Hiện việc ghép đầu người còn gây nhiều tranh cãi song theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn : “Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho ca ghép đầu lần đầu tiên” (?).
Như báo chí đã đưa tin, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết: Mặc dù y học quốc tế đang chuẩn bị cho ca ghép đầu người lần đầu tiên trong lịch sử (dự kiến tiến hành năm 2017) nhưng kỹ thuật ghép đầu vẫn còn gây nhiều tranh cãi trên thế giới.
Phần lớn ý kiến phản đối đều liên quan đến vấn đề tài chính và đạo đức còn những người ủng hộ lại cho rằng việc ghép đầu một ngày nào đó sẽ đem lại sự bất tử cho nhân loại.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Ảnh: Internet.
|
“Chúng tôi đang chuẩn bị về người cho, người nhận và nhân lực kỹ thuật.Còn nước ngoài sẽ hỗ trợ toàn bộ phương tiện kỹ thuật và ekip hoàn chỉnh để thực hiện.
Về mặt khoa học, chúng tôi hoàn toàn có thể kết nối với nền y học của Italia hoặc Mỹ. Những người có nguyện vọng được ghép đầu và những người chết não có mong muốn được hiến kế cho y học nước nhà có thể liên hệ với Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia ngay từ bây giờ ”
- GS.TS Trịnh Hồng Sơn -
|
Từ thông tin trên, có thể thấy đây là bước ngoặt rất quan trọng và đáng biểu dương của nền y học Việt Nam. Con số thống kê cho thấy, tính đến ngày 31.12.2015, đã có 2.348 người đăng ký hiến tạng tại Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, số người đăng ký hiến tạng trên cả nước là 3.542 người. Tính đến ngày 30.9.2015, Việt Nam đã thực hiện được thành công 1.116 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép thận - tủy và 1 ca ghép tim - phổi.
Báo chí cũng đưa tin, theo Bộ Y tế, trong năm 2015, các ca ghép tạng thành công được tiến hành tại nhiều bệnh viện như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện 103…
Năm 2015, ngành Y tế cũng có dấu ấn đặc biệt: Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là hai trong những người đầu tiên đăng ký hiến mô, tạng khi chết não. Ngày hội “Chung tay vì sự sống năm 2015” sáng ngày 19.12.2015 tại Học viện Quân y, có hơn 1.400 người tham gia đăng ký hiến mô, tạng khi chết não.
Vậy, từ những thành công ghép tạng đã cứu sống nhiều người bệnh ở trên thế giới và Việt Nam, tại sao lại có những ý kiến trái chiều nhau về việc tiến hành thử nghiệm ghép đầu người?
Trước đó, dư luận thế giới từng xôn xao khi báo chí đưa tin, nhà giải phẫu học thần kinh người Italy Sergio Canavero khẳng định ông có thể thực hiện ca cấy ghép đầu người đầu tiên trên thế giới vào năm 2017 và trong vòng một năm, người được ghép đầu có thể nói và đi lại bình thường. Sau tuyên bố trên, Canavero đã nhận được sự ủng hộ từ hàng chục nhà tài trợ, những người sẵn sàng hỗ trợ chi phí cho dự án này và nhiều tỉ phú, nhà tài phiệt giàu có trên thế giới cũng đã liên lạc với vị bác sĩ với mong muốn có thể kéo dài sự sống.
TS. Sergio Canavero. Ảnh: Internet.
|
Người tình nguyện tham gia ca phẫu thuật ghép đầu lần đầu tiên vào năm 2017 của TS. Sergio Canavero là anh Valery Spiridonov, một kỹ sư máy tính 30 tuổi người Nga. Ngay từ khi mới sinh ra, Valery đã mắc phải căn bệnh teo cơ Werdnig-Hoffman rất hiếm gặp, căn bệnh này khiến cho anh phải ngồi xe lăn từ bé và không thể hoạt động như những người bình thường. Diễn biến xấu của bệnh tình theo thời gian sẽ khiến anh chết trong tương lai không xa. Do vậy, anh xin được cấy ghép đầu của mình với phần cơ thể được lấy từ một người hiến tặng đã bị chết não.
Anh Valery Spiridonov.
|
Trong ca ghép đầu đặc biệt này, nhóm các bác sĩ phẫu thuật, đứng đầu là TS. Sergio Canavero muốn mở ra cánh cửa hy vọng có thể giúp Valery sở hữu một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Trong ca cấy ghép dự kiến kéo dài hai ngày, não của bệnh nhân được làm lạnh ở mức 10-15 độ C để kéo dài thời gian tồn tại của tế bào trong điều kiện không có oxy. Sau đó, Canavero sẽ dùng dao mổ để cắt qua tủy sống và sử dụng một loại keo sinh học đặc biệt để kết nối phần đầu với cơ thể mới. Các cơ và mạch máu cũng sẽ được nối lại ngay sau đó. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ ở trạng thái hôn mê khoảng 3 - 4 tuần để tránh mọi cử động và được sử dụng thuốc chống đào thải mô ghép. TS. Canavero cho rằng với cơ thể mới khỏe mạnh hơn, một người 80 tuổi có thể sống thêm được 40 năm.
Tuy nhiên, không ít bác sĩ trên thế giới cho rằng phẫu thuật ghép đầu người là một điều điên rồ không thể thành công. Bác sĩ Hunt Batjer, thành viên Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật Thần kinh của Mỹ, từng bình luận trên CNN rằng: "Tôi ước điều này sẽ không xảy ra với bất kỳ ai. Tôi sẽ không cho phép ai thực hiện ca phẫu thuật này với tôi vì có nhiều thứ còn tồi tệ hơn cả cái chết".
Theo Batjer, việc ghép nối phần đầu với một cơ thể khác biệt (bao gồm cả tủy sống, tĩnh mạch...) có thể dẫn đến hệ quả là bệnh điên hay tình trạng mất trí chưa từng có trước đây.
Trong lịch sử ngành y học cũng chưa từng có ca phẫu thuật ghép đầu nào thành công, ngay cả trên động vật. Năm 1970, tiến sĩ Robert White đã tiến hành ca phẫu thuật ghép đầu khỉ vào cơ thể của một con khỉ khác tại trường Đại học Y Case Western Reserve. Tuy nhiên con khỉ sau ca phẫu thuật ghép đầu đã chết vì hệ thống miễn dịch của cơ thể mới tự loại bỏ chiếc đầu được ghép. Trước đó, con khỉ cũng không thể cử động cũng như tự hô hấp vì việc ghép tủy sống không có tác dụng, khiến cho toàn bộ phần cơ thể không hoạt động. Các nhà chuyên môn cũng cho rằng các ghi chép về ca phẫu thuật ghép đầu của tiến sĩ Robert không giúp gì cho việc có thể thực hiện một ca phẫu thuật ghép đầu trong tương lai. Việc ghép tủy sống giữa hai cá thể riêng biệt là vô cùng khó khăn và cũng chưa từng thực hiện được trước đây.
Mặc dù có nhiều ý kiến tranh cãi trong giới y học như vậy, ca phẫu thuật ghép đầu kỹ sư máy tính Valery vẫn sẽ được tiến hành vào năm 2017, nếu như không có sự cố gì xảy ra. Dự kiến, tiến sĩ Sergio sẽ tiến hành ca phẫu thuật kéo dài 36 giờ và chi phí của toàn bộ ca phẫu thuật này lên đến 11 triệu USD. Số tiền này sẽ được tài trợ bởi quỹ nghiên cứu của tiến sĩ Sergio. Nếu thực hiện thành công ca phẫu thuật này, tiến sĩ Sergio sẽ làm thay đổi ngành y học hiện đại.
Điều quan trọng, người tình nguyện tham gia ca phẫu thuật ghép đầu này là anh Valery đã chấp nhận cơ hội có được một cơ thể khỏe mạnh bằng phương pháp đặc biệt này và cho biết, anh rất muốn được một lần có thể đi lại như những người bình thường trước khi chết.
Vậy thiết nghĩ, dư luận nên ủng hộ nhóm bác sĩ phẫu thuật do TS. Sergio Canavero đứng đầu tiến hành ca phẫu thuật ghép đầu người đầu tiên vào năm sau. Cùng với quan điểm như vậy, chúng ta cũng nên ủng hộ GS.TS Trịnh Hồng Sơn, người vừa cho biết Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho ca ghép đầu lần đầu tiên.
Vì mục đích tối thượng của những thử nghiệm y học này đều hướng tới việc mang lại hạnh phúc và thay đổi số phận cho những người bất hạnh.
Người hiến tạng (tổng hợp)
*Bài đăng thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét