Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Mỹ-Asean có lập được 'mặt trận chung'?


Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Asean lần đầu tiên do Mỹ tổ chức tại địa điểm Sunnylands, California, đánh dấu mong muốn củng cố ảnh hưởng của Washington tại khu vực.
Trong ngày đầu tiên của cuộc họp, Tổng thống Barack Obama và các lãnh đạo đã bàn về các vấn đề kinh tế, gồm hiệp định TPP có bao gồm Việt Nam, Singapore, Brunei và Malaysia.
Hôm thứ Ba cũng là ngày kết thúc hội nghị, họ sẽ bàn về an ninh hàng hải trên Biển Đông, nơi Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á cùng tuyên bố chủ quyền.
Cuộc họp tại Sunnylands mang ý nghĩa biểu tượng vì đây cũng là nơi ông Obama từng tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hãng tin Reuters nói cuộc gặp nhằm chứng tỏ vai trò đối trọng của Washington trước Bắc Kinh và vai trò đối tác thương mại với Asean.
Tăng ảnh hưởng
Cố vấn an ninh Nhà Trắng Susan Rice nhấn mạnh các công ty Mỹ đã tăng gấp đôi đầu tư trong vùng kể từ 2008.
Bóng dáng Trung Quốc vẫn hiện diện tại cuộc họp.
Reuters nói thử thách của Obama là thuyết phục mọi nước Asean đồng ý ký một tuyên bố mạnh mẽ về Biển Đông.
Giới chức Mỹ nói Bắc Kinh gây sức ép yêu cầu Campuchia và Lào không ký.
Báo Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu, nói Sunnylands không phải là nơi để bàn về Biển Đông.
“Asean không có mong muốn đó, và Mỹ biết họ không thể làm được,” theo tờ báo.
Hãng tin AFP cũng cho rằng mục tiêu trước mắt của cuộc họp là xây dựng “mặt trận thống nhất” chống việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và gia tăng quân sự trong vùng tranh chấp trên biển.
Theo AFP, những người dự hội nghị sẽ thảo luận phản ứng về phán quyết của tòa án Liên Hiệp Quốc về đơn kiện của Philippines, dự kiến sẽ ra vào tháng Tư hoặc tháng Năm.
Tòa Trọng tài Quốc tế sẽ phán quyết liệu yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc có giá trị pháp lý hay không.
Theo AFP, một tuyên bố ủng hộ chung của Mỹ và Asean về phán quyết của tòa sẽ tạo sức ép lên Trung Quốc, nước từ chối tham gia vụ kiện của Philippines.
Hồ sơ nhân quyền
Tuy vậy, hãng tin AP nói một thách thức cho Mỹ là thúc đẩy “trật tự dựa theo quy tắc” trong một khu vực có hồ sơ trái ngược về dân chủ và pháp quyền.
Tại Đông Nam Á, chỉ có Indonesia và Philippines nhìn chung được gọi là nền dân chủ.
Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói đa số các nước trong Asean "có hồ sơ nhân quyền rất tệ".
Bốn trong số 10 lãnh đạo được mời đều sắp rời chính trường, giống ông Obama.
Một người trong đó, Tổng thống Myanmar, chỉ gửi người phó đến Mỹ.
Tuy vậy, Daniel Russel, nhà ngoại giao Mỹ phụ trách vùng Đông Á, tuyên bố cuộc họp là dịp để quảng bá giá trị Mỹ và tôn trọng nhân quyền.
“Hun Sen sẽ không nghe lời cấp dưới, Tướng Prayuth sẽ không nghe đồng sự, nhưng họ sẽ nghe John Kerry, Barack Obama,” ông Russel nói với các phóng viên.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: