1. Người đầu tiên trong Bộ chính trị Đảng Cộng sản VN khoá 12 tôi đã giới thiệu trên FB của tôi là kỹ sư xây dựng, trung tướng công an Phạm Minh Chính, sinh năm 1958 hiện là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Ông Chính đã tỏ ra là nhà tổ chức cán bộ có hạng, khi tham mưu cho Bộ Chính trị khoá 12 để 2 ông kỹ sư, từng lãnh đạo đại doanh nghiệp, không chuyên công tác Đảng làm Bí thư hai thành phố lớn nhất nước. Nếu tới đây, ông Chính đề xuất bổ nhiệm vài vị không xuất thân công an vào lãnh đạo ngành công an (như các ông Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh trước đây), tôi sẽ tin vào bản lĩnh của ông có khả năng thay đổi mang tính đột phá về tổ chức cán bộ.
2 và 3. Các ông Đinh La Thăng và Hoàng Trung Hải sẽ thay đổi diện mạo hai thành phố, cũng sẽ góp phần thay đổi Việt nam.
4. Ông Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1961, tiến sỹ toán, đương kim thống đốc ngân hàng nhà nước, đi lên từ trong ngành ngân hàng, hiểu rõ mọi ngóc ngách của ngân hàng và khách hàng của ngân hàng. Ông Bình là một người thông minh, sắc sảo, bản lĩnh, quyết đoán. Hệ thống ngân hàng Việt nam suy sụp là hậu quả từ các đời thống đốc khác, ông đã chèo chống để hệ thống này không đổ vỡ và hoạt động bình thường trở lại. Nếu ông Bình làm phó thủ tướng đặc trách kinh tế, thủ tướng sẽ nhàn và yên tâm, nhiệm vụ chính của thủ tướng là để ông Bình thay mặt mình quyết mọi chuyện về kinh tế.
5. Ông Võ Văn Thưởng sinh năm 1970, cựu bí thư thứ nhất đoàn thanh niên, Trưởng Ban Tuyên giáo.
Ông Thưởng còn trẻ, có cơ may đọc diễn văn kỷ niệm Đảng CSVN 100 tuổi. Ông từng gây ấn tượng khi gặp và đối thoại với hàng ngàn dân biểu tình trên quốc lộ 1 ở tỉnh Quảng ngãi vào tháng 10/2013, khi ông là bí thư ở đây. Ông sẽ có dấu ấn lớn cho nền dân chủ, báo chí, mạng xã hội ở Việt nam, nếu ông có tư tưởng phóng khoáng của người miền Nam, không can thiệp thô bạo vào báo chí, chấp nhận sự đa dạng ý kiến. Ông có kinh nghiệm này khi là Bí thư Đoàn tại TPHCM, lúc đó báo Tuổi trẻ thuộc chủ quản của ông đang phát triển trên đỉnh cao, bán chạy nhất nước.
______________
Hiến pháp phải được tuân thủ!
Các ông Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Giao thông vận tải ĐInh La Thăng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ NGuyễn Văn Nên được Bộ chính trị Đảng CSVN khoá 12 phân công nhiệm vụ bên Đảng, nhiều vị trong đó có cả chính Thủ tướng và các vị đó cho rằng với quyết định của BCT, các vị không còn chức vụ, quyền hạn trong Chính phủ. Đây là cách hiểu sai vì :
1/ Theo khoản 3 điều 4 Hiến pháp 2013 các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Như vậy quyết định của BCT không thể đứng trên Hiến pháp.
2/ Theo khoản 7 điều 70 Hiến pháp 2013 Quốc hội có quyền "phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ". Theo khoản 3 Điều 98 HP, Thủ tướng có quyền hạn và nhiệm vụ "Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ;"
Thủ tướng Chính phủ chưa trình đề nghị miễn nhiệm, Quốc hội chưa họp đề phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, các vị trên vẫn là thành viên Chính phủ.
Trước đây, ông Nguyễn Phú Trọng từng có thời gian đảm nhận chức Tổng Bí Thư lẫn Chủ tịch Quốc hội (từ 19/1/2011 đến 23/7/2011), hay ông Nguyễn Quốc Triệu đảm nhận cả Bộ trưởng Bộ y tế lẫn chủ tịch UBND TP Hà nội trong 1 tháng (8/2006).
Sau Tết, các vị nhớ đến Hiến pháp nhé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét