HÒA GIẢI NHỮNG BẤT ĐỒNG (2)
Paul Nguyễn Hoàng Đức
Paul Nguyễn Hoàng Đức
Từ hình ảnh năm ngón tay trên một bàn tay, đến vườn hoa, hay giàn nhạc, cho chúng ta thấy, xã hội chỉ thực sự tồn tại đa dạng và hữu hiệu khi có những thành phần khác biệt cùng chung sống. Điều này đã được các triết gia Socrate và Aristote thảo luận từ thời cổ đại. Vũ trụ làm sao có nếu không bao gồm những chim trời, cá nước, con công biết múa, con sáo biết hót, con dơi bay bằng tai, con ngựa biết phi , con kiến biết bò, con rắn biết trườn…? Vậy thì sự khác nhau là cái mặc định và tiên quyết để làm nên vũ trụ cũng như xã hội. Nếu không có con nai ăn cỏ, thì làm sao con hổ có được thức ăn? Nếu cơ thể người ta chỗ nào cũng đòi làm mắt để thành cửa sổ của tâm hồn, chỗ nào cũng đòi làm đôi môi như một bến đò đang phơi mình chờ đợi cơ hội của những nụ hôn, thì còn chỗ nào để làm các việc đi lại, tiêu hóa? Điều hiển nhiên đó, tiếc thay lại không trở thành giá trị tất yếu, trái lại, trên thế giới đã từng có những tuyên ngôn thật cực đoan như thể “kẻ nào không giống ta (theo ta) là kẻ thù của ta”. Tất nhiên, những con người chủ trương sống như vậy luôn muốn co giảm ý nghĩa đa dạng của đời sống, luôn muốn biến xã hội muôn mầu trở thành một mầu sơ cứng nào đó. Và khi đó xã hội thay vì đa sắc vận động đã trở thành một sưu tập sống hàng loạt của máy móc.
Một chiếc huân chương, nhưng mà nó luôn luôn có hai mặt, trái và phải. Một dòng sông tuy rằng hiệp nhất trong hành trình chảy ra biển, vậy mà nó luôn có một bên lở và một bên bồi. Nhưng hai bờ đó không bao giờ ngăn cản con sông chảy ra biển. Vậy thì bên bờ tả không thể nói với bên bờ hữu rằng: ngươi khác ta, tại sao ta bồi còn ngươi cứ lở, vậy ngươi là kẻ thù của ta. Đó cũng là bài học rất căn bản của chân lý. Giống người phương Tây nói: “Chân lý bên này dãy Pyrene, nhưng không phải là ở bên kia”. Bên kia sông gọi bên này là bên ấy, bên này lại gọi bên kia là bên ấy, bên này bên ấy, bên ấy bên này, liệu có thể cãi nhau xem bên nào dùng từ đúng hơn sao? Tuy tấm huân chương có hai mặt trái và phải, nhưng không thể nói, ngươi khác ta nên ngươi không phải là ta, bởi vì mặt trái chính là âm bản để tạo nên mặt phải.
Có một câu chuyện kinh điển rằng: Có hai kỵ sĩ kia gặp nhau trong rừng, ở hai hướng đối diện. Họ cùng nhìn thấy một chiếc phù huy treo trên cây. Kỵ sĩ áo đen thì nói tấm phù huy bằng bạc! Còn hiệp sĩ áo trắng thì bảo tấm phù huy bằng vàng! Hai người cãi nhau, không ai chịu ai, rồi lăn xả vào đánh nhau cho đến khi, hiệp sĩ áo đen ngã sang phía của hiệp sĩ áo trắng và ngược lại. Bỗng hiệp sĩ áo đen bên phía phù huy bạc phát hiện, bên này là mặt vàng. Còn hiệp sĩ áo trắng thì phát hiện , bên này là mặt bạc. Câu chuyện cho thấy cả hai đều đã đúng từ phía nhìn của mình. Chỉ có điều người ta đã không chịu khó đi thêm vài bước sang phía bên kia để điều tra thực hư mà đã lăn xả vào đánh nhau. Thực nông nổi và cố chấp!!!
(còn nữa)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét