Tháng 1 năm 2014, khi nhóm Nhà nước Hồi giáo chiếm quyền kiểm soát thành phố Raqqa của Syria, Adnan rời đi vì sợ công việc của anh là một nhà hoạt động chính trị sẽ khiến anh trở thành mục tiêu. Nhưng sau mấy tháng nhớ gia đình, anh quay trở lại để xem mình có thể chịu được cuộc sống dưới sự cai trị của những kẻ cực đoan hay không.
Adnan nhận thấy Raqqa, từng là một thành phố đầy màu sắc và đậm tính quốc tế, đã biến thành thủ đô trên thực tế của Nhà nước Hồi giáo. Phụ nữ mặc đồ đen trùm kín từ đầu đến chân rảo bước đến chợ trước khi hối hả về nhà, những nam thanh niên tránh những quán cà phê mà họ từng lui tới. Những chiến binh IS biến sân bóng đá của thành phố thành một nhà tù và trung tâm thẩm vấn, được gọi là "Điểm 11." Một trong những quảng trường ở trung tâm thành phố giờ được người dân gọi là Quảng trường "Jaheem" — Quảng trường Địa ngục.
Anh sớm hiểu được lý do vì sao. Một ngày nọ anh nghe tiếng súng ăn mừng và thấy thi thể của ba người đàn ông treo lủng lẳng trên những cây cột trên Quảng trường Địa ngục. Những thi thể này bị để ở đó ba ngày, anh vừa nói vừa phì phèo thuốc lá trong một quán cà phê ở Gaziantep, một thành phố ở vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đông người Syria sống lưu vong.
Nền cai trị khủng bố mà trước kia anh chạy lánh đã trở nên tồi tệ hơn, anh nói.
Mỗi lần nhóm Nhà nước Hồi giáo tràn vào một cộng đồng dân cư, mô thức cai trị mà họ áp dụng gần giống nhau, vừa quy củ lại vừa đẫm máu.
Đầu tiên là một đợt những vụ hành quyết cảnh sát và binh lính. Sau đó, những chiến binh thường tìm kiếm sự ủng hộ bằng cách nhanh chóng sửa chữa đường dây điện và đường ống nước. Họ kêu gọi công chức trở lại làm việc. Nhân viên chính phủ và bất kỳ cựu binh sĩ hay cựu cảnh sát viên nào đều ký giấy "sám hối" và phải giao nộp vũ khí của họ hoặc nộp tiền phạt đôi khi lên đến vài ngàn đôla.
Qua những thông báo trên loa phóng thanh, những bài giảng trong nhà thờ Hồi giáo và những tờ rơi, những quy định mới được đề ra: Cấm hút thuốc, cấm uống rượu, và cấm phụ nữ làm việc trừ khi là y tá hoặc trong những cửa hàng bán quần áo phụ nữ, nơi mà thậm chí những tượng ma-nơ-canh trong cửa sổ cũng phải che lại. Người dân cho biết họ bị bắt xây tường bên ngoài nhà của họ để người ta không bao giờ nhìn thấy phụ nữ ở bên trong.
Một người đàn ông nướng thịt trên đường phố ở Raqqa, ngày 18 tháng 9, 2014. Hàng chữ Ả-rập bảng màu đen bên phải nghĩa là: "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Vùng Cận Đông, tỉnh Raqqa."
Ở mỗi một khu vực có một "emir" — thường là một phần tử chủ chiến địa phương — được bổ nhiệm để cai quản. Trường học đóng cửa, sau đó mở lại với chương trình giảng dạy do IS biên soạn. Những cơ sở kinh doanh bị đánh thuế. Những hiệu thuốc được cấp những loại thuốc theo luật Sharia và cấm bán thuốc ngừa thai. Ở hầu hết các nơi, những bộ tộc hay những gia đình tuyên bố trung thành với nhóm này và được giữ những chức vụ hay hưởng đặc quyền, theo lời kể của một số người được phỏng vấn.
Adnan ở Raqqa gần một năm, chứng kiến những kẻ cực đoan thâm nhập gần như mọi khía cạnh của cuộc sống. Nhà chức trách IS đến tiệm bán phụ tùng xe hơi của gia đình anh đòi tiền thuế — tương đương 5.000 đôla. Nhóm này rõ ràng thu về bộn tiền từ việc đánh thuế những cơ sở kinh doanh, tịch thu đất đai của những người bỏ đi và doanh thu từ những mỏ dầu chiếm giữ xa về phía đông ở Syria, Adnan cho biết.
Anh nói IS khuyến khích thương mại khắp "caliphate" — ví dụ nguồn xi măng và rau quả chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Raqqa rồi đến Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq.
Rồi hoạt động tranh đấu một thời của Adnan ủng hộ phiến quân Syria bắt đầu khiến anh gặp rắc rối. Tháng 1 năm nay, một đội tuần tra đột kích nhà của gia đình anh, tịch thu máy tính laptop của anh và bắt giữ anh vì đăng lên mạng những bài viết mà họ nói là khuyến khích chủ nghĩa thế tục. "Nhà đẹp thế," một người trong đội tuần tra nói trước khi đập vỡ hai đường ống nước bằng thủy tinh. "Cái này làm ô nhiễm môi trường," người này nói với Adnan.
55 ngày tiếp theo, Adnan bị giam giữ tại Điểm 11, một sân bóng đá.
Anh bị thẩm vấn ba lần trong những ngày đầu tiên, bị đánh bằng một ống nhựa màu xanh lá cây. Sau đó, anh được đưa khỏi nơi cách ly vào buồng giam với những tù nhân khác.
Không lâu sau đó anh chứng kiến một khoảnh khắc khủng khiếp. Một trong những thẩm phán hàng đầu của Nhà nước Hồi giáo trong khu vực, một người đàn ông lấy tên giả là Abu Ali al-Sharei, ghé qua vào đầu tháng 2 để dạy một bài học khác trong luật Hồi giáo cho những tù nhân. Ông ta nói chuyện phiếm với những tù nhân trong phòng. Sau đó, ông ta cười tươi và nói: "Này, tôi chưa nói cho các người biết, nhưng hôm nay bọn tôi nướng giòn thằng al-Kaseasbeh."
Adnan nói ông ta rút một ổ cứng di động ra khỏi túi và trước nỗi kinh hãi của những tù nhân, ông ta mở video cho xem cảnh phi công Muath al-Kaseasbeh của Không quân Jordan bị IS thiêu sống trong một cái lồng.
Lời kể của Adnan chỉ là một ví dụ nữa về cách thức IS sử dụng những video hành quyết mà họ chiếu cho cả thế giới xem trên mạng cũng để hăm dọa người dân sống dưới nền cai trị của họ.
Trong tù ở Raqqa, Adnan làm công việc phân phát thực phẩm cho những tù nhân khác và việc này cho anh cái nhìn bao quát những hoạt động ở đây.
Anh nhìn thấy hai tù nhân người Kurd và nghe trộm những cai tù nói hai người này có thể sẽ được dùng trong những video tuyên truyền bằng tiếng Kurdish trước khi được thả ra. Adnan nói anh cũng nhìn thấy một số chiến binh nước ngoài của Nhà nước Hồi giáo bị giam cầm — ba người Thổ Nhĩ Kỳ, một người Uzbekistan, một người Nga và một người Yemen — dường như bị tình nghi làm gián điệp. Hai chiến binh IS khác bị giải vào vì đánh cắp chiến lợi phẩm cướp bóc từ thành phố Kobani của người Kurd ở Syria thay vì chia sẻ với những chiến binh khác. Kobani là nơi chứng kiến thất bại lớn nhất của IS ở Syria, khi lực lượng người Kurd được các cuộc không kích của Mỹ yểm trợ đánh bật những kẻ chủ chiến sau nhiều tháng giao tranh ác liệt.
Mẹ của Muhammad Musallam khóc bên bức hình của anh tại nhà của bà ở Đông Jerusalem, ngày 12 tháng 2, 2015.
"Bọn tao hy sinh 2.200 người tuẫn đạo ở Kobani, còn bọn mày đi ăn cắp à?" Adnan nói anh nghe thấy người thẩm vấn quát mắng hai chiến binh bị câu lưu.
Adnan gặp tù nhân người Palestine Muhammad Musallam, người bị cáo buộc làm gián điệp cho Israel. Musallam nói với Adnan những người giam cầm nhiều lần quay video cảnh hành quyết anh ta. Mỗi lần họ đều quay video cảnh một đứa trẻ bắn vào đầu anh ta – nhưng lần nào súng cũng không có đạn.
"Rồi một ngày, bọn họ hành quyết anh ta thật," Adnan nói.
Hồi tháng 3, nhóm Nhà nước Hồi giáo công bố một video cho thấy cái chết của Musallam. Quỳ trên cánh đồng, anh ta bị một cậu bé mặc đồ ngụy trang quân sự bắn vào đầu.
Adnan nói anh tin rằng đó là lý do tại sao rất nhiều nạn nhân trong những video có vẻ rất bình tĩnh. "Bọn họ làm đi làm lại như vậy 20 lần. Vì vậy khi hành quyết thật, tù nhân sẽ nghĩ đó chỉ là một vụ hành quyết giả khác mà thôi," anh nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét