Tác giả: Thái Văn Cầu
Trong chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo Trung Quốc đến Mỹ vào cuối tháng 9 năm 2015, tại cuộc họp báo chung với Barack Obama ở khuôn viên Toà Nhà trắng, Tập Cận Bình tuyên bố các đảo (thuộc hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc từ ngàn xưa. Sau khi khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục những hoạt động trên Biển Đông, như luật pháp quốc tế cho phép, Tổng thống Obama khuyến khích các bên tranh chấp tìm kiếm giải pháp.[1]
Bài sau đây, trong loạt bài nghiên cứu Biển Đông của người viết, trước hết, trình bày phản biện cho một số lập luận, ý kiến hiện thời, liên hệ tới chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế, kế đến, bàn về yếu tố ảnh hưởng quá trình hành xử chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Pháp trong nửa đầu thế kỷ XX, và phương án khả thi cho tranh chấp biển, đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc.[2]
1. Đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, và chủ quyền quốc gia
Đảo Phú Lâm, thuộc nhóm đảo An Vĩnh, nằm ở phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, có tên quốc tế là Woody Island. Nó còn được biết với tên Ile Boisée dưới thời Pháp thuộc. Bộ đại từ điển do nhà địa dư học Hà Lan Jacobus Van Wijk Roelandszoon biên soạn, xuất bản năm 1821, là tư liệu phương Tây ghi rõ đảo Phú Lâm là của Việt Nam.[3]
Khoảng đầu thập niên 1920, chính quyền Pháp ở Đông Dương thường xuyên cho tàu tuần hành khu vực Hoàng Sa, từng khám xét tàu Nhật chuyên chở phốt phát, khai thác từ đảo Phú Lâm. Tháng 3 năm 1925, Toàn quyền Đông Dương tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa. Từ giữa đến cuối thập niên 1920, nhiều đoàn khảo sát người Pháp thực hiện nghiên cứu khoa học ở Hoàng Sa-Trường Sa, bao gồm đảo Phú Lâm.
Tháng 9 năm 1930, chính quyền Pháp chính thức thông báo chủ quyền Trường Sa đến các siêu cường. Tháng 2 năm 1932: Bộ Ngoại giao Pháp yêu cầu Bộ Quốc phòng Pháp chiếm hữu đảo ở Trường Sa. Tháng 3 năm 1932: Bộ Quốc phòng thông báo cho Bộ Ngoại giao kế hoạch chiếm hữu đảo tại khu vực không nguy hiểm, có thể tạm thời trú đóng. Do tình hình thời tiết, kế hoạch không xảy ra trước tháng 4 năm 1933, Kế hoạch bao gồm cả bản thảo cho tuyên bố sử dụng khi chiếm hữu đảo. Monique Chemillier-Gendreau, chuyên gia Pháp về luật pháp quốc tế, nhận định thông báo này có mục đích chính thức chiếm hữu toàn bộ quần đảo Trường Sa.[4]
Tháng 4 năm 1933: Bộ Quốc phòng hoàn thành kế hoạch chiếm hữu 6 đảo ở Trường Sa.
Tháng 7 năm 1933: Sự chính thức chiếm hữu đăng trên Công báo (Journal officiel) Pháp. Anh công nhận chủ quyền của Pháp dù tàu Anh đã đến Trường Sa năm 1877. Tháng 8 năm 1940: Bộ Ngoại giao nêu lên sự thông báo chủ quyền Trường Sa đến các nước, sự chính thức chiếm hữu ở Trường Sa đăng trên Công báo, sự sáp nhập Trường Sa vào đơn vị hành chính ở Trung phần Việt Nam, sự công nhận của Anh, và cho biết Nhật là nước duy nhất phản đối hành xử chủ quyền của Pháp.[5]
Trong những năm đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp tiếp tục quản lý đảo Phú Lâm nói riêng và Hoàng Sa nói chung, cho đến khi bị quân đội Nhật ngăn chặn vào tháng 3 năm 1945. Pháp không có quân trú đóng ở Trường Sa nhưng khi hải quân Nhật gia tăng hoạt động tại Trường Sa, Pháp phản đối. Một lần nữa, Anh công nhận chủ quyền của Pháp. Để đánh dấu sự hiện diện, chính quyền Pháp đưa lực lượng dân vệ người Việt đến Trường Sa, trú đóng cạnh dân vệ của Nhật.[6]
Hội nghị quốc tế ở Cairo năm 1943 và Potsdam năm 1945 quyết định Nhật phải hoàn trả các vùng đất của Trung Hoa, bị Nhật chiếm đóng trong chiến tranh, cụ thể là Formosa, Pescadores, Manchuria. Dù tham dự cả hai hội nghị, Tưởng Giới Thạch không đòi chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa. Cuối năm 1946, quân đội Tưởng Giới Thạch bất ngờ đổ bộ lên Hoàng Sa-Trường Sa. Khi phát hiện sự hiện diện của quân Tưởng ở đảo Phú Lâm, Pháp phản đối. Chính quyền Tưởng bác bỏ đề nghị của Pháp đưa tranh chấp ra quốc tế giải quyết. Đầu năm 1950, sau khi nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa (CHNDTH) thành lập, quân Tưởng rút khỏi đảo Phú Lâm. Trong khi quân đội Pháp ở Đông Dương duy trì sự hiện diện ở đảo Hoàng Sa (tên quốc tế là Pattle Island), Pháp không gửi quân đến đảo Phú Lâm.[7]
Tháng 10 năm 1950, lễ bàn giao quyền kiểm soát Hoàng Sa giữa Pháp và Việt Nam xảy ra. Tổng trấn Trung phần Việt Nam Phan Văn Giáo chủ trì lễ bàn giao. Không có lễ bàn giao quyền kiểm soát Trường Sa giữa Pháp và Việt Nam vì không có chứng cứ quân đội Pháp hiện diện ở Trường Sa vào thời điểm đấy.[8]
Yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hành xử chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa ở nửa đầu thế kỷ XX:
- Nhật Bản:
Là cường quốc châu Á, Nhật theo đuổi chủ trương bành trướng từ thập niên 1890, gây chiến tranh với Trung Hoa năm 1894, với Nga năm 1905, chiếm đóng Formosa, Pescadores, đảo Sakhalin. Trong thập niên 1920, phe quân sự Nhật, có tinh thần cực đoan, thắng thế. Nhật dùng vũ lực chiếm đóng Manchuria năm 1931, xâm lược miền Đông Trung Hoa năm 1937-1938, tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai cuối năm 1940. Nhật tuyên bố đầu hàng khối đồng minh tháng 8 năm 1945 sau khi bị Mỹ ném hai quả bom nguyên tử.[9]
- Chiến tranh Đông Dương:
Vào đầu thập niên 1950, cuộc chiến tranh chống Pháp ở Việt Nam đi vào thời kỳ mới. Pháp cần Mỹ giúp đỡ sau khi có sự thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu, sự gia tăng nguồn viện trợ từ khối cộng sản, sự lớn mạnh trong phong trào chống chiến tranh Đông Dương ở Pháp, sự thất bại quân sự của Pháp trong Chiến dịch Biên giới, v.v. Vào tháng 5 năm 1950, lần đầu tiên Mỹ gửi 23,3 triệu dollars viện trợ cho Pháp. Đến năm 1954, Mỹ hỗ trợ khoảng 75% ngân sách chiến tranh Đông Dương của Pháp.[10]
Từ đầu thập niên 1920, đối diện với tham vọng bành trướng của Nhật ở châu Á, Pháp hành xử chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa để ngăn chặn bước tiến của Nhật. Từ cuối thập niên 1940 đến giữa thập niên 1950, do mối đe dọa của Nhật không còn, do mức độ khốc liệt trong chiến tranh Đông Dương gia tăng, do thiếu hụt ngân sách, Pháp giảm thiểu quan tâm về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa.
Tháng 9 năm 1951, tại Hội nghị San Francisco, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quốc gia Việt Nam (QGVN) Trần Văn Hữu tuyên bố Hoàng Sa-Trường Sa thuộc Việt Nam. Các nước tham dự hội nghị không phản đối tuyên bố của Việt Nam. QGVN, cùng 47 nước khác, bao gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, v.v. ký Hiệp ước Hoà bình. Theo Hiệp ước, Nhật từ bỏ mọi quyền và yêu sách chủ quyền của Nhật ở Hoàng Sa-Trường Sa.[11]
Tháng 7 năm 1954, Hội nghị Geneva kết thúc, chính thức công nhận nền độc lập của Việt Nam. Việt Nam chia đôi. QGVN (sau là Việt Nam Cộng hoà) được quyền quản lý Hoàng Sa-Trường Sa. Nỗ lực củng cố quyền hành của chính quyền Ngô Đình Diệm và mở rộng vai trò của Mỹ đưa đến áp lực khiến quân đội Pháp phải rời khỏi Việt Nam cuối tháng 4 năm 1956, trước thời hạn quy định trong Hiệp ước Geneva.[12]
Dù Mỹ cho Pháp biết quan tâm của họ về vị thế chiến lược của Hoàng Sa, chính quyền Pháp không có phản ứng thích hợp. Nắm lấy thời cơ, tháng 12 năm 1955, Trung Quốc bắt đầu gửi quân xâm nhập đảo Phú Lâm. Cuối tháng 2 năm 1956, tàu tuần tra Pháp đi gần đảo Phú Lâm, phát hiện quân Trung Quốc đang xây dựng công sự, thiết lập sự chiếm đóng bất hợp pháp.[13]
Trước đòi hỏi chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Trung Quốc, vào đầu tháng 6 năm 1956, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao QGVN lên tiếng khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam, như thông báo ở Hội nghị San Francisco năm 1951. Cho đến thời điểm bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng vào nửa đầu năm 1956, Việt Nam hành xử chủ quyền ở đảo Phú Lâm nói riêng và ở Hoàng Sa-Trường Sa nói chung, theo đúng Định ước Berlin năm 1885 và luật pháp quốc tế.
Không ngừng ở khu vực đảo Phú Lâm, lần lượt vào tháng 1 năm 1974 và tháng 3 năm 1988, Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng phần đảo còn lại của Hoàng Sa và 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa, khiến 74 chiến sĩ Quân đội Việt Nam Cộng hòa và 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh.[14]
2. Chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế
Trong hơn 10 năm nay, có những lập luận, ý kiến được đưa ra khi nói về nỗ lực bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa-Trường. Sau đây là phản biện của người viết cho một số luận điểm, trên góc độ luật pháp quốc tế.
2.1 Qua phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam và qua khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam, Việt Nam đã và đang bảo vệ chủ quyền ở hai quần đảo này.
Theo Nguyễn Quốc Định, chuyên gia Pháp gốc Việt về luật pháp quốc tế, phản đối ngoại giao và khẳng định chủ quyền trước hành động xâm phạm của nước khác là điều không thể thiếu. Nuno Sergio Marques Antunes, chuyên gia Bồ Đào Nha về tranh chấp hàng hải quốc tế, cũng nhấn mạnh vai trò của phương thức này trong nghiên cứu của ông.[15]
Tuy nhiên, phản đối ngoại giao, khẳng định chủ quyền sẽ không có giá trị nếu nó không được nối tiếp với các phương thức khác, như tích cực giải quyết tranh chấp qua đàm phán hoà bình, hay qua sử dụng hệ thống toà án quốc tế.
Trong hai vụ kiện, giữa Pháp và Anh năm 1953, giữa Nicaragua và Honduras năm 2007, Toà án Quốc tế (ICJ) phán xét rằng, do xem khẳng định chủ quyền, phản đối ngoại giao của Pháp, Nicaragua là không đầy đủ, ICJ đưa quyết định thuận lợi cho Anh, Honduras.[16]
Trong tranh chấp quần đảo Falklands giữa Argentina và Anh, phản đối ngoại giao, khẳng định chủ quyền của Argentina không bảo vệ được chủ quyền quần đảo Falklands khi Argentina không tiến hành kiện Anh ra ICJ.[17]
2.2 Do tính chất phức tạp của nó, tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc nên được gác lại cho các thế hệ sau tìm phương thức giải quyết.
Có ý kiến cho rằng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa là vấn đề lâu dài, kéo đến đời con, đời cháu, hay ngay cả hàng trăm năm.
Trước hết, như đã đề cập ở trên, phản đối ngoại giao, khẳng định chủ quyền có giới hạn thời gian của nó. Kế đến, trong giải quyết tranh chấp giữa hai nước, khi cần thiết, ICJ sử dụng nguyên tắc “quieta non movere” hay “không làm xáo trộn sự ổn định”. ICJ có thể đưa quyết định thuận lợi cho nước đang chiếm giữ một vùng đất, vùng biển, mặc dù chủ quyền ban đầu không thiết lập rõ ràng, nhưng có hành xử thích hợp sau đấy.
Trong hai vụ kiện, giữa Norway và Sweden năm 1909, giữa Qatar và Bahrain năm 2001, nguyên tắc này là một trong những yếu tố khiến Sweden, Bahrain nhận được quyết định thuận lợi.[18]
Theo M. Taylor Fravel, chuyên gia Mỹ về quan hệ quốc tế, từ khi CHNDTH thành lập năm 1949 cho đến nay, trong tổng số 23 cuộc tranh chấp lãnh thổ hay lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, Trung Quốc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán 17 lần và sử dụng vũ lực 6 lần. Trong đó, 3 lần sử dụng vũ lực là với Việt Nam: Tại Hoàng Sa năm 1974, khu vực biên giới cực Bắc năm 1979, và Trường Sa năm 1988. Ba lần còn lại là với Đài Loan, Ấn Độ và Liên Xô.[19]
Hiến chương Liên hiệp quốc có Chương I, Điều 2, Khoản 4, ngăn cấm thành viên của tổ chức Liên hiệp quốc đe doạ hay sử dụng vũ lực chống toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của thành viên khác. Hiến chương Liên hiệp quốc cũng có Chương VII, Điều 51, đề cập đến quyền tự vệ cá nhân hay quyền tự vệ tập thể khi thành viên bị tấn công vũ trang.[20]
Trong hơn 30 năm nay, học giả Trung Quốc và học giả phương Tây, như Wu Shicun, Marwyn Samuels, Greg Austin, v.v., trực tiếp hay gián tiếp, bóp méo hay làm lu mờ sự thật, khi đưa lập luận Trung Quốc thực hiện “quyền tự vệ” hay bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ” trong xung đột biển đảo với Việt Nam.[21]
Dù chưa có nghiên cứu khoa học, nghiêm túc, về nguyên tắc “quieta non movere” và sự sử dụng vũ lực trong chiếm đóng, các quyết định của Toà án Quốc tế, dựa trên cơ sở thời gian và tình trạng ổn định, và sự kiện Trung Quốc tích cực tạo hoả mù trong chứng cứ lịch sử và trong hành động chiếm đóng bất hợp pháp ở Hoàng Sa-Trường Sa, cho thấy sự bất lợi cho Việt Nam, sự thuận lợi cho Trung Quốc gia tăng, khi Việt Nam gác lại giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, để cho các thế hệ sau tìm giải pháp.[22]
2.3 Để giảm thiểu căng thẳng trong tranh chấp quần đảo Trường Sa với Philippines và Malaysia, Việt Nam nên công khai từ bỏ đòi hỏi chủ quyền tất cả đảo, đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và Malaysia.
Khái niệm EEZ trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS), được công nhận năm 1982, và có hiệu lực từ năm 1994, là về “quyền chủ quyền” của nước tiếp cận biển, không phải về công nhận chủ quyền của đảo, đá nằm trong EEZ của một nước.
Đảo, đá #123 nằm trong EEZ của nước A có thể thuộc chủ quyền của nước B hay thuộc tranh chấp chủ quyền giữa hai nước B và C. Nếu chứng cứ chủ quyền của A yếu hơn B và C, và nếu B đơn phương từ bỏ đòi hỏi chủ quyền đảo, đá #123, trong khi C tiếp tục đòi hỏi, khi có phán xét, ICJ sẽ trao chủ quyền đảo, đá #123 cho C, không phải cho A.
Việt Nam hành xử chủ quyền ở Trường Sa trước Philippines và Malaysia. Do Trung Quốc cũng đòi chủ quyền Trường Sa, tranh chấp xảy ra. Từ hành xử chủ quyền trên 6 đảo, đá ở quần đảo Trường Sa đầu thập niên 1930, Việt Nam hiện hành xử chủ quyền ở 21 đảo, không kể 7 bãi đá ngầm bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng năm 1988. So với các nước có tranh chấp ở Trường Sa, Việt Nam có con số đảo, đá lớn nhất.[23]
Quan hệ giữa Việt Nam với Philippines, và với Malaysia, trong bối cảnh Biển Đông, tiến triển tốt đẹp trong nhiều năm qua. Việt Nam và Malaysia nộp báo cáo chung về khu vực giữa EEZ của hai nước cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf (CLCS)), theo đúng quy định của UNCLOS, năm 2009; Việt Nam và Philippines hỗ trợ cho nhau trong tranh chấp với Trung Quốc, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước vào tháng 11 năm 2015.[24]
Do đó, nếu được thực hiện, luận điểm này có khả năng gây thiệt hại không chỉ cho Việt Nam mà còn cho Philippines và Malaysia.
2.4 Việt Nam không thể kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế được vì Trung Quốc không hợp tác.
Cơ chế quốc tế để giải quyết tranh chấp trên đất liền hay trên biển giữa các nước là Toà án Quốc tế (ICJ), Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Toà án Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Toà án Trọng tài Đặc biệt theo Phụ lục VIII của UNCLOS.
ICJ hiện hữu từ năm 1946; ba Toà án còn lại hình thành sau khi UNCLOS có hiệu lực năm 1994. ICJ và ITLOS đòi hỏi mọi bên trong tranh chấp đồng ý tham gia vào quá trình thưa kiện.
Tuy nhiên, Điều 53 trong Quy chế của ICJ có nói rằng:
- Bất cứ khi nào một trong các bên không trình diện trước Tòa án, hoặc không bảo vệ trường hợp của họ, bên kia có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định theo hướng có lợi cho mình.
- Trước khi thực hiện yêu cầu, Tòa án phải biết, không những là Toà án có thẩm quyền theo quy định ở các Điều 36 và 37, mà còn là vụ kiện có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý.[25]
Trong gần 70 năm qua, ICJ phán xét hơn 160 vụ kiện; Điều 53 được ICJ sử dụng 7 lần.[26]
Do tính chất quan trọng của vụ kiện và phạm vi giới hạn của bài, người viết tập trung vào một trong 7 trường hợp: Vụ kiện về “Những hoạt động quân sự và bán quân sự ở trong và chống Nicaragua” giữa Nicaragua và Mỹ, bắt đầu từ tháng 4 năm 1984.
Viện dẫn lý do là ICJ có khả năng vượt quá giới hạn và bị chính trị hoá, Mỹ từ chối tham gia. Dựa trên Điều 53, ICJ tiến hành vụ kiện và có quyết định thuận lợi cho Nicaragua cuối tháng 6 năm 1986.[27]
Trong hơn 20 năm qua, vụ kiện đưa đến những tác động tích cực, không chỉ cho Nicaragua và Mỹ mà còn cho các nước khác.
Đối với Nicaragua:
Mặc dù không được Mỹ trực tiếp bồi thường thiệt hại quy định trong phán xét của ICJ, Nicaragua nhận viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ, có giá trị hàng trăm triệu dollars, khi quan hệ giữa hai nước cải thiện từ đầu thập niên 1990.[28]
Đối với Mỹ:
Mỹ nhận thức đuợc mối lo ngại, khi từ chối tham gia vụ kiện, là ICJ sẽ bị chính trị hoá, không trở thành hiện thực. Dự đoán của Mỹ không chính xác. Phán xét trong vụ kiện khiến Mỹ phải thực hiện thay đổi trong chính sách và trong quyết định liên quan đến giải quyết tranh chấp.[29]
Đối với những nước khác:
Trong hai thập niên 1960-1970, phán xét của ICJ trong các vụ kiện giữa Ethiopia-Nam Phi, Liberia-Nam Phi năm 1966, Namibia-Nam Phi năm 1971, v.v., khiến những nước đang phát triển ở châu Phi và châu Á nhận định ICJ chưa đủ mạnh, chưa sẳn sàng để có quyết định đúng đắn, không thiên vị, về hành động sai trái của một số nước ở phương Tây hay thân phương Tây.
Phán xét trong vụ kiện giữa Nicaragua-Mỹ cho thấy ICJ có thể đưa quyết định thuận lợi cho một nước nhỏ, yếu kém, chống một nước lớn, hùng mạnh hàng đầu thế giới. Kết quả là số nước đưa tranh chấp ra ICJ giải quyết gia tăng từ sau vụ kiện của Nicaragua.[30]
3. Giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc
3.1 Phương án giải quyết tranh chấp của Philippines
Sau gần 20 năm theo đuổi đàm phán hoà bình để giải quyết tranh chấp Trường Sa nhưng đối diện với lập trường ngang ngược của Trung Quốc, vào đầu năm 2013, Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS. Viện dẫn lý do về thẩm quyền của Toà án Trọng tài, Trung Quốc từ chối tham gia.
Vào cuối tháng 10 năm 2015, Toà án Trọng tài khẳng định thẩm quyền của Toà án cho 7 trong 15 điểm trong hồ sơ kiện của Philippines và xem xét những điểm còn lại trong thời gian sau. Phán xét của Toà án đánh dấu thắng lợi đầu tiên cho Phillipines trong vụ kiện Trung Quốc.[31]
3.2 Nỗ lực thúc đẩy đàm phán hoà bình của Việt Nam
Vào cuối tháng 9 năm 1975, trong cuộc họp với lãnh đạo Trung Quốc, khi Bí thư Thứ nhất đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn nêu vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa, Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thừa nhận có tranh chấp và đề nghị hai nước thảo luận sau.[32]
Trong hơn ba tháng qua, tuyên bố của Tập Cận Bình về chủ quyền trên Biển Đông trong các chuyến thăm từ châu Mỹ sang châu Á cho thấy rất rõ một thực tế là, kể từ cuộc họp giữa lãnh đạo hai nước Việt-Trung năm 1975 cho đến nay, Trung Quốc dứt khoát gạt bỏ mọi thiện chí của Việt Nam để giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa. Trung Quốc chủ trương duy trì một lập trường nhất quán trong hơn 40 năm: không đàm phán hoà bình với Việt Nam về Hoàng Sa-Trường Sa.[33]
3.3 Phương án giải quyết tranh chấp của Việt Nam
Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia của Việt Nam khi chiếm đóng bất hợp pháp đảo Phú Lâm năm 1956, sử dụng vũ lực ở Hoàng Sa năm 1974, ở Trường Sa năm 1988, hàng năm ngang nhiên tuyên bố lệnh cấm đánh cá trên vùng biển của Việt Nam, liên tục gây thiệt hại tài sản và ngay cả thiệt hại nhân mạng cho ngư dân Việt Nam.
Trong 5 năm qua, Trung Quốc tích cực hoàn thiện hay xây dựng mới tổ chức hành chính, sân bay quân sự, quân cảng, hải đăng, v.v., ở Hoàng Sa-Trường Sa, cải tạo và tăng diện tích các bãi đá ngầm chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa thành đảo nhân tạo, ở tốc độ kỷ lục chưa từng có trong lịch sử.[34]
Kể từ khi Trung Quốc chính thức chiếm đóng đảo Phú Lâm năm 1956 cho đến nay, tranh chấp Biển Đông hiện ở mức độ khẩn trương cao nhất. So với các nước có tranh chấp trên Biển Đông, với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, Việt Nam là nước bị thiệt hại lâu dài nhất, nặng nề nhất, trong tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Cuối năm 2011, lần đầu tiên lãnh đạo Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trước Quốc hội sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam,“… năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974 Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự đang quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn – chính quyền Việt Nam cộng hòa. Chính quyền Sài Gòn – chính quyền Việt Nam cộng hòa lúc đó đã lên án hành động xâm chiếm này và đã đề nghị Liên hiệp quốc can thiệp.”
Vào tháng 5 năm 2014, trong chuyến thăm Philippines, Thủ tướng khẳng định, “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông … Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế.”[35]
Vào tháng 11 năm 2015, khi gặp gỡ kiều bào Đức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại lời dạy của vua Lê Thánh Tông, ““Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di.”
Ông cha chúng ta như thế, đến đời chúng ta cũng phải thế.”
Vào cùng tháng 11 năm 2015, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết là cử tri cả nước “đề nghị sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế”.[36]
Sự kết hợp giữa ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam, của Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, với thực tế tình hình Biển Đông, và với các nghiên cứu về luật pháp quốc tế, cho thấy Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của phương án: Kiện Trung Quốc ra hệ thống toà án quốc tế.
Khi sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ giải quyết vấn đề chủ quyền giữa hai nước, mà còn giúp tạo tin tưởng từ các nước phụ thuộc vào giao thông hàng hải ngang qua một khu vực với hơn 5.300 tỷ dollars mậu dịch quốc tế hàng năm. Cách hành xử như trên sẽ chứng minh mạnh mẽ rằng Việt Nam là nước tôn trọng luật pháp, và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh là cường quốc kinh tế hàng thứ hai và cường quốc quân sự hàng thứ ba trên toàn cầu, Trung Quốc có quan toà đại diện trong Toà án Quốc tế và Toà án Quốc tế về Luật Biển. Trung Quốc luôn luôn khẳng định trước dư luận thế giới là họ có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý hậu thuẫn cho đòi hỏi chủ quyền đảo, đá trên Biển Đông.
Nếu Trung Quốc muốn chứng minh họ tôn trọng luật pháp, có trách nhiệm, tương xứng với vị thế của nước họ, nếu Trung Quốc muốn thuyết phục quốc tế tin tưởng vào chứng cứ chủ quyền của họ, phủ nhận vai trò mà Toà án Quốc tế hành xử hữu hiệu trong hơn 60 năm nay sẽ là hành động phản tác dụng nhất của Trung Quốc. Khi Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện, Điều 53 trong Quy chế của Toà án Quốc tế cho phép vụ kiện tiến hành khi có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý. Quyết định không thuận lợi cho Trung Quốc đưa đến cái giá phải trả có khả năng vượt khỏi mọi dự đoán của Trung Quốc.
Trong hơn 40 năm qua, do tham vọng bành trướng và lập trường ngang ngược cố hữu của Trung Quốc, tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc không được giải quyết qua đàm phán hoà bình. Trái ngược với một số lập luận, ý kiến thường được nêu lên, nghiên cứu của người viết, dựa trên phán xét của Toà án Quốc tế, cho thấy cánh cửa sử dụng biện pháp pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ hoà bình trong khu vực quan trọng hàng đầu thế giới, không mở ra cho Việt Nam mãi mãi.
Khi kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế, thế hệ hôm nay không những làm theo lời dạy của tiền nhân, đền đáp sự hy sinh to lớn của bao thế hệ đi trước, mà còn góp phần tạo nên một bước ngoặt trong lịch sử của đất nước.
Thái Văn Cầu
Tác giả gửi đến Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
—————-
Chú thích:
1. Obama, Xi, “Remarks by President Obama and President Xi of the People’s Republic of China in Joint Press Conference”, 2015
2. Thái Văn Cầu, “Quyền kế thừa của nhà nước và chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa”, 2014
Cùng tác giả, “VN chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền ở Hoàng Sa”, 2014
“Tự do hàng hải và Chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa”, 2014
“Luật pháp Quốc tế và Chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa”, 2014
“Hai Nhà nước Việt Nam và Chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa”, 2013
3. Bộ đại từ điển của nhà địa dư học Hà Lan Jacobus Van Wijk Roelandszoon gồm 11 cuốn, xuất bản trong hơn 20 năm, 1821-1842. Khi viết về Paracells (Hoàng Sa) trong phần chữ P, trang 862, có danh sách các đảo, bao gồm đảo Phú Lâm, tọa độ quần đảo Hoàng Sa, và nói rõ là Hoàng Sa thuộc Việt Nam.
4. Monique Chemillier-Gendreau, “La souverainete sur les archipels Paracels et Spratleys”, 1996, tr. 105-106, 244-246
5. Monique Chemillier-Gendreau, sđd, tr. 247-249
6. John E. Dreifort, “Myopic Grandeur The Ambivalence of French Foreign Policy Toward the Far East, 1919-1945”, 1991, tr. 149-152
Monique Chemillier-Gendreau, sđd, tr. 250
7. Monique Chemillier-Gendreau, sđd, tr. 43
8. Chính Đạo, “Việt Nam Niên Biểu (1939-1975), (Tập B: 1947-1954), 1997, tr. 196
Monique Chemillier-Gendreau, sđd, tr. 111
9. Timo Kivimäki, “War or Peace in the South China Sea?”, 2002, tr. 9-10
James Bowen, “Japan’s territorial expansion in East Asia 1875-1930”, 2010
10. Fredrik Logevall, “Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of America’s Vietnam”, 2012, tr. 231
Bruce Palmer, “The 25-Year War: America’s Military Role in Vietnam”, 1984, tr. 6
11. “Conference for the Conclusion and Signature of the Treaty of Peace with Japan”, (I&II), 1951&1952, tr. I-261-263
12. Fredrik Logevall, sđd, tr. 224-229
13. Stein Tonnesson, “The South China Sea in the Age of European Decline”, 2006, tr. 29-30
Theo Monique Chemillier-Gendreau, sđd, tr. 45, Trung Quốc thiết lập sự chiếm đóng bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm vào tháng 4 năm 1956, trong giai đoạn cuối của quân đội Pháp rời khỏi Việt Nam. Xem thêm Fredrik Logevall, sđd, tr. 650.
14. Special Vietnam Presse, No. 830, 2 Juin 1956
Monique Chemillier-Gendreau, sđd, tr. 119
Hong Thao Nguyen, “Vietnam’s Position on the Sovereignty over the Paracels & the Spratlys: Its Maritime Claim”, 2012, tr. 188
15. Nguyen Quoc Dinh, “Droit international public”, 1975, tr. 331
Nguyễn Quốc Định là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quốc gia Việt Nam trong chính quyền
Bửu Lộc năm 1954, là chủ tịch và phó chủ tịch của UNCLOS I (1956) và UNCLOS II (1960)
Epsey Cooke Farrell, “The Socialist Republic of Vietnam and the Law of the Sea: An Analysis of Vietnamese Behavior within the Emerging International Oceans Regime”, 1998, tr. 43
Nuno Sergio Marques Antunes, “Estoppel, Acquiescence and Recognition in Boundary Dispute Settlement”, 2000
16. Yong Zhou, “International Relations and Legal Cooperation in
General Diplomacy and Consular Relations”, 2014, tr. 322
Toà án Quốc tế, “Minquiers and Ecrehos (France/United Kingdom)”, 1953
Toà án Quốc tế, “Territorial and Maritime Dispute between Nicaragua and Honduras in the Caribbean Sea (Nicaragua v. Honduras)”, 2007
17. Daniel K. Gibran, “The Falklands War: Britain versus the Past in the South Atlantic”, 2008, tr. 42-43
18. Toà án Trọng tài Thường trực, “The Grisbadarna Case between Norway and Sweden Decided October 23, 1909”, 1909, tr. 130-132
Toà án Quốc tế, “Maritime Delimitation and Territorial Questions between Qatar and Bahrain (Qatar v. Bahrain)”, 2001, tr. 70-75
19. M. Taylor Fravel, “Strong Borders, Secure Nation: Cooperation and Conflict in China’s Territorial Disputes”, 2008, tr. 46-47
20. “Charter of the United Nations”, 1945
“Hiến chương Liên hiệp quốc”, 1945
21. Marwyn S. Samuels, “Contest for the South China Sea”, 1982, tr. 100-101
Greg Austin, “China’s Ocean Frontier: International Law, Military Force and National Development”, 1998, tr. 73-77
Wu Shicun, “Solving Disputes for Regional Cooperation and Development in the South China Sea: A Chinese Perspective”, 2013, tr. 60
22. Toà án Quốc tế, “Dissenting Opinion of Judge Torres Bernárdez”, 2001, tr. 267-269
23. Monique Chemillier-Gendreau, sđd, tr. 155-156
24. “Việt Nam – Philippines lập quan hệ đối tác chiến lược”, 2015
25. Statute of the Court, International Court of Justice
26. Andreas Zimmermann, Karin Oellers-Frahm, Christian Tomuschat, Christian J. Tams, “The Statute of the International Court of Justice: A Commentary”, 2006, tr. 1335
27. “Military and Paramilitary Activities in and against Nicaragua (Nicaragua v. United States of America)”, 1986
28. “House OKs $720 Million in Aid to Nicaragua, Panama: Congress: Senate Democrats are threatening to delay some funds. Bush wants action by Thursday.”, 1990
“U.S. Foreign Assistance to Latin America and the Caribbean: Recent Trends and FY2013 Appropriations”, 2012
29. Lori Damrosch, “The Impact of the Nicaragua Case on the Court and Its Role: Harmful, Helpful, or In Between?”, 2012
30. Lori Damrosch, sđd, tr. 140-143
31. Truong-Minh Vu & Trang Pham, “Who Will ‘Win’ in the Philippines’ South China Sea Case Against China?”, 2015
Trưởng đoàn luật sư của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc là luật sư Mỹ Paul Reichler. Năm 1986, luật sư Reichler, ở tuổi 38, là luật sư chính trong vụ kiện về “Những hoạt động quân sự và bán quân sự ở trong và chống Nicaragua” giữa Nicaragua và Mỹ”. Toà án Quốc tế xử Nicaragua thắng kiện, như đã nêu trong phần 2.4.
“Dũng sĩ giúp Philippines trong vụ kiện ‘đường lưỡi bò’”
“PH lawyer vs China: ‘Giant slayer’ who defeated US”, 2015
“Companero Paul, of Harvard Law”, 1988
32. Bộ Ngoại giao CHXHCNVN, “La Souverainete du Viet Nam sur les archipels Hoang Sa et Truong Sa”, 1979, tr. 55
33. “Sang Singapore, ông Tập Cận Bình: ‘Các đảo ở Biển Đông là của Trung Quốc từ thời cổ đại’”, 2015
“Xi Again Defends China’s Claim to South China Sea Islands”, 2015
34. “Trung Quốc xây dựng trái phép ở Hoàng Sa ra sao?”, 2015
“Trung Quốc xây gì ở Trường Sa một năm qua”, 2015
“Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại Hoàng Sa”, 2015
“Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông”, 2015
“TQ xây đường băng tại Gạc Ma: Phải kiện ra tòa quốc tế!”, 2014
“Không thể có cái gọi là “thành phố Tam Sa”, 2012
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20120630/khong-the-co-cai-goi-la-thanh-pho-tam-sa/499532.html
“Tàu Trung Quốc bắn chết ngư dân Việt Nam”, 2005
35. “Toàn văn báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng”, 2011
“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn quốc tế”, 2014
36. “Chủ tịch nước xúc động với “tàu biển Đông” của kiều bào Đức”, 2015
“Cử tri đề nghị sớm khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế”, 2015
Giới nghiên cứu và nguyên lãnh đạo quân sự cũng có ý kiến về vấn đề kiện Trung Quốc trong tranh chấp trên Biển Đông, điển hình như:
Trung tuớng Nguyễn Quốc Thước, “TQ xây đường băng tại Gạc Ma: Phải kiện ra tòa quốc tế!”, 2014
Đinh Kim Phúc, “Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Gặp nhau thì nói tốt, hết gặp lại cho làm bậy”, 2015
Hoàng Việt, “Biển Đông – Từ sự ngụy tạo chủ quyền đến vai trò của công pháp quốc tế”, 2015
Ngô Vĩnh Long, “Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế”, 2014
Dương Danh Huy, “Việt Nam cần kiện ra tòa quốc tế”, 2014
Thái Văn Cầu, “Hướng đi tới cho tranh chấp HS-TS”, 2011
Các bài viết đăng tải trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thể hiện quan điểm cá nhân của các tác giả, không nhất thiết là quan điểm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét