Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

THƯ MỜI


THƯ MỜI DỰ TỌA ĐÀM RA MẮT CUỐN “SÓNG HẬN SÔNG LÔ”
(TTVHNN Đông Tây và NXB Hội Nhà văn ấn hành 7/2013)

Nhân dịp cuốn “Sóng hận sông Lô” của nhà văn Vũ Ngọc Tiến vừa được TTVHNN Đông Tây & NXB Hội nhà văn ấn hành, chúng tôi trân trọng kính mời và mong muốn  các anh/chị quan tâm đến đề tài lịch sử tới tham dự tọa đàm hoặc viết bài trao đổi về tác phẩm cho buổi ra mắt cuốn “Sóng hận sông Lô” thêm phần trang trọng.
Địa điểm: Nhà sách Đông Tây, N11A, đường Trần Quý Kiên, Q Cầu Giấy- Hà Nội

Thời gian: Hồi 15h00, thứ bảy ngày 10/8/2013 



Với “Sóng hận sông Lô” tác giả Vũ Ngọc Tiến mượn cái chết của Trần Nguyên Hãn (1429) làm cớ để tái hiện lại sự thật lịch sử 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn và nội tình đất nước 30 năm thời Lê sơ dưới hình thức ký vãng lịch sử. Sách dày 352 trang in, ngoài phần “Vào sách” giống như một truyện ngắn về Thiền học, nội dung chính của tác phẩm chia làm12 chương. Hai chương đầu mang tính một “giáo trình lịch sử” về 3 giai đoạn của cuộc kháng chiến 10 năm chống giặc Minh, nhằm làm nổi bật lên vai trò của đội ngũ trí thức khi họ tham gia khởi nghĩa. Các chương tiếp theo (3- 11) chỉ là những ghi chép lại những suy nghĩ, hồi ức, độc thoại của các nhân vật ít nhiều liên quan đến vụ án oan, dẫn đến cái chết tức tưởi của Trần Nguyên Hãn trên sông Lô. Nó lý giải vì sao triều Lê sơ vừa lập nên chiến tích huy hoàng đại thắng giặc Minh đã rơi ngay vào khủng hoảng chính trị kéo dài 30 năm (1429- 1459). Ở nhiều chương, đoạn, tác giả dụng công tô đậm nguyên nhân cái chết của Trần Nguyên Hãn còn vì âm mưu thâm độc của bọn giặc Minh hòng phá nát nội bộ triều Lê, làm suy yếu nước Đại Việt thời hậu chiến. Chương 12 là hồi ức của Đinh Liệt 30 năm sau cái chết của Trần Nguyên Hãn, mang đậm tính tổng kết lịch sử 30 năm đầu triều Lê sơ.

Đây là lần đầu tác giả thử nghiệm loại hình “Tiểu thuyết giáo trình” kết hợp với cách viết kiểu W.Faulkner đậm đặc các mảng suy nghĩ, độc thoại, hồi ức của nhân vật đan xen vào miêu tả. Mọi sự thử nghiệm có thể sẽ không tránh khỏi những khiếm khuyết, nhưng nếu có được chút thành công nào thì đó là tâm nguyện người viết & người làm sách muốn góp phần xã hội hóa giáo dục đối với tình trạng dạy và học môn Sử hiện nay.

Xin trân trọng cám ơn và hân hạnh tiếp đón!

Mọi liên hệ xin gửi về: - Nguyệt Nga; Mob:0947689709;
                                       Email: sachdongtay@gmail.com 
                                       - Vũ Ngọc Tiến; Mob: 0912048421;
                                       Email: vungoctien125@yahoo.com.vn
                                                                                      Hà Nội 26/7/2013
                                                                         TTVHNN Đông Tây & Tác giả
           

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: