Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

ALBERT CAMUS, TƯ TƯỞNG PHI LÝ VÀ VĂN CHƯƠNG VƯỢT LÊN PHI LÝ




Bài viết này cố gắng trình bày hai vấn đề:
- Dựng lại khuôn mặt Albert Camus trong sinh hoạt văn chương miền Nam trước năm 1975 qua các công trình dịch thuật, xuất bản và nghiên cứu các tác phẩm của ông.
- Đi sâu tìm hiểu ông như một nhà tư tưởng, và một nhà văn thông qua hai tác phẩm quan trọng: Kẻ xa lạ và Huyền thoại Sisyphe.

I.
Một gương mặt lớn
Albert Camus (7/11/1913 – 4/1/1960) là tiểu thuyết gia, kịch tác gia, tiểu luận gia, nhà tư tưởng, nhà báo Pháp, sinh ra ở Mondovi, Algérie, trong một gia đình nghèo. Cha là người Pháp, mẹ là người Tây Ban Nha. Sau khi cha mất năm ông một tuổi, Camus được bà ngoại và người mẹ mù chữ nuôi dạy trong cảnh nghèo khó. Trong nhà không có một cuốn sách hay tờ báo nào. Sau này lớn lên, Camus giải thích sự lặng lẽ của mẹ anh là dấu hiệu của phẩm cách và danh dự. Camus học trung học rồi đại học ở Algérie nơi ông khởi sự như một nhà báo và làm kịch nghệ. Ông học triết và văn chương, làm báo và chơi thể thao, và có vẻ như ông sống một cuộc đời tích cực, hạnh phúc.
Năm 1934, ông cưới Simone Hie, một người phụ nữ nghiện moocphin, nhưng hôn nhân của hai người kết thúc sớm vì Simone không chung thủy.
Trong thời gian chiến tranh ông dùng ngòi bút ủng hộ phong trào kháng chiến và làm chủ bút tờ báo bí mật Le Combat (Tranh đấu) của Pháp. Sau chiến tranh, cũng như Sartre, ông vẫn tích cực hoạt động chính trị. Nhưng rồi tình bạn giữa Albert Camus và Jean-Paul Sartre đổ vỡ hoàn toàn khi Camus xuất bản cuốn L’homme révolté (Con người phản kháng) (1951), trong đó ông công kích chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Stalin mà lúc bấy giờ Sartre còn đang ủng hộ.
Ông chết trong một tai nạn xe hơi, ba năm sau khi nhận được giải thưởng Nobel văn học, có lẽ là người trẻ nhất đoạt giải thưởng này cho đến hôm nay.
Phong cách văn chương của Camus, cũng như Gustave Flaubert, là phong cách cổ điển Hy-La. Trong hầu hết tiểu thuyết của ông, ông viết như thể ông cân nhắc hiệu quả từng chữ. Và ông là một trong những nhà văn kêu gọi người đọc tham dự vào hành vi sáng tạo.
Tại miền Nam, trong gần 20 năm (từ 1954 – 1974) du nhập tư tưởng văn hóa văn nghệ của thế giới, Albert Camus là một trong những khuôn mặt trí thức văn chương mà gia tài tinh thần được tiếp nhận gần như trọn vẹn, một phần vì danh tiếng và sự thu hút của nhà văn sau khi ông lĩnh giải Nobel văn chương năm 1957, phần vì cuộc sống ngắn ngủi và do đó sự nghiệp của ông sớm được tổng kết, và quan trọng hơn cả, vì cách nào đó hành trình trí thức của ông tiệm cận với sự thao thức của xã hội miền Nam lúc bấy giờ. Nhờ gần như toàn bộ tác phẩm chính của Albert Camus đều được dịch và xuất bản tại miền Nam trước năm 1975, gồm: tiểu thuyết, kịch, khảo luận triết học, tùy bút, Albert Camus đã hiện diện ở đây như một nhà tư tưởng với những luận thuyết riêng của mình, một nhà văn có phong cách độc đáo và một con người hành động say mê đến phút cuối cuộc đời.
Năm 1914 cha của Camus nhập ngũ chiến đấu cho nước Pháp trong Thế chiến thứ Nhất và chết ngay trong trận đánh đầu tiên. Dĩ nhiên Camus không có mảy may ký ức trực tiếp nào về cha mình, nhưng mẹ ông có lần kể cha ông từng tham dự một cuộc hành quyết nơi công cộng. Khi về đến nhà, ông ngã vật ra giường, bật khóc. Ông không bao giờ nói với ai vì sao ông bị sốc khi chứng kiến cảnh tượng hành quyết đó, nhưng câu chuyện vẫn cứ ám ảnh Camus và nó xuất hiện trong Chương 5 phần II cuốn tiểu thuyết L’Etranger (Kẻ xa lạ), như một ký ức của Meursault khi y chờ đợi mình bị hành quyết.
Năm mười bảy tuổi, Albert Camus mắc bệnh lao. (Dù rất hiếm gặp ở thời nay, bệnh lao rất phổ biến ở thế kỷ 20.) Cho đến lúc đó niềm vui của Albert Camus là lang thang trên những đường phố của khu người nghèo ở quận Algiers (thủ đô Algérie, một thuộc địa của Pháp) nơi ông sống với mẹ, bơi ở những bãi biển bên ngoài thành phố, và làm thủ môn một đội bóng đá. Căn bệnh nghiêm trọng khiến ông phải nằm liệt giường một thời gian dài, và ông phải ở lại lớp một năm ở trường trung học. Trên hết, sự trải nghiệm bệnh tật đã làm sâu sắc thêm ý thức của ông về cái chết, và về khả năng cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Sự tất yếu của cái chết trở thành mối quan tâm chính của Camus và thấm đẫm trong những sáng tác về sau của ông.
Tương phản với hình ảnh về cái chết là nắng ấm mặt trời, niềm vui thích bơi lội, và những buổi chiều Địa Trung Hải mát mẻ, và đó là những lý do tích cực để Camus sống và viết. Camus viết một cách hào hứng trong lời tựa cuốn L’Envers et L’Endroit (Bề trái và bề mặt, Trần Thiện Đạo dịch): “Ở châu Phi, biển cả và mặt trời là của thiên nhiên ban tặng, không phải mất tiền.”
Cùng với việc Phát-xít Đức chiếm đóng nước Pháp, nơi ông đến sinh sống, làm báo và viết văn, biến cố bệnh tật nói trên có ý nghĩa sâu sắc đối với sự khai triển ý niệm phi lý của ông. Đột ngột ông thấy mình bị ném vào một thế giới mà chỉ có cái chết là chắc chắn và rõ ràng. Hiện hữu chỉ là ngẫu nhiên, và những gì người ta khám phá trong khảo luận và tiểu thuyết của ông là khát vọng nâng đỡ con người chống lại mối đe dọa ngấm ngầm trong sự nhìn nhận cuộc hiện hữu chỉ là ngẫu nhiên đó. Tiểu thuyết Kẻ xa lạ  La Peste (Dịch hạch) (1947) thể hiện rõ cái nhìn này của Camus.
Camus được coi là pied-noir, chân đen, một từ chỉ người Pháp hoặc người châu Âu sinh ra ở Algérie (Algérie chịu sự cai trị của Pháp từ năm 1830). Vào tiền bán thế kỷ hai mươi, dân số Algérie tăng nhanh đáng kể, và suy thoái kinh tế toàn cầu những năm 1930 đã dẫn đến nạn đói cho thế giới Ả rập. Ở thời điểm Camus miệt mài viết Kẻ xa lạ, những người Ả rập ở Algérie đang tìm cách xây dựng bản sắc chính trị-xã hội của mình trong một đất nước mà họ bị coi là những công dân hạng hai. Sự có mặt của quá nhiều người Ả rập và châu Âu, sống sát cánh bên nhau, tạo ra bầu không khí căng thẳng khắp quốc gia này. Trong Kẻ xa lạ, sự bùng nổ bạo lực của Meursault là nhằm vào một người Ả rập, và những diễn biến sau đó trên bãi biển dẫn đến án mạng là dựa trên bối cảnh sự thù nghịch giữa người Ả Rập và người châu Âu lúc bấy giờ.
Càng biết về cuộc đời ông, chúng ta sẽ càng hiểu rõ nhân vật Meursault trong Kẻ xa lạ, tác phẩm quan trọng nhất của ông.

II.
Tư tưởng phi lý và hành động vượt lên phi lý
“Là nhà văn hơn là triết gia”, đó là nhận xét của giáo sư hướng dẫn ghi trên luận án thạc sĩ của Albert Camus. Bản thân Camus cũng nói rõ: “Tôi không phải triết gia, thật thế, tôi chỉ có thể nói đến những điều tôi đã từng trải, kinh nghiệm thực sự.” (Actuelles II). Như thế không hàm ý rằng Camus thiếu tư tưởng hay nói rằng tư duy của ông không thể được xem là một triết học riêng biệt. Đơn giản chỉ để nói rằng, ông không phải là một triết gia có hệ thống, và ông tỏ ra ít quan tâm đến siêu hình học và bản thể luận (đây hình như là một trong những lý do mà trước sau ông vẫn từ chối không nhận mình là nhà hiện sinh). Tư tưởng của ông, thay vì vậy, gần như luôn gắn với những biến cố đang xảy ra (ví dụ, nội chiến Tây Ban Nha, cuộc nổi dậy ở Algérie) và một cách nhất quán, nó được đặt trên cơ sở đạo đức và chính trị thực tế.
Trong tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, kịch, Camus luôn dành chỗ ưu tiên cho tư tưởng. Dịch giả-nhà phê bình Trần Thiện Đạo nhận định: “[…phần lớn sự nghiệp văn nghệ Albert Camus đều bị chi phối bởi ý hướng tiên định trình bày tư tưởng triết lý. Nói cách khác, ở bất luận tác phẩm nào, tùy bút, truyện kể, luận thuyết hay kịch, ý hướng sáng tác loại văn phẩm có luận đề cũng chừng như là động cơ nguyên khởi thúc đẩy ông bước chân vào con đường cầm bút. Chính vì vậy mà chúng ta nhận thấy ông luôn dành chỗ ưu tiên cho tư tưởng, để rồi theo dõi nó cho đến tận cùng, ngõ hầu vạch ra cho bằng được mọi hậu quả liên hệ với tư tưởng đó.”[1]
Và thật ra, Albert Camus luôn quan tâm đến những câu hỏi tương tự như các triết gia. Giống như Voltaire, Albert Camus cho rằng lý trí sẽ không bao giờ đi đến cuối đường trong lãnh địa siêu hình học hay những vấn đề của cái ác và số phận con người, nhưng cả hai ông đều không viện đến cái vô thể và cái siêu việt để giải quyết vấn đề tri thức đó, trái ngược với Pascal, Rousseau, Kierkegaard, Jaspers và nhiều người khác. Các triết gia này đã thực hiện một bước nhảy vọt về niềm tin. Hoặc nói như Saint Augustine: “Niềm tin là tin những gì ta không nhìn thấy; phần thưởng của niềm tin đó là thấy được những gì ta tin.” (Xem Brainy Quotes ) Voltaire và Camus không như vậy. Đối với ông, hoặc là lý trí, dựa trên kinh nghiệm nhân sinh, trả lời được những câu đố của số phận con người, hoặc là không có gì cả. Và Camus đã nói rõ: “La raison est vaine et il n’y a rien au-de là de la raison.” (Xem Le Mythe de Sisyphe , p. 38) – Lý trí là vô ích và không có cái gì ở bên ngoài lý trí cả. Với Camus, lý tính chỉ có giá trị hiệu lực khi nó được kết nối với kinh nghiệm con người.
Trước tình thế siêu hình nghịch lý này, Camus đã đề ra lý thuyết về sự phi lý trong khảo luận Le Mythe de Sisyphe (Huyền thoại Sisyphe) và được tiểu thuyết hóa trong Kẻ xa lạ.
Camus định nghĩa phi lý là vực thẳm không thể vượt qua nằm giữa con người và thế giới, giữa những khát vọng của con người và sự dửng dưng của thế giới. Phi lý không ở nơi con người cũng không ở trong sự vật, mà ở trong sự vắng bóng hoàn toàn một tương quan tốt đẹp giữa hai phía ngoại trừ sự xa lạ.
Con người không thể cảm thấy tự nhiên như ở nhà mình bởi vì nó khao khát trật tự, sự sáng tỏ, ý nghĩa và cuộc sống đời đời, trong khi thế giới là hỗn loạn, tối tăm, dửng dưng và chỉ đem tới khổ đau và chết chóc. Albert Camus nói: “Cái phi lý sinh ra từ sự mâu thuẫn của nhu cầu con người và sự im lặng khôn dò của thế giới” (Ibid). Nhưng sự chính trực và phẩm giá đòi hỏi con người phải đối mặt và chấp nhận thân phận con người như vốn có và tìm những giải pháp thuần túy nhân văn cho tình cảnh của mình. Con người phi lý là kẻ mà sự thờ ơ của hắn sánh với sự thờ ơ của vũ trụ; là kẻ có bản năng hiểu được cái vô lý ở sâu xa vạn vật; kẻ nhìn thấy, mà không có cảm giác đau đớn hay mất mát, không có liên hệ “máu thịt” gì giữa hắn ta và trần gian mà hắn cư ngụ.
Ý niệm phi lý và sự cô đơn của con người trong thế giới xa lạ này không chỉ được trình bày trong các tác phẩm lớn, mà hiện diện ở hầu khắp hành trình sáng tạo của Camus. Trong truyện La Femme adultère (Người đàn bà ngoại tình), một truyện ngắn nằm trong tập L’Exil et le royaume (Lưu đày và quê nhà) (1957), ông sáng tạo ra khoảnh khắc khủng hoảng và tự khám phá của con người bị tước hết những ảo tưởng an toàn, và khi đó nhân vật bị bỏ mặc đối diện với chính bản thân mình.
Điều may mắn cho Albert Camus và cho tất cả chúng ta là ông không đầu hàng những hoàn cảnh phi lý đang như bóng đêm không ngừng bò tới vây quanh con người. Mối quan tâm hàng đầu của Albert Camus là câu hỏi làm thế nào có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc đời trong một vũ trụ “phi lý”, nơi mà con người ý thức được rằng cuộc sống không có ý nghĩa và giá trị khách quan. (Cũng cần nói thêm rằng, chính khái niệm phi lý là nền tảng để Camus phân tích về bản chất của sự nổi loạn chính trị, vì ông cho rằng nổi loạn chính trị là một trong những chiều kích bản chất của con người. Nhưng đó là một đề tài khác, cần được bàn ở một chỗ khác.) Và Camus trả lời ngắn gọn cho chính ông, như một niềm xác tín: “Chỉ có một điều đáng nỗ lực, đó là một đường lối giản dị, trung bình, thẳng thắn, trung thực, không ảo tưởng.”
Có lẽ tìm thấy cảm hứng nơi viễn tượng đạo đức luận hành động của Albert Camus mà dịch giả - nhà nghiên cứu Vũ Đình Lưu đã viết nên một tiểu luận công phu nhan đề “Nền tảng đạo đức luận của Sartre và Camus”[2] đăng trên Tạp chí Văn, tháng 1 năm 1965, số tưởng niệm Albert Camus.
Sau khi trình bày thảm kịch trí tuệ và thảm kịch nội tâm ở châu Âu sau hai cuộc Thế chiến, Vũ Đình Lưu đưa lên sân khấu và rọi sáng tập trung vào hai nhân vật chính là hai khuôn mặt văn nghệ lớn: Jean-Paul Sartre và Albert Camus, để đối chiếu. Giới thiệu Albert Camus, tác giả phân tích “trực giác đạo đức” của ông, cho rằng “tư tưởng đạo đức của Albert Camus hướng về sự thể hiện những yếu tố có sinh lực rút từ kinh nghiệm cuộc sống của mình; đó là kết quả của một kinh nghiệm sống sáng suốt, trong đó tác giả vận dụng trực giác để thông suốt và đem trình bày một cách “mộc mạc”, không muốn đóng khung vào một hệ thống, e rằng, biện chứng pháp đem phục vụ một tham vọng hệ thống hóa sẽ làm mất sinh khí của sự thật. Trong các tác phẩm của Camus, cuộc đối thoại xoáy vào một vài chủ điểm: công bình, hạnh phúc, phi lý, chống đối v.v… mà ông dùng làm chủ đề suy tưởng.”
Theo Vũ Đình Lưu, Camus không làm triết lý như Sartre, tức là không phân tích các hành vi đạo đức, tâm lý như xấu hổ, sợ sệt, khắc khoải rồi cố gắng đặt những liên hệ với một cái nhìn toàn diện về con người. Camus đứng ở ngoài quan niệm hệ thống và triết lý, ông chỉ bám vào một vài nét rời rạc tượng trưng cho sự thật và dùng cái nhận xét tinh tường để thể hiện nó qua những hình ảnh cuộc đời. Khác Sartre, Camus cho rằng “đợi hoàn thành lịch sử mới xét định giá trị của hành động tức là hy sinh con người cho lịch sử”. Và cũng không bán bản ngã mình cho một thứ tự do có tính chất bản thể luận trừu tượng. Mà bản ngã của Camus thì đầy ắp mặt trời và biển và mùi hương của miền Địa Trung Hải.
Tác phẩm của Camus không muốn nói cái gì khác ngoài việc lý giải rằng phạm trù hành động phải chứa đựng những khái niệm yêu đời, hạnh phúc, cởi mở, tham dự. Theo ông, sống là dốc cạn, là sống hết mình, tận hưởng mọi niềm vui, nỗi đau trên trần thế.
Trong chiều hướng này, nhà phê bình – dịch giả Trần Thiện Đạo viết: “Càng đi sâu vào tác phẩm của Albert Camus, càng tìm hiểu thân thế của ông, người ta càng cảm thấy rõ ràng rằng sự nghiệp văn chương và hành động ngoài đời của ông lúc nào cũng giữ được tính cách mực thước của con người đã từng hiểu được rằng đau khổ và cái đẹp, ánh sáng và bóng tối, hay chối từ và chấp nhận chỉ là bề trái và bề mặt của cuộc đời duy nhất mà thôi.”[3] Trần Thiện Đạo còn cho rằng thái độ của Albert Camus trước cuộc đời đã dung hòa hai thái độ xuất – xử nơi Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Công Trứ của Việt Nam.[4]
Tóm lại, trước tiên Camus cho rằng cuộc đời không có ý nghĩa gì, rồi ông mới chọn sự sống, chọn hành động.
Nhà phê bình R.M. Albérès, trong tiểu luận “Albert Camus, người đánh cuộc với đời” (Vũ Đình Lưu dịch, tạp chí Văn, 1/1/1965), đã viết những dòng đẹp nhất để nói lên điều đó:
“Từ năm 1942 đến 1944 Camus đã nổi danh là nhà văn của sự phi lý, nhưng những bản văn sôi nổi và thúc giục đều ngát tình yêu trời, biển và người. Bốn nhân vật bị giam hãm trong tội phạm và số mệnh (Ngộ nhận); một tiểu viên chức không biết làm sao lại giao du với một đứa vô lại, cầm súng bắn chết một người rồi bị xử tử (Kẻ xa lạ); một thiên suy tưởng triết lý khởi điểm từ sự tự vẫn (Huyền thoại Sisyphe).
 
Ông là con người khắc kỷ, nhưng không buồn rầu, không dạy đời, một mẫu người khắc kỷ hiếm hoi, trẻ trung, đa cảm, đa tình, rộng lượng… Nhưng khi người ta quyết định sống vì tình yêu và can đảm, khi biết rõ giới hạn, khó khăn và bất công của đời sống con người, thì màu sắc cuộc đời và hơi ấm lòng người lại xuất hiện, lại bừng lên… Camus rất dễ xúc cảm trước vẻ đẹp tàn nhẫn mà dịu hiền của sự vật:
 
“Hương đêm, mùi đất, mùi muối làm dịu mát thái dương tôi… Dưới trời đêm vằng vặc, lòng trống rỗng không còn hy vọng gì, lần thứ nhất tôi mở lòng ra đón sự dửng dưng êm dịu trước cuộc đời. Cảm thấy nó giống tôi đến thế, thân thiết với tôi đến thế, tôi nhận thấy tôi đã sung sướng và bây giờ còn sung sướng.”
 
Với Camus, hạnh phúc là yêu đời mà đừng đợi gì ở cuộc đời cả. Nhân vật trong vở kịch Les Justes (Những người trung thực) các y sĩ anh hùng một cách giản dị trong Dịch hạch, tuy họ tin rằng đời bất công, nhưng trong lúc thất vọng, họ cũng đối lại bằng tấm lòng nhiệt thành tiêu biểu cho tinh thần thân hữu giữa người với người, giữa người với số phận hẩm hiu của con người… Một nhân vật trong Dịch hạch nói: “Nếu có một điều mà bao giờ người ta cũng mong muốn, và có khi được thỏa mãn, thì đó là tình thương yêu nhân loại.”
Và Albérès kết luận, như gắn một tấm huân chương lên ngực nhà văn: “Lời văn của Camus làm tăng giá trị con người của chúng ta.”

Nhà văn của lương tri nhân loại
Giản dị và cô đọng, như thể cấp cho chúng ta chiếc chìa khóa đi vào thế giới văn chương của Albert Camus, tuyên bố của Viện Hàn Lâm Thụy Điển, nhân trao tặng giải văn chương Nobel cho Albert Camus ngày 17 tháng 10 năm 1957 nêu rõ: “Tác phẩm của Albert Camus đã đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt để trước lương tri nhân loại ngày nay” (L’Oeuvre d’Albert Camus met en lumière les problèmes se posant de nos jours à la conscience des hommes).
Chắc chắn một số vấn đề mà Camus muốn đưa ra ánh sáng đó đã hiện diện ở miền Nam Việt Nam hai thập niên 1950 và 1960. Chẳng hạn, tâm trạng chung của thanh niên miền Nam lúc bấy giờ là thấy mình bị ném vào một chiến tranh vô nghĩa, không rõ nguyên nhân. Họ không thấy có lối thoát nào cho chính mình và cho đất nước. Trong đầu của đa số họ là ý thức khốn khổ thấy mình cô đơn trong một thế giới phi lý. Cái chết lúc nào cũng như lưỡi gươm Damoclès lơ lửng treo trên đầu họ. Và mặc dù tự tử chưa phải là “chọn lựa” phổ biến để giải quyết vấn đề, thì tôn giáo, đúng như Camus nhận định, đã trở thành giải pháp cho số đông dân chúng miền Nam khi họ tìm thấy ở đó ý nghĩa và nguồn an ủi.
Albert Camus là một người con độc đáo của châu Âu thế kỷ 20 đến mức gần như không thể tưởng tượng được các tác phẩm của ông được viết ra ở bất cứ thời kỳ nào khác trong lịch sử. Không chỉ vì Camus cho rằng chức năng của nhà văn là làm theo lương tri của con người và tự mình nói lên điều đó trong mỗi tác phẩm của ông. Bản thân ông và sáng tác của ông dường như là một phần của thời đại ông sống. Ông là một phần của di sản trí thức và tinh thần của châu Âu. Trong bài viết tưởng niệm Albert Camus, Jean-Paul Sartre khẳng định: “Tư tưởng ông chính là cuộc tìm kiếm cá nhân của nền văn hóa chúng ta. Camus vẫn sẽ không bao giờ thôi là một trong những lực lượng chủ yếu của môi trường văn hóa của chúng ta, và theo thể cách riêng biệt của mình, tiêu biểu cho lịch sử nước Pháp và thế kỷ này.”[5]
Ở Việt Nam, nhà thơ – dịch giả trứ danh Bùi Giáng đã vẽ chân dung văn học của Albert Camus bằng những nét đại khái theo ngôn ngữ của riêng ông như sau:
“Một người bản chất rất gần Lão Trang, mà phải làm văn nghệ, viết văn gần theo điệu Nietzsche để nêu lên một vấn đề tư tưởng với xã hội châu Âu…Văn Camus chứa chất nhiều dư vang u ẩn. Mỗi lời, mỗi câu, là mỗi tiếng kêu của thế kỷ bị tử thương. Và cơ sở của hồi sinh chỉ có thể tìm thấy được, là sau khi siêu hình học và hư vô chủ nghĩa đã đi hết chu kỳ lăn lóc đá chán chê.”[6]
Nói cách khác, những cuốn sách của Albert Camus bắc một chiếc cầu nối văn học và hiện thực, xử lý những mối bận tâm của chúng ta về ý nghĩa cuộc đời trong một thế giới đầy xao xuyến.
Hãy thử nhìn lại một lần nữa hai tác phẩm tiêu biểu của ông: tiểu thuyết Kẻ xa lạ và khảo luận Huyền thoại Sisyphe.
*Kẻ xa lạ:
Nghĩa vụ của con người là đạt đến tự do, và con người không thể thoái thác nghĩa vụ này ngay cả khi nó chấp nhận sống tạm bợ như kẻ lưu đày trên trần gian này. Đó chính xác là tình trạng mà Camus muốn trình bày trong tiểu thuyết đầu tiên và nổi tiếng nhất của ông: Kẻ xa lạ (1942), trong đó nhân vật chính Meursault tự kể chuyện mình, và qua đó nhận thức tình cảnh phi lý của mình.
Aujourd’hui, maman est morte. Ou peut-être hier, je ne sais pas.
Mother died today. Or, maybe, yesterday; I can’t be sure
Mẹ chết hôm nay. Hoặc có thể hôm qua. Tôi không biết.
Và đoạn dịch gây tranh cãi của Dương Tường (trong bản dịch Người dưng năm 1995):
“Mẹ tôi tịch hôm nay.
Hoặc có thể là hôm qua cũng nên, tôi chả biết nữa”

{Về vấn đề này, Trần Thiện Đạo (2003) nhận định: “Khi Dương Tường chuyển chữ maman thành mẹ tôi thì ngay từ đầu đã trật đường và sai hướng rồi. Chữ tôi kèm theo chữ mẹ ở đây tự dưng không còn là suy nghĩ trong đầu nhơn vật nữa. Xóa mất tánh cách độc thoại nội tâm cốt yếu. Như vậy là bóp méo văn pháp của tác giả.”}
Những câu văn khô lạnh, ngắn, vô sắc mở đầu cuốn thuyết này đã nổi tiếng trong thế giới văn chương từ hơn 70 năm nay.
Tính chất staccato (kỹ thuật thể hiện các nốt nhạc một cách rời rạc) của các câu văn này và toàn bộ cú pháp được tác giả vận dụng ở đây đã bộc lộ một trong những nguyên tắc ngầm của cuốn tiểu thuyết: các sự vật và con người thờ ơ, dửng dưng với nhau. Ý niệm trước-sau về thời gian mà Kant cho rằng vốn có trong cấu trúc của tâm trí đã biến mất; và tất cả điều này là dấu chỉ cho thấy phong cách trần thuật của cuốn tiểu thuyết.
Camus, trong khi tranh luận với Sartre trên Les Temps Modernes, cho rằng mặc dù Kẻ xa lạ được viết ở ngôi thứ nhất, nó vẫn toát lên vẻ khách quan và hờ hững. Giọng kể chuyện buồn tẻ, staccato, bộc lộ nhưng không giải thích gì cả khiến câu chuyện trở nên rất khó chịu.
Thờ ơ, bàng quan, vắng mặt những quan hệ nhân quả, một hiện tại không gắn gì với dĩ vãng để nhớ về hoặc tương lai để hy vọng: tất cả tạo nên “bộ mặt” của sự phi lý; và tất cả điều đó làm nên văn phong của Kẻ xa lạ.
Nhằm tạo ra ấn tượng đó, Albert Camus từ bỏ thì passé simple truyền thống để thay bằng passé composé để kể chuyện; ông đã phá vỡ phong cách trần thuật quen thuộc trong văn chương Pháp với thì passé composé mang đến sự hàm hồ về thời tính.
Trần Thiện Đạo viết:
“Meursault, con người xa lạ, là con người lạnh lùng thờ ơ (…), (…) là con người không nhận thức được tính chất phi lý của thân phận làm người, và không hiểu ất giáp gì về mọi việc liên hệ tới cuộc đời, tới lẽ sống của mình, y vừa ở ngoài cuộc đời vừa ở ngoài chính mình.” [7]
Nhân vật Meursault trong tiểu thuyết có hai cấp độ phi lý: cấp độ siêu hình và cấp độ xã hội, và anh ta, trên nhiều mặt, giống với Sisyphus trongHuyền thoại Sisyphe, nghĩa là, anh ta là kẻ xa lạ giữa mọi người vì anh ta ưa thích tự nhiên hơn là qui ước, và trong phần hai của cuốn tiểu thuyết anh ta hoàn toàn nhận thức được tình trạng xa cách đó.
Trong khi rất nhiều người nhất trí cho rằng Kẻ xa lạ là thành tựu lớn nhất của Camus, thì Jean-Paul Sartre lại không nghĩ vậy; ông không dành cho nó, với tư cách một tác phẩm văn chương, bất kỳ lời khen rõ rệt nào. Ngược lại, ông có vẻ mỉa mai khi nói, đại ý: “Nó chỉ là tiểu thuyết nếu chúng ta gọi Zadig và Candid của Voltaire là tiểu thuyết”[8]. Sartre bàn về Kẻ xa lạ như thể bàn về một khảo luận của một nhà đạo đức được tiểu thuyết hóa: “Kẻ xa lạ của Camus là kẻ gây sốc cho xã hội bằng cách từ chối các luật chơi của xã hội mà hắn ta đang sống. Hắn sống giữa những người xa lạ khác, mà với họ hắn cũng là một kẻ xa lạ.”[9]
*Huyền thoại Sisyphe:
Huyền thoại Sisyphe (1942), một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Albert Camus, kể chuyện một vị thần Hy Lạp tên là Sisyphe, bị thần linh kết án suốt đời phải đẩy một tảng đá lên đỉnh núi, để rồi thấy nó lăn xuống, và rồi lại phải đi xuống đẩy nó lên lại, cứ thế ngày này qua ngày khác. Camus cho rằng cuộc hiện hữu của chúng ta cũng tương tự như vậy: vô nghĩa và phi lý. Nhưng ông không tin là tôn giáo có thể đưa ra giải pháp. Tự tử cũng không phải là câu trả lời cuối cùng. Camus cho rằng có một giải pháp thứ ba: chúng ta có thể nhận thức rằng, cuộc sống là vô nghĩa và tuy vậy chúng ta vẫn phải tiếp tục sống. Những người chọn giải pháp thứ ba là “những anh hùng phi lý” mà Sisyphe là điển hình. Tính chất anh hùng của Sisyphe nằm ở sự tận tâm với nhiệm vụ, mặc dù luôn hiểu rõ rằng không bao giờ có thể hoàn thành. Bất chấp sự phi lý của cuộc hiện hữu, Sisyphe từ chối sức cám dỗ tự tử để nhìn nhận cuộc đời như nó vốn có. Đối với Camus, tự tử không thể là lối thoát đích thực ra khỏi sự phi lý của hiện hữu. Với tư cách cá nhân, chúng ta có trách nhiệm sẵn sàng giáp mặt với sự phi lý, chứ không tìm cách lẩn tránh.
Huyền thoại Sisyphe được viết và xuất bản trong những năm Phát-xít Đức chiếm đóng nước Pháp, một trong những tình cảnh khó chấp nhận với người trí thức, và Camus nỗ lực trình bày cái nhìn triết lý của mình về điều mà ông gọi là “phi lý”, nhằm diễn tả cảm trạng “đột nhiên ta thấy vũ trụ ta đang sống bị tước hết mọi ánh sáng và ảo tưởng, con người cảm thấy mình là kẻ xa lạ. Sự lưu đày là tất yếu, bởi vì ta không còn ký ức gì về quê nhà đã mất và không còn hy vọng gì về một miền đất hứa”.
Nhà phê bình Trần Thiện Đạo viết:
“Thần Sisyphe, trong Huyền thoại Sisyphus, điển hình cho bản chất cao cả của con người không hoảng sợ trước tình cảnh phi lý của mình mà hiên ngang vạch tìm một ngõ thoát trong chính sự nhận thức được tính chất phi lý cuối cùng của mọi hành động ở đời.”
Và đó có lẽ là lý do Albert Camus lấy hai câu thơ của Pindar làm đề từ cho tập luận thuyết này:
Ôi tâm hồn ta, đừng mong mỏi cuộc đời bất tử,
Mà hãy đi hết giới hạn của cái khả hữu
Camus biết đặt hạnh phúc vào trong thân phận hữu hạn của kiếp người:
“Il faut s’imaginer Sisyphe heureux”
“Phải tưởng tượng Sisyphe hạnh phúc” ngay cả khi đang nhìn thấy vị thần dường như đang làm một việc khổ ải nhất, vô ích nhất trên đời này.

*

Albert Camus qua đời đột ngột ở tuổi 47 trong một tai nạn xe hơi, để lại một cái tang chung cho văn học Pháp và một niềm luyến tiếc sâu xa cho toàn thể văn giới quốc tế. Ba ngày sau, Jean-Paul Sartre đã cho đăng bài tưởng niệm người bạn mà tám năm trước ông đã tuyệt giao. Ông viết:
“Tai nạn đã giết chết Camus, tôi gọi là điều vô lối, vì nó khiến cho chúng ta trông thấy rõ tính chất phi lý của những yêu cầu sâu sắc nhứt của chúng ta (…) Tôi không tin như vậy (…) Một cuộc đời ngưng đọng – cả cuộc đời của một con người trẻ trung ngần ấy – vừa là một đĩa hát sứt mẻ vừa là một cuộc đời trọn vẹn (…) Nhưng chúng ta buộc phải tập xem sự nghiệp đứt quãng này như một sự nghiệp vẹn toàn.”[10]
Vậy mà mới hai năm trước đó, khi trả lời câu hỏi: “Ông có nghĩ rằng sự nghiệp của ông đại khái đã hoàn tất?”, Albert Camus còn vui vẻ đáp: “Tôi mới bốn mươi lăm tuổi và sức sống còn thật dồi dào.”
Hơn 50 năm qua người ta vẫn tìm đọc các tác phẩm của ông, riêng cuốn Kẻ xa lạ luôn có mặt hàng đầu trên các bảng xếp hạng văn chương danh giá. Điều đó có nghĩa là những vấn đề của lương tâm nhân loại vẫn còn trong hiện thực và trên những trang sách của Albert Camus, những trang sách nuôi dưỡng niềm hy vọng và nỗ lực vượt lên của con người giữa một thế giới dẫy đầy phi lý.

------------------------
Tài liệu tham khảo:
 
1/ Trần, Phong Giao. 1963. Sứ mệnh Văn nghệ Hiện đại Sài-Gòn: Giao Điểm.
 
2/ Camus, Albert. 2004. Giao cảm. Trần Thiện Đạo dịch. Hà Nội: NXB Văn hóa Thông tin.
 
3/ Tạp chí Văn số tưởng niệm Albert Camus (năm thứ hai, số 25) ra ngày 1 tháng 1 năm 1965
 
4) Camus, Albert. 1972. Le Malentendu Bùi Giáng dịch, nhan đề là Ngộ nhận . Sài-Gòn: An Tiêm.
 
5) Bloom, Harold (ed.). 2008. Albert Camus’s The Stranger . Infobase Publishing.
 
6/ Mai Sơn. 2007. 101 triết gia . Hà Nội: NXB Tri Thức.


Phụ lục 1:
Danh mục tác phẩm của Albert Camus đã được dịch và xuất bản tại Sài Gòn:
1/ “La Femme adultère” (truyện ngắn), Nguyễn Văn Trung dịch, nhan đề “Người đàn bà ngoại tình”, đăng trên tuần báo Sáng Tạo, số tháng 12/1960.
 
2/ La Chute, Trần Thiện Đạo dịch, nhan đề Sa Đọa, (không rõ nhà xuất bản) 1962; một bản dịch khác nhan đề Đổ vỡ không rõ ai dịch, nhà xuất bản nào.
 
3/ Discourse de Suède, Trần Phong Giao dịch, nhan đề Sứ mệnh văn nghệ hiện đại, Giao điểm, 1963.
 
4/ Noces, Trần Thiện Đạo dịch, nhan đề Giao Cảm, Giao điểm xuất bản, 1964.
 
5/ L’Exil et le royaume, Trần Phong Giao và Vũ Đình Lưu dịch, nhan đề Lưu Đầy và Quê Nhà, Giao Điểm xuất bản, 1965
 
6/ L’Etranger, có các bản dịch, nhan đề Người Xa Lạ của Dương Kiền – Bùi Ngọc Dung, NXB Đời Nay, 1965; Người xa lạ (tiểu thuyết), Võ Lang dịch, NXB Thời Mới, 1965; Người xa lạ (tiểu thuyết), Tuấn Minh dịch, NXB Sống Mới, 1970; Kẻ xa lạ (tiểu thuyết), Lê Thanh Hoàng Dân - Mai Vi Phúc dịch và giới thiệu, NXB Trẻ, 1973.
 
7/ Les Justes, Trần Phong Giao dịch, bán nguyệt san Văn số 25 (1-1965), tủ sách Giao điểm, nhan đề Những Người Trung Thực; Vương Trân Nam dịch, nhan đề Bàn tay của tình thương, đăng trên tập san Văn học.
 
8/ Caligula, Nguyễn-Thức dịch, đăng trên tập san Gió Mới. Bản dịch 2: Bạo chúa Caligula, Bùi Giáng dịch, NXB Võ Tánh, 1967.
 
9/ La Peste, Hoàng Văn Đức dịch, nhan đề Dịch Hạch, NXB Thời Mới, 1966; Dịch hạch, Võ Văn Dung dịch, NXB Dịch Giả, 1971.
 
10/ L’Envers et L’Endroit, Trần Thiện Đạo dịch, nhan đề Bề Trái và Bề Mặt, Giao Điểm, 1967
 
11/ L’Homme Révolté, Bùi Giáng dịch, nhan đề Con Người Phản Kháng, NXB Võ Tánh, 1968.
 
12/ L’Été, Bùi Giáng dịch, nhan đề Mùa hèCon người phản kháng (tiểu luận, tùy bút), Bùi Giáng dịch, in trong Sương tỳ hải, NXB Phú Vang, 1966; NXB An Tiêm, 1972.
 
13/ Carnets, Bùi Giáng dịch, nhan đề Sổ ghi, An Tiêm, 1972.
 
14/ L’Été – Le Désert – Noces, Bùi Giáng dịch, nhan đề Mùa hè sa mạc, NXB Võ Tánh, 1968.
 
15/ Le Mythe de Sisyphe, Bùi Giáng dịch, nhan đề Biển đông xe cát, NXB An Tiêm, 1969.
 
16/ Le Malentendu, Bùi Giáng dịch, nhan đề Ngộ Nhận, đăng trên Bách Khoa; An Tiêm xuất bản lần thứ 2, Sài Gòn, 1973.

Phụ lục 2:
Những cột mốc chính về cuộc đời và sự nghiệp của Albert Camus:
1913 – Sinh ở Mondovi (Algérie).
1918 – 1923 – Học trường làng.
1930 – Nhuốm bệnh lao.
1932 – Học Đại học Văn khoa Alger. Tìm kế sinh nhai.
1933 – Lấy vợ. Năm sau ly dị.
1934 – Vào đảng cộng sản. Ba năm sau ly khai.
1936 – Luận án cao học: Métaphysique chrétienne et Néoplatonisme (Siêu hình học cơ đốc giáo và thuyết Platon mới). Du lịch Trung Âu và ở Ý.
1937 – Không được phép thi Thạc sĩ vì bị lao. Qua Pháp một thời gian. Xuất bản L’Envers et L’Endroit.
1938 – Xuất bản Noces. Làm báo Alger-Républicain.
1939 – Bị từ chối cho nhập ngũ vì thiếu sức khỏe.
1940 – Hoàn tất L’Etranger. Bắt đầu viết Le Mythe de Sisyphe . Lấy vợ lần hai.
1942 – Xuất bản L’Etranger  Le Mythe de Sisyphe.
1943 – Gia nhập phong trào kháng chiến.
1944 – Chủ bút báo Le Combat.
1945 – Vợ sinh đôi, một trai một gái.
1947 – Rút khỏi báo Le Combat.
1949 – Du lịch Nam Mỹ.
1951 – Xuất bản L’Homme révolté Bút chiến với Jean-Paul Sartre.
1952 – Tuyệt giao với Jean-Paul Sartre.
1955 – Du lịch Hy Lạp.
1956 – Xuất bản La Chute.
1959 – Xuất bản Actuelles 3, gồm những bài viết về vấn đề Algérie từ 1939 đến 1958.
1960 – Mất ngày 4 tháng 1 vì tai nạn xe hơi.
 
(Theo Trần Thiện Đạo trong Giao cảm, Albert Camus, Trần Thiện Đạo dịch, (Hà Nội: NXB Văn hóa Thông tin, 2004)

Phụ lục 3:
Các dịch giả đã dịch tác phẩm của Albert Camus:
Nguyễn Văn Trung, Lê Thanh Hoàng Dân, Mai Vi Phúc, Vũ Đình Lưu, Trần Phong Giao, Trần Thiện Đạo, Bùi Giáng, Võ Lang, Dương Kiền, Tuấn Minh, Bùi Ngọc Dung, Võ Văn Dung, Hoàng Văn Đức, Vương Trân Nam, Nguyễn Thức.

_________________________
[1]Trích Trần Thiện Đạo trong lời giới thiệu Giao cảm, Albert Camus, Trần Thiện Đạo dịch, (Hà Nội: NXB Văn hóa Thông tin, 2004), tr. 24. 
[2]Tạp chí Văn, số tưởng niệm Albert Camus, 1/1/1965.
[3]Ibid.
[4]Ibid, trang 140.
[5]Jean-Paul Sartre: Situations, IV, tr.tr. 126-129, Paris: Gallimard, 1964; Trần Thiện Đạo dịch, tạp chí Văn, 1/1/1965.
[6]Trích Bùi Giáng, trong lời tựa Le Malentendu, Albert Camus, Bùi Giáng dịch, An Tiêm, 1973.
[7]Trích trong lời giới thiệu Giao cảm, Albert Camus, Trần Thiện Đạo dịch, Hà Nội: NXB Văn hóa Thông tin, 2004.
[8]Jean-Paul Sartre, “Jean-Paul Sartre on Camus’s Portrayal of the Absurd”, trong Albert Camus, The Stranger. Edited & with an Introduction by Harold Bloom, Infobase Publishing, 2008.
[9]Ibid. 
[10]Jean-Paul Sartre: Situations, IV, tr.tr. 126-129, Paris: Gallimard, 1964; Trần Thiện Đạo dịch, tạp chí Văn, 1/1/1965 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: