DỰ BÁO "VỠ" NGÂN SÁCH NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG
Ngăn “vỡ” ngân sách địa phương:
Giải quyết nợ nần trước, xây dựng mới sau
Thông Chí
TP. Cà Mau hiện đang còn nợ tới 60,9 tỉ đồng các khoản như xây dựng cơ bản, bảo hiểm...
Như phản ứng dây chuyền, trong lúc Thành ủy Bạc Liêu, TP. Cà Mau “vỡ” ngân sách và chỉ mới được khắc phục, hàng loạt các tỉnh, thành khác lại kêu khó cân đối ngân sách địa phương và muốn giữ lại một phần các khoản thu ngân sách.
Tỉnh nào cũng xin
Thực tế ngân sách địa phương khó khăn là vấn đề đặt ra từ lâu tuy nhiên chưa năm nào lại xảy ra tình trạng gay gắt và khốc liệt như năm 2015. Nói là gay gắt và khốc liệt là bởi trong những tháng cuối năm 2015 liên tiếp xuất hiện các tỉnh thành không còn tiền để tiêu. Đầu tiên là thông tin Thành uỷ Bạc Liêu gặp khó về ngân sách, kinh phí chỉ còn đủ để trả tiền điện và lương đến hết tháng 11.2015. Còn TP. Cà Mau cũng bị nêu tên nợ nần khi còn nợ tới 60,9 tỉ đồng các khoản như xây dựng cơ bản, bảo hiểm, môi trường, nợ cả tiền điện chiếu sáng đô thị. Đây chỉ là hai địa phương điển hình, ngoài ra còn hàng loạt các địa phương khác cũng để xảy ra tình trạng nhân viên làm việc không lương vì thu không đủ chi.
Còn tại hội nghị trực tuyến ngành tài chính với các địa phương mới đây, lãnh đạo nhiều địa phương lại kêu khó về chi tiêu và muốn giữ lại một phần ngân sách nộp về T.Ư. Đại diện UBND TPHCM cho biết thành phố năm nay vượt thu nhưng nhiệm vụ chi cũng quá nhiều, trong khi lại phải điều tiết về ngân sách T.Ư lớn. “Đối với Quỹ bảo trì đường bộ, theo quy định hiện hành, phí thu được từ ôtô phân chia cho T.Ư 65%, địa phương giữ lại 35%. Từ năm 2013 - 2015, TPHCM thu được 2.733 tỉ đồng, nếu để lại 35% được khoảng 956 tỉ đồng, nhưng thực tế chỉ được nhận hơn 151 tỉ đồng, không đủ để duy tu, bảo dưỡng đường bộ trên địa bàn” - đại diện TPHCM nêu thực trạng. Còn đại diện tỉnh Đắc Lắc thì cho rằng năm 2015, tỉnh bị hụt thu 781 tỉ đồng do thực hiện chính sách miễn giảm 100% thuế GTGT cho nông sản. T.Ư ứng 600 tỉ đồng để bù đắp và tỉnh đã phân bổ chi 362 tỉ đồng. “Còn 248 tỉ đồng tỉnh xin được giữ lại do ngân sách rất khó khăn, toàn tỉnh chỉ dựa vào các cây chủ lực như càphê, caosu nhưng năm qua cả giá và sản lượng sụt giảm mạnh”.
Ngoài TPHCM và Đắc Lắc, danh sách các tỉnh xin thêm ngân sách còn kéo dài với cả những tỉnh thành có mặt bằng kinh tế khá, là đầu tàu phát triển kinh tế vùng như Lạng Sơn, Đà Nẵng, Đồng Nai.
Tiết kiệm, giải quyết nợ trước!
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng năm 2015, chi ngân sách vẫn quá lớn, mức bội chi lên tới 226.000 tỉ đồng, tương đương 5% GDP. Người cầm tay hòm chìa khóa quốc gia nhận xét nhiều địa phương tăng thu, tiết kiệm chi nhưng cũng có không ít địa phương chi tiêu còn lãng phí, dàn trải, kỷ luật tài chính không nghiêm.
Về việc hàng loạt các địa phương kêu ngân sách khó, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) - cho rằng tình trạng này có thể xuất phát từ 2 nguyên nhân. Một là do số thu thực tế của địa phương có thể thấp hơn dự kiến ở một số khoản. Hai là do chi vượt quá dự toán được giao. Việc phân bổ ngân sách phải đảm bảo trước hết dành cho con người và nhiệm vụ không thể không chi. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, có thể do thực tế phát sinh cấp bách hoặc phát sinh thêm việc ngoài dự kiến khiến các đơn vị không thể tự sắp xếp được.
Nói đến giải pháp để năm 2016 tránh tình trạng “vỡ ngân sách” tại các địa phương, ông Hưng cho rằng các địa phương khi cân đối dự toán phải dành nguồn lực trước tiên giải quyết nợ nần, sau đó mới dành chi nhiệm vụ khác như xây dựng công trình mới. “Chúng tôi đã tham mưu cho Bộ Tài chính có văn bản nhắc nhở các địa phương để triển khai nghiêm chỉ thị của Thủ tướng. Văn bản nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính. Theo đó, nếu cân đối thu chi khó khăn, các địa phương phải rà soát, dãn, giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết. Ngoài ra, với một số khoản thu gắn với nhiệm vụ chi cụ thể thì địa phương trong điều hành phải dựa trên cơ sở dự toán được giao” - ông Hưng nói.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét