Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Năm khỉ nghĩ về tập tính bắt chước của loài khỉ


 

     
Tập tính của loài khỉ là hay bắt chước . Bắt chước cũng là một trong các thuộc tính thuộc về trí năng của con người . Nhưng nếu con người bắt chước một cách thiếu thông minh thì chẳng khác gì Vượn học tiếng người . Cách đây 90 năm chí sĩ Phan Bội Châu đã phê phán nền tây học lúc bấy giờ " Tới bây giờ , tuy là hình thức học đường  khác học đường khoa cử ngày xưa rất nhiều , dáng vẻ bên ngoài hình như vừa mắt , nhưng xét đến tinh thần cốt tủy có khác gì vượn học tiếng người . Đạo đức cũ đã sạch sành sanh , và văn hóa mới lại chẳng có chút gì dây vướng ở học đường "

  Đã non một thế kỷ mà những chuyện " khỉ gió " thời bây giờ chẳng khác chi chuyện " khỉ gió  "thời bấy giờ . Chuyện thời bây giờ hình thức học đường tuy có cách tân rất nhiều về kỹ thuật , về kế hoạch , về tổ chức học chánh vv...nhưng hồn cốt thì chẳng khác chi " vượn học tiếng người " . Trần tế Xương - người đồng thời với chí sĩ Phan Bội Châu chế diễu cái kiểu duy tân , cải cách kệch cởm , nhố nhăng thời bấy giờ :
  " Gặp ba ông Táo dạo chơi xuân
Đội mũ mang hia chẳng mặc quần
  Trời hỏi làm sao ăn mặc thế ?
Thưa rằng hạ giới nó duy tân !
 Tú Mỡ họa lại bài thơ trên làm tăng thêm nét trào phúng cay độc :

 " Thưa rằng hạ giới nó duy tân
Chỉ có trên đầu với dưới chân
Trong bụng chứa nguyên điều hủ bại
Xin trời đại xá bọn ngu dân !

Nhận định của nhà chí sĩ họ Phan quả là tiên tri ! Gần một thế kỷ sau , cái học ngày hôm nay về da dẻ hình thức bên ngoài trông thật chỉn chu đẹp mắt song " trong bụng chứa nguyên điều hủ bại ", Duy tân theo kiểu bắt chước một cách dại dột thiếu ý thức thì chẳng khác nào " vượn học tiếng người " Ngày ngày nhí nhố nhộn nhịp diễn ra quan chức mặc đồ Tây , đi xe Tây , ăn cơm Tây , uống rượu Tây , xài tiền Tây , ...nhưng rất ít người là  con người mới ! Văn hóa mới cũng "chẳng có gì dây vương ở học đường ". Trong khi đó đạo đức cũ đã sạch sành sanh "
 Vượn học tiếng người là chỉ lối bắt chước dại dột và nguy hiểm của con người . một câu chuyện vui kể về sự bắt chước của khỉ dẫn đến sự tự hại mình : " Có một con khỉ của người hàng xóm của  anh thợ giày ; hàng ngày thường hay lén nhìn  qua cửa sổ tiệm giày để xem anh thợ cắt da . Nó nhìn thấy anh thợ giày lấy dao cắt da để làm giày  . Chớ lúc anh ta đóng cửa đi ăn cơm , nó chui vào và bắt chước cắt nát hết các tấm da trong tiệm . Đi ăn cơm về , anh thợ giày biết ngay thủ phạm . Lợi dụng tính hay bắt chước của khỉ , anh buộc tấm da vào cổ -dưới da có chèn miếng sất - xong anh đưa dao cắt vào tấm da trên cổ mình . Sau đó anh đóng cửa tiệm đi về .Hôm sau trở lại , quả nhiên anh ta thấy con khỉ bị chết ngả lăn vì đứt cổ !

   Thấy ai làm gì mà mình bắt chước làm nấy mà không biết suy nghĩ , chọn lọc để áp dụng cho thích hợp  thì thật là dại dột và nguy hiểm như chú khỉ đáng thương kia
Nền giáo dục của ta hiện nay tự mình nhổ ra khỏi gốc rễ của truyền thống để rồi mô phỏng rập khuôn theo nước ngoài chẳng khác nào ghép một nhánh cây vào một cái gốc cây không cùng chủng loại . Hậu quả là " đạo đức cũ đã sạch sành sanh và đạo đức văn hóa mới chẳng có gì dây vướng ở học đường " . Đạo đức cũ ở đây là đạo đức Khổng Mạnh với tam cương và ngũ thường . Để cho con người xứng đáng là người thì không thể thiếu " nhân , nghĩa , lễ , trí , tín " . Và để trở nên con người hiền lương , tử tế thì con người ấy phải đầy đủ tám đức tính : hiếu , để , trung , tín , lễ , nghĩa , liêm , sĩ . Bất luận học thuyết đạo đức nào , chủ nghĩa gì cũng không thể rũ sạch những đức tính trên , nếu muốn giáo dục con người thành tử tế ! Bắt chước , mô phỏng theo cái học của người một cách tùy tiện để rồi loại bỏ những tinh hoa cố hữu của mình là lai căng mất gốc . Một nền giáo dục như vậy chỉ có thể đào tạo ra những  lãnh đạo yếu kém , những cán bộ vừa thiếu khả năng chuyên môn lại vừa thiếu đạo đức ; những đứa con bất hiếu , những người dân bất trung .

   Vừa qua , dự thảo chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD& ĐT đã có dự kiến tích hợp môn Lịch Sử với môn Giáo dục công dân và An ninh Quốc phòng thành môn Công dân và Tổ Quốc . Một việc làm trái khoáy như vậy thế mà có chuyên gia ở Bộ lại cho rằng " Các nước làm như thế và Việt Nam cũng nên làm theo " .

   Hiện nay , nhiều trường phổ thông ở nhiều địa phương có khuynh hướng coi nhẹ môn Tiếng Việt và thường dồn hết tâm sức cho môn Tiếng Anh . Đây cũng là kiểu bắt chước các nước muốn hội nhập vào văn minh thế giới . Chú trong vào môn ngoại ngữ là không sai song xem thường tiếng mẹ đẻ là một việc làm sai lầm có nguy cơ làm con cháu mất gốc .

    Giáo dục có một nhiệm vụ kép : vừa vun bồi , kế thừa tinh hoa văn hóa của ngày hôm qua vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới . Ngoài ra , giáo dục phải có sức đề kháng , đào thải sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai . Hơn nữa , giáo dục cần phải có nhiệm vụ cảnh giác trước sự cưởng ép , thống trị của văn hóa ngoại lai . Sự xâm nhập văn hóa ngoại lai vào một quốc gia chẳng khác nào một vật lạ trong cơ thể người ...

       Khỉ là một  loài vật thông minh nổi trội hơn các loài vật khác . Năm Bính Thân - năm con khỉ -mong sao năm nay sẽ xuất hiện một "Thạch Hầu "( với 72 phép thần thông biến hóa ) 
để triệt phá những cái nhố nhăng trong xã hội đồng thời phục hoạt lại nền văn hóa cổ truyền của dân tộc bên cạnh những giá trị văn minh phổ quát của nhân loại !
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: