NGUYỄN TRỌNG TẠO
Tôi có hoài cổ quá không khi về thăm một vùng đất đang ngày ngày mọc lên những nhà cao tầng, những khách sạn nguy nga, những con đường dài rộng mà chỉ đi tìm những gì xưa cũ? Vâng, hoài cổ vẫn có cái hay là chống lại được căn bệnh Alzheimer mất trí nhớ và phản bội quá khứ.
Mới đó mà đã 19 năm ngày giỗ thi sĩ Trần Dần. Còn nhớ hôm tiễn ông, tôi cầm một đầu dây hạ huyệt ông mà như không muốn hạ, chỉ muốn nấn ná thêm chút nữa… Khi mọi người đã rời nghĩa trang, còn tôi, ông Nguyễn Hữu Đang, nhà thơ Hữu Thỉnh và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cùng gia đình thắp nén hương cuối dưới ngôi mộ mới chất đầy hoa như một ngọn núi…
Trước ngày giỗ, chúng tôi cùng gia đình Trần Dần về Nam Định quê ông, thắp hương Lễ khánh thành nhà thờ họ Trần chi Phán Chương (Trần Văn Chương). Phán Chương là bố đẻ Trần Dần. Ông Chương là nhà tư sản rất nổi tiếng. Ông học qua bậc Thành chung ở quê rồi lên Hà Nội học tiếp và đỗ Tú tài Triết, sau đó làm ngân hàng, có cả trăm mẫu đất, nhà cửa. Khi ông qua đời, dân ở đây yêu quý gọi con đường vào nhà ông là ngõ Phán Chương. Gọi mãi thành quen, rồi Nhà nước cũng cắm biển tên đường ngõ Phán Chương vào đó.
Quanh ngõ Phán Chương có nhiều văn nhân nổi tiếng. Rẽ qua phố Hàng Đồng có ngôi nhà của nhạc sĩ Đặng Thế Phong tác giả “Giọt mưa thu”, “Con thuyền không bến”, rồi nhà văn Lê Tràng Kiều từng là chủ báo “Tiểu thuyết thứ Năm” đình đám. Nghe nói cạnh đó, bên đường Hoàng Văn Thụ ngày xưa có Cà phê Toàn là tụ điểm của thanh niên, sĩ tử lẫn người lao động… vì lắm tin tức vỉa hè và giá cà phê rẻ.
Nhà thờ họ Trần chi Phán Chương tọa lạc trên mảnh đất hình chữ L rộng 170 m2, số 27 Hoàng Diệu, cạnh phố Năng Tĩnh. Dù nhà có mặt phố, nhưng hẹp nên cổng tiền ở bên ngõ nhỏ. Tuy vậy vẫn có khoáng đất làm sân, trồng được cây mít, cây dừa, cây hoa sứ. Thế mới biết, một đại gia từ thời Pháp với cả kho bạc và hàng trăm mẫu đất, phố nhà, giờ chỉ còn lại chút đất con để làm nơi thờ phụng.
Trong khi các thầy chùa đang làm tế lễ dài dài, chúng tôi rủ nhau đi thăm thú vùng đất này. Cùng đi với tôi có nhà văn Lê Hoài Nam, đạo diễn điện ảnh Phạm Lộc, nhà báo Hà Thái, phó tổng giám đốc TTXVN. Nam là thổ công ở đây, nhưng Thái lại thông thạo đến cả những ngõ hẻm vì có người bạn thân quê ở xứ này. Chạy xe đến tận nhà thờ Bùi Chu, nhà thờ Kiên Lao rồi quay về Cổ Lễ… Đến đâu cũng chỉ muốn chụp ảnh vì các kiến trúc kiểu Pháp cổ xưa vẫn còn tràn ngập xứ Thành Nam. Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng từ năm 1885 vẫn còn nguyên vẹn. Dù nội thất và trần nhà có vẻ ọp ẹp, nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, trang nghiêm. Bây giờ đã có hàng trăm nhà thờ kiểu mới to lớn được xây dựng ở xứ này, nhưng nhà thờ Bui Chu vẫn chiếm cảm tình nhất với ai đã ghé qua chiêm ngưỡng. Nghe nói có 2 phương án về nhà thờ này: Đập đi xây mới, hoặc trùng tu. Nhưng không ai muốn đập đi cái hình ảnh đẹp đẽ đã ăn sâu vào ký ức nhiều thế hệ. Thậm chí có người nói: Nếu buộc phải đập đi để xây to lớn hơn thì cũng phải xây đúng kiểu mẫu của nhà thờ Chính tòa này đã xây hơn một thế kỷ trước. Còn tôi thì nghĩ, dù quanh nó đã có nhiều ngôi cao to hơn, nhưng nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu cứ mãi mãi khiên tốn thế, một sự khiêm tốn đến khiêm nhường…
Khi trở lại uống chén rượu chúc mừng và tưởng nhớ tổ tiên họ Trần chi Phán Chương, tôi không khỏi bùi ngùi về những con người đã làm cho quê hương họ nổi tiếng, trong đó có cha con, cháu chắt ông Phán, trong đó có gia đình thi sĩ Trần Dần.
Trần Dần tên thật là Trần Văn Dần sinh ngày 23 tháng 8 năm 1926. Từ năm 1946 khi tham gia nhóm Dạ Đài, Trần Dần đã cùng với Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Hoàng Địch… soạn ra bản “tuyên ngôn tượng trưng” nhằm cách tân thơ Việt sau rất nhiều thành công của Thơ Mới (trước 1945). Đến ngày 19-12-1946, ông cùng nhóm Dạ đài ra số báo Dạ Đài 2, khi Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông trở về Nam Định tham gia công tác thông tin tuyên truyền ở huyện Vụ Bản rồi làm việc ở Sở Tuyên truyền Khu IV. Năm 1948, ông tham gia Vệ quốc quân, ở Ban Chính trị Trung đoàn 148 Sơn La (nay thuộc Sư đoàn 316), làm công tác tuyên truyền cùng Vũ Khiêu, Vũ Hoàng Địch, sau đó làm báo ở mặt trận Tây Bắc và phụ trách văn công Trung đoàn 148 Sơn La. Trần Dần cùng Trần Thư, Hoài Niệm tham gia sáng lập nhóm văn nghệ quân đội đầu tiên – Nhóm Sông Đà. Thời gian này ông bắt đầu làm thơ bậc thang và vẽ tranh lập thể, bị cho là khó hiểu. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc ấy có tên là Đảng Cộng sản Đông Dương) từ năm 1949. Ông cũng là nhà tiểu thuyết đầu tiên viết về chiến dịch Điện Biên Phủ với nhan đề “Người người lớp lớp” được phổ biến rộng rãi sau 1954. Dù được khen ngợi nhiều, nhưng Trần Dần vẫn chưa ưng ý. Phải
Ông yêu bà Khuê nhưng tổ chức không cho cưới vì gia đình bà Khuê có người di cư vào Nam nên Trần Dần đã viết đơn đề nghị được giải ngũ và ra khỏi Đảng để cưới bà. Từ đó ông dồn vào sáng tác với ý thức cách tân văn học và tham gia Nhân văn Giai phẩm, đòi tự do, đòi xuất bản các tác phẩm mang tính cách tân của mình, mặc dù đã bị Chính quyền lúc bấy giờ nhiều lần cảnh cáo nhưng ông vẫn giữ vững sáng tác, ông liên tiếp cho ra đời các tác phẩm phê phán như “Lão rồng” và chuyện “Anh Cò Lấm” phê phán cải cách ruộng đất, để cuối cùng bị cấm in.
30 năm kiên trì sáng tác “trong bóng tối” và dịch sách ký tên khác để kiếm tiền nuôi vợ con, cho đến thời kỳ Đổi mới (1988) Trần Dần mới được phục hồi tên tuổi, được xuất bản và được tặng Giải thưởng Hội nhà Văn và được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Ông cũng có những người con nổi tiếng như nhà quay phim, đạo diễn truyền hình NSUT Trần Trọng Văn, họa sĩ Trần Trọng Vũ ở Paris và nhà văn Thuận (con dâu của ông).
Rời Từ đường họ Trần chi Phán Chương, chúng tôi đi qua Nhà máy Dệt Nam Định lừng lẫy một thời cung cấp vải vóc áo quần cho nửa nước từ sau hòa bình 1954 trên miền Bắc và suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, giờ hoang tàn, mốc meo như một di sản đau lòng của XHCN bao cấp. Ngõ Văn Nhân cũng không sòn sĩ tử qua lại nhộn nhịp như sách vở xưa đã viết.
Tôi có hoài cổ quá không khi về thăm một vùng đất đang ngày ngày mọc lên những nhà cao tầng, những khách sạn nguy nga, những con đường dài rộng mà chỉ đi tìm những gì xưa cũ? Vâng, hoài cổ vẫn có cái hay là chống lại được căn bệnh Alzheimer mất trí nhớ và phản bội quá khứ.
Cám ơn gia đình thi sĩ Trần Dần đã cho tôi có một dịp về Nam Định để hiểu thêm về gia thế và quê hương ông.
16.1.2016
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét