Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Tính bầy đàn làm con người ngu xuẩn?


Michael Bond - Tầng trệt của một quán bia ở London có lẽ không phải là nơi mà hầu hết các chuyên gia tâm lý sẽ chọn để tổ chức một cuộc thử nghiệm về cách thức con người ta đưa ra quyết định. Thế nhưng với Daniel Richardson, nó là nơi hoàn toàn lý tưởng.
Là một nhà nghiên cứu tại University College London, ông rất quan tâm đến cách mà con người bị tác động bởi những người xung quanh - ví dụ như việc quan sát quyết định của người khác làm ảnh hưởng đến quyết định của chính chúng ta. Để thử nghiệm điều này, ông cần một bối cảnh trong đời thực, nơi mà con người ta gặp gỡ và giao tiếp, thay vì một phòng thí nghiệm nơi mà họ thường bị cách ly.

Tối hôm đó, khoảng 50 người chúng tôi đã có mặt tại câu lạc bộ Phoenix Arts ở Soho để tham gia vào thí nghiệm của Richardson.

Không khí nơi khá vui nhộn.

Ảnh hưởng tâm lý

Richardson đứng trước mặt chúng tôi, xắn tay áo như thể đang trình diễn trên sân khấu. Tuy nhiên mọi thứ đều là một phần của một thí nghiệm khoa học nghiêm túc.

Mỗi chúng tôi vào xem một trang web được thiết kế nhằm phục vụ cuộc nghiên cứu này, trong đó cho phép chúng tôi di chuyển một dấu chấm phía trên màn hình cảm ứng.

Dấu chấm của mỗi người sẽ hiện lên trên một màn hình lớn hơn ở phía trước căn phòng.

Như vậy, tất cả suy nghĩ của chúng tôi sẽ được trình chiếu ra cho tất cả mọi người, trong đó có cả Richardson.

Khi tất cả mọi người di chuyển dấu chấm trên màn hình cá nhân của mình, những dấu chấm trên màn hình lớn giống như một đàn ong giận dữ.

Khi chúng tôi đã bắt đầu thạo thao tác, ông bắt đầu hỏi câu hỏi đầu tiên: “Bạn đã bao giờ gian lận khi làm một bài kiểm tra nào đó chưa?”

Những người trả lời ‘không’ di chuyển dấu chấm của mình sang bên trái, và những người trả lời ‘có’ di chuyển dấu chấm của họ sang bên phải.

Ban đầu chúng tôi đưa ra câu trả lời một cách riêng lẻ, và các dấu chấm được ẩn đi trên màn hình lớn. Sau đó, chúng tôi trả lời theo nhóm.

Richardson muốn biết là sự khác biệt này liệu có dẫn đến những kết quả khác nhau không. Liệu chúng tôi có trung thực hơn khi trả lời một mình và liệu chúng tôi có thay đổi câu trả lời của mình trước tác động của người khác hay không?

Phần chính của cuộc thử nghiệm bắt đầu, và chúng tôi bắt đầu được hỏi ý kiến về những chủ đề khác nhau.

“Anh quốc có nên rời EU không?” Richardson hỏi.

Hầu hết các dấu chấm đều chạy qua bên trái, tức ‘không’.

“Các cuộc đình công của công nhân tàu điện ngầm cần bị pháp luật cấm đoán.” Các dấu chấm bay loạn xạ vì chúng tôi đã tìm kiếm câu trả lời mà số đông có thể chấp nhận.

“Người đi mua ăn cho bạn bè cần được chia phần nhiều hơn.” Cũng một chút hỗn độn trước khi các dấu chấm thi nhau chạy sang bên trái.

Thế nhưng liệu có bao nhiêu người trong chúng ta tỏ ra lưỡng lự nếu những dấu chấm này được ẩn đi?

Đáng tiếc là kết quả cuối cùng không được tiết lộ cùng đêm đó (bởi chúng sẽ được dùng như một phần trong bài luận lấy bằng tiến sỹ).

Thế nhưng Richardson nghĩ rằng chúng sẽ giúp chúng ta thấy được tác động nguy hiểm của tính bầy đàn.
Khi ở trong một nhóm, con người ta thường đưa ra những quyết định nặng về mặt định kiến và kém thông minh hơn so với lúc đưa ra quyết định một mình.

“Khi con người ta tương tác, họ lại đồng ý với nhau và từ đó đưa ra những quyết định tệ hơn,” ông nói.

“Họ không chia sẻ thông tin, họ chỉ chia sẻ định kiến. Chúng tôi đang tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến điều này và từ đó tìm ra cách để đưa ra một quyết định tốt hơn trong tập thể.”

Image copyrightDean Hochman Flickr CC BY 2.0

Hiệu ứng 'sự khôn ngoan của đám đông'

Nghiên cứu của Richarson về sự hùa theo tiếp nối những nghiên cứu về tâm lý đã diễn ra suốt 60 năm qua.

Hồi thập niên 1950, nhà tâm lý học tại Harvard, Solomon Asch, đã chỉ ra rằng con người ta thường hùa theo quyết định của số đông ngay cả khi quyết định đó sai rõ ràng, và ngay cả khiến họ phải đi ngược lại lý trí của mình.

Cũng trong thời gian đó, Read Tuddenham từ Đại học California chỉ ra rằng các sinh viên của ông sẽ đưa ra những câu trả lời quái gở đối với những câu hỏi đơn giản, ví dụ như các bé trai có tuổi đời trung bình là 25 năm - khi mà họ nghĩ rằng những người khác đã có cùng câu trả lời.

Tính bầy đàn hoàn toàn đối lập với hiệu ứng ‘sự khôn ngoan của đám đông’ - khi mà ý kiến của số đông thường giúp đưa ra những câu hỏi hoặc dự đoán chính xác hơn là ý kiến cá nhân.

Điều này chỉ xảy ra khi mà các cá nhân trong đám đông đó đưa ra quyết định một cách độc lập.

Điều này chỉ hiệu quả khi có sự độc lập rõ ràng giữa các cá thể trong đám đông, và hiệu quả nhất khi đó là đám đông có các thành viên đa dạng. Trong một nhóm có nhiều điểm tương đồng, các thành viên có cùng nhân dạng và nhu cầu đoàn kết sẽ vượt lên trên tất cả.

Vì vậy, khi Richardson đưa ra bức hình của một con cá heo sát thủ và hỏi chúng tôi về cân nặng của nó, ông nên dựa vào mức độ trung bình ở tất cả các câu trả lời của từng cá nhân, thay vì dựa vào những dấu chấm trên màn hình lớn.

Đó là nói về mặt lý thuyết. Những dữ liệu từ cuộc thí nghiệm sẽ giúp Richardson và các sinh viên của ông kiểm tra lý thuyết này và tìm hiểu sâu hơn về việc sự hiện diện của người khác sẽ tác động đến suy nghĩ của chúng ta ra sao.

Ông đã để lại cho chúng tôi một suy nghĩ xa hơn về mạng xã hội: “Chúng ta nghĩ về Internet như là một siêu xa lộ thông tin. Thế nhưng nó không phải là vậy, nó là một siêu xa lộ những thành kiến. Twitter và Facebook là những công cụ chia sẻ thông tin tuyệt vời, nhưng vì chúng ta đang chia sẻ những định kiến của mình, nó khiến chúng ta trở nên ngu xuẩn hơn.”

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.
http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/01/160120_are-your-opinions-really-your-own_vert_fut

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: