Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Những ngộ nhận về trích dẫn & đạo văn ở VN


Đọc bài báo trên Người lao động (1) tôi càng hiểu hơn tại sao nạn đạo văn ở VN quá nhiều. Ngay cả giảng viên, quan chức cao cấp trong đại học, và những người "cầm trịch" học thuật mà cũng chứng tỏ chưa hiểu về các nguyên tắc trích dẫn và qui ước về đạo văn! Tôi thử giải toả vài ngộ nhận theo hình thức vấn đáp như sau:

1. Trích dẫn có cần xin phép không?

Bài báo trích ý kiến của một chuyên gia về sở hữu trí tuệ nói rằng trích dẫn là phải xin phép. Nhưng trong học thuật trích dẫn không cần phải xin phép tác giả. Nếu người viết trích dẫn sai ý của tác giả gốc thì người viết chịu trách nhiệm. Không có một qui ước học thuật nào mà người viết phải xin phép tác giả gốc để trích dẫn cả. Ngược lại, khi một công trình được người khác trích dẫn đó là một vinh hạnh, và tần số trích dẫn được xem là một thước đo về tầm ảnh hưởng cũng như chất lượng của nghiên cứu. Người viết có thể xin phép nhà xuất bản (chứ không phải xin phép tác giả) để dùng một bảng số liệu, hay một hình ảnh, hay biểu đồ.

2. Không trích dẫn những công trình của tác giả có trình độ thấp hơn mình?

Trước đây, cũng trên báo NLĐ, có một vị tiến sĩ phát biểu rằng “Trong nghiên cứu khoa học, ai cũng biết một luật bất thành văn là luận án tiến sĩ không thể nào trích dẫn, tham khảo tài liệu ở những công trình có học vị thấp hơn. Một luận án tiến sĩ mà dựa trên nghiên cứu, quan điểm của sinh viên thì khó chấp nhận.” (2) Thật ra, không có qui định thành văn hay bất thành văn nào như thế. Rất nhiều tập san khoa học quốc tế không cho phép tác giả đề học vị và chức danh. Do đó, một công trình nghiên cứu trên tập san khoa học như thế, làm sao chúng ta biết tác giả đó có bằng cử nhân hay tiến sĩ? Thật ra, khoa học rất bình đẳng trong tri thức, và trích dẫn trong khoa học không phân biệt đẳng cấp và học vị của tác giả của nguồn thông tin.

3. Trích 1 chữ cũng phải ghi nguồn?

Bài báo trên NLĐ, có một phát biểu của một vị tiến sĩ như sau: “Nguyên tắc nghiên cứu khoa học, khi đã sử dụng dù chỉ một từ vẫn phải có trích dẫn chữ dùng của ai.” (2) Thật ra, không có nguyên tắc nào đòi hỏi người ta phải trích dẫn nếu sử dụng chỉ 1 từ cả, ngoại trừ đó là một thuật ngữ đặc biệt chưa được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, có qui ước: khi dùng hay sao chép hơn 3 hay 4 từ liên tục từ một nguồn thì cần phải để trong ngoặc kép hoặc đề nguồn.

4. Giảng viên lấy kết quả của sinh viên đi trình bày trong hội thảo là vi phạm tác quyền?

Bài báo trên NLĐ trích ý kiến của một người từ Khoa Y của ĐHQGHCM phàn nàn rằng giảng viên hướng dẫn luận văn dùng công trình của học trò để đi nói chuyện trong hội thảo chuyên ngành. Ông giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ cho rằng giảng viên làm như thế là vi phạm tác quyền tác giả và đạo đức của người làm nghiên cứu. Còn bà phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì cho rằng việc làm đó là "khó chấp nhận."

Tôi thì nghĩ khác: việc làm đó của vị giảng viên hoàn toàn có thể chấp nhận, và vị đó chẳng có vi phạm tác quyền gì cả, nếu vị giảng viên đó có đóng góp tri thức vào công trình nghiên cứu. Nếu người giảng viên hướng dẫn luận án cho sinh viên, theo định nghĩa, tức là hai thầy trò đã làm chung, và họ phải là đồng tác giả. Khi đồng tác giả, sinh viên hay giảng viên, dùng kết quả đó đi nói chuyện trong hội thảo là chuyện rất bình thường. Dĩ nhiên, trong bài nói chuyện phải ghi rõ tất cả tác giả.

5. Cần đạo luật về đạo văn?

Đạo văn là vấn đề vi phạm đạo đức khoa học, chứ không phải là một tội phạm (crime). Chẳng ai bỏ tù người đạo văn. Do đó, không cần luật về đạo văn. Đã có những qui ước về trích dẫn và đạo văn, và những qui ước này đã được áp dụng trong các đại học ở các nước tiên tiến và được cộng đồng học thuật chấp nhận. Các trường ở VN chỉ cần áp dụng các qui ước này, chứ không cần làm thêm luật. Trường có thể ra những qui định về hình phạt cho những người đạo văn. Trong qui ước thế nào là đạo văn và qui định về trích dẫn, không có những "qui định riêng" cho bất cứ ai hay trường nào cả.

6. Giảng viên từ chối hướng dẫn luận văn vì sinh viên yếu?

Bài báo trên NLĐ có một đoạn thú vị nói rằng "nhiều giảng viên từ chối hướng dẫn luận văn cho sinh viên vì lý do sinh viên rất yếu trong xây dựng đề cương và giảng viên phải bổ sung đến 70% nội dung đề cương luận văn nhưng khi công bố, sinh viên không cảm ơn, không ghi nhận." Tôi nghĩ cần phải xem xét lại vai trò của các giảng viên này. Một trong những nhiệm vụ của người hướng dẫn là cùng với sinh viên xây dựng đề cương. Trong thực tế, có giảng viên viết lại gần như 100% đề cương, bởi vì sinh viên chưa am hiểu vấn đề. Còn việc sau khi viết luận văn mà sinh viên chẳng cám ơn hay không ghi nhận đóng góp của giảng viên thì đó là phép lịch thiệp và đạo đức của sinh viên có vấn đề; đó không phải là lí do để từ chối hướng dẫn sinh viên. Chỉ từ chối khi đề tài không phải thuộc chuyên môn của mình, hay vì quá bận, chứ không phải vì sinh viên vô ơn.

7. Người bình duyệt luận văn có trách nhiệm phát hiện đạo văn?

Không có một ai, dù uyên bác cỡ nào, mà có thể phát hiện đạo văn. Do đó, không thể kì vọng người bình duyệt phải phát hiện đạo văn. Không ai lại qui trách nhiệm phát hiện đạo văn cho người duyệt luận văn. Trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất là thí sinh, rồi mới đến giảng viên hướng dẫn.

Qua những ngộ nhận về trích dẫn như trên, tôi nghĩ thật sự các đại học và trung học VN cần đưa môn học đạo đức học thuật vào chương trình giảng dạy. Thầy cô mà không am hiểu về trích dẫn và đạo văn thì trò cũng thế thôi. Phải thay đổi từ hệ thống, và từ thấp lên cao, chứ những hội thảo như mô tả trong bài báo chẳng đi đến đâu vì chẳng có hiệu quả gì khi mà người bàn việc đạo văn không am hiểu vấn đề.




Có thể đọc thêm:


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: