Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

NHÀ BÁO HUY ĐỨC !

 


Tôi có cơ duyên diện kiến anh Huy Đức lần đầu trên đường Sương Nguyệt Anh, Quận 1 – quán Ngọc Sương, một quán ăn nổi danh tại Sài Gòn. Khi ấy (độ năm 2005) , nhà báo Lê Thanh Hà – Thư ký Tòa soạn Báo Sinh Viên Việt Nam (Hình như, nay anh đã lên Phó TBT) vào Sài Gòn công tác, tôi vừa ra trường đang viết cho SVVN, anh Hà chắc là cũng quý. Anh Hà có việc gặp anh Huy Đức, sẵn hẹn luôn tôi ở đó.

Anh Huy Đức lúc này, đã là cây bút chính luận sừng sững của Báo Sài Gòn Tiếp Thị, tôi nhìn đầy vị nể. Mặc dù, nhìn anh Huy Đức, tôi không cảm thấy tin tưởng. Tính tôi cổ hủ, thường trông mặt mà bắt hình dong.
Bẵng đi một thời gian sau, tờ Sài Gòn Tiếp Thị lâm vào tuyệt lộ. Anh Huy Đức rời Việt Nam, sang Mỹ theo học khóa nghiên cứu nào đó. Tại Mỹ, anh viết Bên Thắng Cuộc, hai tập.
Khi Tập 1 của Bên Thắng Cuộc được đón đọc, tôi có viết bài trên Chuyên đề An Ninh Thế Giới Tuần, “Bên Thắng Cuộc – Sự Mịt Mù Của Những Tụng Ca". Hôm ấy, theo thói quen, tôi viết ở quán cà phê. Một vài bạn hữu của tôi chắc nhìn màn hình laptop, thấy tôi đương gõ bài đấy.
Không hiểu bằng cách nào, đêm đó anh Huy Đức inbox facebook cho tôi, nói đại ý: “Tao chờ bài mày”. Báo ra, anh Huy Đức lại inbox, “Bài mày lấy tư liệu từ Công an, tao say rồi. Đm”. Tôi nhớ không rõ lắm, chuyện cũng lâu lâu rồi.
Quan điểm cá nhân, tôi rất xem thường một người viết mang câu chuyện từ bàn nhậu lên trang sách với những chi tiết có thể ảnh hưởng đến người vừa cùng mình uống rượu. Tôi gặp một số vị được anh Huy Đức nhắc tên, đều nghe câu nói “Không biết Huy Đức hỏi để viết sách”. Vì là quan điểm, tôi không tranh luận.
Anh Huy Đức về Việt Nam, lúc giờ cũng mang theo nhiều giai thoại bên mình. Trong đó, giai thoại lớn nhất nhất chính là nghi vấn của người xung quanh, “Bao giờ thì bắt Huy Đức?”.
Thật ra, không phải ngẫu nhiên mà nẩy sinh nhiều tin đồn theo kiểu ấy. Nước mình, với đặc tính nông nghiệp lúa nước, thời gian nhàn rỗi nhiều, cực kỳ thích thú với tin đồn. Cá nhân thông minh, là một cá nhân biết tạo ra tin đồn khiến bản thân mình trở nên huyền ảo và lung linh hơn.
Với tư duy rất tốt về tình hình kinh tế và những thông tin thuộc dạng tuyệt mật, anh Huy Đức nhanh chóng trở thành hot facebooker trên mạng xã hội với những bài viết phân tích chính trị, kinh tế chuyên sâu. Đặc biệt, tất cả các bài viết của anh Huy Đức đều nhắm trực diện vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngoài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng những người mà theo anh Huy Đức là liên quan mật thiết đến ông Dũng, anh Huy Đức không tấn công bất cứ lãnh đạo cao cấp nào khác, mà chúng ta quen miệng gọi là “Tứ trụ”.
Trước Đại hội XII, song song với việc tăng cường các bài viết tấn công Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, anh Huy Đức bắt đầu khen ngợi một vị lãnh đạo khác. Nếu như ông Nguyễn Tấn Dũng dưới ngòi bút của anh Huy Đức trở thành tội đồ cho sự sụt giảm về kinh tế - xã hội của đất nước, thì vị lãnh đạo kia phút chốc hóa hiền nhân trên chữ nghĩa của anh Huy Đức.
Khổng Tử từng luận, “Một người không hơn hai người”. Huống chi, mạng xã hội không phải vườn hoang để một mình anh Huy Đức mặc sức múa gậy.
Người ta ngờ ngợ động cơ của anh Huy Đức, và cuối cùng, chính anh Huy Đức kiêu hãnh lật tung tấm mặt nạ vì một xã hội tiên tiến của anh ấy xuống, thay vào đó là khuôn mặt của kép hát cầm bút. Kẻ sĩ miền Bắc gọi là, “Điếm bút”.
Có lẽ bây giờ, anh Huy Đức đã hoàn thành sứ mệnh biến mình thành một công cụ. Bất chấp, kẻ có chữ ở phương Đông thường chọn cách trung lập với nhà cầm quyền. Họ vì một lý tưởng chung, một lý tưởng thúc đẩy tiến bộ xã hội bằng sự lan tỏa của nhận thức cá nhân.
Chúc mừng anh Huy Đức, chỉ xin tặng anh một vế đối cũ mà tiền nhân hay bảo nhau, “Điểu tận – Cung tàng”, “"Giảo thố tử - ẩu cẩu phanh”.
Hết chim – vứt cung.
Thỏ chết - giết chó săn!



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: