Phùng Nguyễn (1950-2015)
..
Khánh Phương
Nhà văn Phùng Nguyễn đến với nghề viết khi đã ở tuổi trung niên; truyện ngắn đầu tay của ông, “Tháp Ký Ức”, được công bố lần đầu tiên vào đầu năm 1995 trên tạp chí Văn Học (Nam California). Có lẽ không hẳn để hưởng những điều lý thú của nghề cầm bút, Phùng Nguyễn chủ yếu viết dưới sự thôi thúc ngày càng choán chỗ và dằn vặt của nhu cầu muốn giải đáp những câu hỏi về nhân sinh của cá nhân và cũng là của thế hệ ông, người vừa rời khỏi ghế nhà trường đã bước thẳng ra nơi chiến địa, và ngay khi còn chưa hết cơn choáng váng của chiến cuộc tàn lụi bất ngờ, đã thấy mình chơ vơ lạc lõng giữa một thế giới “hoang vu”của văn hóa khác biệt, những cội rễ thâm sâu bị cắt lìa mà thay vào đó là vũ trụ của tự do lạ lẫm.
Theo dòng cảm hứng và lối viết của tác giả, người đọc có thể nhận thấy hai chủ đề quan trọng trong các truyện ngắn đã công bố của nhà văn Phùng Nguyễn. Chủ đề thứ nhất: sự tìm tòi, mổ xẻ, cân nhắc, định vị lại những giá trị đạo đức và nhân tính của con người, bao trùm mảng hiện thực hai cuộc chiến tranh diễn ra tại Việt Nam, thời Việt minh đánh Pháp (từ khoảng những năm 1940 đến 1954) và cuộc nội chiến 1954-1975. Dựa vào chứng nghiệm cá nhân và kiến thức, ông muốn nhờ văn chương “mô thức hóa” những lầm lạc, bất hạnh và phi lý của chiến tranh như một bài học cho người tham chiến và những thế hệ sau. Những truyện ngắn quan trọng nằm trong phạm vi đề tài này gồm có: “Rick”, (viết tháng 6/1995), “Tuổi Thơ” (viết tháng 3/1997), “Chim Gáy Sau Vườn” (tháng 7/1998), “Ngày đầu tiên của Mùa Xuân” (tháng 1/1999), “Văn Sĩ Ngại Ngần” (tháng 3/ 1999), “Cựu Chiến Binh, Nhà Thơ” (tháng 10/1999), “Đêm Oakland. Câu hỏi” (tháng 2/2000), “Bóng Phượng” (tháng 3/2000).
Chủ đề thứ hai: những khoảnh khắc làm thay đổi tâm thức và định mệnh. Chủ đề này bao trùm cả mảng hiện thực chiến tranh, mảng “tị nạn” và mảng “truyện tình” được phản ánh trong tác phẩm của Phùng Nguyễn. Đó là những khoảng khắc sống lại một tình yêu mãnh liệt bất chấp mọi ranh giới của không gian, thời gian địa lý hay sự đứt lìa của nhiều kiếp sống trong cùng một cuộc đời; sự choán chỗ của quá khứ trong thực tại và tương lai; những mất mát, lỡ làng trở thành ám ảnh và giác ngộ… Những truyện ngắn tiêu biểu nằm trong chủ đề này bao gồm: “Tháp Ký Ức” (viết tháng 11/1994), “Ruộng Gió” (viết tháng 6/1995), “Kim Nga” (12/1995), “Quán Đêm” (1/1996), “Suối Trong Rừng” (6/1996), “Chuyện Tình Kể Lại” (2/1996), “Chuyện Thần Tiên” (5/1997), “Circular Quay. Hoàng Hôn” (10/1997), “Khách Quen” (10/1997), “Chuyện Thằng Bạn” (7/1998), “Chim Gáy Sau Vườn”(7/1998), “Ngày Đầu Tiên của Mùa Xuân” (1/1998), “Cháy lên những ngọn đồi cỏ khô” (11/1998), “Văn Sĩ Ngại Ngần” (3/1999), “Đêm Oakland. Câu hỏi”(2/2000), “Bắt Hến ở Hồ Isabella” (4/2000).
Những truyện ngắn được kể tên hai lần là những truyện quan trọng bộc lộ cả hai chủ đề trên đan xen nhau.
Viết về chiến tranh, hay chính xác hơn, về những giới định của đạo đức và nhân tính trong chiến tranh cũng như những lầm lạc và nỗi thống khổ phi lý của nó, Phùng Nguyễn mô tả bản chất đó là sự tiếp nối của đời sống bình thường nhưng bị biến dạng bởi vai diễn tàn nhẫn và kệch cỡm của chiến tranh. Luôn có một cuộc sống ngầm của tình bạn, tình yêu, tình cha con, chồng vợ… ẩn dưới bề ngoài là những tranh đoạt, chết chóc, đổ máu. Vài bữa Mặt trận về, cả làng bị tập hợp đi coi mít tinh, xử án “những tên ác ôn nợ máu”. Vài bữa Mặt trận rút đi, lính trên Quận xuống bố ráp. Những người bạn chiến đấu hồi đánh Pháp, vì khác biệt trong nhận thức cá nhân, nay trở thành kẻ đối đầu như hai nhân vật Tấn và Thuận trong “Chim Gáy Sau Vườn”. Những người chồng, người yêu sau khi đi tập kết lại bí mật quay về “nắm cơ sở”, hằng đêm vẫn về gần gũi bà xã, người yêu… và hoài thai những đứa trẻ sẽ ra đời trong bom đạn, khi cha hoặc mẹ chúng đang lâm vào những tình thế lưỡng phân vô cùng éo le, hoặc phải trả giá bằng cái chết của chính mình hay người thân, như nhân vật cha, mẹ Ngọc Hồi trong “Ngày Đầu Tiên của Mùa Xuân”, hay Thuận và Xuyến trong “Chim Gáy Sau Vườn”. Nhân vật thằng Kình khùng, trong “Đêm Oakland. Câu hỏi”, “mới đi theo các ổng có vài tháng đã biết hô khẩu hiệu”, sau khi thẳng tay bắn chết “tên ác ôn” Hồ Luyện, vốn là một tay ủy viên hộ tịch của “bên kia”, trước khi tòa án nhân dân kịp “xét xử”, về thực chất chỉ là loại trừ “tình địch” để ngang nhiên làm “chuyện vợ chồng” với chị Hạnh, người đàn bà trẻ khốn khổ.
Cái nhìn này về chiến tranh của Phùng Nguyễn không phải hoàn toàn mới mẻ nếu so sánh với văn chương thế giới và dòng văn học miền Nam trước 1975. Erich Maria Remarque từng miêu tả cuộc chiến qua cái nhìn trong veo nghịch ngợm của anh lính trẻ như một sự nối tiếp không thể chặn lại những nhu cầu bản năng và thông tục vốn dĩ của con người, nguồn sống tươi đẹp mà trong sự so sánh của người đọc, sẽ cuốn phăng cái suy đồi khủng khiếp của chiến tranh. Nhà văn Dương Nghiễm Mậu từng coi chiến tranh là phần đối trọng bất thường để làm nổi bật tính thiêng liêng, kỳ lạ của đời sống thông tục vốn dĩ của con người. Điều khác biệt của Phùng Nguyễn có lẽ nằm ở những lý luận riêng của ông về bản chất của con người và bi kịch chiến tranh.
Ông coi chiến tranh và những đau khổ mà nó gây ra, thậm chí như một tai nạn. Không có hình ảnh những kẻ say máu chém giết hay những âm mưu tranh đoạt xấu xa như định kiến sẵn có về chiến tranh. Người lính của bên “phía đối phương” trong cuộc nội chiến (phân biệt với các nhân vật tạm thời đại diện cho cái nhìn của tác giả- nhân vật người lính miền Nam) được miêu tả cũng thiện chiến, ranh ma, dày dạn kinh nghiệm như người lính phía bên này, thậm chí từng là một “cặp gà nòi” xứ Điện Hồng với nhau. Không ai nỡ rắp tâm hại chết bên còn lại mà chỉ đánh tiếng xua đuổi hoặc vờ thực thi “nhiệm vụ”. Ngay cả sự phản bội của mẹ con nhân vật Hoa trong truyện ngắn “Rick” khi họ giả đò mở quán ăn cho cố vấn Mỹ và binh sĩ miền Nam dừng chân ăn nghỉ rồi lén đặt bom hẹn giờ, ngụy trang trong chiếc hango nấu nước trước khi bí mật tẩu thoát, cũng được kể lại bằng giọng điệu khách quan, không hề tỏ ra có sự oán giận hay kết tội. Tai nạn chỉ xảy ra khi “người du kích trẻ măng năm nào,” người có bổn phận “canh chừng cái bẫy không cho ai tới gần ngoài ‘đối tượng’ chọn lựa, ”chỉ “đau bụng, đi ngoài có một chút thôi,” người thương yêu nhất với cả hai bên đã lọt xuống chết tức tưởi dưới cái hầm chông nguy hiểm, được ngụy trang ngay sát bên mộ mẹ cô, cũng là mẹ đẻ của một bên và đáng lẽ, có thể là “má vợ” của bên kia (“Chim Gáy Sau Vườn”). Tai nạn chỉ xảy ra khi “toán trinh sát của đơn vị ông nằm phục cả đêm” chờ đón người cán binh Việt cộng lẻn về thăm nhà đêm vợ anh ta trở dạ; loạt đạn vội vàng khi cánh cửa nhà bật tung đã quật ngã cô thiếu nữ Ngọc Hồi, mối tình thơ mộng của người lính trong chính nhóm trinh sát ấy (“Ngày Đầu Tiên của Mùa Xuân”). Sự phi lý, chia rẽ (chứ không phải hận thù), và làm xói mòn nhân tính của chiến tranh trong cái nhìn của những đứa trẻ như thằng Phú, con Xuyến (“Tuổi Thơ”), là những vai diễn bi thiết khó hiểu mà cha mẹ cô dì chú bác chúng bất đắc dĩ phải đóng. “Đứa bé côi cút” trong “Bóng Phượng”, “sinh ra trong chiến tranh, nhìn ngắm chiến tranh suốt một thời thơ ấu, và tham dự vào cuộc chơi đầy bất trắc này khi đến tuổi trưởng thành,” nhưng khác với thế hệ cha mình, “không có những yêu thương, những hắt hủi, những phản trắc rất riêng tư và trong cùng một lúc, vô cùng khắn khít với cái rất chung của một quá khứ không dễ quên” (cuộc chiến của thế hệ họ)… trong một cuộc chiến trắng chưa tìm ra ý nghĩa đích thực.
Sẽ có người thắc mắc, tại sao Phùng Nguyễn chọn một góc nhìn thừa nhân đạo đến thế? Phải chăng ông đã dễ dãi xí xóa mưu đồ chiến tranh của phía bên kia? Tại sao ông ít khi nhắc đến và nhắc kỹ những ngược đãi, trả đũa của bên thắng cuộc dành cho bên còn lại? Có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do đó là, cũng như nhiều nhà văn miền Nam còn tiếp tục viết sau 1975, Phùng Nguyễn, người trực tiếp tham gia và chịu thương tật trong cuộc chiến đã không muốn, dùng tư cách người-viết để kết tội phía bên kia là kẻ tội phạm chiến tranh. Chọn viết về khía cạnh tai nạn của chiến tranh, phải chăng ông muốn nhắn gửi với chúng ta, hãy cứ “dễ tính” tạm coi rằng nếu chỉ là tai nạn không thôi, thì chiến tranh cũng đã đủ muôn phần đau khổ và đáng sợ!
Chủ đề thứ hai, lớn hơn và bao trùm hầu khắp những phạm vi hiện thực được phản ánh trong tác phẩm của Phùng Nguyễn. Nỗi đau là một phần của giác ngộ. Những trang văn Phùng Nguyễn luôn trĩu nặng đau buồn và mất mát. Từ nỗi mất mát của cá nhân bị tổn thương một phần thân thể trong chiến cuộc (“Thuỷ tinh”) cho đến đổ vỡ không thể nói thành lời khi bị lừa dối, đổi trắng thay đen trong “Rick”, “Cựu Chiến Binh, Nhà Thơ”, hay“Văn sĩ Ngại Ngần”. Từ nỗi đau hoang mang của con người nhiều lần bị cắt lìa khỏi những cội rễ về tình cảm như mất người thân yêu, xa dời tuổi thơ; cội rễ về giá trị sống như ứng xử hay nhân tính; cho đến cội rễ về văn hóa như thói quen, ký ức, vẻ đẹp, hay không gian của tâm thức... Tình yêu là mặt bên kia của đau thương, biến hóa luân hồi cho nhau như sự lưỡng phân khắn khít không thể tách bạch để đẩy con người tới giác ngộ. Ngòi bút Phùng Nguyễn như bay lên trong những miêu tả khắn khít này. Khoảnh khắc lỡ lầm không đáng có của chàng trung úy David làm tan vỡ tình yêu đẹp trong trái tim nàng Adela; và chỉ một khoảnh khắc thấp hèn nơi kẻ thầm tương tư nàng, người bạn học thời niên thiếu tên Juan đủ khiến người thiếu phụ Nam Mỹ xinh đẹp không bao giờ trở lại dương thế để nhận lời chuộc lỗi của David; câu chuyện tình của đôi lứa khác chủng tộc trên nền hậu cảnh là cuộc nội chiến của dân tộc Panama không khỏi khiến chúng ta chạnh nghĩ tới sự đối kháng giữa những cảm xúc nhân tính với hoàn cảnh tàn khốc, dù ở bất cứ không gian địa lý nào. Trở đi trở lại trong những truyện ngắn của Phùng Nguyễn là hình ảnh người nam giới đã qua tuổi trung niên hoặc tráng niên, đã kinh qua chiến tranh và lưu lạc nơi quê người, mang ít nhiều thương tổn trong lòng vì những bất trắc của cuộc đời và nghiệp dĩ, với hiểu biết và kinh nghiệm tình trường dày dặn, nhưng vẫn cuồng si, rồ dại một cách có chủ ý, đôi khi thành công và đôi khi thất bại, kiếm tìm tình yêu, nhất là tình yêu ở những phụ nữ trẻ vừa ngây thơ vừa tinh quái, cách xa về thế hệ. Trong hệ thống hình ảnh nghệ thuật của Phùng Nguyễn, tình yêu đóng vai trò ít nhất là một phép thử của nhân tính. Năng lực yêu mãnh liệt và cuồng dại đẩy các nhân vật của ông, nam cũng như nữ đến những ranh giới mà họ sẽ bứt khỏi ràng buộc của những giới hạn mang danh nghĩa thông thường để lựa chọn, hoặc lòng cao thượng và vẻ đẹp, hoặc không gì hết. Trong dạng thức cuồng dại và phi thường của nó, tình yêu chữa lành mất mát và làm liền lại ranh giới của sự cách biệt thế hệ, mà thực ra đó là những vết cắt của chiến tranh và cuộc di tản khổng lồ kéo dài nhiều thập kỷ cắt đứt con người khỏi không gian tồn tại và văn hóa ở đó anh ta được sinh ra và nuôi dưỡng.
Và anh tin rằng Thái đã có hạnh phúc trong suốt bao nhiêu năm tháng qua, nếu hạnh phúc là được sống với những điều mình mơ ước. Điều đáng buồn là anh không còn khả năng kiến tạo một thế giới tương tự như của Thái. Đã quá trễ để thực hiện được một kỳ công như vậy. Chẳng phải em đã có lần than phiền anh đã hoang phí hết cả một đời, chẳng còn gì để dành cho em hay sao? Chẳng phải chúng ta chia tay cũng vì điều này hay sao? … Anh sẽ dùng mồi lửa nhỏ nhoi này để đốt cháy một cọng cỏ khô run rẩy trong cơn gió núi hắt hiu của mùa Thu, và nhìn ngọn lửa lan dần… Và những ngọn đồi cỏ khô sẽ cháy lên, trong gió núi hắt hiu của mùa Thu. Và cũng cháy lên rực rỡ trong gió núi hắt hiu mùa Thu là cuộc tình ta, lần cuối cùng! Bởi vì một điều phi thường như thế không nên chết đi một cách tầm thường. (“Cháy Lên Những Ngọn Đồi Cỏ Khô”)
Mặt khác, tình yêu cũng phải dừng lại trước những giới hạn của chính nó. Nhân vật em gái Ngọc Hồi trong “Ngày Đầu Tiên của Mùa Xuân” trả lại người lính kỷ vật của ông, người yêu không biết mặt mà cô đã thay chị mình chắp mối duyên trong suốt thời thơ ấu tới khi đi vượt biên và trưởng thành ở xứ sở tị nạn; bởi một thực tế, hầu như tất cả cuộc đời ông đã không có cô và không dành cho cô.
“Tháp Ký Ức”, “Đêm Oakland. Câu hỏi” và “Bắt Hến ở Hồ Isabella” có lẽ là những truyện ngắn gây được ấn tượng trọn vẹn và quyết liệt hơn cả trong chủ đề này. “Tháp Ký Ức” thoạt tiên chỉ đơn thuần sống lại những kỷ niệm thơ mộng và tinh nghịch của thời thơ ấu nhọc nhằn nơi làng quê xứ Quảng và phố thị Hội An. Nhưng suy nghiệm của người đang sống những kỷ niệm ấy là suy nghiệm của người đã trải qua hai lần bị chia cắt khỏi quá khứ hay bản thể văn hóa của chính mình. Một lần, bởi chiến tranh, lần thứ hai, bởi cuộc di tản. Và những suy tưởng này của Phùng Nguyễn nói lên rằng, ông thuộc lớp người sẽ vĩnh viễn thuộc về quá khứ, không chỉ bởi những khuất lấp và oan trái của nó còn chưa một lần được nói rõ, mà còn bởi quá khứ ấy chính là những giá trị đáng lẽ được khám phá, là bản thể mà nhiều thực tại đã trôi qua bỏ lỡ cơ hội khám phá nó và tương lai còn mắc nợ nó. Trên mặt nào đó, nó là tiến trình bình thường của đời sống và văn hóa đáng lẽ sẽ tới nếu không có những bi kịch khủng khiếp vừa qua.
Bất kể những khác biệt lớn về tuổi thơ và kinh nghiệm chiến tranh, tôi cho rằng Đức và tôi cùng thuộc về nhóm những kẻ đứng chông chênh trên hai mảnh ván trôi ngược chiều nhau, cố giữ thăng bằng để không rơi vào cái vực đen ngòm của hoang mang bên dưới. Thực ra, cái mảnh ván cứ kéo giật tôi về quá khứ có nhiều cơ hội thành công hơn. Có những điều nằm ở đó sẽ đeo đuổi tôi cho đến hết đời. Trong nhiều năm, tôi cứ đi giật lùi nhiều hơn là đi tới. (“Đêm Oakland. Câu hỏi”)
Hành động dừng xe bất cẩn dẫn đến cái chết thương tâm của nhân vật Chung cùng “chiếc pick up màu xám rơi xuống bờ vực lởm chởm đá và chìm nghỉm trong dòng nước xoáy của sông Kern, mang theo những bao cát chứa đầy những con nghêu nhỏ màu xám đen” vừa là kết thúc, vừa là mở đầu của một quá trình tìm kiếm. Cuộc kiếm tìm trong tâm tưởng khởi đi “không phải từ cái bờ vực dốc đứng nhìn xuống dòng sông Kern hung bạo ở ba trăm bộ phía dưới, mà từ một ngôi làng nhỏ bên kia bờ Thái Bình Dương, nơi dòng sông chảy qua sẽ cạn dần theo ngày tháng”, không đơn thuần chỉ là câu chuyện của những con người phải lưu vong nhớ tiếc lề thói của miền đất cũ mà nó còn mang theo cả một quá khứ những day dứt của lịch sử và văn hóa đang cần lời giải đáp.
Ngoại trừ một số truyện ngắn mà người đọc nhận thấy được viết cũng với chủ đề và cấu tứ tương tự nhưng có lẽ hơi thiếu lửa, các truyện ngắn của Phùng Nguyễn cho thấy bút lực mạnh mẽ trong việc khai phá những góc nhìn vào tâm tưởng và các vấn đề bản thể của con người, từ mỗi “bài tập” nhỏ cho đến những công trình của tâm huyết và sáng tạo nghệ thuật.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét