Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Án tử hình oan và làn sóng cải cách luật pháp ở Trung Quốc


Nguyễn Huyền Trang – Ngoài sự yếu kém về pháp lý, các yếu tố chính trị, văn hóa cũng là những chướng ngại cản trở sự phát triển hệ thống tranh tụng ở Trung Quốc, khiến hệ thống tranh tụng ở nước này không những không thỏa được các yêu cầu quốc tế, mà còn đi ngược lại với các tiêu chí của một “phiên tòa xét xử công bằng”. Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu phần tiếp theo của một báo cáo dài về cải cách tư pháp ở Trung Quốc, liên quan đến vấn đề án tử hình: Những chướng ngại đẩy lùi cải cách.
Mặc dù hệ thống tư pháp Trung Quốc đã có nhiều cải cách, song con đường đi tới một hệ thống tranh tụng hiệu quả để không còn những án oan như vụ She Xianglin hay Zhao Zouhai của đất nước này vẫn còn những chặng dài phía trước. Các làn sóng cải cách đưa vào mô hình tố tụng tranh tụng, song lại thiếu các quy định pháp lý bảo vệ hệ thống này. Vì vậy, hoạt động tranh tụng trong các phiên tòa hình sự, bao gồm cả những phiên tòa kết án tử hình, không được thực hiện đúng thủ tục.
Các trở ngại pháp lý từ Bộ luật Hình sự
Tuy có nhiều điểm mới, nhưng có lẽ Bộ luật Tố tụng Hình sự 2012 của Trung Quốc sẽ không hiệu quả hơn Bộ luật Tố tụng Hình sự 1996 là bao trong việc ngăn chặn và sửa chữa các bản án oan sai. Bộ luật này còn nhiều lỗ hổng. Chẳng hạn, các quy định mới nghiêm cấm sử dụng các chứng cứ thiếu căn cứ tại các tòa hình sự thiếu rõ ràng, và có thể bị những thẩm phán sẵn định kiến vô hiệu hóa. Các điều luật phạt những luật sư biện hộ hăng hái bảo vệ thân chủ cũng chưa được xóa bỏ. Những bù đắp về tinh thần và vật chất cho người bị kết án oan còn rất hạn chế. Ngoài ra, vẫn chưa có sự bảo vệ hiến định và luật định nào đối với quyền im lặng hoặc nguyên tắc suy đoán vô tội – hai điều kiện đảm bảo loại trừ được những chứng cứ phi pháp. Hoạt động kiểm tra và cân đối quyền lực giữa các bên tòa án, công tố và cảnh sát còn nhiều thiếu sót và thường không được triển khai. Nguyên nhân gốc rễ của tất cả những lỗ hổng trên là ba yếu tố “truyền thống” đang tồn tại trong hệ thống tư pháp Trung Quốc. Cụ thể đó là:
  • Truyền thống giả định có tội khi xét xử
  • Cấu trúc quyền lực thiếu cân đối truyền thống giữa bên biện hộ và bên công tố
  • Thái độ miễn cưỡng của các thẩm phán khi phải từ bỏ hệ thống tố tụng truyền thống – thẩm vấn
Chừng nào thực tế trên còn tồn tại, cuộc chuyển đổi sang hệ thống tố tụng tranh tụng bảo vệ quyền của bị cáo ở Trung Quốc sẽ là bất khả.
Nie Shubin bị tử hình năm 21 tuổi vì tội “hiếp dâm, giết người”. 10 năm sau (2005), thủ phạm thật của vụ án bị bắt và đã thú tội. Trong ảnh là mẹ Nie Shubin khóc ngất trên mộ con. Nguồn ảnh: China.org.cn
Nie Shubin bị tử hình năm 21 tuổi vì tội “hiếp dâm, giết người”. 10 năm sau (2005), thủ phạm thật của vụ án bị bắt và đã thú tội. Trong ảnh là mẹ Nie Shubin khóc ngất trên mộ con. Nguồn ảnh: China.org.cn
Một nguyên nhân khác nữa là dù vai trò biện hộ đã được tăng cường qua các lần cải cách pháp lý, song trên thực tế vai trò củng cố này tồn tại chủ yếu là trên giấy tờ. Các luật sư biện hộ dễ bị khép vào tội “làm giả chứng cứ” theo Điều 306 Bộ luật Tố tụng Hình sự 1996, theo đó các luật sư không được “ép hoặc xúi giục nhân chứng” thay đổi lời khai. Với ngôn ngữ mơ hồ, quá trình triển khai thiếu tin cậy và dấu hiệu vi phạm nhân quyền, điều luật này được cho là một trở ngại pháp lý đối với tiến trình xây dựng hệ thống tố tụng tranh tụng ở Trung Quốc. Không chỉ dừng lại đó, nó cũng dễ trở thành một vũ khí trong tay các nhà chức trách để trả thù những luật sư biện hộ thực hiện tốt vai trò đại diện pháp lý. Luật sư biện hộ có thể bị bỏ tù vì “khai man và cản trở công lý” khi “hướng dẫn nhân chứng nói dối” như trong vụ luật sư Li Zhuang [1], trong khi bộ luật lại thiếu các điều khoản hình sự hóa sai sót nghiệp vụ của các nhà chức trách.
Mặc dù rất ít luật sư bị buộc tội theo Điều 306 phải ngồi tù, song bản án dành cho Li Zhuang cho thấy “sự mục nát đáng báo động của môi trường dành cho các luật sư trong hoạt động xét xử hình sự”. Những diễn biến sau cùng của vụ Li quả thật đã khiến việc đại diện cho các can phạm trong giai đoạn trước xét xử trở nên khó khăn hơn, đồng thời khiến sự bất cân đối quyền lực giữa luật sư biện hộ và các cơ quan chấp pháp thêm trầm trọng.
Ảnh hưởng chính trị: Sự can thiệp từ đảng Cộng sản
Một trở ngại khác là ảnh hưởng chính trị không mong muốn lên hoạt động xét xử và kết án trong các vụ án hình sự. Dưới hệ thống tư pháp và chính trị hiện tại, đảng Cộng sản và các cơ quan chính phủ ở Trung Quốc có thể can thiệp vào các phiên tòa hình sự, và có thể gây áp lực chính trị kết án tử hình, như có thể thấy trong nhiều vụ án oan được phát hiện gần đây. Ảnh hưởng này tất yếu dẫn đến những nghi ngờ về tính hiệu quả của các cuộc cải cách pháp lý mà Trung Quốc tiến hành trong thời gian qua.
Tệ hơn nữa, hệ thống thực thi công lý của Trung Quốc vẫn tồn tại tình trạng tham nhũng và chịu sự can thiệp chính trị mạnh mẽ. Lực lượng điều tra, công tố và tòa án không hoạt động độc lập và đều chịu sự giám sát của đời sống chính trị và các ủy ban tư pháp của đảng Cộng sản. Trên thực tế, các yếu tố ngoài luật luôn có những ảnh hưởng thái quá lên việc triển khai các điều luật có liên quan do “tính quanh co của quá trình phát triển pháp lý ở Trung Quốc”. Do đó, nhiều vấn đề pháp lý của Trung Quốc không thể được giải quyết bằng phương tiện pháp lý, mà phải bằng các tính toán chính trị.
Can thiệp chính trị phá vỡ cấu trúc tam giác cần có giữa thẩm phán, công tố và biện hộ, trong đó mỗi bên lẽ ra đều có vai trò riêng để đảm bảo công lý được thực hiện. Các vụ xét xử hình sự bị biến thành một dạng dây chuyền lắp rắp, với cảnh sát ở đầu vào, công tố ở đầu tiếp theo và thẩm phán án ngữ đầu ra, và hậu quả là bất công. Đầu vào ban đầu thường là những lời khai bị ép buộc. Tình hình càng tệ thêm bởi áp lực từ ban Nội chính, ép cho ra một bản tuyên án có tội ngay cả khi bị cáo vô tội và án phạt là tử hình. Thậm chí, kể cả khi có những dấu hiệu đáng ngờ, các quan chức cũng sẽ đưa ra một bản án tử hình nhưng hoãn thi hành án, thay vì tuyên trắng án, để lập thành tích duy trì tỷ lệ phá án cao, hay đúng hơn là tỷ lệ phá án tuyệt đối.
Tóm lại, với việc các ủy ban đảng vẫn nắm quyền chi phối mọi khía cạnh trong đời sống chính trị và pháp lý của người dân, vai trò của luật sư trong các vụ án hình sự ở Trung Quốc chỉ có thể được cải thiện, khi Đảng Cộng sản nước này thể hiện  ý chí và cam kết xây dựng một nhà nước pháp trị thật sự.
Năm 2013, tử tù Wu Changlong (phải) được trả tự do sau 12 năm ngồi tù chờ thi hành án tử vì bị kết tội khủng bố. Nguồn ảnh: caixin.com
Năm 2013, tử tù Wu Changlong (phải) được trả tự do sau 12 năm ngồi tù chờ thi hành án tử vì bị kết tội khủng bố. Nguồn ảnh: caixin.com
Nguyên nhân văn hóa: Kiểm soát tội phạm hay bảo vệ nhân quyền?
Sau thất bại của Bộ luật Tố tụng Hình sự 1996 trong việc đạt được sự cân bằng giữa mong muốn kiểm soát tội phạm và mong muốn bảo vệ các quyền của nghi can, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2012 và các cơ chế pháp lý khác cũng đang có nguy cơ gặp phải những trở ngại văn hóa tương tự trong quá trình triển khai.
Với truyền thống đặt ổn định xã hội và giá trị của hoạt động kiểm soát tội phạm là ưu tiên hàng đầu, các nhà chức trách Trung Quốc có thể cảm thấy cần chú trọng đến mục đích kiểm soát tội phạm, và do đó chủ ý hạn chế quyền lực của luật sư trong hoạt động tố tụng. Ngoài ra, với văn hóa Khổng giáo và ý thức hệ xã hội chủ nghĩa luôn đặt lợi ích tập thể lên trước lợi ích cá nhân, các luật sư thường được yêu cầu phải trung thành với mục đích xã hội và đặt lợi ích của xã hội lên trước.
Nhằm cân bằng giữa mục đích kiểm soát tội phạm và mục đích bảo vệ nhân quyền, Bộ luật Tố tụng Hình sự 1997 bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng mô hình tố tụng tranh tụng với hy vọng cải thiện tính hiệu quả của các luật sư trong hoạt động bảo vệ quyền của các bị can, và điều chỉnh lại vai trò của các bên tại tòa, trong đó đại diện tư pháp đóng vai trò như một người phân xử độc lập và trung lập giữa công tố và biện hộ.
Tuy nhiên, có thể thấy rõ mục đích kiểm soát tội phạm vẫn chi phối mạnh mẽ hoạt động tố tụng ở Trung Quốc, hay nói cách khác lý tưởng kiểm soát tội phạm vẫn còn rất mạnh mẽ trong não trạng của các cơ quan chấp pháp nước này. Các phiên tòa vẫn tập trung vào mục đích kiểm soát tội phạm, và cảnh sát cũng như công tố vẫn thích áp dụng các hình thức cáo buộc. Chịu ảnh hưởng từ truyền thống đó, các nhà điều tra có xu hướng thu thập chứng cứ trọng yếu bằng bất kỳ phương tiện nào dù là trái luật, như tra tấn, đánh đập và các hình thức phi pháp khác. Trong vụ She Xianlin và Zhao Zhohai, cả hai đều bị dùng cực hình cho đến khi chịu nhận tội. Thậm chí trong vụ Zhao, vợ của anh cũng bị đánh cho đến khi chịu cung khai có lợi cho hướng điều tra của cảnh sát. Rõ ràng, mục tiêu của chiến dịch chống tội phạm không chỉ dừng lại ở bị cáo, mà còn chuyển hướng sang người thân của bị cao, hay luật sư biện hộ, như trong vụ Li Zhuang.
Để hạn chế những trường hợp oan sai dưới hệ thống tranh tụng chưa hoàn thiện, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2012 đã cải cách hơn nữa cách thức thực thi công lý của ba cơ quan thông qua việc củng cố mô hình tranh tụng để bảo vệ hơn nữa quyền con người cho phía biện bộ. Mặc dù những vụ án được xét xử sau khi bộ luật này có hiệu lực chưa đủ để đưa đến kết luận thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc nghiêm túc đến đâu với kế hoạch cải cách có ý nghĩa, song các vụ oan sai trong quá khứ quả thật cho thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy văn hóa nhân quyền thay cho văn hóa kiểm soát tội phạm.
———-
[1] Li Zhuang là luật sư biện hộ cho Meng Ying trong một phiên tòa xét xử băng nhóm tội phạm có tội chứng năm 2008. Theo cáo buộc của công tố, Li Zhuang đã hướng dẫn Xu Lijun, nhân chứng của vụ án, thay đổi lời khai. Trong phiên tòa, Li Zuang khẳng định anh không can thiệp vào quyết định đưa ra lời khai của Xu Lijun. Vụ Li là một chỉ báo cho thấy những thiếu sót trong các cải cách pháp lý của Trung Quốc và kéo cuộc cải cách của nước này tụt lùi 30 năm, theo nhận định của He Weifang, giáo sư luật học đại học Peking (New York Times, 2011).
Lược dịch và tham khảo từ bài viết Death Penalty Reforms in China: Lessons from Wrongful Convictions? của tác giả JIANG Na và Trial in China Tests Limits of Legal System Reform (New York Times, 2011).
Kỳ sau: Những bài học để lại cho nền tư pháp

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: