiến hành các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Có luật sư là để những người tranh cử ủy nhiệm các vấn đề pháp lý cho vị luật sư đó, tiến hành phòng vệ về mặt pháp luật.
Xây dựng một bộ máy truyền thông hữu hiệu bao gồm cả chính thống, báo nước ngoài, mạng xã hội và cả các tổ chức quốc tế quan tâm. Người tranh cử cần có cố vấn hay người phụ trách truyền thông để xác định rõ lộ trình cho chiến dịch truyền thông xã hội, sử dụng minh bạch thông tin để tranh đấu và bảo vệ chính mình.
Những cá nhân, nhóm nào nếu tự xét mình không đủ sức để hình thành những điều kiện hạ tầng trên thì tự nguyện lui đi, dồn sức cho người có tiềm lực mạnh hơn.
Sau khi xác định được như vậy, những người ra tranh cử kỳ này cần tuyên bố cụ thể rành mạch lý do mình tranh cử, mà rõ ràng xác quyết nhất là quyền công dân đã được Hiến Pháp và Pháp Luật bảo hộ. Tuyệt đối không nên post một cái hình, giới thiệu sơ lược ba dòng tiểu sử rồi kêu gọi mọi người ủng hộ. Tuy rằng cái hình cô gái xinh, hay một nhà hoạt động dân chủ lâu năm thu hút được vài nghìn like nhưng hiệu quả đấu tranh là zero.
Tuyên bố lý do tranh cử thì cũng phải tuyên bố cương lĩnh hay những việc anh làm nếu anh thắng cử. Đấy là cái lời hứa của nhà vận động chính trị với cử tri của mình, tuyệt đối không thể thiếu được, không thể mơ hồ được. Không cần đem những thứ quá to tát vào cương lĩnh tranh cử, sự hấp dẫn nhất với quần chúng hiện thời là bảo vệ các giá trị dân sinh. Ai bảo vệ miếng ăn của người dân người đó được dân ủng hộ.
Và điều cuối cùng, mỗi đại biểu ra tranh cử nên chuẩn bị hai khả năng cả khi thắng cử hay thất bại và gởi lời tri ân tới cử tri những người đã quan tâm tới công cuộc vận động tranh cử của mình. Kết lại cái nguyên do mình ra tranh cử, đánh giá khách quan và công bằng với thành bại của chính mình.
Đã xác định ra tranh cử đại biểu Quốc Hội thì anh phải làm việc nghiêm túc, thực sự; tuyệt đối không thể bông đùa, mua like hay là kết quả của thói ngẫu hứng nhất thời. Không nên kỳ vọng quá lớn vào triển vọng thắng cử, chỉ cần dốc sức để đem lại một cơ hội hiện thực giúp thực hành dân chủ, đấy là cái thành công lớn nhất rồi.
Sự nghiêm túc là thước đo thành bại!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét