Nông dân phơi lúa trên một cánh đồng ở huyện Phú Nhuận, tỉnh Tiền Giang, ảnh chụp trước đây. Tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 vừa qua, Chủ tich Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường nói rằng, người nông dân Việt Nam hy sinh nhiều nhất, đóng góp nhiều nhất, nghèo nhất, được hưởng lợi ít nhất và bức xúc nhiều nhất. Những nông dân “5 nhất” của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang trông đợi một mùa Xuân đổi mới.
Tại sao nông dân làm không đủ ăn?
Nông dân Sáu Học ở đồng bằng sông Cửu Long không nằm trong trường hợp được nhà nước chia ruộng đất sau năm 1975. Ông có 10 công ruộng là thừa hưởng của cha mẹ và tự mình sang nhượng thêm 10 công ruộng khác vị chi là 20 công tầm lớn tương đương 2,5 ha. Ông từng thành công trong trồng lúa và nuôi cá tra, nhưng về lâu về dài ảnh hưởng sản xuất tự phát ồ ạt và thị trường nông sản không bền vững, sổ đỏ của ông nằm ở Ngân hàng với số nợ 500 triệu không trả. Ngoài ra Sáu Học còn cầm cố tất cả ruộng đất của mình cho người khác với số tiền khoảng 300 triệu đồng. Hiện nay ông Sáu Học thuê đất đào ao nuôi cá tra để mưu sinh, con trai ông không còn làm nông mà mở quán bán hàng.
Nói chuyện với chúng tôi Sáu Học cho biết đã hết rồi thuở thanh bình xưa cũ, khi xuân về xóm giềng cùng nhau hạ thịt và chia phần, cùng nhau canh nồi bánh tét. Những ngày xưa đầm ấm như thế có lẽ đã cách nay mười mấy, hai chục năm.
“Tết thì hàng năm ăn nhỏ ăn lớn gì cũng phải ăn, người có tiền ăn theo có tiền, người không có tiền ăn theo không có tiền, nhưng ít gì cũng phải mua vài cặp bông chưng cho có vẻ Tết. Ra chợ mua mớ cam quýt, bánh kẹo về cúng ông bà, khách khứa tới. Người Việt Nam ai cũng vậy thôi, ít gì cũng phải có vài triệu để mà ăn Tết. Hỏi nợ, hỏi nần, hỏi vay gì thì cũng phải kiếm tiền mà ăn Tết… hồi đó trong xóm Tết thì có năm, ba người mần heo mình chia thịt để cúng, Hồi đó Tết cỡ 27-28 là bắt đầu mần heo rồi. Bây giờ người ta không làm vậy nữa mà ra chợ mua.”
Trong nhiều năm qua, nông nghiệp luôn là bệ đỡ cho nền kinh tế. Xuất khẩu gạo luôn ở trong tốp ba hàng đầu thế giới, xuất khẩu cà phê hạng nhất hạng nhì. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2015 đạt hơn 30 tỷ đô la. Thế tại sao nông dân lại rất nghèo, làm không đủ ăn, những trường hợp như Sáu Trọng còn là khá, vì ông từng có hơn 2 ha ruộng, trong khi số đông chỉ có vài công đất. Ngược lại cũng có một thiểu số nông dân giàu có, sắm ô tô để thăm đồng, họ được mô tả là những “cán bộ nông dân” giàu có tích tụ được nhiều đất đai. Nhưng đây chỉ là những chuyện rất hiếm hoi, những câu chuyện thần tiên.
Những năm gần đây, Nông nghiệp Việt Nam bắt đầu xuất hiện những đại công ty có khả năng lớn về tài chính, làm nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung áp dụng khoa học công nghệ hiện đại. Các dự án này bao gồm từ trồng trọt cho tới chăn nuôi, đạt kết quả phấn khởi hạ giá thành sản xuất một cách rất cạnh tranh, sản phẩm đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy vậy những mô hình sản xuất tập trung tiên tiến này vẫn chỉ là đếm trên đầu ngón tay, so với con số hơn chục triệu hộ gia đình nông dân trên cả nước.
Đối với thực trạng sản xuất nông nghiệp, hiếm khi người nông dân được nghe ông Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nói thật. Trong tư cách Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11 vào thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ, ông Nguyễn Quốc Cường mới mạnh dạn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, kêu gọi Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa không thể bỏ mặc nông dân trong cảnh nghèo khổ triền miên.
Ông Nguyễn Quốc Cường đưa ra những thông tin làm nhiều người giật mình. Đây là những sự thật khó che dấu nhưng chính phủ tránh không đề cập tới. Trong số 5 nguy cơ của nông dân, đáng chú ý và cụ thể nhất là khoảng cách giàu nghèo giữa cư dân nông thôn và thành thị. Trước Đại hội Đảng, hôm 23/1/2016 vừa qua, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường, được xem là giới chức cao cấp đầu tiên của Đảng nói thẳng vào sự thất bại của chế độ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đối với nông dân. Thành phần này lại chiếm tới 60-65% dân số Việt Nam. Chúng tôi xin trích nguyên văn lời ông Nguyễn Quốc Cường: “Nông dân đang bị phân hóa giàu nghèo và xu thế ngày càng tăng. Trước đổi mới khoảng cách là 3,5 lần; đầu đổi mới 5,6 lần và hiện tại khoảng cách này là 10,2 lần.”
Nông nghiệp đứng trước những khó khăn
Khoảng cách giàu nghèo giữa cư dân nông thôn và thành thị được cảnh báo là còn tăng hơn nữa, trước áp lực hội nhập nhanh và sâu rộng hiện nay như AEC Cộng đồng Kinh tế ASEAN, TPP Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU cũng như một loạt các Hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã ký kết.
Trước ngày Cộng đồng Kinh tế ASEAN hiệu lực 31/12/2015, TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Việt Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từng bày tỏ quan ngại về việc các công ty lớn của nước ngoài đang dần dần chiếm lĩnh hệ thống bán lẻ ở Việt Nam.
“Nếu như siêu thị của họ phục vụ tốt hàng hóa lại bán rẻ có chất lượng tốt thì lúc bấy giờ hàng hóa của Việt Nam sẽ không có đất sống và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể tồn tại được. Điều đó sẽ đe dọa với cả nền nông nghiệp Việt Nam, thí dụ trái cây Thái Lan rẻ và ngon, trái mít cũng ngon hơn trái mít của chúng ta, quả nhãn quả xoài cũng ngon hơn. Chưa thuế suất bằng 0 nhưng tôi về đồng bằng Cửu Long đã thấy trái cây Thái Lan khá nhiều, không muồn dùng chữ tràn ngập nhưng đã là khá nhiều rồi… thế thì tôi thấy những điều ấy rất là lo lắng.”
Tại Đại Hội Đảng lần thứ 12 vừa qua, trước khi nói tới nguy cơ thứ 5 là phân hóa giàu nghèo, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đã chỉ ra 4 nguy cơ khác. Đó là tình trạng giảm nhanh tỷ lệ đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp nông thôn từ 32,4% những năm 1989-1990 đến mức chỉ còn 6,06% trong những năm 2012-2014. Do vậy thu nhập của nông dân giảm và tạo ra tâm lý nông dân không muốn làm nông nghiệp. Ngoài ra quá trình đô thị hóa, rồi ảnh hưởng chính sách ruộng đất phân tán, phát triển nông nghiệp không thể áp dụng công nghệ hiện đại và hàng loạt bất cập khác tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn xã hội nông thôn.
Đề cập tới sức ép cạnh tranh toàn diện trên nhiều sản phẩm nông nghiệp trong giai đoạn Việt Nam hội nhập nhanh với thế giới. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, kêu gọi nhà nước phải nhanh chóng cải cách.
“Nếu không cải cách được thì nền nông nghiệp Việt Nam đứng trước những khó khăn vô cùng to lớn, cũng sẽ không hình dung nổi là sẽ đi đến đâu và nhất là số phận của người nông dân, một bộ phận rất đông đảo trong xã hội Việt Nam sẽ đi tới đâu nữa. Tôi cho rằng sức ép về nhiều mặt cũng như đòi hỏi cuộc sống người nông dân, nó đòi hỏi Việt Nam thực sự thực hiện cải cách rất mạnh mẽ đối với nông nghiệp như là một cuộc cách mạng xanh mà một số nước đã làm. Ở đây là cả việc tổ chức lại sản xuất, cả việc xem lại chế độ sở hữu đối với đất đai, cũng như là về các khía cạnh kỹ thuật đối với sản xuất nông nghiệp.”
Những người nông dân như ông Sáu Học ở đồng bằng sông Cửu Long đã quen với việc làm nông đầu tắt mặt tối mà chỉ đủ ăn. Họ tỏ ra thờ ơ với việc đổi đời một lần nữa, họ chưa thấy một mùa xuân đổi mới dù Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát được giao trọng trách thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững từ giữa năm 2013. Ba năm vừa qua nông nghiệp nông dân nông thôn chưa thấy tiến bộ. Qua Đại hội 12 ông Cao Đức Phát vẫn được tái cử vào Trung ương Đảng, liệu ông có thể đổi mới được gì cho nông nghiệp nông dân nông thôn, để người nông dân có được một mùa xuân đổi mới thực sự.
N. N
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét