Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương
Đánh giá rất cao công tác đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế và đặc biệt là Hiệp định TPP, Thủ tướng nói: "Chúng ta đã đấu tranh để đạt được mục tiêu cao nhất. Nếu điều kiện đưa ra khó, chúng ta đấu tranh để bạn cũng phải nhân nhượng"."Ví dụ như ở ngành hàng dệt may, năm 2014, thuế xuất khẩu vào Hoa Kỳ là 17%. Tính trên doanh số xuất khẩu dệt may năm này thì Hoa Kỳ thu thuế của Việt Nam 1,7 tỷ USD. Đoàn đàm phán TPP ban đầu đạt mức giảm xuống còn hơn 800 triệu USD. Nhưng sau đó, chúng ta đã đàm phán lại và tiết kiệm được 1,1 tỷ USD".
"Trong đàm phán, chúng ta đã đưa ra những mục tiêu rất rõ ràng, nghiêm túc và chân thành với các đối tác. Thực tế, kết quả đàm phán đạt được đã cao hơn mục tiêu ban đầu đề ra. Chúng ta được bạn bè đối tác trân trọng và cảm ơn", Thủ tướng chia sẻ.
TPP gồm 12 thành viên, ngoài Việt Nam, có Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mehico, NewZealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ.
Tiền thân của TPP là Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - còn gọi là P4) - một Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei.
Năm 2007, các nước thành viên P4 quyết định mở rộng phạm vi đàm phán của Hiệp định này. Đến tháng 9/2008, Hoa Kỳ bắt đầu tham gia, sau đó là các nước còn lại. Việt Nam chính thức tham gia đầy đủ hiệp định P4 từ tháng 11/2010 và cũng từ thời điểm này, Hiệp định được đổi thành Hiệp định TPP.
Sau một hành trình dài gần 10 năm, TPP đã kết thúc cơ bản các thoả thuận đàm phán ngày 5/10/2015 tại Alanta, Hoa Kỳ.
Hiệp định TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21. Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ..v,..v...
Nhiều tổ chức đánh giá, Việt Nam tuy là nước yếu nhất trong TPP nhưng được đánh giá là nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất về tăng trưởng kinh tế trong 12 thành viên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, TPP và cùng với các Hiệp định FTAs đã và sẽ ký kết, Việt Nam đã có quan hệ thương mại tự do đối với 55 nước, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP toàn cầu. Trong đó, chúng ta đã có quan hệ với 17 nước thuộc nhóm các nước G20 và cả 7 nước của nhóm G7. Nhiều nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, vị thế của Việt Nam đã được nâng cao trên trường quốc tế.
Việt Nam có quan hệ thương mại với hầu hết quốc gia trên thế giới, nên xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng khá. 5 năm, bình quân mỗi năm tăng 17-18%, góp phần đưa nền kinh tế vươn lên trong khó khăn.
Phạm Huyền
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/282044/trinh-bo-chinh-tri-ky-hiep-dinh-tpp-vao-4-2-2016.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét