Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Tiến tới một mặt trận kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc


Đại Sự ký Biển Đông, Tác giả: Brahma Chellaney, Biên dịch: Huệ Việt
Chưa phải chịu bất kỳ trừng phạt nào từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục hung hăng đẩy biên giới quốc gia ngày càng xa và lấn vào vùng biển quốc tế theo một cách thức mà chưa có cường quốc nào thực hiện trước đó. Cách thức mở rộng biên giới của Trung Quốc ở Biển Đông – một trung tâm hàng hải và thương mại toàn cầu – bao gồm tạo ra các hòn đảo rồi yêu sách chủ quyền đối với chúng cũng như vùng nước xung quanh.

Ảnh: Máy bay của hãng hàng không China Southern 
Airlines đáp xuống sân bay trên Bãi Chữ Thập ở Trường Sa
Chỉ trong hơn hai năm một chút, Trung Quốc đã xây bảy đảo nhân tạo trong một kế hoạch thôn tính một hành lang chiến lược quan trọng, nơi có dòng chảy thương mại trị giá 5.3 tỉ đô la đi qua mỗi năm. Trong thực tế, khoảng một nửa số tàu buôn của thế giới chạy qua Biển Đông mỗi năm.

Bắc Kinh có thể nói rằng yêu sách chủ quyền Biển Đông đầy tính bành trướng của nước này là dựa trên các bằng chứng lịch sử, bao gồm cả tấm bản đồ năm 1947 vẽ bởi Quốc dân đảng, nhưng thực tế là tới tận năm 2009 Trung Quốc mới đệ trình lên Liên Hợp Quốc bản đồ chín đoạn, áp sát đường bờ biển của tất cả các quốc gia còn lại trong khu vực. Và phải đến tận cuối năm 2013 Trung Quốc mới lặng lẽ biến các mỏm đá và rạn san hô thành đảo để phục vụ như là các tiền đồn chiến lược. Tại một trong những tiền đồn đó có một đường băng dài 3.000 mét cho máy bay chiến đấu.

Những bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông thực ra là một phần của chiến lược lớn hơn của nước này để xây dựng ảnh hưởng hàng hải và chiếm lĩnh những tuyến đường biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bắc Kinh dường như đang sử dụng Biển Đông để thử nghiệm cho việc thay đổi bản đồ địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương. Thừa nhận gần đây của Trung Quốc rằng nước này đang thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại quốc gia châu Phi Djibouti nằm ở rìa Ấn Độ Dương là khoảnh khắc có tính chất chuyển đổi trong hành trình Trung Quốc truy lùng quyền uy trên biển cả.

Và bằng việc gọi Trung Quốc như là một bên liên quan chính ở Bắc Cực, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã cho thấy Trung Quốc cũng có ý định đóng một vai trò chủ động ở đó, nơi mà đến một lúc nào đó, các tảng băng tan do trái đất ấm lên sẽ mở ra những đường biển quan trọng xuyên qua khu vực. Nhưng trọng tâm hiện tại của Trung Quốc xa hơn Biển Đông là mở rộng lợi ích hàng hải ở Ấn Độ Dương liền kề và Tây Thái Bình Dương.

Trong nỗ lực thúc đẩy lợi ích địa chiến lược của mình, Trung Quốc đang sử dụng những công cụ địa kinh tế một cách quyết liệt. Như một ví dụ, Trung Quốc sử dụng công cụ con đường tơ lụa trên biển để nối bờ biển phía đông của nước này với khu vực Ấn Độ Dương, hay ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á AIIB có trụ sở tại Bắc Kinh. Sáng kiến con đường tơ lụa đôi đã trở thành nền tảng của chính sách đối ngoại mới mạnh bạo của Tập Cận Bình.

Ở Biển Đông, Trung Quốc đã khiến thế giới phải kinh ngạc trước tốc độ và quy mô tạo đảo và xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự của nước này. Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc vào tháng Tám, chỉ trong 20 tháng, Trung Quốc đã tạo ra một diện tích đất gấp 17 lần của tất cả các quốc gia trong tranh chấp khác gộp lại trong 4 thập kỷ qua. Nhưng phản ứng của quốc tế đối với chiến dịch xâm lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc vẫn còn quá ít so với những lời hùng biện.

Hoa Kỳ, quốc gia ưu việt về quân sự, dù xem mình là quyền lực thường trú tại châu Á, mới chỉ đơn thuần tập trung mối quan tâm của mình vào bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông chứ không phải là siết chặt áp lực với Trung Quốc để buộc quốc gia này dừng việc thay đổi hiện trạng theo hướng trục lợi.

Trên thực tế, Mỹ – cũng giống như những nơi khác ở châu Á, bao gồm các dãy Himalaya và Biển Hoa Đông – đã từ chối không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông. Một thực tế khác không kém phần quan trọng là chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã do dự trong việc cung cấp sức mạnh chiến lược cho chính sách xoay trục về châu Á vốn đã được quảng cáo khá nhiều.

Ngay cả biện pháp khiêm tốn nhất được công bố vào năm 2011 là Hoa Kỳ sẽ đưa 2.500 tàu biển luân phiên đi qua Darwin, Úc, vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Đáp lại thất bại nghiêm trọng này của Mỹ, một công ty Trung Quốc có liên hệ với Quân đội nhân dân Trung Quốc – Nhóm Landbridge – gần đây đã giành được quyền khai thác cảng Darwin theo một hợp đồng thuê 99 năm. Công ty này dự định đầu tư 200 triệu đô la Úc (tương đương với 147 triệu đô la Mỹ) để xây dựng một cầu cảng lớn tại Darwin.

Sự thật là chính quyền Obama đã không làm gì nhiều để ngăn chặn Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng ở châu Á. Bởi vậy chẳng có lý do gì khiến Bắc Kinh phải nản lòng và dừng bành trướng. Hơn thế nữa, sự thất bại của Hoa Kỳ trong việc đưa thêm các nội dung có tính chiến lược vào kế hoạch xoay trục hay cân bằng ở châu Á đã làm dấy lên nghi ngờ về mức độ cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực, từ đó khiến các quốc gia châu Á ngần ngại trong việc chủ động phản ứng lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Trong khi nói về xoay trục về châu Á, chính quyền Obama trên thực tế đã xoay trục đi, một phần do bị vướng bởi mối bận tâm ở khu vực Trung Đông.

Theo luật quốc tế, các đảo nhân tạo của Trung Quốc không được hưởng những quyền dành cho đảo nổi tự nhiên, bao gồm 12 hải lý lãnh hải. Nhưng Hoa Kỳ đã né tránh bất kỳ hành động nào gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng các hòn đảo đó không thể được hưởng lãnh hải riêng.

Sự mất đoàn kết của ASEAN cũng đã góp phần khiến Bắc Kinh thêm hung hăng. Vấn đề Biển Đông đã nổi lên như gót chân Achilles của ASEAN. Sự miễn cưỡng trong việc đi tới một lập trường thống nhất của khối này đương nhiên đã làm hài lòng Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của khối – nhưng cũng đồng thời đã làm lộ điểm yếu của nó, và từ đó khuyến khích sự hung hăng của Trung Quốc.

Được khuyến khích bởi sự bất động của quốc tế và chia rẽ trong nội bộ ASEAN, cùng với một loạt các cuộc khủng hoảng làm trệch hướng chú ý toàn cầu, Bắc Kinh đã vội vã biến những thể địa lý chìm ở triều cao thành những đảo nổi bằng cách nạo vét biển và bồi đắp thông qua ống dẫn và sà lan. Trong quá trình đó, Trung Quốc đã tạo ra những thực tế mới cho việc thực thi một khu vực nhận diện phòng không mà không cần phải tuyên bố công khai.

Các hòn đảo nhân tạo cũng như các căn cứ quân sự mới của Trung Quốc không chỉ đe dọa tự do hàng hải ở Biển Đông mà còn tạo cơ hội cho những cuộc tuần tra hung hăng của hải giám Trung Quốc. Một ví dụ, Hà Nội đã cáo buộc tàu tuần tra của Trung Quốc thường xuyên chặn và đâm tàu cá của ngư dân Việt Nam, phá hoại thiết bị và đánh đập các ngư dân trên tàu.

Đối với Mỹ, mặc dù chính sách đối ngoại dịu dàng-nhẹ nhàng của Obama bị chỉ trích coi thường ở nhà, chính sách này có thể được hưởng một lợi ích ngoại giao từ xu thế bành trướng của Trung Quốc – đó là liên minh do Mỹ đứng đầu ở châu Á được củng cố và mở rộng. Nhờ những quan ngại ngày càng lớn của các nước châu Á đối với sự quyết đoán của Trung Quốc, Mỹ đã đạt được kết quả củng cố các liên minh đã có với những đồng minh Nhật Bản, Philippines và Singapore, và đồng thời tiến tới các mối quan hệ chiến lược với Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia, cũng như làm bạn với nhà nước của Myanmar đã từng bị quốc tế bài xích (pariah state).

Món quà ngoại giao trời cho này có lẽ là một nguyên nhân vì sao Obama cho rằng không làm gì lại là một chính sách đúng đắn.

Nhưng không còn nghi ngờ gì, Biển Đông đã nổi lên như một trung tâm mang tính biểu tượng cho những thách thức hàng hải quốc tế của thế kỷ 21. Đây là khu vực quan trọng ngay cả đối với các quốc gia xa xôi vì nó có tầm quan trọng lớn đối với thương mại toàn cầu và bởi vì những gì xảy ra ở đó sẽ tác động đến trạng thái cân bằng quyền lực châu Á và an ninh hàng hải toàn cầu. Những diễn biến ở khu vực Biển Đông – điểm nóng hàng hải mới nhất của thế giới – mang theo nguy cơ đảo lộn trật tự thế giới tự do hiện tại khi cho phép kẻ ác đánh bại các luật lệ.

Nếu các quốc gia ASEAN và cường quốc khu vực như Nhật Bản và Ấn Độ không phát triển một chiến lược chung để giải quyết các tranh chấp Biển Đông trong khuôn khổ châu Á, vấn đề sẽ được để lại cho Trung Quốc và Hoa Kỳ giải quyết theo cách thức giàn xếp giữa các nước lớn và lợi ích của các nước nhỏ hơn sẽ bị dẹp sang bên lề. Một chiến lược chung cần phải hiện thực hoá những tuyên bố gần đây của thủ tướng Nhật Shinzo Abe và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi các quốc gia “tránh những hành động đơn phương”, bởi tầm quan trọng của các tuyến đường biển ở Biển Đông.

Vai trò trung tâm của Biển Đông đối với trật tự lớn hơn về địa chính trị, cân bằng quyền lực và hàng hải khiến cho các quốc gia tương đồng về cách nghĩ cần phối hợp chặt chẽ với nhau để định hình diễn tiến Biển Đông theo hướng tích cực, bao gồm bảo đảm rằng việc tiếp tục hành động đơn phương cần phải bị trả giá. Chỉ có áp lực duy trì thường xuyên lên Trung Quốc từ các nước láng giềng mới có thể thuyết phục Bắc Kinh rằng tương lai của nước này nằm trong sự hợp tác chứ không phải đối đầu. Thất bại trong việc gây áp lực như vậy có thể tạo ra một rủi ro có tính hệ thống đối với ổn định và thịnh vượng của châu Á.

Brahma Chellaney là một nhà phân tích địa chính trị và là tác giả của chín cuốn sách. Cuốn gần đây nhất là “Water, Peace and War.”

Nguồn bài gốc tiếng Anh: Forge a united front to keep Chinese expansion in check
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: