Tập Cận Bình phát biểu trong lễ khai trương AIIB tại Bắc Kinh ngày 16/01/2016. |
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) sẽ đẩy mạnh tài chính trong khu vực, đồng thời khiến cho việc quản lý kinh tế thế giới trở nên hợp lý hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 16/01/2016 khẳng định như trên, hứa hẹn sẽ « hỗ trợ mạnh mẽ » cho định chế do Trung Quốc thành lập.
Trong buổi lễ khai trương tưng bừng tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình tuyên bố : « Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á sẽ làm tăng đầu tư một cách hiệu quả để phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á, đóng góp vào việc hướng các nguồn lực, đặc biệt là vốn tư nhân, vào các dự án này ».
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á có mục đích tài trợ các dự án hạ tầng ở châu Á, hiện đang thiếu vốn trầm trọng. Trong số 57 thành viên sáng lập, có khoảng hai chục nước phương Tây, trong đó có Pháp, Đức, Anh. Với việcT rung Quốc đóng vai trò quyết định, ngân hàng này mặc nhiên là đối trọng trước Hoa Kỳ, hiện đang kiểm soát Ngân hàng Thế giới, và với Nhật Bản, đang nắm Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB).
ADB hôm nay cho biết đã bắt đầu xác định các dự án đồng tài trợ trong các lãnh vực giao thông, năng lượng tái tạo, quy hoạch đô thị và mạng lưới cấp nước. Ngược lại, Mỹ và Nhật từ chối liên kết với AIIB, lo ngại các tiêu chuẩn quản trị sẽ bị hạ thấp, cũng như nguy cơ Bắc Kinh sử dụng định chế mới này để ưu đãi các công ty Trung Quốc và lợi dụng cho lợi ích địa chính trị của mình.
Trung Quốc cũng đã tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại châu Á lẫn châu ÂU, với việc đầu tư ồ ạt vào « Con đường tơ lụa mới ». Trước đó Bắc Kinh đã tham gia thành lập một ngân hàng dành cho khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), đồng thời lập « Quỹ đầu tư vào Con đường tơ lụa » để tài trợ các dự án ở Trung Á.
AIIB dự kiến sẽ cho vay 10 đến 15 tỉ đô la mỗi năm trong những năm đầu, hứa hẹn một cơ cấu « linh hoạt, tôn trọng môi trường và không tham nhũng ». Nhưng những cam kết này của Bắc Kinh không làm những người am hiểu an tâm. Ông Rayyan Hassan, phụ trách tổ chức phi chính phủ « Forum on ADB » có trụ sở tại Philippines lo ngại AIIB sẽ hoạt động như một tổ chức cho vay đơn thuần hơn là một ngân hàng phát triển, và đóng cửa đối với xã hội dân sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét