Đức Việt
Có lẽ không nội dung nào của TPP nhận được nhiều sự quan tâm bằng Chương 19 về Lao Động. Sự hào hứng thể hiện rõ trong phát biểu của Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ Michael Froman khi ông cho rằng TPP là một “thời khắc lịch sử” cho những quốc gia như Việt Nam vì nếu được thi hành trọn vẹn, các quốc gia thành viên sẽ phải có những “thay đổi rõ rệt” trong hệ thống của họ[1].
“Thời khắc lịch sử”
Nhiều hãng thông tấn, báo chí trên thế giới cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến Chương 19 hơn so với các nội dung khác của TPP.
Vì sao lại như vậy? Một cách tóm tắt, Chương 19 của TPP đụng chạm đến rất nhiều vấn đề mang tính “nhạy cảm” liên quan đến quyền của người lao động như thời giờ làm việc, lương tối thiểu, quyền công đoàn, phân biệt đối xử trong công việc, an toàn lao động v.v… Đây là những nội dung không mới và luật lao động của các quốc gia thành viên đều ghi nhận những quyền này.
Một ví dụ khác liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, khi tiêu chuẩn này của Mỹ sẽ cao hơn tiêu chuẩn trong luật Malaysia. Chính vì có sự khác nhau trong cách hiểu đó mà tham vọng của TPP chính là nhằm xây dựng một quan điểm chung mang tính quốc tế giữa các thành viên. Ngoài ra, các cam kết trong TPP còn hướng đến việc “khắc phục thực trạng” về lao động chứ không chỉ giới hạn trong việc xây dựng pháp luật. Chẳng hạn như trường hợp của Malaysia. Để tham gia TPP, Malaysia đã cam kết khắc phục tình trạng lao động trẻ em tại quốc gia Hồi giáo này.
Hoa Kỳ cho rằng TPP là một bước ngoặt vì chưa bao giờ có một hiệp định thương mại nào mà chương về Lao động được xây dựng tinh vi, chặt chẽ với nhiều mục tiêu đàm phán đạt được đến như vậy. Nếu được thực thi một cách nghiêm túc và hoàn chỉnh, chúng ta có thể sẽ được chứng kiến những thay đổi sâu rộng và căn bản trong thể chế và pháp luật lao động tại nhiều quốc gia, với hy vọng rằng từ đó cuộc sống của tầng lớp công nhân cũng sẽ được cải thiện một cách đáng kể.
Bình đẳng tiêu chuẩn lao động là bình đẳng thương mại
Những người phản đối Chương 19 của TPP cho rằng đây là một thủ đoạn chính trị của Hoa Kỳ nhằm can thiệp vào nội bộ xã hội của những quốc gia thành viên, đặc biệt là đánh động đến quyền lợi của tầng lớp công nhân. Lập luận này dựa trên một định kiến có từ lâu đó là cam kết kinh tế luôn đi kèm với quyền lợi chính trị. Điều này có lẽ là đúng, nhưng không hoàn toàn. TPP không được tạo ra riêng bởi Hoa Kỳ mà là sự thống nhất ý chí của rất nhiều quốc gia, trong đó có những thành viên mà vị thế chính trị không nổi bật như Chile.
Xét về mặt tự do và bình đẳng thương mại, sự thống nhất về tiêu chuẩn lao động không phải không có lý do của nó. Trong thương mại, luật pháp được tạo ra để đảm bảo sự công bằng giữa những thương nhân. Công bằng ở đây không có nghĩa là cào bằng về mặt xuất phát điểm mà chỉ hàm ý bảo vệ quy luật cung – cầu, bàn tay vô hình của thị trường. Lập luận của những người ủng hộ Chương 19 TPP đó chính là tiêu chuẩn lao động được đảm bảo sẽ dẫn đến thương mại bình đẳng.
Chúng ta cần hình dung rằng trong một nền thương mại tự do, giá cả đóng vai trò rất quan trọng để quyết định hàng hóa của ai có lợi thế hơn trên thị trường. Giá cả hàng hóa được cấu thành từ nhiều yếu tố và một trong số đó là giá thành lao động. Trong một quốc gia không quy định về lương tối thiểu, nơi mà thương nhân bằng quyền lực kinh tế có thể ép giá nhân công xuống mức thấp nhất, giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn nhiều so với quốc gia có lương tối thiểu. Hay một ví dụ khác, nếu Malaysia tiếp tục dung thứ cho nạn lao động trẻ em, hàng hóa của họ sẽ rẻ hơn vì lao động trẻ em không chỉ rẻ hơn so với lao động người lớn mà còn cung cấp tổng lao động nhiều hơn, khiến giá thành của “mặt hàng” này giảm đi.
Chính vì thế, nếu Malaysia thẳng tay với lao động trẻ em, giá thành hàng hóa của họ sẽ tăng và người được hưởng lợi sẽ là một quốc gia có điều kiện tương tự Malaysia là Việt Nam, nơi nạn lao động trẻ em không phổ biến. Nếu nhìn nhận vấn đề ở góc độ như vậy thì sẽ thấy rằng việc đưa nội dung Lao động vào một hiệp định thương mại như TPP là việc làm có lý lẽ. Việc thực thi chương 19 của TPP không chỉ là một sự nhượng bộ của các quốc gia bị “chỉ mặt điểm tên” như Việt Nam, Malaysia hay Brunei mà còn có thể là một lợi thế tiềm ẩn cho các quốc gia này. Nó còn là một cơ hội để các quốc gia nâng cao đời sống, chất lượng làm việc của công nhân nước mình.
Cơ hội của tương lai
Rất nhiều các hiệp định thương mại khác như NAFTA, WTO đều có quy định về những tiêu chuẩn lao động này. Điểm khác nhau có lẽ chỉ nằm ở mức độ thực thi và chế tài đối với vi phạm.[2] Các quyền năng được cam kết trong TPP không mới mà đó là những quyền đã được Tổ chức Lao Động Quốc tế (ILO) ghi nhận và tất cả các quốc gia đều là thành viên (tuy rằng mức độ tham gia các công ước con có khác nhau). Vì nhiều lý do, đa số nằm ở quyền năng của ILO, mà những cam kết của các quốc gia trong ILO chưa được thực thi đúng và đầy đủ. Chính vì thế, TPP như một cơ hội để các quốc gia cố gắng thực hiện những gì họ đã cam kết vì một thị trường lao động trong sạch.
Một cách tự nhiên, các quốc gia khi phải tham gia xây dựng cách hiểu chung về tiêu chuẩn lao động thường có xu hướng xem tiêu chuẩn của nước mình là lý tưởng. Đây là hiện tượng “cuộc đua đến đáy” (race to the bottom) mà nhiều cộng đồng kinh tế đã phải gánh chịu, như EU liên quan đến tiêu chuẩn thành lập doanh nghiệp của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, giới công đoàn nhận ra rằng nếu như chấp nhận một “cuộc đua đến đáy” trong lĩnh vực lao động thì người chịu thiệt hại cuối cùng sẽ là công nhân. Hiểu được điều đó, chương 19 của TPP không phải là một “cuộc đua đến đáy” mà trái lại là một hành trình tiến đến chuẩn mực lao động quốc tế. Trên thực tế, bất chấp những lo sợ rằng quyền của công nhân sẽ bị chính trị hóa, không quốc gia nào có thể phủ nhận rằng những quyền của công nhân trong TPP là tốt đẹp và nếu được thi hành sẽ giúp cho công nhân có một cuộc sống thoải mái hơn. Do vậy, thay vì lo lắng cho sự trường tồn của thể chế chính trị khi công nhân thực thi quyền của mình, các quốc gia có lẽ nên tìm cách thích ứng với sự thay đổi đáng trân trọng này. Lao động giá rẻ luôn là một lợi thế, nhưng lao động có tay nghề và được bảo vệ mới chính là tài sản quý giá nhất trong nền kinh tế của tương lai.
Kỳ tới: TPP và Công đoàn độc lập – Cam kết quan trọng nhất của Việt Nam
Chú giải của tác giả
[2] Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO không có chức năng nhận khiếu nại về lao động, trong khi NAFTA có một ủy ban khiếu nại về lao động, còn TPP vừa xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, cơ chế khiếu nại, lẫn cơ chế tham vấn của cộng đồng đối với các đạo luật liên quan đến quyền lao động.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét