Thời gian gần đây Bắc Triều Tiên lại tiếp tục có hành động khiêu khích thế giới. Kể từ sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền những hành động điên rồ kiểu này khá thường xuyên: bắn tên lửa đạn đạo, thử vũ khí hạt nhân, vừa qua lại hủy bỏ hiệp định ngừng chiến…
Đất nước Bắc Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un có phải đang bị điên không? Đúng là như vậy, nguyên nhân vì quá nghèo!
Người viết cho rằng, đây chính là sách lược để tồn tại của Đảng Lao động Triều Tiên suốt hơn 60 năm qua.
1. NHIỆM VỤ CỦA ĐẢNG LAO ĐỘNG TRIỀU TIÊN
Nhân khẩu của Bắc Triều Tiên chỉ có 25 triệu người, nếu so với Trung Quốc thì nước này vô cùng nhỏ bé. Trước năm 1990, Bắc Triều Tiên dựa vào các nước lớn theo Chủ nghĩa Xã hội là Trung Quốc và Liên Xô, giành được nhiều viện trợ kinh tế. Một nước nhỏ như Triều Tiên, chỉ cần Liên Xô và Trung Quốc bố thí cho một chút, thêm vào sản lượng sản xuất trong nước là có thể sống tương đối thoải mái. Vào thời đó quả thực dân Triều Tiên sống thoải mái hơn dân Trung Quốc, cứ so sánh GDP là biết.
Theo thống kê của ngân hàng Hàn Quốc, bình quân GDP của Bắc Triều Tiên năm 1990 là 1146 Đô la Mỹ, còn khi đó Trung Quốc chỉ có 344 Đô la Mỹ, như vậy là Triều Tiên còn gấp 3 lần Trung Quốc. Nhìn vào thống kê này tôi không thể không tức giận tự hỏi: Cuối cùng thì ai nên viện trợ cho ai? Đáng tiếc là trong suốt hơn 60 năm qua Trung Quốc đã hỗ trợ bao nhiêu cho Bắc Triều Tiên thì chưa thấy có công bố! (không tính viện trợ cho Triều Tiên trong cuộc chiến tranh chống Mỹ mà ai cũng biết).
2. BẦN CÙNG SAU KHI LIÊN XÔ BỊ GIẢI THỂ
Sau khi Liên Xô bị giải thể, tình hình thế giới có những thay đổi to lớn. Bắc Triều Tiên bị mất nguồn viện trợ từ Liên Xô, trong khi Nga thì lo cho mình còn chưa xong, hơi sức đâu quan tâm đến Bắc Triều Tiên. Còn Trung Quốc thì dù vẫn xây dựng quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên, nhưng chính sách cũng càng ngày càng thực dụng, giảm dần viện trợ cho Bắc Triều Tiên. Cục diện này làm cho tình hình kinh tế cũng như vai trò thống trị của Đảng Lao động Triều Tiên ngày càng khó khăn.
Đầu năm 1990, nhân dân Triều Tiên bắt đầu phải tự lực cánh sinh, họ khai hoang sản xuất nhiều loại lương thực. Tuy vào thập niên 1970 Liên Xô đã viện trợ cho họ nhiều máy kéo, nhưng do thiếu nguồn năng lượng nên việc cơ giới hóa không thể tiến xa được. Vào năm 1994 – 1995 họ chịu rủi ro thiên tai do tuyết và nạn lũ lụt. Do địa hình Bắc Triều Tiên nhiều núi non, khi gặp những trận mưa to làm đất đai bạc màu nên sản lượng lương thực sụt giảm nghiêm trọng. Bình quân GDP sau năm 1994 của Bắc Triều Tiên theo đó cũng giảm nhanh, cuộc sống người dân rơi vào cảnh bần cùng.
3. CHÍNH SÁCH CỦA VƯƠNG TRIỀU NHÀ HỌ KIM
Để duy trì quyền thống trị của Đảng Lao động Triều Tiên và vương triều nhà họ Kim, Bắc Triều Tiên phải tìm mọi cách để có được viện trợ từ bên ngoài.
Để tự lực cánh sinh trong cảnh khó khăn, họ đã cho phép xuất khẩu chất gây nghiện sang Nhật Bản và Trung Quốc. Vào khoảng năm 2000, thị trường ngầm chất gây nghiện ở Tokyo chủ yếu có nguồn gốc từ Bắc Triều Tiên. Tạp chí Phượng Hoàng từng đưa tin, năm 2010 chính quyền Trung Quốc đã thu được lượng chất gây nghiện xuất phát từ Bắc Triều Tiên giá trị lên đến 60 triệu Đô la Mỹ. Sau khi cộng đồng quốc tế biết vấn đề này đã bắt đầu đề phòng các hàng hóa xuất khẩu từ Bắc Triều Tiên, nhiều chuyến tàu mang theo chất gây nghiện của Bắc Triều Tiên đi theo đường biển đã bị xử lý, vậy là con đường kiếm tiền này của họ ngày càng hẹp lại.
Từ đây gia tộc nhà họ Kim bắt đầu tìm cách tống tiền cộng đồng quốc tế. Vì nguồn viện trợ từ Liên Xô không còn, tiền của Trung Quốc thì không bõ gãi ngứa, họ bắt đầu tính kế với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Cách tốt nhất là lừa đảo bằng cách đe dọa vũ khí hạt nhân.
Năm 1988, Mỹ chính thức tuyên bố với quốc tế rằng, có thể Bắc Triều Tiên đang phát triển vũ khí hạt nhân. Năm 1994, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter phải đến thăm Bắc Triều Tiên nhằm hòa giải và thỏa thuận để cho Mỹ, Nhật và Hàn Quốc dỡ lò phản ứng graphite, họ sẽ giúp Bắc Triều Tiên xây dựng hai lò phản ứng nước nhẹ. Nhưng do việc bàn bạc về chi phí chia rẽ nên chương trình bị kéo dài.
Trong thời gian này ông Kim Jong-il cũng áp dụng chính sách gọi là “hòa bình hữu nghị” để tranh thủ xin viện trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Vào tháng 6/2000, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã đến thăm Bắc Triều Tiên; tháng 9/2002 Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đến thăm Bắc Triều Tiên. Để thực hiện hòa bình và cũng một phần để tăng uy tín cho mình, những chính khách này đã dùng nhiều biện pháp, khi âm thầm lúc công khai, viện trợ cho Bắc Triều Tiên. Ví dụ, Kim Dae-jung đã viện trợ ngầm 100 triệu Đô la Mỹ thông qua Tập đoàn Hyundai. Cái giá 100 triệu Đô la Mỹ để đổi lấy giải Nobel Hòa bình thì rẻ hay đắt?
Nhưng năm 2002 Bắc Triều Tiên đã phản bội Mỹ, tiếp tục nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân. Nguy cơ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên lại bùng nổ, lúc này uy tín và danh dự của Bắc Triều Tiên hoàn toàn bị phá sản. Nhờ có Trung Quốc đứng ra hòa giải, Hội đàm sáu bên về vấn đề Triều Tiên vào tháng 9/2005 thành công khi Triều Tiên đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, Mỹ giữ lời hứa và tiếp tục viện trợ cho Triều Tiên. Ví dụ vào năm 2008, tổng viện trợ của Mỹ cho Triều Tiên đạt mức 225 triệu Đô la Mỹ.
Có thể do cải cách kinh tế của Triều Tiên thất bại và cảm thấy số tiền chi viện quá ít, trong khi áp lực chính trị nội bộ quá lớn nên vào tháng 4/2009 Bắc Triều Tiên lại bắn một hỏa tiễn bay sang Nhật Bản; công bố nối lại các lò phản ứng làm giàu plutonium, đến tháng 5/2009 lại tiến hành thử nghiệm hạt nhân. Ngày 12/6/2009, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lại thông qua Nghị quyết số 1874 lên án hoạt động thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên, đồng thời đẩy mạnh cấm vận kinh tế với nước này, theo đó cả Mỹ và Nhật đều ngừng viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên.
Từ đây, con đường điên cuồng của Bắc Triều Tiên ngày càng đi xa, họ liên tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân và bắn tên lửa đạn đạo, thậm chí hủy bỏ Hiệp định ngừng chiến tại bán đảo Triều Tiên.
4. NGUYÊN NHÂN SỰ ĐIÊN CUỒNG CỦA BẮC TRIỀU TIÊN
Những hành động của Bắc Triều Tiên lúc thì hòa nhã, lúc thì điên cuồng, mục đích chính là để tìm kiếm viện trợ từ quốc tế, duy trì quyền thống trị của Đảng Lao động và vương triều nhà họ Kim.
Nguy cơ về chính trị của Đảng Lao động Triều Tiên là xuất phát từ nguy cơ kinh tế. Nếu giành được viện trợ thì họ sẽ mua chuộc được thế lực phản đối trong nước và giải tỏa nguy cơ bất ổn về vai trò quyền lực của họ. Nếu ngoan ngoãn mà không giành được viện trợ, không giải quyết được thế lực chống đối trong nước thì họ lại dùng biện pháp cứng rắn để cho Mỹ, Nhật và Hàn Quốc phải chú ý và giành được viện trợ.
Nếu Trung Quốc, Mỹ, Nhật, và Hàn Quốc không viện trợ thì họ sẽ tuyên bố với người dân trong nước lý do đất nước gặp khổ nạn là vì bị đế quốc Mỹ cấm vận, một cách kích thích lòng căm thù của người dân để họ không còn tâm lý bất mãn với Đảng cầm quyền. Để ổn định thống trị nội bộ, họ sẵn sàng khiêu khích Hàn Quốc bằng mọi giá, những hoạt động gây hấn như pháo kích Yeonpyeong và đánh chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc năm 2010 là bằng chứng tốt nhất.
Bắc Triều Tiên đánh bạc rất tỉnh táo, giữa việc để cho nội bộ lật đổ, chẳng bằng liều mạng khiêu khích bên ngoài có khi lại giành được nhiều lợi ích, giúp chuyển nguy thành an.
Nhưng Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc đã quá hiểu chiêu trò của Triều Tiên do những kinh nghiệm qua hơn chục năm quan hệ, vì thế chính sách của họ hiện nay là làm ngơ không thèm quan tâm. Trong quan hệ giữa người với người, sự miệt thị lớn nhất chính là cách hành xử này; với một tên lưu manh mặt dày có lẽ chỉ còn cách “làm ngơ,” trên bình diện quan hệ quốc tế cũng không ngoại lệ.
5. KẾT LUẬN
Trong trật tự quốc tế mới, liệu trong cảnh khốn cùng này vương triều họ Kim sẽ đi về đâu?
Theo dự đoán của người viết: nếu Mỹ, Hàn, Nhật tiếp tục làm ngơ không thèm để ý đến Bắc Triều Tiên, không viện trợ cho họ, có lẽ nước này sẽ tiếp tục tạo ra những hành vi vô lại. Có thể họ sẽ lại tạo một cuộc chiến quy mô nhỏ giống như “sự kiện pháo kích Yeonpyeong” năm 2010, đây cũng là cách để họ hóa giải áp lực bên trong. Nhưng nếu gây cuộc chiến đi quá đà có thể dẫn đến liên quân Mỹ – Hàn quay lại đánh Triều Tiên, đảng Lao động Triều Tiên sẽ khó thoát nạn!
Nếu không có viện trợ khổng lồ từ bên ngoài thì công lao chống đỡ trong suốt hơn 20 năm qua của vương triều họ Kim sẽ nhanh chóng tan tành! Vì cho dù không bị thế lực ngầm bên trong khởi nghĩa tiêu diệt thì cũng bị liên quân Mỹ – Hàn tiêu diệt vì hành động không ngừng khiêu khích của họ.
Đối với Trung Quốc, cho dù bộ máy chính quyền Triều Tiên đương nhiệm bị tan vỡ từ bên trong, hay bị Mỹ và Hàn Quốc tiêu diệt đều không có lợi cho họ. Vì lợi ích quốc gia, Trung Quốc nên gửi quân gìn giữ hòa bình, chiếm đóng Bắc Triều Tiên, tham gia xóa bỏ cơ sở hạt nhân và viện trợ kinh tế quy mô lớn để duy trì chiến lược của Trung Quốc ở bán đảo Triều Tiên và giữ ổn định khu vực Đông Bắc Á.
Theo Secretchina [2]
Tinh Vệ biên dịch
Tinh Vệ biên dịch
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét