Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Trích phần cuối TT của Ngố:


..Tôi còn phải mất nhiều thời gian mới thấu hiểu và cảm nhận đầy đủ về nó. Cũng giống như số phận tôi, cứ lần ngược trở lên đầu nguồn dòng sông Lư này. Dòng sông ngay từ tuổi ấu thơ đã gắn liền với tôi không lúc nào rời. Khi thì bên tả, khi bên hữu chung quy không thoát ra được vòng quanh lưu vực của nó.
Chuyến này qua sông là lần đầu tiên tôi ra khỏi phạm vi ấy của dòng sông.. Đi vào cuộc đời rộng lớn hơn. Có thể là hứa hẹn bao điều tươi sáng và cũng có khi, chẳng hứa hẹn điều gì.
Vô cảm, vô tình đẩy đưa, sống cho trọn một kiếp người lúc nào cũng áy náy, bo bo về đồng tiền, về miếng ăn là điều luôn ám ảnh khiến tôi e ngại. Tôi luôn muốn thoát ra mà nhiều khi bất lực. Có nói khác đi chăng nữa đó chỉ là những lời giả dối, mà tôi lại muốn trung thực với mình. “Trung thực đến đáy” như người ta nói. Dù rằng biết làm được như thế chẳng dễ dàng gì.
Tính ngay thẳng ruột ngựa, phổi bò còn một đôi lần mang lại những điều cay đắng, khốn nạn mà bất cứ ai sống nơi thế gian này cũng có thể vướng phải. Lẽ sống thường là cái gì to tát, mơ hồ còn thực tế lại luôn trần trụi, có khi dơ dáy và lỗ mãng..
Tôi mười bảy tuổi. Cái tuổi chưa nên nghĩ nhiều đến thế.Nhưng hoàn cảnh gia đình, éo le bản thân đã khiến tôi phải đối mặt với những điều bất xứng với tuổi tác của mình..

Chợt một vệt trắng lóa vụt lên từ bên mạn thuyền. Một con cá chép vây đỏ rơi xuống lòng thuyền, ngay gần chỗ tôi ngồi. Nó gần bằng bàn tay, giãy rất khỏe. Theo phản xạ tự nhiên tôi chụp lấy nó mà không nghĩ để làm gì?
Tôi đang đi đường xa, không thể mang nó đi cùng. Cũng không thể ăn sống nuốt tươi nó được. Ngước lên, tôi bắt gặp ánh mắt chăm chú của ông lão lái đò, tôi nhặt sợi dây xâu vào mang cá, đưa cho ông.
Không ngờ ông lão xua xua tay ra hiệu từ chối!
 Thời buổi khan hiếm thực phẩm, thiếu “chất tươi” thế này sao ông không muốn? Ông bảo tôi thả nó trở lại xuống sông.
Cử chỉ đó của ông gợi ý cho tôi nhớ lại, mẹ tôi có lần nói “Chim xa cá nhảy là điềm gở”. Có lẽ vì thế mà ông lão bơi đò ngại ngần chăng?
Lúc ấy tôi chỉ nghĩ có thể mái chèo khua dính phải nó, con cá hốt hoảng lao phóng lên chứ không nghĩ nhiều đến thế.
Người mình thật lắm dị đoan. Chẳng qua gặp quá nhiều tai nạn, hiểm nguy, du di suốt ngàn năm lịch sử, nên cái gì cũng hay sợ, hay xét nét đề phòng?
         Thời tôi đang sống đây người ta đang vận động phong trào “bài trừ mê tín dị đoan”, ai còn tin vào những chuyện như thế?

Mãi sau này, khi đã trải qua bao chuyện ở đời, tôi mới thấm thía rằng: Không phải kinh nghiệm dân gian ngẫu nhiên mà hình thành, mà xuất hiện. Chính nó được đúc rutsqua thực tế của không biết bao đời người. Tất nhiên không phải kinh nghiệm nào cũng đúng và chính xác cả.
Nó như một điềm báo trước một tai họa ngẫu nhiên. Cách đó ít lâu, trong một lần đi lấy củi đóng góp cho nhà bếp, tôi bị cây đổ đè vào người, may không chết nhưng nghỉ học đến nửa tháng.
Bố tôi sang trường thăm tôi. Về, mẹ tôi hỏi, ông bảo: “Bà đừng lo, thằng này trán đầu sừng, mũi chữ do, chân bước hai hàng. Vất vả một tí nhưng về sau nhất định nên người”.
Câu chuyện này khi tôi về  thăm nhà mẹ tôi kể lại. Tôi cứ bán tín bán nghi chả biết có phải thực được như thế không? Hay chỉ là cách cha mẹ khéo léo khích lệ con cháu mình?

Tôi đứng bên này sông.
Bờ bên kia thị xã bé nhỏ của tôi đã khuất lấp dưới đại ngàn. Thành phố tương lai còn gần nửa thế kỷ nữa mới xuất hiện.
Rừng vẫn còn nguyên thủy. Những cánh rừng gỗ quý còn rất nhiều. Đinh, Lát đường vanh hai ba người ôm, vòng nối tay nhau mới hết. Thỉnh thoảng vẫn bắt gặp chúa sơn lâm mò vào làng bản bắt chó, vồ bò. Hươu nai những đêm trăng sáng còn xuất hiện cả đàn ra sông uống nước. Tắc kè đêm mùa hè còn rúc trên cành cây dọc hai bên đường phố. Có hôm trời mưa to, cua đá từ trong núi  bò ra, bắt gặp lổm ngổm lối bờ sông..
Đây là giai đoạn rừng còn rất giàu, còn thiêng liêng lắm, chưa hề và chưa ai dám đụng đến.  Người ta vẫn còn rất e dè câu cửa miệng: “Chớ phá sơn lâm, đừng đâm hà bá” Chỉ có con người là còn vất vả khó khăn..
Đấy cũng là lúc trong tôi chưa ý thức đầy đủ về rừng. Chưa nghĩ đến chuyện: “Sống ở rừng, phải biết dựa và kiếm lợi từ rừng”. Chỉ nghĩ đến chuyện đi xa, bay cao, thoát khỏi cuộc sống lam lũ nơi quê nhà. Ước muốn học lên trở thành tài là ước muốn cháy bỏng, pha chút viển vông.
Biết làm sao được khi tôi vừa mới chớm tuổi thanh niên? Cái tuổi ăn chưa biết no, chơi không biết chán.
Và tôi vừa mới qua sông..



                                                  Hết phần I
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: