Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

NGUYỄN KHẮC PHỤC number one!


Nguyễn Khắc Phục xa lánh tất cả cảnh bon chen, xếp hàng danh lợi. Anh ghê sợ có một phần. Điều quan trọng hơn, qua rất nhiều ca đại, tiểu phẫu (của mình và của người, mổ xẻ chảy máu và cả mổ xẻ bằng miệng lưỡi) anh biết mình “phận mỏng cánh chuồn” nên Phục né tránh mọi bận bịu, mọi rắc rối…Để dành thời gian chỉ cho hai việc độc nhất: Viết… Và đàn đúm ông- tôi, tao- mày cùng bạn hữu. Phải chăng, cũng chính ở điểm này, chúng ta hiểu được một trong những duyên do vì sao gia tài sáng tác của anh đạt tới con số “khủng”  đến vậy! Có một lần Nguyễn Khắc Phục được tặng Giải thưởng Nhà nước về Kịch bản Sân khấu. Về Điện ảnh, vì là tác giả kịch bản, chả hiểu theo quy định từ đâu và bao giờ, anh không hề nhận được tặng danh hiệu gì; cũng không hề nhận được giải thưởng cấp độ nào. Về văn chương, với 12 cuốn tiểu thuyết, tính độ dày tới vài ngàn trang… mà  hoàn toàn không phạm vào những “ húy, kỵ”… Nhưng ngạc nhiên chưa, cho tới tận những ngày anh đang ở tình trạng “thập tử nhất sinh” như bây giờ- chưa hề nghe phong phanh ai, cấp nào có ý định xét tặng giải cho anh.



NGUYỄN KHẮC PHỤC, Number One !

TÔ HOÀNG

Đâu đó, vào cuối năm 1977 hay 1978, từ Sài Gòn ra, Nghiêm Đa Văn tụ họp mấy thằng bạn văn chương tới, vứt cái cassett hòn gạch ra bàn, nói với chúng tôi: “Chúng mày đặt máy kín, hở thế nào tùy. Nhưng làm sao ghi được 1 phút cuộc trò chuyện tay ba giữa thằng Đỗ Chu, con Dương Thu Hương, thằng Nguyễn Khắc Phục, tao sẽ thết đãi chúng mày một bữa thịt chó chợ Hòe Nhai!”. Một bữa thịt chó với lòng dồi thơm phưng phức, với thịt luộc thịt hấp chấm mắm tôm vắt chanh, với nhựa mận nức mùi giềng mẻ… vào thời buổi đói ăn thuở đó đâu dễ dàng trong tầm tay với của mấy thằng bọn tôi? Nhưng lùa được 3 “cao thủ võ lâm” kia ngồi chung một chiếu, mà còn phải cậy răng để họ đấu hót với nhau càng là thách đố gian nan hơn! Cùng với Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh… lúc này 3 ông bà viết văn xuôi kể trên đang nổi như cồn. Thêm nữa, cả 3 đều rất to mồm, gọi là khí khái cũng được, mà coi là hiếu thắng cũng xong. Nghĩa là không ai chịu ai!
 Lừa mãi, vài ngày sau, đành trả lại Nghiêm Đa Văn cả máy lẫn băng!
Quay về chuyện với Phục..
Bạn hữu, báo in, báo mạng đã nói, đã viết, thuộc tài sản của nhà văn này có tới 12 đầu tiểu thuyết, 12 kịch bản phim truyện một tập và nhiều tập, 70 kịch bản sân khấu, mấy chục kịch bản cho các lễ hội. Tất cả đều đã xuất bản, đã dựng thành phim, đã đưa lên sân khấu...
Đã đủ, hay còn thiếu đây? 
Thiếu! Bởi anh còn hàng trăm truyện ngắn (kiểu như “Ngã ba vô tình”, “Hoa cúc biển”..) đã xuất hiện trên tuần báo, tạp chí nhưng chưa được gom thành sách; cùng hàng trăm bài thơ; một số trường ca chưa in thành tập.
Phục còn cả trăm bức tranh bột màu, sơn dầu; trong số đó mới có một số bức ra mắt công chúng trong cuộc triển lãm chung với nhà thơ- họa sỹ Trần Nhương.
Số trang viết cho sách, cho phim, cho kịch đáng coi là kỷ lục như vậy… nhưng còn điều này chắc rất ít bạn biết: Để lấy tư liệu cho ngần ấy tác phẩm, anh chỉ nghe nhân chứng kể, tuyệt nhiên anh không ghi lại, như thói quen làm việc của nhiều nhà văn khác. Tức sau này khó có thể tìm thấy trong kho lưu trữ của nhà văn một cuốn sổ ghi chép.
Viết với một tốc độ riết ráo, một hiệu xuất cao, một số lượng “khủng”,  nhưng chưa một một văn nhân, một người bạn nào tình cờ ghé tới chơi mà Phục khoát tay lắc đầu, gương mặt nghiêm trọng: “Xin lỗi ông, tôi đang bận viết..”. Ai cũng có cảm giác anh sẵn sàng sà vào các tụ họp, các cuộc đấu láo; ai ơi ới gọi anh cũng sẵn sàng lên đường được ngay...
Phục rất cao cờ ( cờ tướng ) cũng rất “cao tay ấn” trong các trò chơi như “tiến lên” hay tu- lơ- khơ, “tá lả”... Nhập cuộc anh say mê, hào hứng đúng như một “con bạc khát nước” và vì trò đó đen này Phục sẵn sàng thức trắng đêm, mà vài ba đêm liền để hầu bạn.
Phục cũng là một “fan” cuồng nhiệt của bóng đá. Trong một bài viết cách nay cả chục năm, tôi đã kể lần anh vào Bệnh viện Phủ Doãn mổ sỏi mật, anh khước từ đánh thuốc mê chỉ với một điều kiện: hãy kê cạnh bàn 1 chiếc tivi để anh không bỏ giữa chừng Giải bóng đá Quốc tế năm đó.
Vậy anh viết vào lúc nào, âu cũng là một điều bí ẩn!
Nguyễn Khắc Phục trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1976, khi lực lượng nhà văn Miền Bắc và lực lượng nhà văn Giải Phóng tập hợp về một mối. Anh 29 tuổi. Những năm tháng đó được kết nạp vào Hội nhà văn đối với những người viết khó khăn, trầy trật, là chuyện “cá vượt vũ môn”. Thì Phục  được coi là một hội viên còn rất trẻ.
Từ ngày ấy, cho đến những năm 2000 của thập kỷ này, hình như chưa bao giờ chúng tôi thấy anh đăng đàn phát biểu hoặc tranh cãi điều gì tại diễn đàn của các đại hội nhà văn. Càng chưa hề một lần nào thấy họ tên Nguyễn Khắc Phục trong danh sách đề cử hay trúng cử Ban Chấp hành Hội.
Anh thuộc biên chế Phòng Biên tập Hãng phim truyện Hà Nội đâu đó cũng vào khoảng hai năm 1978,1979. Một loạt kịch bản của anh đã được các đạo diễn tên tuổi Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Hồng Sến, Khánh Dư … dựng thành những bộ phim truyện gây dư luận như “Những ngôi sao biển”, “Tự thú trước bình minh”, “Sơn ca trong thành phố”, “Học trò thủy thần”, “Nhiệm vụ hoa hồng”, “Chiến trường chia nửa vầng trăng”, “Lạc cầm thứ 13”, “Bọn trẻ”… Có người viết phim chỉ cần đôi ba kịch bản biến thành câu chuyện kể từ màn ảnh đã trở thành tên tuổi ghi trong sử sách điện ảnh, đã vắt vẻo ngồi trong Ban Giám khảo các kỳ Liên hoan phim, các cuộc thi tuyển sinh viên vào trường điện ảnh. Nguyễn Khắc Phục chưa hề ngồi trong Hội đồng xét duyệt kịch bản, Hội đồng tuyển sinh hoặc ban Giám khảo bất cứ một kỳ Liên hoan phim nào.
Với lĩnh vực kịch nói, tình cảnh cũng tương tự như thế… Liệu có nên thống kê ra đây tên của các vở kịch đã được dàn dựng trên sân khấu theo kịch bản của Phục vào mấy thập niên 1980, 1990, 2000 không? Thấy chả cần. Nhưng anh cũng chưa bao giờ ngồi vào ghế Ủy viên ban chấp hành của hội nghề nghiệp này. Hoàn toàn cũng không thấy Phục lên tiếng khẳng định khuynh hướng sân khấu này, trường phái kịch nghệ khác của thực tiễn sân khấu tại các lần đại hội Hội nghề nghiệp này hoặc tại các buổi hội thảo..

Nói về Phục ở những điều trên, tôi không có ý tìm tới sự khen, sự chê anh. Tôi nhìn thấy nhiệt tâm, ý thức trách nhiệm, kể cả “cái sự không đừng được” của những ai lên tiếng tại các lần đại hội, các cuộc hội thảo hoặc nhận lấy một chân ủy viên trong các ban chấp hành hội này, hội kia. Vả lại còn phải tính đến tình yêu mến, sự tín nhiệm của anh chị em đồng nghiệp nữa chứ? Cái kỳ kỳ là, đôi ba nhiệm kỳ bầu bán trở lại đây, chả thấy khối người vận động xa, lay động gần để xin thêm một lá phiếu mong được kéo dài một nhiệm kỳ ủy viên hoặc cậy cục để trót lọt giành được chiếc ghế chấp hành mới. Còn chưa kể tới chuyện “chui cửa trước, lòn cửa sau”, xun xoe nịnh bợ , lót tay nhẹ thì là một chầu bia, nặng thì là một chiếc phong bì.. để được vào hội; để giành giải này giải khác trong các cuộc bình chọn văn thơ cuối năm.
Phục xa lánh tất cả cảnh bon chen, xếp hàng đó. Anh ghê sợ có một phần. Điều quan trọng hơn, qua rất nhiều ca đại, tiểu phẫu (của mình và của người, mổ xẻ chảy máu và cả mổ xẻ bằng miệng lưỡi) anh biết mình “phận mỏng cánh chuồn” nên Phục né tránh mọi bận bịu, mọi rắc rối…Để dành thời gian chỉ cho hai việc độc nhất: Viết… Và đàn đúm ông- tôi, tao- mày cùng bạn hữu. Phải chăng, cũng chính ở điểm này, chúng ta hiểu được một trong những duyên do vì sao gia tài sáng tác của anh đạt tới con số “khủng”  đến vậy!
Có một lần Nguyễn Khắc Phục được tặng Giải thưởng Nhà nước về Kịch bản Sân khấu.
Về Điện ảnh, vì là tác giả kịch bản, chả hiểu theo quy định từ đâu và bao giờ, anh không hề nhận được tặng danh hiệu gì; cũng không hề nhận được giải thưởng cấp độ nào.
Về văn chương, với 12 cuốn tiểu thuyết, tính độ dày tới vài ngàn trang… mà  hoàn toàn không phạm vào những “ húy, kỵ”… Nhưng ngạc nhiên chưa, cho tới tận những ngày anh đang ở tình trạng “thập tử nhất sinh” như bây giờ- chưa hề nghe phong phanh ai, cấp nào có ý định xét tặng giải cho anh.

Vào năm 1977, khi tôi trở thành nhân viên của Phòng Biên tập Xưởng Phim Quân đội Nhân Dân, Nguyễn Khắc Phục đã trao cho tôi một kịch bản phim truyện kể về những người chiến sỹ Quân giải phóng bám đường, diệt xe Mỹ, xe Sài gòn trên đoạn từ Quy Nhơn qua đèo Măng Giang lên PleiKu tiếp đạn dược, thuốc men, nhu yếu phẩm từ dưới đồng bằng khu 5 lên tuyến phòng thù của chúng ở trên cao nguyên. Kể về một ông già người Xê Đăng bị bom đạn làm mù mắt vẫn đứng một mình một chiếc lò rèn đợi các cô gái Xê Đăng gom nhặt những trái bom Mỹ không nổ, những viên đạn trái phá Mỹ bỏ rơi lăn lóc ở nơi chúng vừa rút đi, đem về để ông già và đám thanh niên Xê Đăng thổi lửa, rèn lại thành những trái đạn góp thêm cho nhóm chiến sỹ Giải phóng diệt đoàn xe địch. Niềm thương cảm và tình yêu đã nẩy nở giữa hai nhóm người, đảm trách hai phần công việc ấy. Những dòng viết trong kịch bản rất sinh động, giàu chi tiết của sự hiểu biết và am tường, của những phập phồng vui buồn có thật… Chả là  dạo ấy Xưởng phim Quân đội được sự cổ súy của các nhà điện ảnh Liên Xô định làm thêm phim truyện cạnh phim phóng sư- tài liệu. Để giống như Xưởng phim Bát Nhất bên Trung Quốc, nhưng dự định không thành. Cái kịch bản kia cũng thất tán đi đâu, ngay tác giả của nó- nhà văn Nguyễn Khắc Phục cũng không bao giờ nhắc tới nữa.

                               
                             Từ phải qua: Nhà văn Trần Vũ Mai, nhà thơ Thanh Quế, nhà báo Đương Đức Quảng, nhà văn Nguyễn Khắc Phục . Mặt trận khu V, thời kháng chiến chống Mỹ .


Khi nghe tôi nhắc tới cái kịch bản ấy, các nhà văn, nhà báo, các phóng viên quay phim thời chiến tranh ở cùng chiến trường khu 5 với Phục như Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Ngân Vịnh, Dương Đức Quảng, đạo diễn phim Vũ Xuân Hưng… đều nắc nỏm hết lời khen. Rằng khi xuống đồng bằng “móc” gạo đưa lên chiến khu, Phục thường nêu kỷ lục đeo trên vai những bao gạo tới 35, 40 ký. Rằng khi theo bộ đội bám đường diệt xe địch trên đèo Măng Giang, Phục được tặng “danh hiệu dũng sỹ” về lòng dũng cảm. Rằng Phục đã chết hụt pháo X. lần, bom B.52 Y.lần. Rằng Phục đã đôi ba lần lọt vào giữa trần càn của quân Mỹ, quân Nam Hàn, phải rúc hầm, chịu đói chịu khát, chịu tình cảnh thiếu không khí để thở suốt cả tuần…
Thời ở chiến trường dạo ấy, chữ HÈN là thước do duy nhất ý thức chính trị, trình độ học vấn, lòng tự trọng, lương tâm và tình nghĩa đối với cha mẹ, anh em, bà con xóm làng… của chúng tôi. Chỉ cần một lần vì sợ xuống đồng bằng dễ gặp lính Mỹ, lính Nam Hàn phục kích mà từ chối đi “moi” gạo; chỉ cần một lần chúng tôi tỏ ra hoảng loạn sau một trận bị pháo bày, bom b.52 “chụp” lên đầu; chỉ cần một lần giữa cơn đói muối, đói gạo hoặc đang trong cơn sốt rét rung giường chiếu, chúng tôi than van vì cuộc chiến tranh kéo dài quá; ngày về được gặp lại gia đình, người thân sao mờ mịt sương rơi thế … Lập tức chữ Hèn kia sẽ đội lên đầu, khoác lên cổ chúng tôi...
Anh đã có vài bài thơ được ngâm trên sóng của Đài Tiếng Nói Việt nam; anh có dăm truyện ngắn đã in trên báo Văn Nghệ, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội ư? Nếu anh nhận một chữ HÈN kia có nghĩa là anh đã trắng tay.
Trước khi trở thành một nhà văn, Nguyễn Khắc Phục đã có những năm tháng “qua lửa” để chứng minh đã là một người lính can trường.
Nhưng tính làm gì? Đó đã là chuyện của ngày xa xưa, chuyện của mọi người..
Nguyễn Khắc Phục, Number One !

           T.p Hồ Chí Minh những ngày mở đầu năm 2016.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: