Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Thực trạng nghiên cứu văn hóa VIỆT NAM thời gian qua

VTN

Mạng Văn hóa Nghệ An vừa giới thiệu bài trao đổi với chúng tôi về công tác nghiên cứu hiện nay.
http://vanhoanghean.com.vn/…/nghien-cuu-van-hoa-tu-goc-nhin…
Đối tượng nói tới trong bài đó, là cả hai mảng nghiên cứu văn học và nghiên cứu văn hóa, vì thế không mảng nào thật kỹ.
Chúng tôi dự định tách bài phỏng vấn đó ra làm hai và viết lại mỗi phần,khi nào xong sẽ đưa lên mạng một thể.

Riêng về văn hóa, từ 2-10-2009, trên blog này chúng tôi đã có bài viết mang tên 
Tìm hiểu thực trạng công tác nghiên cứu văn hóa VN hiện thời và một đề xuất cụ thể 
Dưới đây xin giới thiệu lại.

Xã hội Việt Nam đang trong một quá trình phát triển tự phát mà thiếu vai trò hướng dẫn của trí tuệ, của nghiên cứu khoa học.
Quá trình hiện đại hóa đã được khởi động từ đầu thế kỷ XX, nhưng lúc đó đất nước đang còn là một xứ thuộc địa, cộng đồng chưa trải qua một cuộc tự nhận thức thực sự mà mọi dân tộc bước vào thời hiện đại phải trải qua ( so với Trung quốc, chúng ta chưa có một phong trào có tính chất bước ngoặt như cỡ Ngũ tứ vận động 1919). Tiếp sau giai đoạn chiến tranh nặng nề, đến giai đoạn hiện nay, chúng ta chỉ lo đuổi kịp thế giới bằng mọi giá, nhiều vấn đề chiến lược không được đặt ra, đúng hơn chỉ đặt ra chiếu lệ.
 

Thiếu sót đến ngay từ quan niệm 
1/ Trong cuộc vận động tiến tới Cách mạng tháng Tám, một trong những thành viên của mặt trận Việt Minh là Hội văn hóa cứu quốc. Tới 1948, còn có Đại hội văn hóa toàn quốc. Nhưng sau đó, Hội văn hóa bị giải thể thay vào đấy là những hội văn nghệ, hội sử, các hội khoa học kỹ thuật … Từng hội hoạt động rời rẽ riêng biệt. Con người nhà văn hóa trong các trí thức bị đẩy lùi xuống, thay vào đấy là vai trò người chiến sĩ.
Thay cho văn hóa chỉ thấy nhấn mạnh tư tưởng (là phương diện mà người Việt vốn yếu nhất và hầu như là đi vay mượn từ nước ngoài) 
Văn hóa là tất cả cái phần làm nên giá trị của một dân tộc. Nghĩa của văn hóa rất rộng. Văn hóa là cái cách sống cách quan hệ với thiên nhiên, cách làm ăn sinh sống ( văn hóa nông nghiệp, văn hóa cư trú …); là các hoạt động tinh thần ( văn hóa tôn giáo, văn hóa dạy dỗ giáo dục con người ). Lại có văn hóa quyền lực, văn hóa hành chính, văn hóa quan hệ đối ngoại. Có văn hóa ý thức ; có văn hóa thể chế ; có văn hóa vật chất. Văn hóa bao trùm lên cả kinh tế chính trị pháp luật … Nhưng một cách hiểu như thế hiện không thông dụng.

Trong thực tế, cách hiểu về văn hóa ở ta hiện triển khai theo hai hướng: 
Một là đẩy nó lên thành một cái gì trừu tượng, và mọi người kính nhi viễn chi, bằng lòng với những ý niệm chung chung. 
Hai là thu hẹp văn hóa trong các hoạt động tâm linh, chủ yếu là phần sáng tác thơ văn và một ít thành tựu nghệ thuật như sân khấu âm nhạc, các phong tục, các lễ hội. Thực tế là nhiều khi văn hóa bị hạ xuống một thứ “ cờ đèn kèn trống”, nặng về vai trò tô điểm cho một đời sống nặng nề và không thấy triển vọng thay đổi. 

Có thể nói do chúng ta không hiểu văn hóa, mà việc nghiên cứu văn hóa đân tộc bị hạn chế và nhiều mặt để ngỏ . 

2/ Trong khi được hình dung một cách trừu tượng chung chung, đồng thời văn hóa được quan niệm như một cái gì nhất thành bất biến. Lịch sử phát triển của nó không được chú trọng, không cần tìm hiểu. 
Quá trình văn hóa Việt Nam trở thành một cái gì đơn điệu, trở đi trở lại, tẻ nhạt.
Con người ở ta bị tách rời ra thành một cái gì chơi vơi không chằng không rễ, không thấy mình có những mối liên hệ với thời gian và không gian (theo nghĩa rộng của những từ này) . Trong khi luôn miệng nói phải nhớ tới quá khứ, thì chúng ta lại thiêng liêng hóa nó một cách vụng về, làm cho nó –quá khứ-- mất đi ý nghĩ lẽ ra phải có.

Lịch sử dân tộc rút lại chỉ là lịch sử chính trị, quân sự -- lịch sử cứu nước giành lại đất nước – mà không phải lịch sử dựng nước, tức là lịch sử hình thành cá nhân và tổ chức xã hội, lịch sử văn hóa. 
Văn hóa dân tộc rút lại với nhiều người chỉ còn là cái gì mơ hồ, việc nghiên cứu quy về những lời ca tụng chung chung, sáo rỗng, không thuyết phục được ai. Đây cũng là một biểu hiện khác của việc không hiểu thế nào là văn hóa, không thấy sự chi phối của nó với đời sống . 

3/ Một căn bệnh nặng nề khác của hoạt động nghiên cứu văn hóa vài chục năm gần đây, khiến nó dừng lại ở trình độ thô sơ: tính vụ lợi. 
Tính vụ lợi có nghĩa là chỉ xem cái gì có lợi trước mắt thì làm, dù là về lâu dài nó có hại cũng mặc kệ. Nó là con đẻ của tình trạng khó khăn kéo dài, khiến cho người ta chỉ biết tới một tầm nhìn hạn hẹp. Chưa nghiên cứu đã khai thác. Việc vận dụng “ lấy xưa phục vụ hôm nay’’ được làm quá thô thiển. 
Đã có lúc chúng ta đã đặt chân tới cách hiểu đúng nhưng rồi lại từ bỏ. Chúng ta thường xuyên lấy điều mà ta mong muốn thay cho sự thực.

Đây là một đoạn quan trọng trong bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nammà nhà mác – xít Trường Chinh trình bày tại Đại hội văn hóa toàn quốc 1948:
Ông cha ta, hàng chục thế kỷ, học Tàu viết Tàu, nghĩ theo cách Tàu;
pháp luật mô phỏng Tàu;
học triết học Tàu;
theo lễ giáo Tàu, về tín ngưỡng theo cả Tàu và Ấn;
khoa học độc lập không tiến;
nghệ thuật âm nhạc kém phát triển;
lối ăn mặc ở hủ lậu bảo thủ thiếu khoa học.

Nói theo cách nói hiện nay, Trường Chinh đã nhấn rất rõ và rất chính xác trình độ non yếu và chất vay mượn phụ thuộc”second hand” của văn hóa ta.


Nhưng những nhận định như thế, nay bị bỏ qua.
Đoạn trích nói trên là dẫn theo phần Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam in trong Kỷ yếu Đại hội văn hóa toàn quốc 1948, bản in trên rừng, phải dùng giấy bản. 
Trong các lần xuất bản về sau, cái ý tưởng sáng suốt này bị làm nhẹ đi, lảng tránh, coi là ngẫu nhiên không quan trọng. 
Trong các tài liệu chính thức, kể cả trong các nhà trường, chỉ thấy nhấn mạnh điều ngược lại rằng “nước ta có một nền văn hóa phát triển rực rỡ độc lập không kém gì bất cứ nước nào“ và công thức này được nói đi nói lại, không cho phép ai dám sai trệch; nó ràng buộc mà không mở đường cho sự suy nghĩ tiếp. 
Hoạt động nghiên cứu văn hóa lê lết trong một tình trạng trì trệ . 

4/ Trong quá trình phát triển, quan hệ của Việt Nam với thế giới nói chung cụ thể là quan hệ với khu vực có nhiều khía cạnh không bình thường. Khi nói về mình, chúng ta không đặt mình vào sự phát triển của thế giới. Sự hiểu biêt của chúng ta về các dân tộc khác suốt trường kỳ lịch sử quá đơn sơ và bị thành kiến nhiều đời chi phối.

Mối quan hệ văn hóa nước ngoài vốn có một vai trò quan trọng sống còn với mọi quốc gia, nhưng ở ta do tình trạng chống ngoại xâm liên miên, nên vấn đề tiếp nhận bị gán cho nhiều tội lỗi. Trong chiến tranh tình trạng này có cái lý của nó. Song nó cứ thế kéo dài mãi. Cho đến trước hội nhập, xu thế chi phối trên phạm vi vĩ mô là một xu thế tự cô lập và đến nay trong thực tế lúc nào cũng bảo nhau hòa nhập mà không hòa tan. Thực tế là vấn đề hội nhập văn hóa không được xử lý thích đáng.

Trong thực tế, xảy ra tình trạng lưỡng phân. Một mặt, ta cứ học đòi bắt chước, tiếp nhận không thiếu thứ gì. Mặt khác, nhìn chung lại thì vẫn là làm ăn luộm thuộm không đâu vào đâu, cái hay không tiếp nhận mà nhiều khi lại mang về cái dở. 
Điều này là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tới kết quả tai hại là hạn chế luôn việc hình thành nên một cái nhìn chính xác về dân tộc. Dân ta thường cho rằng người ngoài ta không hiểu ta, chỉ ta mới hiểu ta ( thậm chí có người cho rằng không phải người Việt thì không sao hiểu được người Việt văn hóa Việt ) 
Việc thiếu một phương pháp luận đúng đắn, ở đây là thiếu điểm nhìn đúng, khiến cho nghiên cứu văn hóa không đạt tới trình độ khoa học cần thiết. 

5/ Khoảng những năm ba mươi của thế kỷ XX, đã có cuộc thảo luận về Quốc học, nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu. Lý do là vì tự ta cũng thấy văn hóa của chúng ta yếu nhất là phần học thuật .
Từ hồi đặt vấn đề hội nhập, nhân tố văn hóa có được nói tới nhiều. Song nó chỉ được quan niệm như một cái gì khiến chúng ta khác người. Vì mục đích thiển cận nào đó ( chẳng hạn để kêu gọi du lịch ), tính độc đáo bị tô vẽ quá đáng. 
Khi nghiên cứu văn hóa mang nặng tính cách vụ lợi, nó đã phát triển theo những phương hướng cổ lỗ và sai lệch như vậy. 
Nhiều người nước ngoài cũng biết điều đó. Tại Hội thảo quốc tế về Việt nam học lần II (2004), Oscar Salemink, bộ môn Nhân học Xã hội, ĐH Tự do Amsterdam (Hà Lan) cũng phải kêu lên đại ý : Nhiều người Việt Nam luôn luôn nói văn hoá Việt Nam khác với văn hoá các nước khác. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ, so sánh với văn hoá các nước khác thì có rất nhiều biểu hiện giống nhau. Trước những nhận xét như thế thông thường là ta lảng tránh.
Sự hạn chế trong tiếp cận và so sánh, đã không giúp ta hiểu ta tốt hơn.

Những khó khăn đã đến với người nghiên cứu
văn hóa Việt Nam ở trong nước hiện nay
 
Theo chúng tôi, khó khăn lớn nhất của việc nghiên cứu về VN hôm nay là chúng ta xuất phát từ một quan niệm thiển cận về văn hóa như trên vừa trình bày. Những lý luận mới mẻ và đầy sức thuyết phục về văn hóa, từ lâu đã hình thành ở các nước phương Tây, nay được giới thiệu kỹ càng rộng rãi ở Nga và Trung Hoa lục địa, thì ở xứ ta vẫn còn xa lạ.
Với sự thiển cận kéo quá dài, các khó khăn càng chồng chất. 

Một đặc điểm cũa xã hội VN là cái gì cũng có, nhưng cái gì cũng không đạt chuẩn mực. Chúng ta không có thành thị tuy qúa trình đô thị hóa đang diễn ra ồ ạt, bừa bãi. Chúng ta không có các trường đại học theo đúng chuẩn mực quốc tế -- và không biết bao giờ có nổi, trong khi đại học đang được mở ra đại trà. 
Hoạt động nghiên cứu văn hóa cũng vậy. 
Trong khi văn hóa Việt Nam rất được đề cao, thì các thiết chế nghiên cứu lại chưa hình thành . 
Về mặt phương pháp, văn hóa dân tộc chưa được nghiên cứu như một thực thể thống nhất mà bị chia nhỏ cắt khúc ra thành nhiều mảng rời rạc. 
Nếu biết rằng đây cũng là tình trạng thấy ở khoa học xã hội Nga thời xô viết và ở Trung Hoa đại lục từ 1976 trở về trước, thì người ta có thể yên tâm rằng tình hình không thể khác được. 

Chính những người phương Tây – xin được nói thẳng như vậy -- lại đi đầu trong việc nghiên cứu VN như một toàn bộ. Thuật ngữ Việt Nam học được du nhập từ nước ngoài vào. Cho tới những năm tám nươi của thế kỷ XX, thuật ngữ này vẫn không được công nhận. 
Gần đây tình hình thay đổi, giới khoa học xã hội trong nước muốn làm nhưng lại không có người biết nghiên cứu.
“Các nhà Việt Nam học “ nội địa thường chỉ được hiểu là các nhà nghiên cứu từng ngành riêng rẽ được gộp lại theo phép cộng đơn giản.

Đã có các cuộc Hội thảo quốc tế về VN học (1998 và 2004 11-2008), nhưng từ đây, lại thấy nổi bật lên một hiện trạng đáng xấu hổ: 
Trong hoạt động nghiên cứu cụ thể, các nhà khoa học nước ngoài làm tốt hơn người trong nước. Sự hơn này là ở mọi mặt. Họ cần cù. Họ có công cụ tốt. Nhiều người Nhật người Mỹ nghiên cứu Việt Nam đọc được cả các văn bản bằng chữ Hán cổ (là điều càng ngày càng ít nhà nghiên cứu VN làm nổi) . 
Họ làm công tác nghiên cứu với tinh thần khoa học thực sự chứ không biến đây thành công tác tư tưởng. Họ không bị ràng buộc bởi những cấm kỵ.

Trong lúc chúng ta quen nói về tình trạng thống nhất thì họ nói về những vùng văn hóa khác nhau tồn tại lặng lẽ trong lịch sử. 
Trong lúc chúng ta chỉ thích nhấn mạnh sự độc lập với Trung Hoa cổ thì họ vạch rõ chúng ta đã học đòi và dễ dãi với mọi sự bắt chước xoàng xĩnh. 
Với một thứ chữ nôm mà chúng ta tự hào, có nhà khoa học Nhật đã gọi là một thứ bánh vẽ, việc sử dụng có nhiều bất tiện. 

Điều đáng tiếc là những công trình nghiên cứu này không được giới thiệu đầy đủ vào Việt Nam. Trong những trường hợp may mắn đươc giới thiệu thì theo lối cắt xén và tìm mọi cách hạn chế tầm tác dụng. Thường chúng bị giam lại trong những cuốn sách in với số lượng hạn chế mà không có được khả năng thâm nhập mạnh mẽ vào xã hội để thúc đẩy một sự đồng cảm và đi tiếp . 

Một việc có thể làm ngay 

Đời sống tinh thần của xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp mà người ta chỉ có thể hiểu được và gỡ rối được nếu trở lại với cả quá khứ của dân tộc. Nói như B. Russel “ Đọc sử để biết những ngu xuẩn của quá khứ, nhờ thế người ta có thể chịu đựng tốt hơn những ngu xuẩn của hiện tại “ ( sử học nói ở đây hàm nghĩa là việc nghiên cứu văn hóa nói chung). 
Gần đây đã có bạn trẻ thắc mắc vì sao sinh viên nước ngoài đến VN thì được học những khóa trình về văn hóa VN, mà sinh viên VN thì không. 
Nhưng chúng ta vẫn chưa sẵn sàng cho việc này. Tự nhận thức chưa trở thành một nhu cầu của xã hội. Người biết nghiên cứu và có khả năng nghiên cứu không có. Trình độ của ngành khoa học xã hội trong nước quá thấp và không dễ gì thay đổi. 
Thậm chí không ai dám tin là sắp tới có một cơ chế nghiên cứu thích hợp tương xứng phần nào với đòi hỏi của tình hình. 
Đã có lúc chúng tôi đi tới ý nghĩ là phải “ quốc tế hóa “ công việc tức là dựa chủ yếu vào thành tựu của giới nghiên cứu nước ngoài. Song lại cũng biết ngay là điều này đi ngược với thói quen suy nghĩ của người đương thời và chắc chắn là chưa thể làm được trong thời gian tới. 

Trước mắt chỉ xin có một đề nghị cụ thể, là cần lập ra những trung tâm thông tin tư liệu về Việt Nam học( tối thiểu là một, càng có nhiều càng tốt).
Các trung tâm này có nhiệm vụ thu thập tất cả những gì người trong nước và nước ngoài đã viết về con người và xã hội Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
Có một phần là nguồn từ sách báo người Việt viết ở Sài Gòn trước 1975 và các trí thức đang sống ở hải ngoại.
Phần khác bao gồm từ thư tịch cổ của người Trung Hoa, sổ tay nhật ký của các nhà buôn các giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam các thế kỷ trước, sách báo viết về Đông dương của người Pháp (kể cả các viên chức hành chính cấp cao, những “ thực dân cáo già “ như chúng ta vẫn nói) cho tới các công trình nghiên cứu đang hàng ngày hàng giờ xuất hiện trong các trường đại học ở Mỹ và Nhật, Úc và Hà Lan.

Thu thập các tài liệu đã có cập nhật hóa nó bằng cách đưa lên mạng … việc này đòi hỏi nhiều công phu, nhưng vẫn là dễ làm nhất và nên được xem là cú hích mở đầu cho một quá trình tự nhận thức mà nếu không tiến tới một cao trào thì xã hội Việt Nam không bao giờ tạo ra được một bước ngoặt trong sự phát triển.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: