Mới đây, Giám đốc Trung tâm Carnegie Mátxcơva Dmitri Trenhin (Carnegie Moscow Center là Trung tâm chuyên nghiên cứu các vấn đề quan trọng nhất trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nga, các vấn đề xã hội, quan hệ quốc tế, an ninh quốc tế và kinh tế) đã trình bày một bản báo cáo có tiêu đề “Một mình chống lại tất cả” đề cập đến những thành tựu và thất bại của ngoại giao Nga, về triển vọng hình thành một trật tự thế giới mới, cũng như những hậu quả Nga có thể phải gánh chịu vì đối đầu với Phương Tây.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch không kích tại Syria, một số nhà quan sát lên tiếng là những động thái cô lập Nga đã chấm dứt và cả về việc Nga đã nâng được vị thế của mình trên trường quốc tế, mặc dù một thái độ lạc quan như vậy là hơi sớm.
Có lẽ chúng ta nên xem xét những kết quả đối ngoại chủ yếu của Nga trong năm 2015 qua phân tích thực trạng mối quan hệ của chúng ta (Nga) với các quốc gia láng giềng và với các quốc gia chủ chốt trên thế giới.
Dmitri Trenhin. (Ảnh: carnegie.ru)
Nước Mỹ "căm ghét"
Có thể gọi quan hệ của nước ta (Nga) với Mỹ trong năm 2015 là tiến trình ổn định hóa quan hệ đối đầu. Năm 2014 vừa qua là năm khủng hoảng trầm trọng nhất (trong mối quan hệ Nga-Mỹ) kể từ năm 1983 đến nay – chính trong năm 2014 đã xuất hiện nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa hai nước. Mặc dù trong năm 2015, sự căng thẳng có phần dịu đi, nhưng mối quan hệ Mátxcơva - Washington vẫn ở mức thấp một cách ổn định.
Nguyên nhân cơ bản của sự đối đầu như vậy là những hành động của Nga ở Crimea và Donbass. Mátxcơva đã công khai thách thức trật tự thế giới hiện đại được thiết lập sau Chiến tranh lạnh. Trong thời điểm hiện nay, đã xuất hiện một tình thế mới rất khó đối với cả hai bên: Mỹ không có quyền bỏ qua sự thách thức đó (của Nga –ND), còn đối với giới lãnh đạo Nga hiện nay – đã không còn bất kỳ một đường lùi nào.
Trong năm 2016, nhiều khả năng hơn cả là mối quan hệ song phương vẫn tiếp tục phát triển theo hướng đối đầu cường độ thấp và hợp tác trong một số lĩnh vực nhất định (như Syria, Chương trình hạt nhân Iran, Afganistan).
Kết cục của cuộc đối đầu này sẽ ảnh hưởng nhiều đến định dạng của một trật tự thế giới mới trong tương lai, còn số phận của chính nước Nga sẽ phụ thuộc vào việc Nga có thể gồng mình đối đầu với Mỹ trong một thời gian dài hay không. Tháng 11/2016 nước Mỹ sẽ bầu tổng thống mới, nhưng dù tổng thống mới là ai thì mối quan hệ Nga-Mỹ cũng sẽ không được cải thiện.
Nhưng cũng cần phải hiểu rõ rằng, hiện nay thời kỳ lãnh đạo thế giới vô điều kiện kéo dài hơn 20 năm của Mỹ đang chấm dứt. Mỹ vẫn giữ được vai trò nổi bật, nhưng đang bị Trung Quốc tranh chấp vai trò đó, kể cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị-quân sự. Vai trò của Mỹ trên thế giới đang bị bào mòn và sau một số sai lầm lớn trong chính sách đối ngoại, sức mạnh của Washington đã bị giảm đi và mất quyền kiểm soát các sự kiện toàn cầu.
Sergey Lavrov và John Kerry. (Ảnh: Iuri Gripas/Cоmmersant)
Châu Âu nổi giậnHiện đang diễn ra một tiến trình xa lánh giữa Nga với Châu Âu, các biện pháp cấm vận Nga sẽ thường xuyên được gia hạn, dù có một số quốc gia Châu Âu riêng rẽ đã tỏ thái độ bất bình ra mặt (đối với các biện pháp cấm vận–ND).
Châu Âu đã quá mệt mỏi bởi cuộc khủng hoảng Ukraine và bởi chính bản thân quốc gia này - sau chiến thắng của Maidan Ukraine vẫn không triển khai được những cải cách hệ thống quy mô lớn. Mặc dù có một số bất đồng (trong nội bộ các nước Châu Âu-ND), nhưng trong năm 2016, Châu Âu vẫn là một mặt trận chung được xây dựng trên nền tảng là thái độ tiêu cực đối với chính sách đối ngoại của Mátxcơva.
Tại Đông Âu, một liên minh quân sự - chính trị chống Nga sẽ dần hình thành từ các nước Baltics và Ba Lan với mục tiêu là tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO tại khu vực này. Nước Nga cần phải từ bỏ ảo tưởng liên quan đến việc duy trì quan hệ hợp tác đầy đủ và toàn diện với một số quốc gia Châu Âu riêng rẽ, trước hết là Đức - nước Đức sẽ còn theo đuổi lập trường kiên định thân Đại Tây Dương (NATO) trong một thời gian dài nữa. Lãnh đạo Nga cần phải hiểu rằng, các nước hàng đầu Châu Âu vẫn sẽ tiếp tục đường lối hợp tác chiến lược với Mỹ.
Ukraine thù địchSau các sự kiện đã xảy ra trong năm 2014, Ukraine sẽ là quốc gia thù địch nhất đối với Nga trong tương lai dài hạn. Vấn đề đau đầu và nhạy cảm nhất – quy chế của Crimea. Năm 2015 đã cho thấy những hy vọng của một bộ phận giới lãnh đạo Nga về việc Ukraine bị tan rã đã sụp đổ hoàn toàn - và điều này (Ukraine không tan rã–ND) rõ ràng là rất tốt vì nếu một kịch bản như vậy xảy ra thì đó sẽ là một thảm họa đối với đất nước chúng ta.
Kể cả trong năm 2016 và trong thời gian tiếp theo, quốc gia Ukraine vẫn sẽ không tan rã, nhưng nước này vẫn ở trong tình trạng không ổn định. Rất tiếc là trong tương lai gần khó có thể hy vọng vào sự khôi phục nhanh chóng và thành công đất nước (Ukraine) vì Kiev không tìm ra đủ ý chí và quyết tâm tiến hành những cải cách chống tài phiệt và dân chủ hóa theo mô hình Châu Âu như đã từng được tuyên bố trong thời kỳ Maidan.
Các hành động của Nga ở Crimea và Donbass đã nhanh chóng dẫn đến việc hình thành một dân tộc Ukraine đồng nhất với nền tảng tư tưởng bài Nga. Trong những năm trước đó, sau khi Ukraine giành độc lập thì tiến trình trên (hình thành một dân tộc với các quan điểm chống Nga – ND) đã diễn ra không mấy thành công, bởi vì những mối quan hệ chặt chẽ với Nga và tiềm năng ảnh hưởng mạnh của văn hóa Nga đã cản trở sự hình thành một một dân tộc Ukraine đồng nhất.
Chính vì thế, dù đáng buồn và là thảm kịch nhưng sự đối đầu với Nga là cơ hội duy nhất để hiện thực hóa thành công ý tưởng xây dựng một dân tộc thống nhất.
Hiện nay, xác suất một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Donbass là thấp hơn nhiều so với mùa hè năm 2014. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện các thỏa thuận Minsk -2 sẽ trở thành một tiến trình chậm chạp và kéo dài, các cuộc đàm phán sẽ nhiều lúc bị đứt đoạn và thay vào đó là các cuộc đấu súng ở tuyến tiếp xúc.
Trong năm 2016, khó có thể thực hiện Thỏa thuận Minsk-2 một cách trọn vẹn và đây sẽ là nhân tố làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga với Ukraine và cả với Châu Âu nói chung.
(Ảnh: Dmitri Lekai/Cоmmersant)
Trong giới lãnh đạo Nga có nhiều người cho rằng chính quyền Kiev “Maidan” hiện nay sẽ nhanh chóng sụp đổ, và Donbass sẽ là con bài tủ trong các cuộc đàm phán với chính phủ mới của Ukraine, vì vậy mà có thể duy trì trạng thái bán quân sự ở khu vực Đông – Nam Ucraine như hiện nay bao lâu cũng được. Nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn với cách tư duy và cách hành xử y hệt nhau ở cả Mátxcơva lẫn Kiev sẽ đắc lợi với một thực trạng như vậy.
Trung Quốc dè dặt
Mối quan hệ với Trung Quốc trong năm 2015 đã vượt ngưỡng đối tác chiến lược, nhưng không đạt mức liên minh đầy đủ. Sự xích lại gần hơn với quốc gia này đã được giới lãnh đạo cấp cao ghi nhận, nhưng mọi việc chỉ dừng lại ở đó và không có tiến triển nào.
Mặc dù trong thế giới hiện đại, Trung Quốc cùng với Mỹ sẽ trở thành một trong hai trung tâm sức mạnh toàn cầu nhưng trong giai đoạn hiện nay Bắc Kinh mới hành động như một thế lực địa - kinh tế nhiều hơn là như một thế lực địa - chính trị. Bắc Kinh theo đuổi một chính sách đối ngoại rất thận trọng, và điều đó (thận trọng –ND) không chỉ liên quan đến Nga, mà còn liên quan cả đến Vùng Trung Cận Đông không ổn định.
Trung Quốc vẫn luôn là một đối tác rất phức tạp đối với Nga, còn kỳ vọng của giới lãnh đạo Nga về một làn sóng đầu tư mạnh của Trung Quốc (vào Nga) thay cho nguồn đầu tư Phương Tây đã không trở thành hiện thực.
Bắc Kinh đang dần gia tăng những ảnh hưởng kinh tế và chính trị trên hướng Tây, và Mátxcơva sớm muộn gì cũng phải can dự vào tiến trình đó. Nga cùng với các nước Trung Á và Iran có thể trở thành chiếc cầu trung chuyển nối Trung Quốc với Châu Âu.
Nhưng tuyệt đối không được ảo tưởng: Nga không phải là mục tiêu của sự gia tăng ảnh hưởng về phía Tây biên giới nước này (Trung Quốc –ND), mà chỉ là một trong những phương tiện để Trung Quốc sử dụng, chỉ là một trong những tuyến (đường) của Trung Quốc.
Trong tương lai sẽ dần hình thành một Lục địa Á-Âu lớn với hai cực là Trung Quốc và Châu Âu, nằm giữa hai cực đó là chúng ta (Nga). Tất nhiên, Nga phải thích ứng với tiến trình này, nhưng hiện chưa rõ là quá trình thích ứng của Nga sẽ diễn tra trong những điều kiện như thế nào và Nga sẽ đóng vai trò gì.
Thổ Nhĩ Kỳ thâm hiểmSau khi mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và Châu Âu bị đầu độc trong năm 2015, Nga trở thành một bộ phận của “một thế giới phi Phương Tây” , chính vì thế mà hợp lý hơn cả là nên có một chiến lược hợp tác với các quốc gia “phi Phương Tây” khác.
Nhưng đã không có bước đột phá về chất nào theo hướng này, bởi vì chúng ta đã không học được cách giao tiếp một cách bình đẳng với các nước của thế giới thứ ba cũ. Mối quan hệ (Nga) với Ấn Độ vẫn không vượt quá giới hạn hợp tác quân sự - kỹ thuật, mặc dù có rất nhiều tiềm năng lớn chưa được khai thác.
Sau khi những biện pháp cấm vận Iran được dỡ bỏ, đã có rất nhiều điều kiện thuận lợi để hợp tác với Tehran (trong đó có cả vấn đề Syria), nhưng điều này (hợp tác với Iran) rất có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn khác hiện chưa được nghiên cứu kỹ.
Mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ bị cắt đứt một cách hoàn toàn bất ngờ. Xung đột giữa Putin và Erdogan một lần nữa cho thấy tính chất “quốc vương” trong chính sách đối ngoại của chúng ta - mối quan hệ dựa vào quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo như trong thế kỷ XVIII. Khi “Sa hoàng'' và “Sultan'' bất hoà thì ngay lập tức một quan hệ được xây dựng nhiều thập kỷ giữa Nga với một cường quốc khu vực quan trọng và gần về địa lý bị cắt đứt.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, mệnh lệnh bắn hạ máy bay Nga của Erdogan nhằm làm cho Mátxcơva và Washington đối đầu trực diện với nhau là một hành động khiêu khích nguy hiểm và vô trách nhiệm. Nguyên nhân dẫn đến quyết định trên (bắn hạ máy bay Nga) - do Nga can thiệp vào Syria làm tổn hại lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này – một quốc gia mà Thổ cũng coi là “ láng giềng gần gũi ” như Nga đối với Ukraine.
Syria bốc cháyMátxcơva tham gia vào cuộc chiến ở Syria theo đúng phong cách Mỹ, bằng một chiến tranh không tiếp xúc và đây là một điều mới mẻ đối với Nga. Trong trường hợp này hiển hiện một mâu thuẫn rất rõ ràng bởi vì trước đây, khi Nga còn yếu, Nga luôn lên án chính sách “ngoại giao tên lửa-ném bom” của Mỹ.
Chúng ta (Nga) luôn khẳng định không thể giải quyết các vấn đề chính trị bằng các phương tiện quân sự, nhưng chúng ta (Nga) đã hành động theo đúng cái cách như vậy (giải quyết các vấn đề chính trị bằng các phương tiện quân sự -ND) tại Syria.
Căn cứ vào những gì đang diễn ra có thể rút ra nhận xét là nhiệm vụ chính của các chiến dịch ném bom của Nga (tại Syria) – không chỉ nhằm nâng cao uy tín quốc tế của Nga, mà còn đẩy IS ra khỏi lãnh thổ Syria sang Iraq đang do Mỹ kiểm soát. Ngoài ra, Mátxcơva còn quan ngại là những thành công của các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Syria có thể dẫn tới việc gia tăng mất ổn định ở Trung Á - khu vực sẽ có sự thay đổi các nhân vật lãnh đạo trong thời gian sắp tới.
Nhưng dù sao thì sự can thiệp của Nga vào cuộc nội chiến ở Syria quả thực đã tạo ra một số điều kiện nhất định để thúc đẩy tiến trình giải quyết chính trị tại nước này, mặc dù tồn tại những mối nguy hiểm thực sự đối với Nga – nhiều khả năng chúng ta (Nga) sẽ dần bị sa lầy trong cuộc xung đột ở Trung Cận Đông.
Hành trang và tham vọng của NgaNhững gì đã diễn ra trong năm 2014 cho thấy một thực tế rõ ràng là 2 học thuyết cơ bản trong chính sách đối ngoại của Nga – xích lại gần hơn với Phương Tây (học thuyết chính) và hội nhập Á-Âu hậu Xô Viết (học thuyết dự phòng) – đều bị thất bại.
Hiện nay Nga đang không có chiến lược hành động rõ ràng trong điều kiện bị cô lập, sau khi gây hiềm khích với Phương Tây đã không thể thực sự xích gần lại với Phương Đông. Hiện vẫn đang đứng bên lề các tiến trình chính trị toàn cầu.
Ảnh: mil.ru)
Rất khó để Nga có thể giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với Phương Tây vì những nguồn lực của Nga đã gần cạn kiệt. Đất nước chúng ta (Nga) đã từ lâu và thường tự nguyện làm những việc quá sức mình, và điều đó có thể kéo dài tương đối lâu nhưng không thể kéo dài vĩnh viễn, bởi vì khoảng cách giữa những tham vọng được tuyên bố và tiềm lực thực tế là rất lớn.
Những nước mà chúng ta đã gây mâu thuẫn trong hai năm trở lại đây cũng hiểu rất rõ điều đó và họ hy vọng Mátxcơva cuối cùng cũng sẽ bị suy sụp, sau đó buộc phải chơi theo những luật lệ cũ - những luật lệ mà chính Nga đã phá bỏ tháng 3/2014. Nhưng điều ấy (Nga chơi theo luật lệ cũ) rất khó xảy ra – có những kịch bản khác không hay ho hơn nhiều, cả đối với chúng ta lẫn với các nước láng giềng.
Để điều này (bị suy sụp và phải chơi theo luật cũ hoặc những kịch bản xấu khác –ND) không xảy ra, Nga cần phải tiến hành các cải cách nội bộ quy mô lớn và thay đổi hệ thống chính trị và kinh tế hiện hành.
Những cải cách đó đòi hỏi cần phải thay đổi những thỏa thuận xã hội ngầm và tái cơ cấu bộ phận tinh hoa (giới quan chức) Nga để nó được bổ sung những con người vừa có tâm vừa có tầm, chứ không phải là những người ngoan ngoãn dễ bảo - để những người làm việc trong bộ máy nhà nước coi việc phụng sự quốc gia là một sứ mệnh chứ không phải là nơi để trục lợi.
Nếu Nga không thể tìm cho mình ý chí và sức mạnh để tiến hành tất cả những cải cách hệ thống đó, Nga chỉ còn hai khả năng: hoặc là sự sụp đổ nhanh chóng hoặc mục nát dần dần.