V.E. Khalizev , Valentin Evghenhievich
“Linh hồn của cách tân là sự tái định giá tương lai từ vị thế thành tựu của quá khứ”
P. Ricoeur .
“Ở Nga, những việc cần làm dẫu đơn giản cũng thành khó khăn”
M.M. Prisvin
Vài chục năm trở lại đây, những công trình viết về nền nghiên cứu văn học của nước ta thời Xô viết ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Có những trường hợp, các học giả chỉ xoáy vào một phạm vi dữ liệu cục bộ nào đó (loại công trình này nhiều không tính xuể), với những trường hợp khác, người ta lại khảo sát sự tác động của hệ tư tưởng chủ đạo tới văn học và tới khoa học về tư tưởng hệ . Ngoài ra, người ta còn nghiên cứu những cuộc đàn áp kéo dài suốt nửa thế kỉ do các cấp chính quyền nhà nước thực hiện đối với giới văn nghệ sĩ và trí thức .
Tuy nhiên, loại “siêu đề tài” này vẫn chưa được khai thác cạn kiệt. Công trình của chúng tôi là một thử nghiệm nghiên cứu sơ bộ bối cảnh đời sống và hoạt động của các nhà nghiên cứu văn học thời Xô viết dưới áp lực tư tưởng hệ, nặng nề nhất là những năm 1930 – 1940. Điều chủ yếu chúng tôi muốn bàn bạc là: các nhà nghiên cứu (ngược với những khó khăn có vẻ như không thể vượt qua) đã bảo vệ công việc và bản thân mình như thế nào để thoát khỏi áp lực từ phía bên ngoài.
***
Trong nghiên cứu văn học thời Xô viết, chủ nghĩa Marx có hai mặt. Thứ nhất, đó là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận làm việc của những học giả, trước hết là những học giả “hàng đầu”, ví như V.F. Pereverzev, G.N. Pospelov, M.A. Lifshits, D. Lukacs, di sản của họ cho đến nay vẫn chưa mất ý nghĩa.
Hiểu theo nghĩa như thế, thuộc về chủ nghĩa Marx còn phải kể thêm G.A. Gukovski ở giai đoạn cuối, người có những công trình thể hiện sự “tán thành và thậm chí hoàn toàn hoà tan vào hệ tư tưởng chính thống” , Iu.M. Lotman, người bác bỏ chủ nghĩa ảo tưởng của hệ tư tưởng marxiste, nhưng lại dựa vào phương pháp của Marx, vào phép biện chứng và chủ nghĩa lịch sử của ông ấy , Iu.G. Oksman với hàng loạt công trình lấy nền tảng phương pháp luận là những ý kiến của Lenin về phong trào giải phóng ở nước Nga .
Thứ hai, chủ nghĩa Marx (chính xác hơn là “phiên bản Liên Xô” của nó) trở thành quyền lực trừng phạt của nhà nước, nó được sử dụng như một công cụ trấn áp khoa học (chắn chắn, trước hết là khoa học về văn học và nghệ thuật). Nó tựa như một chiếc dùi cui mà người ta nắm chắc trong tay và mang ra dùng thả sức ở thế giới Nga (chính xác hơn, thế giới Liên Xô). Ở chức năng dùi cui, “chủ nghĩa Marx” (trường hợp này dứt khoát phải để trong ngoặc kép) tích cực khẳng định bản thân trong nghiên cứu văn học vào khoảng giáp ranh những năm 1920 – 1930. Một bài báo có tính chất định hướng (“Sự thật”, 18.9.1919) từng tuyên bố: “Người bạn đường của giai cấp vô sản không phải là những ai chỉ dừng lại ở việc “tiếp nhận” cách mạng, mà là nhà văn biết nhìn thấy mục đích cuối cùng của cách mạng là chủ nghĩa xã hội, nhà văn biết dùng sáng tác của mình để tham gia vào công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa… Bời vì, những kẻ ngoảnh mặt đi trước các yêu cầu của thời đại dứt khoát sẽ chống lại các yêu cầu ấy” . Vì thế, nhiều năm sau này, người ta ngang nhiên trương lên khẩu hiệu: “Ai không đi với chúng ta, người ấy là kẻ thù của chúng ta, người ấy cần phải loại bỏ”. Đúng vào thời kì này, kết hợp từ “nghiên cứu văn học Marxiste – Leniniste” (và/hoặc: nghệ thuật học) xuất hiện và được kiện toàn. Nó tự xưng là thứ khoa học phổ quát, duy nhất đúng. Một trong những tài liệu chính thống từng khẳng định, rằng điều kiện tối quan trọng để xây dựng nền khoa học đích thực về văn học là phải tiến hành một cuộc “đấu tranh triệt để và không khoan nhượng chống lại mọi sự xuyên tạc để bảo vệ sự trong sạch của chủ nghĩa Marx – Lenin” . Sự “trong sạch của chủ nghĩa Marx – Lenin” được hiểu như là yêu cầu bắt buộc phải quy nghiên cứu văn học vào việc khảo sát nguồn cội giai cấp – xã hội của sự sáng tạo ở các nhà văn và trong các tác phẩm. Vào năm 1932, nhà nghiên cứu văn học A.G. Tseitlin khẳng định: “Không ai có quyền quên rằng, vấn đề chức năng xã hội của văn học nghệ thuật chính là vấn đề quan trọng nhất trong số những vấn đề đang đặt ra trước chúng ta” . Tội quên “bản chất giai cấp” của nghệ thuật ngôn từ chẳng những đáng bị phê phán nghiêm khắc, mà còn bị trấn áp, theo nghĩa đen, nghĩa trực tiếp của từ ấy. Điều này đã được A.V. Lunatsarski nói rõ vào năm 1933: “Chúng ta không thể không trấn áp những nhà văn và nghệ sĩ đang sử dụng nghệ thuật và văn học để đấu tranh phản cách mạng với chúng ta” . Điều Lunatsarski nói dĩ nhiên có quan hệ với cả phê bình văn học và khoa học về văn học.
Hệ thống các biện pháp trấn áp đối với nghiên cứu văn học được sử dụng vào những năm 1930 – 1940 (mấy thập niên sau có giảm nhẹ hơn) có rất nhiều mặt và đa dạng theo cách riêng của nó: kiểm duyệt xuyên tạc văn bản, trực tiếp ra lệnh cấm xuất bản bản thảo, tước bỏ quyền xuất bản (hệ thống “gác cổng chuyên nghiệp”), đôi khi trực tiếp tiêu huỷ toàn bộ ấn phẩm của cuốn sách trước khi nó được phát hành, đuổi việc, sa thải các học giả, bắt bớ, bỏ tù họ…
Dưới thời Stalin, việc trấn áp các nhà hoạt động nghệ thuật và văn học, trong đó có các học giả, hoàn toàn không có hồi kết. Danh sách các nạn nhân được mở ra bằng D.S. Likhachev (1928 – 1932) và khép lại bằng L.E. Pinski, bạn đồng tuế của ông (1951 – 1956). V.F. Pereverzv, M.M. Bakhtin, V.V. Vinogradov, Iu.G. Oksman, D.E. Macsimov từng phải ngồi tù, hoặc đi đày. Chẳng bao lâu sau khi bị bắt (1949), G.A. Gukovski và I.M. Nusinov đã chết trong nhà tù Lefortovo. G.N. Pospelov, L.Ja. Ghinburg và nhiều người khác bị hỏi cung, thẩm vấn. Tiến hành lục soát (ngay cả sau thời đại Stalin), tìm mọi cách để phát hiện các tài liệu bị cấm được lưu giữ trong nhà các học giả (nhà Iu.M. Lotman và Iu.G. Oksman từng bị lục soát như thế).
Một dấu hiệu thời đại không kém phần quan trọng: trên báo chí và trong các cuộc họp, thường xuyên diễn ra những cuộc “kiểm thảo” và tố giác các học giả và các nhóm làm việc của họ kèm theo sự trấn áp tàn khốc với những mức độ khác nhau. Từ năm 1922 đến 1929 (sau sự kiện “con tàu triết học” nổi tiếng), việc buộc tội tuy rất nghiêm khắc, nhưng chưa có sự bắt bớ. Chẳng hạn, năm 1926, theo quyết định của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản, tạp chí “Nước Nga mới” bị đình bản, Tổng biên tập I. Leznhev (theo sau các nhà triết học) bị trục xuất ra nước ngoài, nhưng năm 1930 lại được quay về Liên Xô.
Vào quãng giáp ranh giữa những năm 1920 – 1930, chính sách của đảng và nhà nước đối với văn học, nghiên cứu văn học và phê bình trở nên vô cùng khắc nghiệt. Nhóm hình thức luận, trường phái Pereverzev và Viện Hàn lâm Quốc gia các khoa học nghệ thuật (“ГАХН”), một cơ quan có nhiều học giả lớn không thuộc về trường phái nào trong số các trường phái kể trên, đã phải hứng chịu những đòn chí tử làm cho tan tác (ở đây, vào nửa sau những năm 1920, xu hướng xã hội học hoá theo kiểu bán cưỡng bức ngày càng tăng lên).
Đến những năm 1930, các biện pháp trấn áp đối với giới ngữ văn học trở nên vô cùng tàn khốc. Vào giữa năm 1933 – 1934, “Vụ án các nhà nghiên cứu Slavơ” được nguỵ tạo và kết thúc bằng hàng loạt cuộc bắt bớ, tù đày; muộn hơn một chút, vào các năm 1937 – 1938, người ta thủ tiêu hàng loạt nhân vật đang bị trấn áp. V.N. Perets, một nhà nghiên cứu văn học chắc chắn là có uy tín nhất trong thế hệ đầu đàn thời đó, phải đi đày và không lâu sau đó thì chết. Theo lời của các nhà nghiên cứu thời ấy, ““Vụ án các nhà nghiên cứ Slavơ” là một khâu của chiến dịch chống lại giới trí thức cũ: mục đích của nó là đe doạ và tiêu diệt những người được giáo dục theo một hệ thống giá trị khác” (không giống với hệ thống giá trị marxiste – leninste.- V. Kh.) .
Mâu thuẫn gay gắt trong môi trường của giới học giả và những kẻ nguỵ học giả, những chiến binh năng nổ của hệ tư tưởng marxiste, là một sự thật quan trọng trong đời sống của khoa nghiên cứu văn học vào những năm 1930. Những cuộc đối đầu theo kiểu như thế giữa những nhà nghiên cứu văn học vốn thành thực, hoặc làm bộ thành thực nghĩ rằng họ nắm được chân lí tuyệt đối, bao giờ cũng quay ngoắt thành những trận đấu tố, quy kết lẫn nhau phạm tội tư tưởng hệ, tựa như một sự cáo giác được tuyên bố thẳng thắn, công khai. Bằng chứng rõ nhất về chuyện đó là cuộc tranh luận diễn ra vào cuối năm 1934 xung quanh một chủ đề có vẻ như chẳng dính dáng gì tới chuyện chính trị: lí luận tiểu thuyết. Sau tham luận của D. Lukacs (trong số rất nhiều tham luận khác), V.F. Pereverzev phát biểu. Ông chỉ trích nghiêm khắc báo cáo viên, tựa như báo cáo viên đã đứng trên quan điểm duy tâm của Heghel, xa rời chủ nghĩa Marx, xích về phía nhà dân tuý N.K. Mikhailovski: “Trong tham luận của ông ấy không thấy có tính giai cấp”, “chẳng còn một chút gì” của xã hội học marxiste. Bạn của D. Lukacs là M.A. Lifshits lên tiếng đáp lời và tỏ ra khinh bỉ Pereverzev với thái độ trịch thượng, cay độc hơn nhiều so với việc Pereverzev buộc tội Lukacs. Rồi chuyện xoay qua nói về sự thoát li nguy hiểm của học giả với “tư tưởng chuyên chính vô sản”, “xa rời chủ nghĩa Marx để đứng về phía melsevich”, về ý nghĩa to lớn ở những huấn thị của Stalin xung quanh “các vấn đề chính trị của chúng ta”, mà Pereverzev đã coi thường. Rồi cả hội trường vang lên những lời tán thành phải tiêu diệt kẻ thù của chủ nghĩa xã hội .
Kết quả của các cuộc tranh luận như thế là những vụ trấn áp mới: vào năm 1938, Pireverzev bị bắt, đến năm 1940, tạp chí “Phê bình văn học” do M.A. Lifshits và D. Lukacs đứng đầu bị đình bản . Trước mắt chúng ta là một trò hề bi thảm cực kì bỉ ổi: những người marxiste có xác tín tranh luận kịch liệt với nhau, rồi về sau, một lực lượng thứ ba nào đó trấn áp cả phía này, lẫn phía kia.
Trong cuộc tranh luận về tiểu thuyết có ý nghĩa quan trọng vào giữa những năm 1930, ta thấy nổi rõ một đặc điểm mang tính loại hình của những người có thể nói là tuân thủ hết sức nghiêm nhặt thế giới quan marxiste. Đặc điểm thấm sâu vào máu họ là niềm tin mù quáng vào sự đúng đắn của bản thân mình, là sự không nhượng bộ đối với tất cả những ai (trong phạm vi của chủ nghĩa Marx và bên ngoài giới hạn ấy) có cách nghĩ khác đi.
Chẳng hạn, vào giữa những năm 20 – 30, V.F. Pereverzev khẳng định rằng các môn đệ của phái hình thức luận đã tạo ra cho công việc nghiên cứu của họ một màu sắc xã hội học để tiến hành “cuộc đấu tranh giấu mặt chống lại quan điểm duy vật về lịch sử”. Ông còn nhìn thấy trong các công trình nghiên cứu của họ một “mớ bòng bong xã hội học”, thậm chí, thấy cả sự siêu hình (xin nhấn mạnh, siêu hình là một trong những địch thủ gớm ghiếc nhất của chủ nghĩa Marx) . Nhưng chỉ hai năm sau, trên chính tạp chí này (“Văn học và chủ nghĩa Marx”), người ta nói về Pereverzev còn gay gắt hơn so với Pereverzev viết về trường phái hình thức luận: hệ thống của Pereverzxev là một “hệ thống hoàn toàn thối nát” .
Sự công kích theo kiểu như thế của các nhà nghiên cứu văn học đứng trên quan điểm marxiste vẫn tiếp tục xẩy ra cả dưới thời hậu Stalin. Chẳng hạn, vào nửa sau những năm 1950, đầu những năm 1960, đã diễn ra một cuộc tranh luận về bản chất của cái thẩm mĩ giữa những người được gọi là phái “tự nhiên thiên bẩm” (đối tượng thẩm mĩ mang tính khách quan) và những người “thực tiễn xã hội” (cái thẩm mĩ là hiện tượng kinh nghiệm xã hội mang tính chủ quan). Cả phái này lẫn phái kia đều “hành xử” trong khuôn khổ của chủ nghĩa Marx. Vào năm 1964, thấy xuất hiện một bài bút chiến quyết liệt đứng về phía G.N. Pospelov, nhà “tự nhiên thiên bẩm”. Bài bút chiến khẳng định các đại diện của trường phái “mĩ học mới”, những nhà “thực tiễn xã hội” (L.N. Stolovich và những người khác) “không biết mình đã trượt khỏi lập trường của nhận thức luận duy vật – biện chứng”, “tất cả bọn họ đang cắm đầu xuống đất, chổng ngược chân lên trời”: “tất cả được vặn ngược theo kiểu cách của chủ nghĩa chủ quan”. Thậm chí bài bút chiến còn nói rằng Stolovich và những người đồng quan điểm xem các nhà duy vật là địch thủ của mình . Đúng là Pospelov đã quy kết đối thủ rơi vào chủ nghĩa duy tâm một cách thái quá. Nhưng khi biết có một đồng nghiệp trẻ viết rằng, quy kết như thế là vi phạm đạo đức nghề nghiệp (chụp cho đối thủ cái “mũ tư tưởng hệ” nguy hiểm), G.N. Pospelov giận dữ nói: “Hoàn toàn ngược lại! Nếu gọi những kẻ duy tâm là các nhà duy vật thì tôi mới vi phạm phép tắc đạo đức chứ!”. Lời phản ứng này rất tiêu biểu, thể hiện đặc điểm của một người marxiste có xác tín triệt để. Giữa những nhà nghiên cứu văn học cùng theo chủ nghĩa Marx, không thể có, không thể tồn tại bất kì một thứ tình bằng hữu nào. Tranh đấu! Chỉ có tranh đấu! Không chấp nhận mọi sự thoả hiệp!
Ở lĩnh vực này, còn có thể kể thêm một sự kiện nữa. Năm 1964, tại hội thảo bàn về cuốn sách viết về Dostoievski của Bakhtin (hội thảo của hội nghiên cứu khoa học sinh viên tại khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, rất đông người tham dự), trong số những cử toạ đăng đàn phát biểu, có V.F. Pereverzev (chắc chắn, đây là lần xuất hiện duy nhất của ông trước công chúng sau chuyến đi đày kéo dài nhiều năm). Ông phê phán gay gắt phương pháp luận của Bakhtin, xem đó là phương pháp sai lệch (sau hội thảo, về chuyện này, V.N. Turbin nói: “Họ chẳng học hành được gì cả”). Sau đó không lâu (tôi tình cờ nghe được chuyện này trong một cuộc gặp gỡ có tính chất gia đình): Pereverzev rất phẫn nộ khi nói về bài phát biểu bảo vệ Bakhtin của S.G. Bocharov…
Hệ tư tưởng marxiste được trộn lẫn với chất men của chủ nghĩa không tưởng sắt máu, như những phát ngôn của Pereverzev, Lifshits, Pospelov vừa dẫn ở trên, đã chứng tỏ, thái độ cố chấp cuồng tín, không chấp nhận mọi thứ quan niệm khác biệt với “quan niệm duy nhất đúng” của riêng mình, là kết cục tất yếu được sinh ra từ những ai trung thành với hệ tư tưởng ấy. Cuộc đấu tranh bảo vệ thế giới quan “cứu rỗi toàn nhân loại” đã diễn ra dưới những hình thức như thế trong thời đại Stalin (và cả sau này nữa!).
Tìm kiếm mọi sự “nhiễu loạn”, “xét lại” và vạch trần nó gần như đã trở thành một thứ mệnh lệnh. Tranh đấu không khoan nhượng để bảo vệ sự “trong sáng” của hệ tư thưởng thống soái trở thành nhu cầu. Một trong những bài báo xuất hiện thời hậu chiến, có giọng đầy hăm doạ (đối tượng của nó là bài M. Gorki và truyền thống dân tộc trong văn học Nga của tác giả V. Vesnhitski), đã mở đầu thế này: “Một trong những nhiệm vụ của nền nghiên cứu văn học Xô viết là đào tận gốc mọi tàn dư của các lí luận nguỵ khoa học” .
Và những lời nói về sau này (1975) trong lá thư của M.A. Lifshits gửi biên tập viên M.P. Rozin về bài viết của G.N. Pospelov “Dòng chảy lí luận duy nhất”, dự định sẽ dùng cho tập 9 từ điển “Bách khoa văn học giản yếu”, có ý nghĩa hết sức quan trọng: “Tên G. Lukacs được G.N. Pospelov nhắc tới chỉ thuần tuý do những lí lẽ mị dân”; trong bài ấy chỉ có “sự trống rỗng hoàn toàn”, “một mớ từ ngữ rối rắm”, còn bản thân bài viết ấy là một “hành vi hèn mọn”, “không gì có thể bào chữa được”. Thậm chí còn nói thế này: trước mắt ta là một trò đùa bỡn bất thường “theo phong cách nhà hàng Don Basilio” (ý muốn nói về tài vu khống trong vở kịch Người thợ cạo thành Séville của Beaumarchais) .
Quả là những chuyện om sòm trong gia đình các quý ông nghiên cứu văn học – marxiste chẳng bao giờ có hồi kết.
Đến giai đoạn hậu chiến, sự can thiệp thô bạo của thế giới cầm quyền Xô viết đạt tới giới hạn cực đỉnh. Vào những năm 1947 – 1949, một chiến dịch đại quy mô được triển khai để đấu tranh chống lại chủ nghĩa thế giới được xem là cực đối lập với chủ nghĩa yêu nước của Liên Xô (gốc rễ của chủ nghĩa thế giới được tìm thấy trong các công trình của A.N. Veselovski, người mà thời ấy được gọi là “nhà duy tâm tư sản”). Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Leningrad trở thành trung tâm trấn áp đối với khoa học về văn học. Có 7 trọng tội được gán cho các nhà nghiên cứu văn học xuất sắc, như V.M. Zirmunski, B.M. Eikhenbaum, G.A. Gukovski, M.K. Azadovski. Giai đoạn cực kì ảm đạm ấy trong lịch sử khoa học của chúng ta đã được nghiên cứu kĩ lưỡng (có kèm theo tư liệu lưu trữ) trong các bài báo của K.M. Azadovski và B.F. Egorov .
Thời kì này, tại khoa Ngữ văn đại học MGU (“МГУ”) cũng xẩy ra một cái gì tương tự như vậy. Các nhân vật nhơ nhuốc giờ đây hoá ra là P.G. Bogatyrev, N.K. Gudzii, S.M. Bondi, M.N.Peterson, E.V. Pomerantseva và (chắc chưa phải là người cuối cùng) G.N. Pospelov, người bị cáo giác đã biện hộ cho Veselovski, thừa nhận giá trị của tiểu thuyết Những người quỷ ám của Dostoievski, một văn sĩ “thậm khả ố” (chữ của Lenin), giải thích chủ nghĩa lãng mạn như một hiện tượng chỉnh thể, không tính tới mâu thuẫn ở các nhánh “tiến bộ” và “phản động” của nó. Người ta đã nhận xét thế này về bài Vấn đề chủ nghĩa lãng mạn của Pospelov: “Tất cả đã làm lộ ra chủ nghĩa hình thức, làm lộ ra các quan điểm vô chính trị, phản khoa học. Kiểu lập luận rỗng tuyếch của G. Pospelov không thể không khiến người ta phải ngạc nhiên” .
***
Hệ tư tưởng chính tưởng chính thống thời Xô viết, khi “mở rộng” sang khoa học (có lẽ ở mức độ rộng nhất là vào nghiên cứu văn học) đã sở đắc nhiều hình thức biểu đạt cực kì độc đáo bằng ngôn từ, ở cả văn viết (sách, báo), lẫn văn nói (bài giảng cho sinh viên, các bài phát biểu trong hội nghị, hội thảo, trong bảo vệ luận văn, luận án). Đó là thứ tu từ học thấm đẫm cảm hứng mít tinh, thái độ tự thị và sự hằn học. Ví dụ thế này. Vào những năm 60, tôi (cùng cặp với U.P. Fort) phải làm phản biện cho một luận án phó tiến sĩ viết về Sekhov (việc xẩy ra ở trường Đại học sư phạm Moskva). Trước buổi bảo vệ này, còn có một buổi bảo vệ khác về đề tài giai cấp công nhân trong văn học Xô viết. Tôi và U.P. Fort đứng ngoài hành lang tán gẫu với nhau về chuyện gì đó. Bỗng tất cả giật mình: trong hội trường, nơi đang diễn ra lễ bảo vệ, thấy vang lên tiếng kêu thất thanh, kiểu động kinh. Đó là cách mở đầu bài phát biểu của vị phản biện; luận án và chủ yếu là đề tài của nó đã khơi dậy ở ông niềm phấn khích đầy thống thiết theo tinh thần và phong cách diễn thuyết trước đám đông ở những năm 1930 – 1940.
Tất nhiên là ở đây có sự lố bịch thái quá, nhưng sự thái quá ấy rất tiêu biểu cho tinh thần thời đại. Bản chất của hệ tư tưởng Xô viết cần nghiên cứu một cách thấu đáo, không thiên vị và bình tĩnh. Chúng tôi chỉ giới hạn ở một số vấn đề. Hệ tư tưởng này đã trải qua nhiều thay đổi, nhiều khi rất quyết liệt. Vào những năm 1920 - 1930, ngự trên mặt tiền sân khấu là tư tưởng của chủ nghĩa quốc tế vô sản (cách mạng), nó dẫn tới thái độ rẻ rúng, miệt thị một cách thô bạo các truyền thống dân tộc – miệt thị tất cả những gì từng tồn tại ở nước Nga thời trước cách mạng. Người ta chỉ đề cao kinh nghiệm đấu tranh cách mạng với thể chế chuyên chính (“phong trào giải phóng”). N.V. Kornhienko đã nhận xét chính xác, vào giữa những năm 1920, “người ta đã quyết định dùng tất cả các vũ khí giáng một đòn chí mạng vào kí ức lịch sử, vốn là nền móng của truyền thống dân tộc và văn hoá” . Những đòn đánh như vậy thường được thực hiện dưới ngọn cờ đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa sô vanh cho đến tận thời kì chiến tranh 1941 – 1945.
Về sau này, tinh thần cực đoan theo hướng ngược lại cũng nguy hiểm đối với đất nước và nhân dân: biện minh cho nhân tố quốc gia – dân tộc, chủ nghĩa yêu nước Liên Xô cùng với cương lĩnh tách rời xã hội Xô viết với kinh nghiệm của các nước khác, với sự phủ định triệt để tất cả những gì được người ta gọi là chủ nghĩa thế giới, còn bây giờ (với nghĩa mở rộng theo quan niệm giá trị ngược lại cũng có khiếm khuyết), đôi khi người ta gọi là toàn cầu hoá với hàm ý san bằng và xoá bỏ các khác biệt dân tộc. Sau chiến tranh, việc giới trí thức (chính xác hơn, giới nguỵ trí thức, nhân danh tư tưởng hệ) xua đuổi các truyền thống thời tiền cách mạng có bớt dần, dù người ta vẫn hoài nghi tinh thần “nông dân gia trưởng” từng bị kết tội một cách nghiêm kắc trong các bài viết của Lenin về L.Tolstoi và vẫn được giữ lại như một bộ phận cấu thành của tư tưởng hệ và nghiên cứu văn học chính thống.
Hệ tư tưởng Xô viết dưới “dạng biểu hiện của nó trong nghiên cứu văn học” rõ ràng đã trải qua một số giai đoạn, chí ít là hai thời kì lớn. Đồng thời, trong cấu trúc của nó, bao giờ cũng có sự hiện diện của những hằng số nào đó. Đó là sự tán dương, biện minh quyết liệt cho cách mạng và một quan niệm gắn với nó về các giá trị của quá khứ Nga, ví như lịch sử của phong trào giải phóng (về điều này, bài báo của Lenin Kỉ niệm Ghersen viết năm 1912 có “ý nghĩa chỉ đạo phương pháp luận”), vai trò tòng thuộc của đạo đức đối với chính trị (nhân đây, cần nhớ lại bài phát biểu tại Đại hội đoàn komsomol toàn Liên bang Nga lần thứ III, năm 1920), chủ nghĩa vô thần do Lenin tuyên bố như một mệnh lệnh nào đó (bài viết năm 1922: Về ý nghĩa của chủ nghĩa duy vật chiến đấu).
Chủ nghĩa Marx – Lenin qua sự “chỉnh sửa của Stalin” là một phiên bản của chủ nghĩa Marx bị xuyên tạc nghiêm trọng. Hệ tư tưởng thống trị ở nước Nga thời Xô viết chủ yếu có ý nghĩa tiêu cực đối với đất nước và xã hội. Suốt hai chục năm gần đây người ta đã nói rất nhiều về điều này trên báo chí, trên màn hình tivi, qua đài phát thanh…
Còn một phương diện khác của vấn đề cũng đáng lưu ý. Nó là thế này: kiểu gì thì rồi hệ tư tưởng Xô viết cũng chống lại chủ nghĩa chiết trung, thuyết tương đối luận ở đủ mọi làn điệu của nó: cả tương đối luận của Nietzsche (trong chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa vị lai, có tiếng vọng của nó), lẫn tương đối luận của chủ nghĩa hậu hiện đại rất sôi động ở nhiều năm về sau này. Ở một mức độ nào đó, nó còn khư khư giữ lại cho mình một quan niệm thâm căn cố đế (và cả chân lí tuyệt đối, bất khả xâm phạm) tồn tại đời đời trong dân chúng và xã hội của họ như là những đại diện và nơi tập trung tính xác định, tính chuẩn mực nào đó của các quan hệ thế giới và thước đo đạo đức. Hệ tư tưởng này đòi hỏi con người phải có lí tưởng nhân sinh sắt đá. Quan điểm marxiste (trong đó có quan điểm marxiste – leniniste) không chấp nhận chiết trung, nó thù địch với thói vô liêm sỉ (tất nhiên, ở đây không nói về thực tiễn đời sống của thời đại, mà chỉ bàn riêng về phạm vi thế giới quan). Cho nên, khi đã rơi vào khu vực quyền lực của hệ tư tưởng này, con người đôi khi duy trì được tiềm năng để khắc phục quá trình suy thoái giá trị của chủ nghĩa Marx. Những người tiếp nhận hệ tư tưởng Xô viết (thực tế, phần lớn xã hội và nhân dân đã tiếp nhận như thế) đều có thể trở thành (nhiều trường hợp, hiện nay vẫn là) những người trung thành tuyệt đối với các nguyên lí nền tảng của văn hoá Nga và văn hoá toàn nhân loại. Hệ tư tưởng được nhào trộn trong men say của cuộc đấu tranh giai cấp triệt để ở thời đại ấy (may sao!) không phải là hệ tư tưởng tiêu cực hoàn toàn. Nó là sự xuyên tạc đầy cay đắng, mang theo hung triệu đối với các giá trị hiển nhiên, nhưng chưa đối lập tuyệt đối với các giá trị ấy, vì rằng, nó vẫn chứa đựng trong bản thân khả năng (tiềm năng) khắc phục, như chúng ta đã chứng kiến những gì diễn ra vào giữa những năm 1950 (thời tan băng và Đại hội XX) và giữa những năm 1980 (bắt đầu cải tổ).
Các nhà nghiên cứu văn học lọt vào sự thống trị của hệ thống quan điểm được ứng dụng một cách chính thống, bắt buộc phải phục tùng, hay tự nguyện tiếp thu chúng, thể nào rồi cũng thu hẹp đối tượng của mình. Trong thành phần của văn chương nghệ thuật có rất nhiều chuyện giao cắt với nhau. Trước hết, đó là những tiên đề và những vấn đề mang ý nghĩa tôn giáo - đạo đức vô cùng quan trọng, không sao có thể đánh giá hết được. Thế mà, các sự kiện của lịch sử văn học lại bị dồn vào một sơ đồ theo yêu cầu hạn hẹp. Các nhà văn – tác gia cổ điển bị đẩy sang hàng ngũ của những nhà đối kháng, những nhân vật tố cáo chế độ cũ, hàng ngũ của các nhà cách mạng hoặc tương tự như họ. Trong đa số trường hợp, tác phẩm của Sekhov được giải thích như là sự báo trước sự xuất hiện sáng tác của Gorki. Dostoievski bị cấm (hoặc bán cấm), vì đó là “nhà văn thậm khả ố” (những lời này của Lenin được xem như một huấn thị và thường xuyên được trích dẫn). Có thể nói, chỉ Pushkin may mắn được phong thánh chính thức. Lễ kỉ niệm lần thứ một trăm ngày mất của ông diễn ra rất ầm ỹ vào năm 1937 là bằng chứng. Nhưng ở đây, có những mất mát cực kì nghiêm trọng: sáng tác của thi hào vĩ đại được đẩy lại gần một cách thái quá với phong trào của những người tháng Chạp. Nhờ các bài viết của Lenin về Tolstoi mà nhà văn này được chú ý và được kính trọng, nhưng ở đây, sự kính trọng cũng bị đẩy lệch một cách thái quá sang phía nội dung tố cáo trong sáng tác của ông. Tuy nhiên, so với những gì đa số các học giả Xô viết đã khảo sát, thì việc nghiên cứu các văn sĩ – tháng Chạp, Bielinski và Ghersen, Secnysepski và Dobraliubov, Nhecrasov và Santykov-Sedrin, ít nhiều, có phần được tự do và đầy đủ hơn (dù cả ở đây cũng bị mất mát nghiêm trọng).
Văn học mười năm đầu thế kỉ XX bị thu hẹp, giảm thiểu lớn nhất: nó bị “teo tóp” một cách thảm hại đến mức chỉ còn Gorki và Maijakovski mà sáng tác của họ cũng bị diễn giải một cách phiến diện và lệch lạc, Solokhov và Tvardovski (nếu chỉ kể tên các nhà văn lớn). Chẳng những thế, có vô số nhân vật thuộc hạng hai, hạng ba được đưa về phía mặt tiền của sàn diễn nghiên cứu văn học. A. Blok được đánh giá cao chủ yếu nhờ trường ca Mười hai, tác phẩm được diễn giải như là sự ngợi ca cách mạng. Mandelstam và Akhmatova vào những năm 30 (và cả sau này nữa!), dĩ nhiên là bị người ta lờ đi. Các nhà văn – “Nga kiều” hoàn toàn không được nhắc tới (thật ra, Làng của Bunhin được thừa nhận vì giá trị tố cáo nước Nga tiền cách mạng). Sự trấn áp các nhà nghiên cứu văn học và việc thu hẹp có tính cưỡng bức đối tượng nghiên cứu của họ, rõ ràng, đi liền với nhau. Vào những năm 1930 – 1940, “liên minh” giữa chúng trở nên vững chắc và hiệu quả nhất…
Lã Nguyên dịch từ tiếng Nga
( Còn nữa )
( Dịch giả trực tiếp gửi cho Phamvietdao.net )
( Dịch giả trực tiếp gửi cho Phamvietdao.net )
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét