Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Không phải chuyện bây giờ, thơ đã từ lâu nhận mặt:


 HẮN

                                   HOÀNG YẾN

Tôi ngồi một mình
           Trong đêm hè óng ánh
Trên ngực rạo rực
            tấm huân chương vừa lĩnh
             đợt cải cách đồng bằng
Trời không trăng
             nhưng có muôn sao nhảy múa
             lòng vui bốn bề mở cửa.

Hắn bỗng đến
                  từ đâu
                          nào biết từ đâu?
Từ ánh sao băng hay từ bóng đêm sâu
Hắn vỗ vai tôi: Chúc mừng đồng chí!
Thật kì dị
                 giọng hắn quen như­ từ thuở x­a nào
                 tôi nghĩ mãi không sao nhớ nữa
                 mặt hắn trẻ măng râu ria tua tủa
                  một bộ đồ xanh
                  một mớ tóc xù
 Trông dáng hắn như­ tên tù vư­ợt ngục. .

                Hắn lễ phép nhìn tôi xin lỗi:
                                quấy rối phút vui
Rồi hắn kể đầu đuôi:
"Ngày hai ta mới gặp .
Thuở ấy chúng ta đi khắp .
với một câu hỏi trong đầu .
Vì đâu n­ước mắt đóng băng lòng đất ?
cửa trời đâu thiếu nụ c­ười?
quả đất triệu năm vẫn sống
vẫn ch­ưa đến tuổi làm người?
phải đem nụ cư­ời xuống đất
n­ước mắt phải thành giọt ngọc
từ bóng đêm ta gieo hạt vui
từ khổ đau lại nảy nụ cư­ời
chúng ta nhìn ra chân lí
chúng ta trở thành đồng chí.

Từ ấy đến nay
                  sông trôi bao nhiêu n­ước
                  gian khổ ngọt bùi
                            đ­ường đời chung bư­ớc
Gặp lại anh đêm nay
Thì ra anh đi ngược "
Hắn chỉ tôi vào ngực .
                         nơi tấm huân chương:
“Giận anh tôi không muốn giận  .
thương anh tôi cũng không thư­ơng .
Anh làm những điều trái với lẽ th­ường
trái với con người biết yêu th­ương suy nghĩ '

như hết tin ở con người
                          anh quay lưng với đồng chí
anh không nhớ công người  .
                          từng dựng lại cuộc đời
Con người biết tạo ra ánh sáng
(ánh sáng không chỉ ở mặt trời)
Nay vì đâu
                 chữ đồng chí không còn tha thiết
Như­ ngày nào mới biết gọi nhau. .

Vì trong mắt anh
            tôi không còn là đồng chí .
mà chỉ là một phạm trù ý nghĩ
một thành phần màu sắc đỏ đen
anh thấy đâu con người bằng x­ương bằng thịt
có bao khát vọng lo âu
tôi vui tôi khổ hay tôi sầu
                           anh không biết rõ .
Hai ta kề ngực sát đầu
Tâm tư­ vẫn cài then kín ngõ.

Người xư­a khi nghe điều dở
lau mặt rửa tai
ngày nay trư­ớc cửa tai anh
giọng hót hay
tiếng vỗ tay
Lấp đầy ng­ưỡng cửa
Sự  thật đứng ngoài lắc đầu
                      Không vào đ­ược nữa?
Anh quay mặt vào t­ường
                   gặm nhấm những trang sách cũ
Cứng khô như­ một mẩu bìa
Rồi anh nhếch mép vểnh ria
- Chỉ mình ta ôm cờ cách mạng
chỉ mình ta phát ra ánh sáng".

Giận run người tôi vụt đứng lên
Hắn điềm nhiên ấn tôi ngồi xuống
Rõ ràng hắn ở trong thế mạnh .
nhưng giọng hắn đổi chiều thủ thỉ âm vang:
"Chúng ta đi vào lúc ngày dựng đêm tàn
Cuộc sống hai bề sáng tối
Có ánh sáng làm vết thương nhức nhối .
Có bóng đêm ủ t­ư tư­ởng lớn thành hình .
Nhất nhất ngoài đời
             không như­ trong quyển sách kinh .

Lời hắn thiết tha cảm động
làm tôi mắt thấy rư­ng rư­ng
Hắn vụt phá lên c­ười tiếng cư­ời lanh lảnh
            Tôi nghe phát lạnh sống lư­ng
Mắt hắn trừng trừng
            như soi thấu nguồn tim cội óc
"ông bạn ơi? Thôi đừng vờ khóc!"
Rồi hắn nhìn tôi chòng chọc .
với một giọng tiên tri:
“Anh đừng t­ưởng chết là hết nhiệm kì"

Ng­ười đời
               Mặt trời
mai sau đo lại bư­ớc anh đi
đánh giá
                bóng ngả?
Lời ch­ưa dứt hắn quay l­ưng đi thẳng
Câu cuối cùng vẫn còn văng vẳng:
"Mỗi sai lầm phải buộc chỉ cổ tay
đừng ngủ ngày trên chiến thắng". ~

Hắn là ai?
        Một hoài nghi trĩu nặng
        một lãng quên nổi loạn
        một ảo ảnh xa vời
Hắn là ai?
Tôi chợt nhớ ra rồi
Hắn là Tôi hai mươi năm tr­ước '
Khi vư­ợt tù trốn lên mạn ngư­ợc
Cùng tôi, hắn ăn đất nằm s­ương
trên mọi nẻo đ­ường rủi ro may mắn . '
làm sao tôi đã quên hắn
làm sao tôi đã quên tôi.

                                      1957


Phần nhận xét hiển thị trên trang

TƯ LIEUJ VH:


CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ11)


                                                                               
              NHÀ VĂN HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

Hồi năm 1978, ông bạn họa sĩ Trịnh Tú, lúc đó là thư ký bác sĩ Tôn Thất Tùng, GĐ bệnh viện Phủ Doãn một hôm rủ tôi :
“ Tới thăm vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường đi !”
Tôi ngần ngại :
“ Có việc gì cần không ? Nếu không thì ngồi quán bà Dậu làm chén rượu chẳng hơn à ?’
Hồi đó tôi ở phố Ấu Triệu sát ngay bệnh viện Phủ Doãn nên Trịnh  Tú thưởng lẻn sang rủ tôi uống rượu ở quán bà Dậu ngay đầu phố tôi. Nguyên là ông bạn vàng này mới nhờ tôi đưa bồ hắn từ Sàigòn ra đi thăm nuôi chồng vốn là sĩ quan quân đội cộng hòa đang cải tạo mãi tại vùng rừng núi heo hút   Thanh Hóa. Vì không phải thân nhân nên tôi không được vào trại , phải ngủ rừng một đêm muỗi cắn gần chết. Sợ ông bạn lại “sai” việc nữa , tôi giao hẹn trước :
“ Tới chơi thôi, còn có việc thì thôi nhé !”
Trinh Tú cười cười :
“ Tới giúp bà Mỹ Dạ, vợ ông Tường đi khám bệnh…”
Tôi  gật gật:
“ Vậy thì được…”
Tôi tưởng vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phải ở một căn hộ nào đó ở khu hồ Tây hoặc khu nghỉ dưỡng Quảng Bá, không ngờ Trịnh Tú đưa tôi lên đường đê La Thành vào trường viết văn Nguyễn Du tới một căn buồng  mái tranh, vách đất, trống huếch trống hoác, giữa nhà trải chiếc chiếu, một người đàn ông gày guộc, ngồi xệp, hai đầu gối qúa tai. Chắc đã hẹn trước, nhà văn vồn vã mời ngồi, còn chị vợ  - nhà thơ Lâm thị Mỹ Dạ thì xin phép vào bếp rang…lạc đãi khách. Trịnh Tú vội xua tay :
“ Thôi thôi…tôi tới coi sức khỏe chị sao ? Liệu có giúp được gì rồi phải  về ngay…”
Trong lúc Trịnh Tú hỏi chuyện chị vợ thì tôi ngắm nhà văn . Ôi chao ôi , người đàn ông gày  gò, ốm đói kìa lại là người viết ra bút ký “ Rất nhiều ánh lửa “đăng trang nhất báo Văn Nghệ ư ? Điều kiện sống tối tăm và ẩm thấp thế này ông lấy đâu ra lửa ?
Trên đường về tôi la oai oái. Thật không thể tưởng tượng được, một  “nhà văn viết bút ký hay nhất của văn học ta hiện nay” ( Nguyên Ngọc) ,  hồi Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 ở Huế là tổng thư ký Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Thành phố Huế , soạn “Lời hiệu triệu” kêu gọi quần chúng nổi dậy, thu băng phát đi khắp các nẻo đường, phố phường Huế Tết Mậu Thân , có thành tich lớn trong phong trào “diệt ác, trừ gian”, theo đồn đại đã từng ngồi ghế Chủ tọa Tòa  án Nhân dân tại trường Gia Hội . Năm 1972 được điều ra làm Trưởng Ty Văn hoá tỉnh Quảng Trị ở Đông Hà  (vùng mới giải phóng của Mặt trận Giải phóng), 17 năm kiên trì làm “đối tượng Đảng” rồi được kết nạp…
Một người đã bỏ đô thị “lên xanh” theo cách mạng với thành tích lớn thế sao ra Bắc lại bị “đãi ngộ” nghèo nàn đến vậy.
Ra khỏi nhà Hoàng phủ Ngọc tường, tôi lo lắng hỏi bệnh tật chị Mỹ Dạ, Trịnh Tú gạt đí :
“Bệnh tật gì đâu…bệnh thiếu…protide ấy mà…ăn uống thiếu thốn, kham khổ nên sinh bệnh thế thôi.”
Tôi nổi cáu :
“ Một cặp nhà văn –nhà thơ có nhiều đóng góp cho cách mạng sao giờ lại đối xử vậy ?”
Trinh Tú cười hề hề :
“ Cậu đi hỏi mấy ông trên, sao hỏi tớ ? Thôi, ghé quán bà Dậu làm chén “cuốc lủi” , mặc mẹ sự đời .”
Sau này vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường rời Hà Nội trở về Huế và nghe nói được “đãi ngộ” khá hơn.  Ở Đại hội Nhà văn lần thứ V (1995), văn phòng Tổng Bí thư Đỗ Mười đưa xe đến mời nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tới gặp riêng  Tổng bí thư. Dịp tết Ất Dậu, ông Đinh La Thăng, giờ là Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải  nổi tiếng vụ “trảm tướng” sân bay Đà Nẵng, đòi đánh thuế cả xe máy dân nghèo, lúc đó là  Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy đến tận nhà, tặng vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường một dàn máy tính xịn. 
Năm 1980-1981, được Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam với tập “Rất nhiều ánh lửa” (1979).
Năm 2007, được  Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cùng đợt với vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Ông từng làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương và Tạp chí Cửa Việt.
Tháng 7-1997, Hoàng Phủ Ngọc Tường sang thăm Paris. Khi được bà Thụy Khuê (RFI) hỏi :
Nhìn từ phía những dữ kiện lịch sử mà anh nắm bắt được, diễn biến Mậu Thân đã xẩy ra trong một trình tự như thế nào"
Ông đã trả lời :
“  Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng…”
Phải chăng vì những oan hồn đó, sau này trên giường bệnh, ông làm những câu thơ đậm chất “tâm linh” :
Những chiều Bến Ngự dâng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang.
Hoặc :
         “Nợ người một khối u sầu
        Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi ……”
Cũng trên giường bệnh, trả lời nhà báo, Hoàng Phủ Ngọc Tường thành thực :
“ Nhà văn phải nói lên sự thật…”
Qúa đúng, với ông , có lẽ trước hết là sự thật về cuộc Tổng tiến công nổi dậy năm Mậu Thân ở Huế.
Nhà thơ Xuân Sách có lẽ hiểu khá thấu đáo Hoàng Phủ Ngọc Tường nên đã hạ bút :
“Trăm năm ông phủ... Ngọc Tường ơi
Cái nợ lên xanh giũ sạch rồi
Cửa Việt tung hoành con sóng vỗ
Sông Hương lặng lẽ chiếc thuyền trôi
Sử thi thành cổ buồn nao dạ
Chuyện mới Đông hà tái nhợt môi
Từ biệt chốn xưa nhiều ánh lửa
Trăm năm ông phủ... Ngọc Tường ơi!





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thư gửi Phỡn!


CHÀO THUA..

Cái phận nhà trò con hát
Hay hớm gì đâu mà giành nhau?
Miếng cá thì tanh
thịt là “Khâu nhục”!
Chi bằng về nhà ăn rau?

Tớ nghe dại mình, ngỡ đâu lời tốt..
Ngỡ đâu nhân nghĩa chi tình,
Ngỡ đâu cảm thông, chia sẻ..
Ai ngờ hoa thắm
hương tanh?

Phỡn cứ vui đi cuộc Phỡn
Chia tay đôi ngả
Thôi đành!
Tình mình thêm nhàm thiên hạ
Mai sau vẩn cả chân thành

Vẫn còn non cao, biển rộng
Vẫn còn câu hát “Một mình”!
Lần này cuối cùng Phỡn nhỉ?
Tớ thua
nhường Phỡn,
Không tranh!!



Phần nhận xét hiển thị trên trang

THÁNG TƯ MỞ HỘI CHƠI CHIM


"Tóe lửa" sới chọi chim, Tin tức trong ngày, hoa mi, choi chim, choi chim hoa mi, dau tri, thuc giuc, chim quy, bao ve, danh nhau, hiep dau, quyet liet, tra thu
         
                                          Truyện ngắn của HG

Buồn buồn, mình lướt qua nhà hắn. Ngày ba mươi tháng tư vắng lặng như tờ, khác hẳn mọi năm, loa đài rộn rã. Có chuyện lạ gì chăng?
Mấy chục năm như thế này, vào giờ này, thường nhà gã rất đông. Mấy ông CCB mỗi ông góp chút gạo chút tiền. Rồi khánh tiết, biểu ngữ, biểu tượng, khẩu hiệu giăng lên. Đứng nghiêm. Chào cờ. Hát. Tiến quân ca, quốc ca. Rồi các cựu sĩ đọc bài truyền thống thuộc nằm lòng. ( thực tình mỗi năm cũng được bổ sung một đoạn ngăn ngắn nào đó mới nhớ thêm được bổ sung vào bản cũ ) nội dung chính vẫn như bản in, không sai một chữ. Nhưng tất cả đều vui vẻ, chả ai lấy làm chán vì phải nghe cái bài diễn văn cũ mòn, đọc đi đọc lại mãi mãi này. Đương nhiên không thể bỏ qua phần hoạt động công tác hội, phần đóng góp, thu chi của mỗi năm.
Cuối cùng là đoàn kết nhất trí, rượu túy lúy tưng bừng. Hẹn gặp lại ngày này năm sau. Chuyện chả có gì mới, nhưng ít ra nó cũng làm thay đổi cuộc sống vốn không thuận lợi, vui vẻ gì của chừng ấy con người. Ngoại trừ một vài anh may mắn cởi áo lính được ngồi ngay vào ghế  có chỗ “cơ cấu”, hay hoạt động khôn khéo bên “Kinh tế thị trường định hướng” có của ăn của để.
Những lúc đó như quên hết giàu nghèo, sang hèn, đồng cảm, đồng tình như nhau.. Chỉ khi về đến nhà rồi, tỉnh rượu rồi mới ngậm ngùi nghiệm ra rằng: Cũng là con người, là thằng lính, cũng vào sinh ra tử như nhau, chưa chắc thành tích, công trạng “nó” đã hơn mình. Thế mà nó thế, mình thế!
Ngoài mặt vẫn phải vui, vẫn khoe với vợ với con rằng gặp người này, người kia. Các ông ấy phát quan, phát tài, làm ăn xu hướng lắm.. Dẫu rằng cái “phát” ấy chả liên quan mẹ gì đến mình. Nhưng mà chiến hữu với nhau, không mừng cho chúng nó thì mừng cho ai?
Nhà hắn tiện đường, lại là khu trung tâm. Chọn chỗ ấy để giao lưu, kỉ niệm kỉ niếc là chuyện dễ hiểu.
Nhưng năm nay nơi kỉ niệm chuyển chỗ. Nơi này bận mở hội chơi chim. Một cái hội mới coong vừa ra lò, hắn trăn trở, tâm huyết mấy năm nay. Vận động mãi, lên lên xuống xuống chán trò mới mở ra được..
Mình bảo:

( Còn nữa )


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

THE GIOI BA DAO:



CẬU UN :

Dạo này tinh thần các bạn Triều tiên lên dữ dội. Từ khi bạn Ủn con bạn Ỉn lên thay ông bô, toàn dân Triều Tiên sôi sục một lòng gào thét, giơ súng giơ ống gào thét đòi đánh hết thằng Triều Tiên, đến thằng Mỹ, đến thằng Nhật thậm chí "từ nay bố cũng đoé cần Trung Quốc". Hoà trong không khí phấn khởi đó em xin được chắp bút viết một bài xã luận bắt chước ông đại biểu nào đó gửi cho bạn Ủn lấy làm tư liệu quan trọng cho bài nói chuyện với dân tới đây.



Các bạn Triều tiên máu thịt của anh,

Trước hết, anh cảm ơn các bạn đã đứng chờ anh từ sáng. Sáng nay anh dậy đúng giờ nhưng do thằng đầu bếp nó nấu cho anh tô mì hai trứng và 6 lạng bò Kobe to quá đâm ra anh các bạn bị đau bụng. Dưng các bạn cứ yên tâm, sau khi sai bắt giam thằng đầu bếp, anh các bạn đã đi ỉa. Ỉa xong, anh ra chào các bạn! A lô (thử míc), anh nói các bạn có nghe thấy anh nói gì không?

Tốt, các bạn nghe thấy rõ, hoan hô anh rất to, anh vui. Thằng máy quay zoom mạnh vào mặt thằng đứng đầu hàng thứ 3 bên tay phải anh đang khóc như mưa cho anh xem! Đòe mẹ, thằng này chắc đang khóc đây, dưng không hề gì, cứ bình luận: "nhân dân nức nở vì được lãnh đạo kính yêu động viên trong buổi sáng đông giá rét tại Thành Phố vĩ đại Bình Nhưỡng" cho anh. Cái con đang ngất ở góc cuối hàng kia cũng ghi vào rồi bình luận: "Nhân dân ngất đi vì bài nói chuyện cảm động của vầng thái dương Răng Ủn"! Xuất sắc! Rồi giờ anh cho các bạn ba phút khóc to, khóc rõ, khóc quyết liệt trong vòng 3 phút để anh bắt đầu. Đứa nào sau 3 phút chưa nín được thì cắt sổ gạo, cho lên miền núi phía Bắc! Để bọn nó xuống phía Nam nó trốn mẹ qua Hàn Quốc thì nhục mặt anh.

Được rồi, giờ anh bắt đầu bài tham luận của mình!

Các bạn ạ, nước Mỹ là một quốc gia đoé ra gì. Bọn Tây Lông nó đóe hiểu được rằng với tổ quốc Triều Tiên vĩ đại của lãnh tụ Ủn kính yêu, chúng ta có câu "đói cho sạch, rách cho thơm". Toàn thể dân chúng ta có thể chết đói, chết rét, dưng chúng ta không thể cho phép đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai thản nhiên vào nước ta tài trợ mà cứ nằng nặc đòi xuống vùng nông thôn để chia từng cân gạo, từng gói mỳ, từng hộp sữa. Quan điểm của anh, lãnh tụ của các chú là rất rõ ràng, thích tài trợ chứ gì, anh cho tài trợ, anh đóe cấm. Dưng tài trợ thì phải tài trợ cho đàng hoàng, cứ tài trợ cho anh một cục, tiền cũng được, lúa gạo cũng được (tất nhiên anh ưu tiên tiền, cho nó gọn và đỡ....bị mốc) rồi sau đó anh sẽ chia cho các bạn, mỗi bạn một ít lấy thảo.

Tất nhiên bọn tư bản thối nát nó sẽ nói anh tập trung viện trợ để tìm cách vơ vét của các bạn, và rằng, người nghèo vùng nông thôn sẽ đóe được gì. Dưng anh, lãnh tụ tối cao của các bạn, thề là anh đóe bao giờ tìm cách vơ vét và tơ hào tiền tài trợ của các bạn. Anh lấy những đồng đô bẩn thỉu làm gì khi anh chỉ xài tiền Uôn cùng các bạn? Anh đời nào cầm những đống tiền mà bọn tư bản thối nát cày xéo trên sức lao động và máu của giai cấp cần lao để ra? Mà anh nói mẹ thẳng cho nó vuông, anh các bạn đóe cần tiền. Nếu các bạn còn nhớ, hồi năm 2005, con số 25 triệu đô mà đế quốc Mỹ đã phong tỏa trong tài khoản của ông già anh, lãnh tụ tối cao của các chú, ở ngân hàng Benco Delta Asia (Macau) đã làm các bạn phải hoảng, thì nay, anh xin khẳng định, anh có hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đô ở các ngân hàng của các bạn Trung Hoa anh dũng (
http://www.baomoi.com/My-se-dong-ban...19/4598132.epi) thì anh bòn rút mấy đồng tiền lẻ của các bạn làm gì?? các bạn cứ yên tâm.

Cái thâm nho nhọ đít của bọn đế quốc và tư bản thối nát của việc thay mặt anh, phân phát lương thực và nhu yếu phẩm cho các bạn đó là nhân việc phân phát, bọn chúng gián tiếp sỉ nhục hệ thống phân phối thực phẩm của chúng ta? Bọn chúng làm thế khác nào sỉ nhục khả năng cung ứng lương thực cho người dân của đất nước của những lãnh tụ đang ngày đêm bảo vệ cho hòa bình thế giới.

Đồng ý là Triều Tiên đã từng có nạn đói những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước. Vì đói, mà chúng ta chết 2.5 triệu người trên tổng số 23 triệu dân Triều Tiên. Có 11% dân số chết vì đói thôi chứ đáng đóe bao nhiêu mà bọn tư bản thối nát cũng thổi phồng lên? Các bạn phải nhớ, có chết ta cũng phải chết một cách vinh dự, chết một cách oai hùng. Không có cái chết nào vinh quang hơn là chết đói cho một sự toàn vẹn lãnh thổ và danh dự của người dân Triều Tiên. Các bạn thử nghĩ xem, trong khi dân chúng của các nước tư bản thối nát đang giãy dụa, chen lấn nhau để đi mua rau, mua củ quả vì quá sợ thịt gà, thịt bò và những đồ ăn nhanh gây béo phì. Thì ở chúng ta, xứ thiên đường này, ngày nào chúng ta chẳng được ăn rau, ăn cỏ và các đồ ăn nhiều chất xơ bổ dưỡng và an toàn cho sức khỏe. Chúng ta có hơi gầy, nhưng thà gầy vinh quang còn hơn là béo tủi nhục.


Có bạn sẽ thắc mắc, đấy là tại sao bọn em thì gầy, còn anh thì mập mạp? Anh xin nói luôn. Anh mập là để giữ thể diện quốc gia. Mặc dù dạo này đóe lãnh tụ nào thèm bắt tay anh, dưng anh vẫn duy trì cơ thể mập mạp thế này để nếu đi bắt tay bắt chân với các nguyên thủ khác để người ta đỡ chê nước mình đói kém. Mà anh nói luôn cho các chú đỡ thắc mắc, anh là anh bị tiểu đường và cao máu. Ăn ít mà mỡ nó vẫn nhiều, thế thôi, đừng hỏi lằng nhằng. Thằng nào thắc mắc anh bắt đừng kêu anh ác.

Túm lại, là sắp đến giờ ăn trưa rồi. Anh sẽ kết thúc bài tham luận đầy tính nhân văn của mình ở đây. Các bạn về, vắt tay lên trán suy nghĩ xem các bạn đã xứng đáng với vị trí công dân gương mẫu của một đất nước Triều Tiên đang bay lên rực rỡ chưa? Anh muốn các bạn hãy hãnh tiến mà tiến lên với đại đồng, và ưỡn ngực tự hào vì các bạn chính là con dân đất Triều, những người đang ngày đêm quật cường chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Các bạn cứ yên tâm, tất cả các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều trông vào các bạn. Dù có tỏ ra mặt hay không tỏ ra mặt, dưng anh đảm bảo toàn thể nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều hãnh diện vì mỗi quả tên lửa phóng lên từ nước ta.

Anh nói xong rồi, giờ các bạn có thể nhảy múa mừng bài tham luận của anh từ giờ đến chiều! Anh em an ninh để ý thằng nào không nhảy hay bỏ về trước thì đưa bọn nó lên xe đi vào trại tập trung phía Bắc cho anh.

Cảm ơn các bạn!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐỌc bên nhà thằng Phẹt:





Dưới đây là "Nhật ký của một công chức". Nhặt trên Net.

"7 giờ sáng: Mình mở mắt tỉnh giấc vì những tiếng léo nhéo vọng qua cửa sổ. Tiếng gì ấy nhỉ? À, trẻ con đi học. Ôi, tại sao đi học sớm thế mà bao nhiêu năm qua chúng nó không chết? “Thuở còn thơ sáu giờ sáng đến trường”. Nghĩ lại thấy khiếp thật. Rõ ràng mình chỉ là công chức quèn, không thể thành kẻ đánh thức toàn nhân loại vì muốn vậy phải dậy trước họ. Ngủ thêm chút nữa. Mặc kệ. Đời đằng nào cũng có quá nhiều đau khổ rồi. Nằm trên giường suy nghĩ: thế nào là tình yêu? Thế nào là cuộc sống? Thế nào là đồng lương?

7 giờ 30: Uể oải xỏ dép xuống giường. Lảo đảo đi xuống bếp. Cái gì trên bàn thế kia? Mì xào? Đúng, lại mì xào. Mình rên lên, ngã vật xuống ghế. Mình đọc báo mạng, thấy gần đây có những bà vợ giết chồng bằng cách đốt. Vợ mình dã man hơn, giết chồng bằng mì xào. Chả lẽ cuộc đời không còn gì để xào nữa hay sao? Ngồi xuống ăn, nước mắt cứ chực tuôn ra. Nhai sợi mì như nhai cơm. “Ai bảo chăn trâu là khổ?”, làm công chức khổ hơn nhiều. Đang nhai thì thằng con vào, nhắc sắp đến ngày đóng học phí. Khỏi phải nhắc, ta đang điên lên đây. Phải đập phá một cái gì, phải bóp nát cái gì. A, quả chuối đây rồi. Bóp ngay!

8 giờ: Thắng bộ đi làm. Cũng comple, cũng cà vạt như ai. Chỉ có cái bụng toàn mì xào rau là bí mật. Trời, hình như sắp mưa. Nhưng mình không mang ô. Chớ đứa nào dám nói sáng vác ô đi tối vác về.

Dắt xe ra khỏi cửa, phóng từ từ đến công ty. Đi đâu mà vội. Dù trời đất đổi thay thì công ty vẫn muôn đời còn đó. Ơ, đằng trước có một em áo hồng. Mình lao lên, huýt sáo. Đời vẫn có niềm vui. Em liếc sang cười. Mặt xinh nhưng răng... to quá.

8 giờ 30: Đến cơ quan. Leo lên phòng, mở cửa ra chả thấy ma nào. Biết ngay. Đành bưng bộ ấm chén hôm qua đi rửa. Pha trà uống. Nhăn mặt. Trà công cộng có bao giờ ngon.

Anh em lục tục kéo vào. Hỏi nhau ầm ĩ. Đêm qua “Bát xa” và “Rê an” ai thắng? Phải tìm cho ra kẻ thắng để trưa nay bắt nó khao.

Có tiếng chuông reo. Mở điện thoại ra. Anh đấy à? Cà phê không? Quán đầu đường. Cà phê thì cà phê. Việt Nam nằm trong top đầu sản xuất cà phê thế giới, không uống thì dẫn đầu làm gì?

9 giờ: Ra quán ngồi. Thấy toàn “gương mặt thân quen”. Không phải Mỹ Linh, không phải Phương Thanh mà toàn trưởng, phó phòng. Tươi cười thông báo cho nhau: hôm nay sếp đi họp. Thế thì chúng ta cũng họp. Sợ gì.

Anh em khoái cái quán này vì nó gần cơ quan, khỏi phải gửi xe. Đời công chức ít vận động nên cần đi bộ nhiều. Thêm em bưng nước rất xinh, này em, có muốn làm nhân viên tạp vụ không? Cũng bưng nước thôi mà.

Bà con trò chuyện râm ran. Tình hình Trung Đông. Tình hình Ấn Độ. Tình hình Triều Tiên. Tình hình cơ quan chả ai đả động vì ai cũng hiểu quá rõ. Buồn và êm đềm. Nghèo và nhẹ nhõm. Chậm chạp mà thanh thản.

10 giờ: Kéo nhau về cơ quan. Ai nấy ngồi vào bàn, xem lại công việc hôm qua. Hôm qua thì xem lại công việc hôm kia. Lúc nào chả bận.

Chợt một cậu chạy ào vào thông báo: hôm nay thứ sáu, có quán mới khai trương giảm một nửa. Cả phòng kéo nhau đi giảm 1 nửa...

1 giờ chiều: Về công ty. Pha trà uống. Kẻ khen rượu ngon. Kẻ chê thịt mèo nhạt. Riêng mình thấy rẻ là ok rồi...

1 giờ 30: Uống trà xong. Đóng các cửa phòng. Nằm trên bàn. Lại suy nghĩ về tình yêu và cuộc sống. Thiếp đi...

2 giờ 30: Choàng tỉnh dậy. Lại ngồi vào bàn. Xem lại những thứ đã làm buổi sáng. Lại pha trà uống cho tỉnh ngủ.

4 giờ: Chuẩn bị ra về. Thêm một ngày lao động bền bỉ. Chuông điện thoại reo. Anh em gọi ra quán Bảy Mập. Dê ở đó khá lắm. Nào đi. Dân chơi nào sợ mưa rơi".



Phần nhận xét hiển thị trên trang

XA HOI BA DAO:

Bài viết cảm động, về tâm sự cô dâu Việt Nam lấy chồng ở Đài Bắc, Hàn Quốc.: 


Ảnh minh họa


Những Giấc Mơ.


Có lúc trăng soi dạng lưỡi liềm, nhọn như dao, không khắc vào tim mà lòng vẫn nhói đau. Cũng có lúc trăng chênh chếch như giọt nước mắt khổng lồ thổn thức giữa bầu trời hiu quạnh đen tuyền màu u uẩn. Bao tiếng gió miên man rầm rì giữa hàng cây lá vẫn không làm trăng tươi. Trăng ủ rũ, trăng tư lự, trăng ngẩn ngơ buồn, trăng soi rọi tâm tư lũ con gái chúng tôi.

Tôi nằm bên chồng, nghe tiếng ngáy đều của anh mà thấy lẻ loi, cô độc vô cùng. Chợt thấy thương má, thương mình. Má đã bao nhiêu năm nằm một mình, hẳn má thấy lạnh lẽo, cô đơn trong đêm về tịch mịch. Nhưng còn tôi, hơi thở của chồng xoắn xít quanh đây mà sao sương đêm vẫn hoang lạnh?

Tôi phải tập yêu chồng tôi, vị cứu tinh cho đời sống chật vật của gia đình tôi. Điều này trên lý thuyết cũng không khó lắm. Nhưng trong trái tim ngoan cố của tôi, cho đến bây giờ sự biết ơn vẫn còn rõ nét hơn nỗi rạo rực yêu thương.

Tôi như hàng vạn người con gái Việt Nam về quê hương chồng Đài Bắc này để tìm một lối thoát cho cuộc sống vô vọng đã đeo đuổi chúng tôi ngay từ thuở lọt lòng. Quê mẹ nghèo quá, bàn tay mẹ gầy guộc quá, vì thế dù lòng mẹ có thật bao la cũng không giữ được lũ con gái chúng tôi ở lại vùng đất quê hương.

Tôi ra đời sau thời chinh chiến. Nhưng má luôn đăm chiêu thở dài, hòa bình đã về nhưng sao đất nước lại đìu hiu tiêu điều hơn lúc nào hết. Ánh mắt má ngày càng da diết nỗi sầu muộn. Sau ngày thống nhất là ngày hận thù được thăng hoa, ba phải đi vào tù cải tạo. Má là cô giáo một trường tiểu học. Đất nước thanh bình, ai cũng nghèo, người ta cần gạo cơm chứ đâu cần chữ nghĩa nữa. Má như một kẻ thua trận, gồng gánh đưa lũ con về quê ngoại. Má giã từ Sài Gòn nhốn nháo, giã từ dĩ vãng, giã từ cuộc sống an bình ngày xưa. Má tảo tần nuôi con, nuôi chồng. Rồi ba cũng về sau những tháng ngày lao tù học làm người của Xã hội Chủ nghĩa. Rồi tôi ra đời. Và rồi ba lại ra đi kiếm tìm tự do trên những con tàu chơi vơi. Ba đi tìm tương lai cho cả gia đình, nhưng ba đã không bao giờ trở lại. Ba đã yên nghỉ trong lòng đại dương. Đã không còn phiền não, không còn trầm tư trong đôi mắt ôn nhu ngày nào. Chỉ thương cho Ba, ra đi trước khi được về thăm quê nội ở bên kia bờ Bến Hải. (Tôi đã được nghe chuyện kể về một dòng sông nhỏ nhưng đã có một thời là lằn ranh ngăn cách lãnh thổ phía Bắc và vùng đất phương Nam). Ba ghé nhân gian ngắn ngủi nhưng để lại nỗi đau dài cho người cô phụ. Nụ cười hiếm hoi trên môi má đã tắt lịm từ ngày ba vĩnh viễn ra đi. Má vượt qua nỗi chết của tâm hồn, gắng gượng sống cho đàn con.

Má tôi vẫn mặc cảm, sợ lũ con thất học, cho nên vẫn cố gắng dạy chúng tôi học. Tựa như trong thời buổi gạo châu, củi quế, má bất lực không tìm được thức ăn đưa vào miệng mồm nên để bù lại má ra sức nhồi chữ nghĩa vào đầu chị em tôi. Bây giờ đôi khi nghĩ lại tôi vẫn thầm trách má làm những việc tào lao. Chút vốn liếng sách vở đã không đem được sự no ấm cho gia đình chúng tôi, có chăng chỉ rọi sáng tâm tư khắc khoải, nỗi hoài nghi trong một xứ sở đã thống nhất thanh bình. Nỗi bâng khuâng ngày càng lan tỏa, và cái nghèo túng như những mạng lưới chằng chịt, dù đã vùng vẫy chúng tôi vẫn không tài nào thoát khỏi sự bủa vây của túng quẫn, nhọc nhằn. Chị em tôi bó gối nhìn nhau, nhìn má ngày càng võ vàng vì những cơn bệnh trầm kha không phương tiện chữa trị. Để rồi một ngày, tôi vùng mình đứng dậy, đốt hết những giấc mơ vốn dĩ rất đơn giản đến tội nghiệp của mình, nhắm mắt, khép lòng đi tìm tương lai trong những nơi chốn lạ lùng. Ở đó chúng tôi đã hết là người, đơn thuần là những món hàng, quên hết kiêu hãnh ngượng ngùng, tôi đứng trơ khoe bày tấm thân thể ngà ngọc, danh từ má gọi yêu thương ngày nhỏ. Tại nơi chốn bát nháo đó, nơi mà ranh giới người và vật đã thật mờ nhạt, tôi gặp chồng tôi.

Chồng tôi thoát chết sau một cơn cháy lúc còn bé. Tai nạn này đã để lại những vết tích không xoá được trên gương mặt nhăn nhúm của anh làm cho anh có vẻ dữ dằn, hung tợn.

Cũng may là còn đôi mắt lấp lánh tình người, đôi mắt thật đôn hậu tương phản với nét cau có gây nên bởi những vết sẹo phỏng năm xưa. Cũng may là ngày đầu gặp gỡ, giữa chốn chợ người, anh đã không sờ soạng, nắn bóp tôi cho tôi quên đi cái mặc cảm mình là món hàng biết khóc, biết nói, biết đau, biết tủi.

Mãi sau này tôi mới biết tại sao chồng tôi đã chọn ngay tôi giữa bao nhiêu cô gái khác. Tôi đã biết tại sao anh đã chọn tôi mà không cần vạch mắt, căng miệng tôi ra khám xét như những người đàn ông khác. Tôi không đẹp nhưng tôi có cái may mắn nhang nhác giống cô láng giềng mà anh thầm yêu trộm nhớ ngày xưa. Sau này anh tâm sự, ngay khi chạm mặt tôi lần đầu anh đã giật mình tưởng được tao ngộ cùng cố nhân. Tất nhiên cố nhân đã thật xa ngoài tầm tay với của anh. Tất nhiên, người con gái ngày xưa đã chẳng bao giờ đoái hoài đến cậu thanh niên tật nguyền, dị dạng. Và bây giờ chồng tôi tìm niềm an ủi bên tôi. Đã bao nhiêu lần, tôi vẫn cám ơn Thượng Đế về sự trùng hợp huyền diệu này. Nó đã cho tôi cơm ăn, áo mặc, tiền thuốc men cho má và một mái gia đình với một người chồng dù dị hình, xấu xí, dù không đồng ngôn ngữ, không đồng quá khứ, dù gia đình chồng nhìn tôi bằng những ánh mắt lãnh đạm, đôi khi rõ nét miệt khinh. Mà có sao đâu những cuộc hôn nhân lệch lạc, má vẫn nói nghĩa vợ chồng bền chặt hơn tình yêu lãng mạn, mong rằng tôi và chồng tôi vẫn sóng bước đồng hành để trong đời sống của tôi không phải chỉ có những mất mát. Tôi nhớ ơn chồng nhưng chưa yêu anh được. Cho đến bây giờ mỗi lần ân ái, tôi vẫn phải nhắm nghiền mắt để che dấu nỗi e dè, ngại ngùng khi khuôn mặt nứt nẻ những vết thẹo dọc ngang của anh thật cận kề. Có lẻ vì chưa yêu nên tôi chẳng hề ghen tuông với người trong mộng của chồng. Hay khi người ta đã quá nghèo khổ, quá cơ cực, quá tuyệt vọng thì điều chúng ta băn khoăn nhất không phải là những yêu ghét giận hờn. Vả lại, ở xứ sở này, trong hoàn cảnh chúng tôi, cứ hãy ngu ngơ như cỏ cây, và phẳng lì như phiến đá để tâm hồn được an tịnh hơn là để những suy tư chao động cho lòng thêm chất ngất những niềm đau.

Tuy nhiên cái nghèo đói quá độ cũng có những khuyết điểm của nó. Cái nghèo đã như màn đêm dày dặc chôn kín giấc mơ tươi đẹp thời con gái. Những cánh đóm lập loè trên cánh đồng chết không có đủ sức để thắp sáng những giấc mơ đầu đời. Và những ngọn gió èo uột đã không chở nổi những suy tư của chúng tôi ra khỏi tầm hạn cơm gạo đói no. Hình như vì thế tôi đã đánh mất thói quen mơ mộng, có lẽ như thế lại hay.

Có những buổi chiều ra chợ, tôi thoáng gặp những đồng hương. Những cô gái thất thểu, mỏi mệt lạc lõng giữa rừng người. Tim tôi luôn nao nao nỗi xúc cảm, không phải vì đôi khi phát giác ra những vết tím bầm trên mí mắt vành môi của một hai chị bạn mà là nét đặc thù của nhân dáng Việt Nam trên thành phố Đài Bắc này; những chiếc bóng xiêu xiêu chịu đựng, những ánh mắt thảng thốt, hoang mang và buồn vô tận. Tôi tưởng tượng trong vô vàn cảnh vật, tôi khó mà lẫn lộn được những hình hài tang thương và lẻ loi đó. Các chị nhìn tôi ước ao thèm muốn: chị may mắn, một chồng một vợ. Còn tụi tui không hơn một món hàng hết qua tay người này lại đến tay người khác. Riết rồi không còn biết ai mới thật là chồng…Hay là: kiếp trước tui ở ác, nên bây giờ phải chịu nghiệp quả. Mà thật, tôi đã quá may mắn, tôi không bị đánh đập, không bị chuyền tay từ người đàn ông này qua người đàn ông khác. Nhưng tim tôi vẫn khắc khoải, hồn tôi vẫn cô đơn, tâm tư tôi vẫn chia xẻ niềm tủi nhục của những chị bạn. Có nơi nào trên trái đất tuổi đôi mươi đồng nghĩa với những đường cùng ngõ hẹp như ở quê hương tôi? Tất cả chúng tôi đều ôm ấp một niềm đau, chúng tôi đã không bao giờ có tuổi thanh xuân. Hạnh phúc là một từ trừu tượng, tương lai đồng nghĩa với bấp bênh, vực bẫy. Có ai hiểu những khuấy động trong tâm hồn đã chịu nhiều thương tổn của lũ con gái chúng tôi mà xót xa tội nghiệp?? Chúng tôi thường đọc thấy những nét rẻ khinh trong mắt người bản xứ, tôi thường phân vân tự hỏi mình đã làm gì nên tội ngoài cái tội dám mơ ước thoát cảnh khốn cùng. Chỉ mong sao những người cùng tiếng nói đừng khinh miệt những cánh chim phiêu bạt đáng thương của lũ chúng tôi.

Có những chiều nhìn từng đàn chim bay về cuối trời, đôi khi nghe tiếng cánh vỗ chấp chới hai tiếng “về đâu”, “về đâu”; tim tôi rưng rưng khóc. Ở quê nhà tôi cũng nghe tiếng chim kêu trong nắng chiều chập choạng nhưng không thê lương như ở quê chồng. Về đâu, biết đâu mà về. Chúng tôi đã nhận nơi này làm quê hương nhưng tại nơi này biết bao nhiêu thân phận đàn bà Việt Nam đã bị vùi dập. Còn quê nhà tuy không xa tít mịt mờ nhưng như đã khép lối. Tôi nhớ hoài những ngày tuổi nhỏ, bên thân cầu, nhìn đám lục bình lênh đênh giữa dòng sông, lòng cứ thầm hỏi những cánh hoa tim tím này sẽ trôi về đâu. Bây giờ, bâng khuâng nhớ lại những cánh lục bình ngày xưa, tôi chợt ngậm ngùi, số phận mình đã như đám lục bình nổi trôi. Ôi những mảnh đời trôi giạt giữa dòng đời vô tình, biết sẽ ra sao ngày mai.

Thật ra tôi vẫn còn quyến luyến quê hương mình. Một quê hương đã không biết nuôi dưỡng, bảo vệ những người con gái yếu đuối, đa cảm. Để trong đêm về trên thành phố Đài Bắc, có bao tiếng khóc Việt Nam, tỉ tê nức nở, khóc cho mình, cho những giấc mơ sớm bị tàn lụi. Lỗi về ai, trách nhiệm về ai? Trên đất nước không ai có can đảm nhận. Và từng đàn thiếu nữ tựa những thiêu thân vẫn cứ ào ạt ra đi như nước tràn thác lũ. Có bao nhiêu thiêu thân đã cháy rụi trong ngọn lửa hững hờ, và có bao nhiêu người được sự may mắn tình cờ như tôi.

Dẫu nhiều cay đắng, dẫu lắm oan khiên, quê hương ta đó, làm sao quên được.

Đến một ngày, tôi không có tháng, người uể oải, chếnh choáng với những cơn nôn mửa bất chợt. Rồi giật mình, mình sắp có con. Tôi nhớ mãi cái cảm giác ngất ngây trước những diệu kỳ của đời sống. Lần đầu tiên trong đời, lạc lõng nơi thành phố này, trong tôi có sự kết tạo, có nỗi chờ mong và một tình cảm tuy đang manh nha nhưng đã thật dạt dào, mãnh liệt. Đêm đã thôi âm u trầm mặc, ngày đã bớt lê thê muộn phiền. Tiếng khóc chào đời của con chưa rơi xuống trần, nhưng ước mơ hạnh phúc đã vội vã vươn cao. Ôi cái sinh linh nhỏ bé đang nhỏ từng giọt hồi sinh nhiệm mầu trên tâm hồn héo úa của tôi. Ngọn lửa đã được khơi dậy từ những tàn tro. Tôi đã sống dậy từ bao nỗi chết. Trong tôi bao phác họa muôn màu về một ngày mai khi đứa con bé nhỏ của tôi bước những bước thơ ngây vào đời. Tôi lại bắt đầu nuôi dưỡng những giấc mơ. Rồi từng ngày tháng trôi đi trong háo hức lẫn băn khoăn tư lự. Con chưa mở mắt, nhưng tim đã ấp ủ bao lời tâm sự của má. Quê hương Việt Nam ngàn trùng xa mà những điệu hò ru con đã rất nồng nàn quanh đây. Con sẽ được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ, bằng trái tim tha thiết tình hoài hương. Ước ao sao con sẽ yêu thương quê ngoại như má luôn trân trọng nơi chốn má chào đời.

Nếu một ngày nào, theo bước của ba, con về quê ngoại tìm người bạn đời. Con hãy nhìn bằng mắt và bằng tim. Đừng sử dụng đôi tay mà gây vỡ vụn những trái tim mảnh khảnh, nhỏ nhít, đáng thương. Tội lắm cho người con gái. Con có biết sau những nụ cười gần như vô cảm là những tiếng nỉ non, thút thít đến não nề, ai oán. Con có hay sau những thân thể toàn vẹn là những tâm hồn tơi tả với những đắn đo, sợ hãi, tủi hờn bởi quá nhiều giông bão chung quanh.

Má ao ước, một ngày con lớn khôn, má để dành được tiền, ta về quê thăm ngoại. Về quê má, con sẽ hỏi tại sao quê ngoại nghèo quá, sao quê ngoại tiêu điều, buồn bã quá. Sao những người quê ngoại mang đôi mắt xa xăm, u hoài, như mắt của má. Má cũng như con đã không bao giờ biết đến một thời trên quê ngoại, mùa giáp hạt cũng là mùa nụ cười nở trên môi mọi người. Tiếng sáo diều dập dìu trên khắp nẻo quê hương, tiếng cười đùa trẻ thơ đã gảy nên những tấu khúc tuyệt vời của làng quê năm cũ, những năm quê ta chưa có ngọn cờ. Ta có sẽ bao giờ nghe được giọng hò trong thanh trên những cánh đồng thênh thang trĩu nặng bông lúa vàng của những ngày đất nước thật sự thanh bình. Ngày ấy có những thanh niên thiếu nữ sẽ để giấc mơ đầu đời, giấc mộng tình yêu bay bổng vươn cao qua gió ngàn, mênh mang trải trên những cánh đồng bát ngát để thấy tình mình cũng đơm hoa như những cánh đồng ngập lúa. Ôi những giấc mơ no ấm, an hòa bao giờ ta sẽ có…

Lời ngoại kể về quê hương êm đềm của ngày xưa cũ như một chuyện cổ tích. Nhưng má vẫn nuôi niềm mơ ước về một ngày mai quê ta hết nghèo đói cho những người đàn bà Việt Nam không phải thân cò lặn lội đường xa, làm dâu xứ lạ với những ê chề như những người trong thế hệ sinh sau ngày chiến thắng của phương Bắc.

Má sẽ đặt tên con là Sinh, sự Hồi Sinh của niềm hy vọng tưởng đã lụn tắt sau bao gió bão. Má sẽ dạy cho con làm người Việt Nam thật sự, những người sanh ra từ bên này biển Thái Bình với tâm tư chất chứa hồn Quốc Toản, Bắc, Giang. Qua bao đói no thăng trầm, qua bao hệ lụy thử thách, xa quê hương, hướng về quê mẹ, má chợt thấy mình chín chắn trưởng thành, lòng yêu mến quê cha đất tổ trỗi dậy thắm thiết. Hơn bao giờ hết má thấy mình thật gắn bó với quê nhà lận đận.

Việt Nam, Việt Nam, quê hương xa xôi quá, còn có bao giờ nhớ đến chúng tôi ? Xin một ngày quê tôi thật sự an bình để những người con Việt Nam có thể trở về nơi đất mẹ. Ngày ấy những giấc mơ sẽ thật sự được trổi mầm, cho trái tim Việt Nam được xanh một màu hy vọng, cho con người Việt Nam được kết sáng những giấc mơ kiêu hãnh. Ngày ấy đêm Đài Bắc sẽ thôi không còn tiếng khóc của những thiếu nữ lạc loài. Ngày ấy chúng tôi thôi hết kiếp luân lưu nhục nhằn.

Xin một ngày, giấc mơ trở thành hiện thực!

Cấn Thị Bích Ngọc


Phần nhận xét hiển thị trên trang

TU LIEU:



Đi tìm mộ ông Nguyễn Hiến Lê
Trần Thị Trung Thu
- Mộ Nguyễn Hiến Lê hả? Chị không biết. Chị chưa nghe cái tên này bao giờ.

Chị Dương vừa nói vừa lắc cái đầu nhỏ nhắn làm đuôi tóc vẫy vùng sau lưng. Giọng nói nhẹ nhàng của cô gái miền Tây không chút giấu giếm và đùa giỡn. Nhìn sâu vào mắt chị, tôi biết chị nói thật.

Có lẽ nào, tôi tự nhủ trong lòng. Ông Nguyễn Hiến Lê mà chị ấy không biết sao. Tôi cứ nghĩ một vị học giả lẫy lừng như ông chí ít ai từng cắp sách đến trường đều biết. Huống hồ, chị là một nhân viên kế toán kiêm luôn chân giữ thư viện huyện mà lại lạ lẫm với cái tên quen thuộc ấy sao. Kỳ lạ! Ngửa mặt nhìn tấm bảng hình chữ nhật treo vững vàng trên bậu cửa, tôi nhẩm lại dòng chữ “Phòng Văn hóa Thông tin huyện Lai Vung - tỉnh Đồng Tháp”. Không lẽ nào.

Khi đọc xong cuốn “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, tôi nổi hứng muốn đi tìm mộ tác giả để thắp một nén nhang biết ơn. Nhớ có lần đọc trong một cuốn sách nói rằng mộ ông nằm ở Lai Vung, tôi phóng xe Honda đến đó. Tôi nghĩ, với một người có nhiều đóng góp cho nền văn hóa như ông, chắc sẽ có một khu mộ đàng hoàng mà chỉ cần hỏi nhỏ người dân ở đó là biết.Cho nên, ngay cả khi chị Dương nói một câu rất chân thật nhưng phũ phàng, tôi cũng không suy suyển lòng tin. Tôi tự an ủi, chắc chị nghe không rõ tiếng tôi, cũng có thể là chị chưa kịp nhớ ra. Tôi cẩn thận ghi tên ông ngay ngắn vào một tờ giấy rồi đưa chị đọc. Chị đọc đi đọc lại một cách chậm rãi như thể đầu óc đang làm việc hết công suất để sàng lọc từng milimet trí nhớ hòng tìm ra cái tên Nguyễn Hiến Lê. Cuối cùng, chị trả lại tôi mảnh giấy với nụ cười e lệ.


- Chị không biết thật rồi. Chắc anh Tú, trưởng phòng Văn hóa Thông tin biết. Để chị dẫn em vô gặp anh ấy nhé.

Tôi lẽo đẽo theo chị trong lòng khấp khởi mừng. Nếu quả thật người tôi đang đi tìm có ở Lai Vung và nổi tiếng như thế thì trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện biết là cái chắc. Anh Tú có phòng làm việc riêng, trên bàn chiếc máy tính nối mạng đang phát một bài nhạc cách mạng hào hùng. Sau khi nghe nguyện vọng của tôi, anh nhún vai nói giọng rề rà nhưng chắc nịch.

- Anh chưa nghe tên ông ấy bao giờ. Chắc em lầm với ông Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc rồi.

Tôi nhủ thầm, người miền Tây thích đùa và biết cách đùa khéo quá. Chắc anh ấy thử mình thôi chứ với chức vụ anh ấy mà không biết ông Nguyễn Hiến Lê thì còn ra thể thống gì nữa. Tôi cố nở một nụ cười hỏi lại anh bằng giọng nhẹ tênh: 

- Anh không biết ông ấy thật à?

- Thật mà. Ông ấy là ai vậy em? Anh hỏi lại tôi hết sức bình tĩnh như đang chờ được cung cấp thông tin về một con người xa lạ. Nhìn chiếc máy tính, tôi đề nghị: 

- Anh cho em mượn máy tính chút nhé? Anh đồng ý. 

Tôi gõ tên ông vào Google, cả một núi thông tin về ông xổ ra nhưng không có một chi tiết nào đả động đến chuyện mộ ông hiện ở đâu. Anh trưởng phòng đứng cạnh tôi nheo mắt chăm chú đọc. Cuối cùng anh à lên một tiếng: 

- Ông này cũng nổi tiếng dữ hen. 

Thấy anh có vẻ say sưa, tôi bỏ ra ngoài hiên ngồi mong nguôi ngoai cơn thất vọng đang dâng lên trong lòng. Có vẻ như ông trời cũng biết tôi buồn, nên đang nắng ngon lành, tự dưng đổ mưa xối xả. Cơn mưa giữa trưa đuổi bắt nhau trên những tấm tôn lúp xúp, xám màu. Mưa níu chân tôi lại nơi góc hiên thư viện. Ngồi xuống chiếc ghế đá lạnh lẽo, tôi tự hỏi mình còn cách nào không, còn mối quan hệ nào tôi chưa chạm tới để tìm ra mộ ông không. Tôi có cảm tưởng mình đang phiêu lưu trong khu rừng rậm rạp để tìm kiếm một linh hồn bí ẩn trên sách vở. Giây phút linh hồn mỏng manh kia vút lên trời cao khiến tôi thấy lòng hồi hộp một cách lạ kỳ. Tôi chỉ mới hỏi han hai người, quá ít để đi tới một kết luận. Hẳn phải còn một khe hở nào đó mà tôi chưa tìm ra.

Chợt nhớ bà cô dạy văn hồi cấp 3. Quê của cô ở Lai Vung thế nào cô cũng có chút thông tin về mộ ông Nguyễn Hiến Lê nếu nó thật sự ngự trị tại đây. Cô là người học cao hiểu rộng chắc sẽ giải đáp được thắc mắc cho tôi. Không chần chừ đến một giây, tôi hăng hái bấm số điện thoại của cô. Tiếng bên kia đầu dây đánh thức những dây thần kinh trong người tôi đến mức phấn khích như người chết đuối vớ được chiếc phao. Nhưng đôi khi, phao không đưa ta đến bờ được. Cô biết ông nhưng không biết mộ ông nằm ở đâu. Cô hứa sẽ gọi điện hỏi thăm bà con ở Lai Vung xem thử có ai biết không, và dặn tôi chờ.

Còn ai có thể trả lời câu hỏi của tôi đây? Nhà giáo không biết liệu nhà văn có hơn không? Nghĩ thế tôi không ngần ngại bấm số của một anh nhà văn. Tôi tin rằng giới văn nghệ sĩ rất rành mấy chuyện bên lề này. Anh bạn tôi là người hay giang hồ vặt, lại thêm dân miền Tây, chắc sẽ có những thông tin hay ho. Nhưng câu hỏi của tôi thuộc loại khó nuốt, anh biết rất rõ ông Nguyễn Hiến Lê nhưng cái vụ mồ mả thì anh bí. Anh nói sẽ gọi những bạn văn của anh để hỏi xem có ai biết không. Lại một lời hứa.

Đã hỏi hai “nhà” rồi, tôi hăng hái hỏi nốt nhà báo cho đủ bộ tam. Nhà báo đi còn ác liệt hơn nhà văn và giao thiệp rộng, sao lại không hỏi thử nhỉ? Đã mất công đi xuống tận đây thì lẽ nào lại đi về tay không? Tôi tìm số anh nhà báo quê miền Tây.Sau hồi chuông thứ nhất, anh bắt máy liền. Vừa nghe câu hỏi của tôi xong, anh đáp lại bằng một tràng cười sặc sụa. Có vẻ như chuyện tôi đang làm buồn cười lắm. Khi không lại đi tìm mộ một người không phải họ hàng thân thích, chưa một lần gặp mặt, chỉ biết qua những trang sách. Thật điên rồ! Cuối cùng, anh cũng nín được cười để trả lời tôi một cách rõ ràng và mạch lạc rằng không biết.

Ngoài kia mưa vẫn rơi, gió vẫn thổi, và tôi ngồi đây, lục tìm trong danh bạ số điện thoại của một người quen ở Đồng Tháp, bất chợt bàn phím ngừng ở số tổng đài 19001080. Tại sao lại không gọi nhỉ? Tổng đài là nơi giải đáp mọi thắc mắc từ quan trọng đến tầm phào mà. Hơn nữa, nơi ấy đâu chỉ có một cái đầu. Tôi bấm số tổng đài. Tiếng tút tút dài đằng đẵng kết thúc bằng giọng nhẹ nhàng của cô nhân viên. Nhưng nghe yêu cầu của tôi xong, giọng cô có vẻ khác. Tôi nghĩ rằng cô đã phải nhịn cười. Cô nói tôi chờ máy để cô tra cứu thông tin. Một phút. Ba phút. Năm phút trôi qua. Đến phút thứ sáu, cô nói rằng tổng đài của cô chưa cập nhật thông tin này và mong khách hàng thông cảm.Tôi có thể thông cảm và hiểu cho yêu cầu kỳ quặc này, nhưng sẽ thật là có lỗi với người đã khuất khi ông mất đến nay là tròn 25 năm. 25 năm mà chưa cập nhật thì bao giờ mới cập nhật đây? 

Chị Dương thấy tôi cầu cứu hết mọi nơi mà không kết quả gì cũng ái ngại giùm tôi. 

- Em tính đi đâu bây giờ?

- Em cũng không biết nữa. Tôi nghĩ đến đoạn đường về.

- Em có muốn về nhà chị ăn cơm không?

Có người nhắc, tự dưng cái bụng tôi đâm ra dở chứng. Tôi biết người miền Tây rất hiếu khách nhưng không ngờ hôm nay lại được mục kích sự hào sảng ấy. Cớ gì lại từ chối lòng tốt của một người như chị nhỉ?

- Em không làm phiền chị chứ?

- Phiền gì đâu. Về cho biết nhà. Sau này có xuống Lai Vung thì ghé nhà chị chơi.

Trời đã tạnh. Cơn mưa ban trưa như gột rửa cái nóng mùa hè, để lại những vũng nước loang loáng trên đường. Chị chạy xe đi trước, tôi rà rà theo sau. Mái tóc chị bay bay trong gió làm tôi nhẹ lòng. Nếu chuyến đi này không tìm được mộ ông Lê thì ít nhất, tôi cũng có thêm được một người chị dễ thương. Tóm lại là không lỗ.

Từ phòng Văn hóa Thông tin đi chừng 2 km nữa là tới nhà chị. Ngôi nhà lá nằm im ắng bên đường quốc lộ. Cả nhà đang xem ti vi nên không ai chú ý đến tôi. Mọi người chỉ lao xao về tôi khi nghe tôi hỏi mộ ông Nguyễn Hiến Lê. Ba má chị là người sống gần hết một đời ở đây cũng không biết mộ ông ở đâu. Thấy vậy, tôi không hỏi thêm ai nữa. Tôi còn nhớ lời tựa của ông Nguyễn Hiến Lê mở đầu cho cuốn Đông Kinh Nghĩa Thục có đoạn như sau: “Mà có bao giờ người ta nghĩ đến việc thu thập tài liệu trong dân gian không? Chẳng hạn khi một danh nhân trong nước qua đời, phái một người tìm thân nhân hoặc bạn bè của người đã mất, để gom góp hoặc ghi chép những bút tích cùng dật sự về vị ấy, rồi đem về giữ trong các thư khố làm tài liệu cho đời sau. Công việc có khó khăn tốn kém gì đâu, mà lại có lợi cho văn hóa biết bao. Có như vậy các người cầm bút mới có tài liệu để soạn sách, còn như bây giờ thì một nhà văn Việt viết tiểu sử Tản Đà còn khó hơn viết tiểu sử của Molier, của Shakespeare, của Tolstoi. Thực là ngược đời nhưng rất dễ hiểu. Vì tra cứu ở đâu bây giờ để viết về đời sống của Tản Đà?” Thật không ngờ, điều ông luôn canh cánh trong lòng đến khi mất lại vận vào chính đời ông. 

Tôi đi tìm nơi an nghỉ của ông chỉ vì lòng kính trọng. Theo tôi, ông là một trí thức thứ thiệt lúc nào cũng trăn trở vun vén cho văn hóa nước nhà. Ông đã góp vào nền văn hóa Việt Nam một số lượng tác phẩm đồ sộ gấp bốn lần thời gian ông làm việc. Nhưng quan trọng hơn, đó là nhân cách sống của ông: giản dị và tự trọng. Một con người như thế rất đáng để tôi đi tìm và thắp một nén nhang chứ. Có điều, tôi vô duyên, không tìm được mộ ông dù biết là ông chỉ nằm đâu đó quanh đây. Tôi biết ông qua một người thầy đáng kính. Đúng rồi, người thầy của tôi. Sao tôi không nghĩ ra nhỉ? Tôi cuống quýt gọi điện, thầy cười nói đi mà không rủ, ra nông nỗi này ráng chịu. Thì thầy cũng chưa tới mà, xem như chuyến này em đi dò đường trước, lần sau dẫn thầy đi mới ngon lành chứ. Thầy cười ha hả bảo được, rồi nhắn cho tôi địa chỉ mộ ông. Tôi hí hửng chạy lại khoe với chị Dương cái tin: “Mo Nguyen Hien Le o chua Phuoc An – gan nga tu Cai Buong, Vinh Thanh, Lai Vung”. Cả nhà chị xúm xít quanh tôi khi nghe nói tôi đã tìm ra nơi an nghỉ của ông. Tôi sung sướng đọc to rồi hồ hởi hỏi đường đi đến đó, nhưng lạ thay, tôi đọc xong mà chẳng ai hiểu đó là đâu. Cuối cùng, ba chị Dương đoán một hồi mới rõ đó là ngã tư Cai Bường, thuộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò chứ không phải Lai Vung. Té ra, cả cuốn sách tôi đọc lẫn tin nhắn của thầy đều sai tên huyện. Ba chị Dương dặn:

- Từ Lai Vung con đi thêm khoảng 10km nữa dọc theo quốc lộ 80 là sẽ tới ngã tư Cai Bường. Tới đó con hỏi chùa Phước Ân ai cũng biết hết. 

Từ biệt ngôi nhà thân thiện, tôi tiếp tục cuộc khám phá. Mưa bắt đầu nặng hạt quất vào mặt, vào mũi, vào áo mưa ràn rạt nhưng tôi không cảm thấy rét buốt. Có điều gì đó cựa quậy trong lòng, vừa đê mê vừa khấp khởi. Tôi thấy con đường trắng xóa trong màn mưa như những bông tuyết bay lững lờ trong không trung. Giọt mưa nào ngọt ngào rớt lên môi mắt tôi. Giọt mưa nào tắm mát tâm hồn tôi. Đường mưa vắng tanh không một bóng người. Tịnh như chốn này chỉ có mình tôi và linh hồn ai đó đang luẩn khuất trong mưa, hí hửng và reo vui. 

Vĩnh Thạnh nghèo nàn và ướt át chào đón tôi. Từ ngã tư Cai Bường rẽ tay trái vào hơn 1km đường đất nữa là tới chùa Phước Ân. Con đường len lỏi qua những vườn cây ăn trái xanh mướt và một cây cầu gỗ bắc ngang con kênh. Nhà dân nằm im lìm dưới tán lá như trái chín giấu mình sau vòm lá. Không khí thuần khiết hòa vào hương xoài dịu êm khiến tôi ngẩn ngơ. Người thiên cổ về chốn điền viên này nằm, sáng nghe tiếng chuông chùa, chiều nghe tiếng sóng vỗ, làm tôi cũng phát ham. 

Chùa Phước Ân hiện ra trước mắt tôi vừa trang nghiêm lẫn thân thiện. Ngôi chùa đơn sơ ẩn hiện sau lớp lá bồ đề lóng lánh nước mưa. Tôi dắt xe chầm chậm qua sân chùa. Không một bóng người. Không gian im ắng. Đang khi tôi không biết hỏi ai thì có một bà cụ đi ra. Bà mặc áo nâu sòng, mái tóc đã hoa râm. Tay bà cầm cỗ tràng hạt đang lẩm bẩm tụng kinh. Nghe tôi hỏi mộ ông, bà nói: 

- Ông Lê viết sách chứ gì? 

- Vâng ạ.

Nhìn tay chân tôi tím tái, bà lặng lẽ mời vào phòng khách. Trong gian phòng ấm cúng bên ly trà nóng, bà cụ hỏi tôi có bà con thân thích gì với ông ấy không? Sao lại đi thăm mộ lúc trời mưa gió như thế này? Làm thế nào mà biết ông nằm ở đây? Tôi ngồi hầu chuyện bà cụ một hồi đủ để giải thích cho bà hiểu tôi chẳng là gì của ông cả và đi tìm mộ ông chỉ để thắp một nén nhang vì lòng mộ mến thôi. 

Nghe xong bà cười, rồi bà kể tôi nghe chuyện cách đây khoảng một tháng, cũng có cậu sinh viên đến viếng mộ ông ấy. Cậu ta còn mua trái cây, đèn nhang cho ông ấy nữa. Bà chưa đọc sách ông nên hỏi ông ấy viết sách hay lắm sao mà mất lâu thế vẫn còn có người nhớ đến. 

Tôi trả lời ông ấy không những viết hay mà còn rất hữu ích nữa. Nghe thế, bà dẫn tôi vào chánh điện, nơi khung ảnh ông Nguyễn Hiến Lê được treo bên cạnh người vợ thứ hai của ông, bà Nguyễn Thị Liệp. Sau khi ông mất, bà Liệp xuất giá đi tu và trước khi bà mất, bà nói con cháu hãy đem ông bà về đây an nghỉ.Phía sau lớp kính mờ ảo, nụ cười ông vẫn tươi rói và đôi mắt dường như vẫn dõi theo trần đời. 

- Đi theo bà, bà dẫn cháu ra mộ ông ấy. 

Bên trái chùa có một khoảng đất rộng dành cho những người đã qua đời an nghỉ. Ngôi mộ ông Nguyễn Hiến Lê nằm lọt thỏm trong số khoảng 20 ngôi mộ khác. Không có gì đặc biệt cho thấy đó là ngôi mộ của một con người lỗi lạc. Nó nhỏ nhắn và giản dị như chính cuộc đời ông. Cạnh mộ, hoa đổ nhang tàn.

Tôi cắm vào lư hương nén nhang thành kính. Hương trầm tỏa bay. Cay cay khóe mắt. 

T.T.T.T



Phần nhận xét hiển thị trên trang