Kiếm triệu đô từ rong nho
Trong bữa ăn của người Nhật không thể thiếu một món ăn có tên “umi budou” có nghĩa là “nho biển” là một loại rong biển có giá trị dinh dưỡng cao, chỉ trồng được tại khu vực Okinawa nên có giá không hề rẻ.
Thấy được tiềm năng của loại thực phẩm này, ông Lê Bền - một chủ doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đá granit, đã nhiều lần thử nghiệm nuôi trồng và đến năm 2006, Công ty Trí Tín của ông đã có những lô nho biển đầu tiên xuất sang Nhật.
Rong nho Made in Vietnam đã vượt qua tiêu chuẩn kiểm định thực phẩm FDA của Mỹ
Từ món ăn nhiều dinh dưỡng...
Rong nho có nguồn gốc từ Philippines, du nhập sang Nhật vào những năm 1986 với hình dáng căng mọng. Rong nho có vị mặn nhẹ, lạ miệng, giàu Vitamin A, E, khoáng chất... Đây được xem là một loại dược liệu quý, tốt cho sức khỏe và sắc đẹp.
Nhật Bản tiêu thụ rong nho rộng rãi và phổ biến nhất, nhưng do là đất nước hàn đới nên chỉ trồng được loại rong này tại vùng Okinawa. Việt Nam là đất nước nhiệt đới với vùng biển miền Trung nói chung và thị xã Ninh Hòa ở Khánh Hòa nói riêng, rất phù hợp với việc nuôi trồng rong nho - anh Lê Minh Trí, đại diện Công ty Trí Tín chia sẻ.
Ông Bền, từ ngày “bén duyên” với rong nho, nhận thấy giá trị kinh tế của sản vật này cao và ít rủi ro hơn so với nuôi thủy sản, mà lợi nhuận lại tốt hơn nhiều so với việc kinh doanh đá, đã quyết tâm tập trung đầu tư nuôi trồng loài thực vật này. Anh Lê Minh Trí – con trai ông Lê Bền cũng đã đã từ bỏ một công việc kiến trúc sư ở TP.HCM để về quê "tiếp tay" cho cha..
“Từ 200gr giống, cha tôi chia nhỏ ra nhiều mẫu để nuôi trong bể kính nhỏ. Những mẫu thành công, ông mới phân tích về nước, độ mặn, dưỡng chất trong đất để xác định môi trường sống của loại rong này”, anh Trí nhớ lại.
Rong nho trồng tại Việt Nam chỉ sau 20 ngày đã đạt được chiều dài 10-20 cm, so với chỉ 6-7 cm nếu trồng ở Nhật. Hiện nay với phương pháp của ông Bền, rong nho Made in Vietnam trồng 15-20 ngày là đã có thể thu hoạch với năng suất khoảng 30-40 tấn/ha/năm, cao gấp đôi so với Nhật.
Bí quyết của gia đình anh Trí là trồng rong nho trên khay nhựa chứ không trồng tiếp đáy như ở Okinawa. Bởi trong đất, bên cạnh những chất dinh dưỡng có lợi, vẫn hiện diện tạp chất không tốt. Rong trồng tiếp đáy sẽ hấp thu cả dưỡng chất lẫn tạp chất nên chất lượng bị ảnh hưởng. Sử dụng khay nhựa chứa mùn, chất dinh dưỡng chìm dưới nước, vẫn giữ được chất lượng rong tốt. Ngoài ra, việc trồng trên khay cũng dễ thu hoạch, lại tiết kiệm được nhiều chi phí khai thác. “Chi phí có thể thấp hơn đến 10 lần so với cách trồng của Okinawa”, ông Bền cho biết.
Tại một số khu vực nuôi trồng, rong nho của Trí Tín còn được trồng trong các túi nilon thả trong nước hoặc trồng ở các bể bê tông. Sau khi thành công, ông Bền đã tổ chức nhiều buổi hướng dẫn người dân trong vùng cách trồng rong nho.
…đến sản phẩm "made in Vietnam" tiêu chuẩn thế giới
Năm 2008, nhận được hỗi trợ của Tổ chức GCF (Đan Mạch), Công ty Trí Tín của ông Bền đã đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở nuôi trồng để có thể cung cấp rong nho đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuẩn thế giới. Đến năm 2009, rong nho của Trí Tín (Tritin Seagrapes) đã được QMS cấp chứng nhận HACCP về vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế.
Rong nho "made in Vietnam" Trí Tín |
Mỗi năm, Trí Tín xuất sang thị trường Nhật 7-10 tấn rong nho. Loại rong này đã vượt qua tiêu chuẩn kiểm định thực phẩm FDA của Mỹ, nên cũng đã có mặt tại thị trường này. Ngoài ra, rong nho Made in Vietnam còn có mặt ở Đức, Đài Loan, Trung Quốc và Singapore. Sắp tới, Trí Tín đang nhắm đến thị trường Hàn Quốc.
“Giá xuất khẩu hiện nay công ty bán ra nước ngoài khoảng từ 8-10 USD/kg. Nếu bao gồm chi phí vận chuyển, bảo hiểm... thì có thể lên 18-20 USD/kg. Mức này vẫn khá thấp, bởi giá rong nho tại một số thị trường là 60-100 USD/kg tùy loại’’, anh Trí cho hay. Để tiện cho việc vận chuyển và nâng cao thời gian sử dụng, ông Bền còn nghiên cứu đưa ra sản phẩm rong tách nước.
Nhận thấy 5 ha canh tác rong nho hiện tại của Trí Tín không đủ để phục vụ thị trường, Công ty đã liên kết bao tiêu và quản lý nghiêm ngặt về chất lượng với một số hộ dân. 80% sản phẩm của Trí Tín hiện cung ứng cho thị trường nước ngoài. Còn giá bán lẻ rong nho của công ty ở trong nước là khoảng 200.000 đồng/kg tùy loại.
Với thế mạnh về nền kinh tế biển, việc phát triển mô hình nuối trồng rong nho đã mở ra một hướng đi mới trong canh tác nuôi trồng tại Việt Nam. Mặt khác, người dân cũng ít phải chịu rủi ro khi trồng rong nho do sản vật này "dễ chịu" hơn thủy hải sản.
----------------------------
Ẩm thực Việt dưới mắt Tracey Lister
Bà Tracey Lister và chồng – ông Andreas Pohl
Trong số các tác giả nước ngoài viết sách về ẩm thực Việt, bà Tracey Lister là người rất thành công.
Năm 2008, cùng với chồng là ông Andreas Pohl, bà đã xuất bản cuốn Koto: A Culinary Adventure Through Vietnam (Koto: Hành trình ẩm thực xuyên Việt) bán được 10.000 bản, năm 2014 họ cùng thực hiện hai tập sách Ẩm thực đường phố Việt Nam(Vietnamese Street Food) và Nấu ăn Việt Nam thứ thiệt (Real Vietnamese Cooking) cũng bán rất chạy. Tracey Lister đã trải lòng về tình yêu dành cho ẩm thực Việt trong cuộc trò chuyện với cây bút Sarah Turner của trang mạng du lịch Travelfish.
Theo Tracey Lister, sự ưa thích dành cho ẩm thực Việt đang phát triển mạnh bởi “người ta luôn tìm kiếm cái mới khi đã rành rẽ những gì quen thuộc” – nhiều người đã tìm đến ẩm thực Việt vì những nét khác biệt của nó so với ẩm thực Thái Lan vốn được biết đến rộng rãi lâu nay. Cũng vậy, ẩm thực đường phố ở Việt Nam cũng đang trở nên phổ biến hơn; Việt Nam đã nổi tiếng với ẩm thực đường phố và “những người Việt rời quê hương sau 1975 bắt đầu thực hiện những công việc thú vị (về ẩm thực) đó ở nước ngoài”.
“Đó là nghệ thuật bếp núc rất lịch lãm, tinh tế, phụ thuộc vào thảo mộc và lành mạnh đáng kinh ngạc – đúng vậy, hầu hết các món ăn Việt đều như thế. Về mặt lịch lãm của ẩm thực Việt, tôi muốn nói (các món ăn) chỉ có vài thứ gia vị nhưng các loại gia vị kết hợp với nhau tuyệt đẹp. Nhiều người nhầm lẫn điều này và nghĩ rằng ít gia vị như vậy thì chẳng có gì tinh tế, thế nhưng không có gì ẩn giấu phía sau cách nấu nướng ấy.
Món ăn Thái phức tạp hơn, phải chế biến công phu hơn, dùng nhiều nước cốt dừa, ớt và sả. Nếu như món gỏi đu đủ xanh ăn ở Thái Lan khiến miệng bạn như muốn nổ tung thì món gỏi ấy ở Việt Nam dịu dàng hơn: bạn có thể nếm từng loại vị ngon và trong đó đều có thảo mộc, điều mà bạn không thể tìm thấy ở ẩm thực Thái Lan”, bà Tracey Lister nói.
Nhà hàng Koto Văn Miếu |
Du khách học nấu món ăn Việt tại Hanoi Cooking Centre |
Khi được hỏi về sự khác biệt giữa ẩm thực Hà Nội và Sài Gòn, Tracey Lister cho biết: “Bếp núc Hà Nội chịu ảnh hưởng Trung Hoa nhiều hơn, ảnh hưởng ấy thấy được trong từng món ăn trong khi ở Sài Gòn thì bạn có thể tìm thấy các món Hoa hoàn toàn. Và ở Hà Nội có ẩm thực của mùa đông”.
Một trong những món ăn mùa đông Hà Nội là nem rán (chả giò) hải sản vì món ăn còn nóng hổi khi được dọn lên vào những ngày đông rét buốt. Tác giả của hai đầu sách về ẩm thực còn là một fan của món bún chả Hà thành như bà tiết lộ: “Tôi và con gái tôi ăn bún chả vào mỗi Chủ nhật, giống như ăn món nướng ngày cuối tuần vậy”.
Bún chả tất nhiên có trong thực đơn của Trung tâm hướng dẫn nấu ăn Hà Nội (Hanoi Cooking Centre) mà bà Tracey Lister sáng lập năm 2009, nơi mở năm khóa học khác nhau về ẩm thực Việt trong khi thực đơn của nhà hàng thuộc trung tâm này có cả món Âu lẫn món Việt được chọn lọc.
Canh cua |
Gỏi măng vịt |
Tại sao bà Tracey Lister lại quyết định viết sách về ẩm thực đường phố tại Việt Nam? “Tôi muốn thực hiện một tập sách về các món cuốn mà nhiều người cho rằng nó chỉ gồm thịt heo với tôm, nhưng thật ra món cuốn rất đa dạng. Có điều nhà xuất bản nghĩ rằng một cuốn sách như thế quá riêng biệt và đề nghị tôi viết về món ăn đường phố. Tôi thật sung sướng với đề nghị đó”.
Và đây là lời khuyên của tác giả sách với du khách đến Hà Nội: “Món ăn ngon nhất ở đường phố, đừng nghi ngờ gì cả. Hãy quan sát hai thứ: Có đông người ăn không? Nơi đó có sạch sẽ không? Nếu cả hai đều là “Có” thì bạn sắp được trải nghiệm món ăn ngon nhất thế giới”.
Bà còn khẳng định ẩm thực đường phố an toàn và ngon hơn trong nhà hàng: “Họ (những người bán) đã có 20 năm kinh nghiệm và nấu một món ăn ngày này qua ngày khác”. Tracey Lister cho biết hàng phở bà thường ăn trên hè phố Hà thành mỗi ngày bán tới 300 tô và chỉ cần ngửi mùi thơm cũng biết được miếng thịt bò trong tô phở ra sao.
“Còn thực đơn hoành tráng ở các nhà hàng khiến tôi không yên tâm: có nơi đưa ra cả trăm món từ Âu, Việt đến Ấn… Nguyên liệu để làm đủ loại món ăn đó không thể tươi ngon và các nhà hàng không thể biết cách chuẩn bị toàn bộ các món ăn như thế”.
Món chả cá được in trong sách Nấu ăn Việt Nam thứ thiệt |
Món bò cuốn lá lốt ở nhà hàng thuộc Hanoi Cooking Centre |
Một lời nhắn nhủ cuối cùng của Tracey Lister với du khách đến Hà Nội trước khi kết thúc cuộc trò chuyện: “Hãy thử uống cà phê với sữa chua”.
***Là đồng chủ nhân của Hanoi Cooking Centre (44 phố Châu Long, quận Ba Đình), bếp trưởng, chuyên gia ẩm thực người Úc Tracey Lister còn là người đồng sáng lập Nhà hàng Koto (59 Văn Miếu, quận Đống Đa). Thoạt nghe nhiều người tưởng Koto là nhà hàng Nhật, song đó là viết tắt của Know One, Teach One (Biết một, dạy một), nơi mà đội ngũ phục vụ đều là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, được đào tạo miễn phí và có việc làm để nuôi thân, giúp đỡ gia đình. Người sáng lập Koto là Jimmy Phạm, Việt kiều ở Úc song để nó trở thành lớn mạnh như ngày nay có bàn tay và tâm huyết của Tracey Lister.
Nhà hàng Koto bốn tầng lầu với 80 chỗ ngồi tọa lạc gần di tích Văn Miếu là nơi nhiều du khách nước ngoài tìm đến sau khi thăm thú thủ đô Việt Nam, để trải nghiệm các món ăn thức uống như bún chả, gà nướng, cà ri đậu phụ, sinh tố trái cây…
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét