Đặng Thơ Thơ
Nguyễn Hoàng Anh Thư , sinh ngày 29- 9- 1975, quê quán Thừa Thiên Huế.
Theo học THPT Quốc Học Huế và Đại Học Sư Phạm Huế, khoa Ngữ Văn.
Hiện là giáo viên trường Đồng Khánh – Hai Bà Trưng- Huế
Bắt đầu viết văn, làm thơ từ tháng 7 /2013.
Tác phẩm : Một Trang Cổ Sơ – tập thơ (nxb Thuận Hóa -07/2014)
Theo học THPT Quốc Học Huế và Đại Học Sư Phạm Huế, khoa Ngữ Văn.
Hiện là giáo viên trường Đồng Khánh – Hai Bà Trưng- Huế
Bắt đầu viết văn, làm thơ từ tháng 7 /2013.
Tác phẩm : Một Trang Cổ Sơ – tập thơ (nxb Thuận Hóa -07/2014)
Đặng Thơ Thơ (ĐTT) - Anh Thư khởi đầu với thi ca và sau đó viết truyện chớp. Quan niệm của Anh Thư về truyện chớp như thế nào? Về cái gọi là sự lai tạo, hay khoảng lưng chừng, nếu có, nằm giữa thơ và truyện ngắn của truyện chớp, theo Anh Thư, có hay không? Hay những gì Anh Thư đã và đang viết, là một hình thức phá thể loại?
Nguyễn Hoàng Anh Thư (NHAT) - Ban đầu tôi viết thơ, nhưng ý định viết truyện đã cùng song hành với thơ. Chỉ là viết trước và sau thôi.
Truyện chớp thì thiên về cảm nhận, những dòng lột tả nội tâm từ ngoại cảnh. Hầu như cốt truyện của truyện chớp không có hoặc có thì nó rất đơn giản, đơn giản đến mờ đi, và ở đó cảm nhận người đọc sẽ bị cuốn theo sự xâu chuỗi không thể dứt của mạch truyện. Mặt khác, truyện chớp hầu như ít đi vào miêu tả chi tiết dài dòng mang tính khắc họa hình ảnh nhân vật. Người viết truyện chỉ điểm phớt những lời thoại, những chi tiết rất nhỏ nhưng lại có tính khái quát cao về việc tái hiện hình ảnh.
Truyện ngắn trước đây thường nệ thực, là các câu chuyện có xu hướng ngắn gọn, súc tích và hàm nghĩa, thông thường xây dựng tình huống truyện luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất của nghệ thuật viết truyện ngắn. Còn tôi thì không đặt nặng yêu cầu đó trong mỗi truyện mình viết. Điều tôi cần là truyện cần phải cuốn cảm xúc của người đọc.
“Về cái gọi là sự lai tạo, hay khoảng lưng chừng, nếu có, nằm giữa thơ và truyện ngắn của truyện chớp.” Theo tôi thì nó có, trong truyện của mình thì tôi hay dùng hình ảnh và lối diễn ngôn “rất thơ,” và đặc biệt kết thúc truyện cũng hàm ẩn sâu như thơ. Tôi thường tạo ra một khoảng trống đằng sau mỗi lời văn, hình tượng, biểu tượng…, có thể tạo cho người đọc một sự suy diễn trong im lặng.
Tôi muốn tạo cho mình một lối viết có thể trước đó ít ai viết. Một lối văn gọn và đầy chất thơ. Còn truyện chớp thì vẫn nhiều người đang viết đó thôi, nhưng mỗi người có một hướng khai phá riêng.
ĐTT– Anh Thư có thể chia sẻ kinh nghiệm viết, làm cách nào giải quyết xung đột giữa yêu cầu về kỹ thuật với sự điên cuồng của cảm hứng, giữa não bộ trái và phải, giữa sự hoang dã, tự do, hỗn loạn của sáng tạo và nhu cầu kiến trúc tất cả thành một tổng thể hợp lý, tự tại, và thống nhất về mặt nghệ thuật?
NHAT– Khi viết thì tôi thường muốn thoát khỏi tất cả sự ràng buộc về những lí luận. Tôi muốn chạm mỗi thứ một ít (có thể gọi là sự pha trộn để tạo ra cái mới). Tôi đã để kỹ thuật tự do kiểu như họa sĩ phác những nét cọ trên những bức tranh siêu thực. Tôi sợ lối viết gò chữ, gò cảm xúc của mình theo một khuôn mẫu nào đó. Nhưng cái cuối cùng mà tôi muốn có trong tác phẩm của mình thì lại là những bức tĩnh vật rất hoàn hảo. Hình như tôi mạnh về não bộ trái nhiều hơn.
ĐTT– Có sự khác biệt trong tác phẩm của một nhà thơ viết truyện và của một người chỉ viết truyện mà không hề làm thơ, về ngôn ngữ, hình tượng, hình dung, cảm nhận, cấu trúc tinh thần, chủ đề, giọng kể?
NHAT– Sự khác biệt đó thể hiện qua từng lời văn. Người làm thơ hay viết truyện với lối văn súc tích, hàm ẩn và đặt biệt chú ý đến cả âm hưởng của câu văn. Tôi thường khắc họa hình tượng mà không hề miêu tả trực tiếp, hay tả thực. Hầu như đó chỉ là những dòng văn cảm nhận và hình dung của tự người viết hoặc từ nhân vật. Chủ đề truyện giống như là thơ , những băn khoăn day dứt về con người, về cuộc sống hiện tại. Cuộc sống đi vào truyện phải được chuyển tải bằng thứ diễn ngôn thơ thì tuyệt hơn nhiều là ngôn ngữ trần trụi.
Về cấu trúc tinh thần, nhiều khi tôi muốn xây dựng truyện theo hình dạng một khối lập thể có trục xoay ý tưởng, mỗi mảng là một lựa chọn của cảm hứng, thả rơi cảm xúc tự do và kết nối nhau từ ý tưởng của truyện . Người đọc phải kết nối từng mảng theo nhiều chiều (hiện tại, kí ức, mâu thuẫn giằng co từ nội tâm nhân vật…). Có truyện thì kết cấu như những bậc thang. Câu chuyện cứ thế bước lên bước xuống trong chừng ấy nhưng kết thúc lại là bậc cuối cùng và chực ngã. Tôi muốn tạo ra một điều gì đó trong khoảng hẫng hụt, nuối tiếc, hay đồng cảm với đau đớn của con người.
ĐTT– Có thể nói truyện của Anh Thư như sự khuếch đại xúc giác, thị giác, vị giác đến mức cực cảm, từ một tế bào sống, một ấu trùng, một bột phấn, và mở rộng thành sự bao trùm của một điều bí ẩn không thể nói ra? Và truyện của Anh Thư không tìm cách giải thích những bí ẩn mà chỉ là đưa ra một kinh nghiệm sống với điều bí ẩn bằng những hình tượng và suy tưởng mới mẻ? Đã có độc giả nào “than phiền” về điều này chưa, không đọc thấy truyện mà chỉ “đọc” cảm giác (Nướng Vị Giác)?
NHAT- Tôi đã thấy, đã từng bị ám ảnh nhiều về những bức ảnh người ta thích thú ăn, nếm, thưởng thức những món thật kinh dị (cảm nhận riêng của bản thân). Ví dụ như: ve rang muối, bọ xít chiên giòn, tiết canh rắn, rượu từ cao vượn, thịt chó… và nhất là tiết canh, tôi không thể nhìn được khi người khác ăn, có thể tôi sẽ nôn mất. Thế là tôi đã dùng những hình ảnh để chắp ghép những suy tưởng của mình để tái hiện lại từng vi mạch li ti của cảm giác. Nhiều người đọc truyện của tôi, họ nói rằng, truyện của tôi đưa đến một cảm giác như thể là đang nhai, đang nghiền từng chữ để hiểu hết những gì tôi viết. Truyện “Nướng vị giác” là một ví dụ, ở đó tôi muốn đề cập tới một vấn đề đó là con người thường hay tò mò và muốn nếm thử tất cả theo bản năng. Sự thật thì cuộc sống chẳng ý nghĩa gì khi ta không biết lật lại mặt trái của những điều đó.
Đúng như nhận định từ chị: truyện của Anh Thư như sự khuếch đại xúc giác, thị giác, vị giác đến mức cực cảm, từ một tế bào sống, một ấu trùng, một bột phấn, và mở rộng thành sự bao trùm của một điều bí ẩn không thể nói ra.
ĐTT- Đọc truyện Anh Thư có thể là hành trình đi vào trong thế giới vi mô, đi vào những không gian mênh mang của những thứ cực tiểu: côn trùng, ký sinh, bột phấn, trứng sâu bọ. Viết như vậy có phải là sự rút sâu vào bản thể, một sự ép mình thật nhỏ để nhìn vào sự không cùng của vô cực, và một hành trình chống lại cách viết dữ dội phát tán kiểu tuyên ngôn?
NHAT– Chị hỏi làm tôi nhớ lại, có một lần tôi gửi truyện của mình đến một tạp chí trong nước, người biên tập khen: em viết truyện về côn trùng hay đó, cứ phát huy, mảng truyện về côn trùng cho thiếu nhi hiện nay ít người viết. Tôi không biết là nên cười hay mếu với lời khen đó. Thật ra, tôi rất thích sự lựa chọn ý tưởng lạ và mượn các hình ảnh côn trùng để thể hiện điều ấy. Tôi cảm thấy mình đã co lại và nhập thân trong kiếp sống nhỏ nhoi và bí ẩn của côn trùng. Một vòng tròn nhỏ nhoi, một kiếp sống mong manh nhưng sợi dây níu lại thật là bền bỉ. Nếu trải nghiệm được sự cô độc, con người ta có thể nghe được cả nhịp thở của loài côn trùng. Đôi khi đó là thế giới của tiềm thức, nó nằm ngoài sự lý giải của lý tính. Nhiều câu chuyện như đang im lặng để lắng nghe sự chuyển động rất nhỏ như những cái lách da để lớn lên và thay đổi. Tôi gọi nó là “phục sinh” (trong “Câu chuyện của nàng và lũ ve sầu”)
Còn về cách viết “phát tán kiểu tuyên ngôn,” tôi thấy thật phản cảm khi gọi nó là văn chương nghệ thuật.
ĐTT– Theo Anh Thư, viết có phải sự đi tìm, như Eudora Welty nói, “Write about what you don’t know about what you know” (viết về điều mình không biết của điều mình biết)? Những nhân vật trong Bữa Tiệc Ngoài Trời,”“Nướng Vị Giác,” “Cái Xác Liệm đã được Dự Báo Trước,” “Con Bửa Củi,” “Câu Chuyện của Nàng và Lũ Ve Sầu,” tìm thấy gì qua hành động ăn, nuốt, hay sự tiêu thụ của con người? Có thể đọc những truyện này theo một ẩn dụ nào khác nữa?
NHAT– Khi viết, tôi muốn truy vấn thật nhiều về sự tồn tại, về đớn đau, về thân phận, về quyền lực, về mặt nạ… về tất cả những gì mà tôi muốn con người hiện đại chưa nhận ra và buộc phải nhận ra. Cuộc sống đang diễn ra trước mắt tôi, thực tại thì vẫn còn rất nhiều con người sống bản năng. Và hàng ngày đập vào mắt mình, buộc mình phải suy nghĩ để viết lại, tái hiện lại những cảm nhận của bản thân về hành động ăn, nuốt, tiêu thụ của con người. Nó cứ như là tôi muốn nói với họ rằng: “cứ ăn đi, nuốt đi… để thỏa mãn cơn đói khát của cơ thể, rồi chết.”
Có thể có ẩn dụ khác khi người đọc mở rộng không gian suy tưởng của tác giả. Đi tìm ẩn dụ là một phản xạ tự nhiên của độc giả , tùy cảm thức văn chương hoặc xã hội… mà ẩn dụ nếu có sẽ hiện hình (điều này vì có một vài lí do mà tôi không thể diễn giải cụ thể).
ĐTT– “Người Quen” là một truyện chớp với hình ảnh, chuyển động, đối thoại, âm thanh, màu sắc, và những câu nói bất chợt để cạnh nhau tưởng như tùy tiện, hoặc rời rạc. Nhưng hiệu ứng khi đọc xong là một sự nhập lại tức thời các mảnh. Anh Thư có định khai triển tiếp phong cách “truyện lập thể” này?
NHAT– Đúng vậy, truyện này giống như một cơn hôn mê dài. Những hình ảnh, chuyển động, âm thanh màu sắc được tái hiện lại rất nhỏ và ít, rời rạc (tưởng chừng như quá yếu ớt của cô gái) chỉ để muốn thể hiện rằng cô gái đang muốn níu lại sự sống. Cô ấy đang giằng co giữa sự sống và cái chết. Chỉ có sự thức tỉnh từ lý trí cô gái mới vượt qua được sự trầm uất mà cô đã phải trải qua khi nỗi đau quá lớn. Tôi muốn để sự giằng co đó thể hiện trong sự chảy dài của nỗi đau. Kí ức và thực tại, tình yêu và vết cắt của cô gái tôi để mặc nó chảy như chiếc đồng hồ cát. Và đợi nó dừng lại từ sự tự vực dậy của khát vọng sống.
Sắp tới, tôi định in tập truyện lấy nhan đề là “Người Quen,” bởi tôi muốn ai đọc nó cũng có thể nhận ra được một phần của mình trong đó. Và tôi sẽ tiếp tục khai triển phong cách truyện “lập thể” này trong tương lai.
ĐTT– Cám ơn Anh Thư về cuộc nói chuyện này. Mong được đọc những sáng tác mới và sắp xuất bản của Anh Thư.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét