Từ lâu, Tết có lẽ chỉ còn là sự háo hức trông chờ đối với trẻ nhỏ. Với người lớn, đặc biệt là với những phụ nữ đảm nhiệm vai trò nội trợ phải đi sắm sanh, dọn dẹp, nấu nướng, Tết chỉ gắn liền với những từ như mệt mỏi và cảm thấy tiền như mọc cánh bay vèo ra khỏi ví mình mà thôi.
Một chị ở Hà Nội có thâm niên ba mươi năm làm dâu một bà mẹ chồng sống theo nề nếp cổ nói với tôi ngần ấy năm làm dâu, chưa Tết nào chị ấy cảm thấy thực sự thư thái thoải mái cả. Vấn đề không nằm ở chỗ chị bị soi mói bắt bẻ bởi cảnh mẹ chồng con dâu mà là chị ''được nhẹ nhàng'' lãnh trọng trách lo mua bán nấu nướng cỗ bàn, cúng lễ bắt đầu từ ngày 23 ông Công ông Táo, cỗ tất niên, cúng giao thừa....trở đi.
Năm nào mẹ chồng chị cũng yêu cầu phải đầy đủ lệ bộ bánh chưng, giò chả, xôi gà, thịt đông, canh măng lưỡi lợn, bát canh bóng thả, rồi hoa quả bánh kẹo rượu bia nước ngọt, hạt dưa hạt bí... cái gì cũng phải mua ê hề đầy đủ và nấu sao cho thật ngon lành tươm tất để mấy ngày Tết ''cả nhà có cái mà ăn''.
Chị không dám phàn nàn bổn phận dâu con trong nhà, chỉ thấy công sức mình bỏ ra nào dọn dẹp, đi chợ, nấu nướng không được các thành viên trong gia đình hưởng ứng như mẹ chồng chị vẫn nghĩ. Phải nói rất khách quan là càng ngày những món ăn truyền thống ''bất di bất dịch'' trong mấy ngày Tết không phải là một cái gì đó khiến ai ai cũng háo hức, thèm thuồng trông đợi để được ăn như hồi xưa nữa.
Người nhà chán cỗ đã đành, khách đến chúc Tết gặp bữa mặc dù gia chủ nhiệt tình mời mọc chèo kéo cũng tìm mọi cách chối từ vì chính gia đình họ cũng lại bánh chưng, giò lụa, xôi gà, canh măng....Đồ ăn thức uống dọn ra lại bê vào chất đầy tủ lạnh, vài lần hâm đi hâm lại khiến không còn ngon lành hấp dẫn nữa và....bỏ vào thùng nước gạo! Phí không để đâu cho hết phí mà không nhiều người đủ ...dũng cảm để ''cãi'' lại truyền thống. Năm sau lại lặp lại y hệt như thế khiến người nội trợ trong gia đình mệt đờ đẫn suốt Tết mà đồ ăn cũng chỉ có một chỗ để quy tụ ấy là cái thùng nước gạo!
Đối nội trong gia đình thì như thế, việc đối ngoại cũng khiến nhiều người méo mặt không kém vì sự chạy đua mua quà Tết biếu xén đủ các loại mối quan hệ mà chủ yếu là các sếp của hai vợ chồng và các thầy cô giáo chủ chốt của các con.
Đường phố những ngày này đông nghẹt xe ô tô và các phương tiện đi lại khác. Người ta mua nhanh bán chóng dưới cái rét ngấm từ trong ngấm ra, từ ngoài ngấm vào của tiết trời Miền Bắc. Mua cho nhanh để còn hối hả đi biếu. Thôi thì tùy đối tượng mà biếu sao cho phải, và cho phù hợp với tình hình. Năm nào thì cũng có lệnh nọ lệnh kia về việc không biếu xén quà cáp cấp trên, nhưng càng có những lệnh như thế, cái sự biếu quà càng trở nên kín đáo và...phức tạp hơn. Chả ai nói ra mà ai cũng biết về việc này, cuối cùng thì mọi sự vẫn nguyên xi, người đi biếu hể hả đằng người đi biếu, người nhận quà biếu vui vẻ phấn khởi đằng người nhận quà. Năm nào cũng vậy. Chưa thay đổi được gì nhiều, ít nhất là trong năm nay!
Không biết từ bao giờ, sự biến tướng của bao lì xì đã góp phần làm méo mó nhận thức của không ít trẻ nhỏ về Tết cổ truyền của dân tộc. Người lớn mượn việc lì xì để hợp thức hóa việc biếu xén. Trẻ con nhiều nhà ''đo'' giá trị của bao lì xì bằng số tiền có ở trong bao. Sự hồn nhiên của con trẻ khiến chủ nhân của những bao lì xì tượng trưng để lấy may đúng cái nghĩa nguyên thủy của hồng bao dở khóc dở cười. Với tuyệt đại đa số những người lao động bình thường thì không đủ sức rải lì xì với mệnh giá lớn với mọi đối tượng, mà để bao lì xì của mình mỏng manh quá xem chừng cũng không tránh khỏi những tình huống đưa lì xì cũng dở mà không đưa thì cũng thấy ....sao sao đó. Hy vọng năm nay nhiều người lớn sẽ bớt được sự lúng túng khó ăn khó nói vì nhiều ông bố bà mẹ đã nhận ra được điều này để nhỏ to chỉ bảo cho con em mình.
Tết tốn kém. Tết mệt mỏi. Tết nửa mếu nửa cười. Vậy mà chưa hết, Tết còn là dịp để cho phần lớn các quý ông uống rượu triền miên nữa. Không Tết năm nào ở nước ta không có những tai nạn giao thông liên quan đến việc uống rượu. Người điều khiển xe máy uống rượu rồi chở vợ chở con đi chúc Tết và chơi xuân nguy hiểm đã đành, người điều khiển xe bốn bánh mà uống nhiều rượu còn nguy hiểm hơn gấp bội. Biết là biết vậy nhưng người ta vẫn có rất nhiều lý do để mời, để ép nhau uống rượu và cũng có rất nhiều lý do để không thể chối từ việc nâng ly cạn chén.
Trở lại câu chuyện của người phụ nữ đã nhắc đến ở đầu bài viết, chị nói không bao giờ mẹ con chị có thể quên cảnh chồng chị uống rượu triền miên từ 26 Tết cho đến tận mồng 2 mồng 3 mà không ăn cái gì vào người. Người anh rũ ra cứ uống đến say rồi ngủ, tỉnh dậy lại uống, uống rồi không ăn...cứ cái vòng luẩn quẩn đó và kết thúc là mẹ con chị phải gọi xe cấp cứu.
Vậy là người phụ nữ ấy không hề có Tết. Chị quần quật dọn dẹp, mua sắm, nấu nướng, tiếp khách đến nhà chúc Tết và lo lay gọi ông chồng say khướt hy vọng ông ấy ăn cho một chút gì đó vào người...
Tiếc là chị không phải là người đàn bà duy nhất khốn khổ vì Tết theo kiểu ấy. Người viết bài này có thể khẳng định chắc chắn điều đó!
Có lẽ đã đến lúc phải nhìn nhận lại về việc ''ăn Tết'' hay ''vui Tết'' của chúng ta sao cho mọi nhà có một cái Tết vui vẻ đầm ấm đúng nghĩa. Một cái Tết không lãng phí tốn kém, một cái Tết mà chị em phụ nữ được thảnh thơi vui vẻ một cách thực sự, trẻ con được hồn nhiên chơi đùa, các ông chồng mạnh khỏe tỉnh táo có lẽ là cái đích phấn đấu của nhiều người trong chúng ta.
Saomai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét