Khi bắt đầu viết những dòng tựa này (*), tôi nhớ đến quyển truyện El cartero de Neruda (Neruda’s Postman) của Antonio Skármeta, sau được chuyển thành phim (và khung cảnh truyện chuyển sang bên Ý) với tên Il Postino (The Postman), kể lại câu chuyện của một anh đưa thư, đặt trong bối cảnh chính trị xáo trộn của nước Chí Lợi (Chile) vào thập niên 1970s. Khác bất cứ một người đàn ông nào trong làng mình, anh chàng Mario không thích trở thành một người đánh cá. Hoàn cảnh đẩy đưa khiến anh lại trở nên một người đưa thư trên hòn đảo Isla Negra, cách xa đất liền đủ để anh cảm thấy mình không bị cuốn hút vào không gian buồn nản của cái nơi toàn những con người chài lưới kia. Và, mặc dù trên đảo này có nhiều người sống, chàng Mario chỉ có một khách hàng là người nhận thư duy nhất, một người cư trú tại đây có học, biết đọc biết viết thực sự, đó là nhà thơ Pablo Neruda. Nhà thơ được yêu mến nhất của Chí Lợi. Và cũng là một nhà thơ rất được yêu mến của thi ca nhân loại.
Khi tình bạn của họ, qua việc trao và nhận thư, cùng với những quan tâm dành cho nhau trở nên sâu đậm hơn, anh chàng Mario bèn đánh bạo nhờ nhà thơ chỉ vẽ cho cách làm sao để "ve" cô gái xinh đẹp và "bốc lửa" Beatriz, chủ một quán rượu trong làng, mà Mario đã "phải lòng". Trong quá trình học tập những "ngón nghề" rất nho nhã từ nhà thơ để "bước vào đường tình", đi vào con đường ve vãn, chàng Mario, qua sự hướng dẫn và nâng đỡ của Neruda, bỗng phát hiện là mình có năng khiếu để trở nên một thi sĩ. Thế là, chẳng bao lâu sau, không khí của cả hòn Đảo Đen (Isla Negra) này bỗng… sực nức mùi thơm, như của một chất rượu làm cho say sưa, và ánh lửa cháy như lân tinh, của những ẩn dụ ngọt ngào, bùng bốc và quyến rũ. Của thơ. Và của những hình ảnh đầy tính ẩn dụ bay lượn trong thơ.
Có thể nói chủ đề của quyển truyện El cartero de Neruda (và phim Il Postino) này là về sức mạnh và sự quyến rũ của Ẩn Dụ, của Thơ. Và của Tình Yêu.
A, Pablo Neruda. Đó là nhà thơ của Veinte poemas de amor y una canción desesperada. Hai mươi bài thơ tình và một khúc ca tuyệt vọng.
Lời nói của anh mưa trên em, vuốt ve mơn trớn em.
Anh đã yêu từ lâu tấm thân ngọc trai sạm ấm nắng của em.
Anh còn nghĩ em sở hữu cả vũ trụ.
Từ những vùng núi non, anh sẽ đem về cho em những đoá hoa hạnh phúc,
những đoá hoa chuông xanh tím,
những hạt dẻ sẫm tối, và những lẵng hoa hôn hoang dại.
Anh muốn làm với em
những thứ mà mùa Xuân làm với những cây hoa anh đào.(Mis palabras llovieron sobre ti acariciándote.
Amé desde hace tiempo tu cuerpo de nácar soleado.
Hasta te creo dueña del universo.
Te traeré de las montañas flores alegres, copihues,
avellanas oscuras, y cestas silvestres de besos.
Quiero hacer contigo
lo que la primavera hace con los cerezos. )
Ẩn dụ, một cách nói "văn chương", qua việc diễn tả một điều gì đó bằng cách nói về một điều khác, dùng hình ảnh này để nói về một hình ảnh nọ, chúng ta vẫn nghĩ, là thường chỉ có trong thi ca. Còn trong lời nói thường ngày, hay trong các lĩnh vực khác nữa, nó không hiện hữu. Trong "ngôn ngữ tiêu dùng" hằng ngày, người ta không cần đến ẩn dụ, bởi lẽ, ẩn dụ là một thứ "vàng", một loại "ngọc" quý, chỉ trong những hoàn cảnh đặc biệt quan trọng hay xứng đáng lắm, người ta mới nhờ cậy đến nó. Nó là một thứ của hiếm, không dễ và không nên lạm dụng bừa bãi. Đa số chúng ta đã nghĩ thế.
Nhưng, điều ấy có thật là như vậy không?
Trong cuốn sách Ẩn Dụ / Cuộc Phiêu Lưu Của Chữ này của Trần Hữu Thục, tác giả đã dẫn ta tìm trở lại nguồn gốc của ẩn dụ suốt từ thời Cổ đại Hy Lạp cho đến ngày nay, qua những lý thuyết với nhiều dẫn chứng, nhiều ví dụ sinh động. Xuyên qua quá trình tìm hiểu này, chúng ta đến gần hơn với ẩn dụ, hay, chính xác hơn nữa, ta sẽ thấy ẩn dụ nằm ngay trong chúng ta. Gần như ở mọi nơi và mọi lúc. Ẩn dụ nằm ngay trong chính suy tưởng, trong ý niệm của con người. Con người sống là sống với ẩn dụ và nhìn thế giới này qua và bằng ẩn dụ. Ẩn dụ, thật thế, vốn nằm trong cái nhìn của con người trước nhiên giới và nhân giới. Con người nhìn vào thế giới tự nhiên, trong đó nó được đặt để vào, cũng như nó nhìn và thẩm định những hiện tượng con người, những suy tư, những trải nghiệm của nó trước cuộc sống bằng một cái nhìn chứa đầy những hình ảnh ẩn dụ.
Ở đoạn dẫn nhập trên, kể về chuyện tình của anh chàng Mario, một cách vô thức, tôi cũng đã dùng một số hình ảnh có tính ẩn dụ; chẳng hạn đoạn này: "(…) anh chàng Mario bèn đánh bạo nhờ nhà thơ chỉ vẽ cho cách làm sao để "ve" cô gái xinh đẹp và "bốc lửa" Beatriz, chủ một quán rượu trong làng, mà Mario đã "phải lòng". Trong quá trình học tập những "ngón nghề" rất nho nhã từ nhà thơ để "bước vào đường tình", (…)". Những nhóm từ như "bốc lửa", "phải lòng", "ngón nghề", "bước vào đường tình", trong văn cảnh này, thật sự, đã được dùng một cách ẩn dụ.
Hiểu một cách nào đó, con người dựng nên thế giới bằng ẩn dụ. Ẩn dụ của anh như thế nào thì thế giới của anh sẽ như thế đó. Nói một cách mạnh mẽ hơn, vũ trụ quan của chúng ta được xây dựng nên và bằng chính cái nhìn mang tính ẩn dụ của mình. Như Nietzsche đã cho rằng "chúng ta trải nghiệm hiện thực một cách ẩn dụ". Và nói theo Mark Johnson, trong nhận định về cách nhìn ẩn dụ của Nietzsche, thì "ẩn dụ không chỉ là một thực thể ngôn ngữ, mà còn là một tiến trình, qua đó, con người chạm trán thế giới."
Cuốn sách này của Trần Hữu Thục, trên một khía cạnh, là một cuốn sách nặng tính lý thuyết. Và người đọc hẳn sẽ nhận thấy điều đó qua sự trình bày rất nhiều lý thuyết, liên hệ đến triết học, xã hội học, ngôn ngữ học, nhân chủng học, v.v. Đặc biệt là những lý thuyết về tu từ học, về dụ pháp học, về ngôn ngữ học, với những tên gọi cụ thể như "lý thuyết tương tác" của Max Black, lý thuyết "đối nghịch ngôn từ" của Monroe Beardsley, "lý thuyết căng thẳng" về sự "căng thẳng ngữ nghĩa" của Paul Ricoeur, v.v., cùng những khái niệm về sự dịch chuyển ngữ nghĩa (từ metaphora trong tiếng Hy Lạp cổ, sang métaphore của tiếng Pháp cổ thế kỷ thứ XVI, đến metaphor trong tiếng Anh), sự lệch nghĩa (écart), ý tưởng ẩn lặn (tenor / the underlying idea) và tính chất tưởng tượng (vehicle / the imagined nature), tính đồng vị (isotopie) và tính biệt vị (allotopie) của từ, v.v. Rồi "sự đổ vỡ tính đồng vị", "sự nghịch thường ngữ nghĩa", "sự bất tương hợp ngữ nghĩa", "sự xáo trộn ngữ nghĩa". Vân vân. Tất cả những điều này, tuy phần nào để lộ ra mặt khá khô khan, đôi khi khó nắm bắt, của lý thuyết (chẳng hạn như trong tư tưởng và những lý giải tuy sâu sắc nhưng khá phức tạp của triết gia Paul Ricoeur), cũng cho thấy sự phong phú của những cái nhìn, những diễn giải của con người từ thời Cổ Đại Hy Lạp cho đến ngày nay về ẩn dụ.
Nhưng, ở một khía cạnh khác, cuốn sách này của nhà nghiên cứu, biên khảo Trần Hữu Thục cũng cho thấy tác giả, ngoài công phu tìm tòi nghiên cứu sâu và kỹ về đề tài của mình, qua việc tra cứu, tìm hiểu, giới thiệu nhiều tài liệu bổ ích, với những thí dụ dẫn chứng về cách dùng ẩn dụ trong tiếng Anh, tiếng Pháp, còn giúp cho người đọc có được một cái nhìn rất gần và sinh động về đủ cách sử dụng ẩn dụ của rất nhiều người cầm bút Việt Nam. Những người viết ấy có thể là nhà thơ, có thể là nhà văn, mà cũng có thể là những nhà biên khảo, lý luận, phê bình. Tất cả những thí dụ được trưng dẫn trong các chương sách đã giúp cho cuốn sách về một đề tài có tính rất lý thuyết này trở nên một tài liệu nhiều màu sắc, ghi nhận lại được cách nhìn cuộc đời, nhìn thế giới, nhìn những hiện tượng con người của chúng ta một cách tươi mới và có chiều sâu. Ở một góc độ nào đó, nó cũng có thể được xem là một cuốn cẩm nang trình bày và ghi chép lại cái phương cách chạm mặt thế giới của con người. Chạm mặt và xây dựng thế giới. Qua ẩn dụ.
Về mặt hình thức, với mười chương sách, sau khi đã trình bày những khuôn mặt và dấu vết của ẩn dụ qua mọi thứ lý thuyết chằng chịt nhưng với rất nhiều thí dụ sinh động, đa dạng và nhiều mầu sắc, tác giả đã đóng cuốn sách lại bằng một câu chuyện ở chương cuối. Giống như một truyện ngắn. Qua câu chuyện rất đặc biệt của nhân vật chính, du hành vào cuộc phiêu lưu của chữ, Trần Hữu Thục tìm lại được con người nhà văn của mình. Câu chuyện thú vị của ông cho ta thấy rõ sự liên hệ của Chữ, Nghĩa và Đời sống. Và Văn minh của con người. Nó cho ta thấy sự quý giá của chữ, nghĩa. Và ý nghĩa cuộc hiện sinh của nhân loại. Chữ và Nghĩa, và Cuộc sống, và Văn minh loài người, tất cả, quy chiếu trở lại những gì đã được trình bày ở mười chương sách trước, đều có những gắn bó xa gần với ẩn dụ, ở những mức độ khác nhau. Nó khiến ta ý thức rõ hơn sự quý giá của những gì mà chúng ta không để ý đến, hoặc không để ý đủ, khi tiếp cận với những con chữ, những ký hiệu của loài người, trong cuộc sống mỗi ngày.
Với lòng yêu chữ, và qua những gì tôi đã thử nói về cuốn sách này, tôi tin rằng đây là một quyển sách tốt. Nó đáng được chúng ta quan tâm, vì nó làm hiển lộ khuôn mặt và tâm hồn của chính chúng ta trong cuộc sống đời thường. Cũng như trong những suy tư nâng đẩy chúng ta lên cao hơn nữa trong cuộc nhìn ngắm và đối thoại của ta với tự nhiên, với thế giới.
Và chúng ta, mỗi người, qua đó, sẽ nhìn ẩn dụ một cách thân thiết hơn.
Bùi Vĩnh Phúc
mồng 3 tháng Giêng, 2015
___________________________________________________
(*) Đây là bài "Tựa" cho cuốn sách Ẩn dụ / Cuộc phiêu lưu của chữ, biên khảo của Trần Hữu Thục, vừa được nhà xuất bản Người Việt ấn hành vào tháng Năm, 2015.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét