..Anh Bình tìm thấy tôi ở ngoài bến xe. Cả nhà đang cuống lên vì
chiều hôm ấy không thấy tôi về. Bố tôi về tới nhà hay tin cũng vội vã đi tìm
tôi. Ông bảo: “Nó là thằng có chí, nhưng khí khái.. Chỉ sợ nó nghĩ quẩn..”.
Chẳng ai hiểu tôi cả. Tôi đâu có dại làm việc ngu xuẩn trong lúc
bồng bột như hồi nào? Sau đận ấy, tôi nghĩ con người ta có nhiều cách, miễn là
có lòng kiên nhẫn, mãi cũng tới bến bờ.
Cuộc sống luôn có những con sông trước mặt. Nếu anh không đủ
quyết tâm và thiếu lòng hăng hái, mãi mãi anh sẽ ở bờ bên này với nỗi buồn và
thất vọng của mình.
Khó khăn không phải chỉ có một lần, như thể người ta qua con sông
này lại gặp con sông khác đón chờ trước mặt. Anh vẫn phải đi tiếp, không thể
dừng lại nếu không muốn đánh mất ước mơ của mình.
Tôi suy tính tiếp tục ở lại xưởng bánh mì không phải là cách hay.
Lương ba cọc ba đồng chỉ đủ nuôi miệng mình, năm may được bộ quần áo. Mặc mãi
cũng rách, chẳng là gì. Tuổi trẻ sinh ra đâu phải chỉ cốt tìm miếng ăn, manh áo
mặc? Ngày qua tháng lại chả mấy chốc mà hết tuổi thanh xuân.
Tôi cần có tiền, thật nhiều tiền.
Như người ta nói “Có tiền, con khi cũng thành tiên”. Tôi sẽ theo
người ta đi buôn gỗ, buôn bè.. rồi tôi sẽ thành ông chủ, thành “doanh nhân” như
người ta hay gọi về sau này. Muốn thế tôi phải có vốn liếng ban đầu.“Đi câu sắm
giỏ”. Nhưng tạo nó bằng cách nào?
Thằng Hón cùng học với tôi cũng có hoàn cảnh tương tự. Bạn bè
cùng lớp nhiều đứa đã đi thoát ly, đi học cả rồi, chỉ còn mấy đứa không được đi đâu gọi là vẫn lơ vơ, ở nhà.
Mỗi đứa chọn một phách.
Có đứa rủ thêm bạn ra Quảng Ninh xin việc. Mỏ than ngoài đó đang
cần tuyển thợ mỏ. Công việc tuy vất vả, có khi nguy hiểm vì an toàn của mỏ vừa mới
khai thác lại, chưa thật đảm bảo. Nhưng đổi lại, lương khá cao.
Có đứa xin đi công nhân đường sắt. Ngày ngày vác tà vẹt, khiêng
đá rải nền đường tàu. Suốt ngày phơi mặt ngoài trời mưa nắng,“trắng trẻo” như
người Kênya..
Đúng là bách nhân bách nghệ, chả thiếu nghề nào!
Không phải tôi sợ vất vả, lầm than. Cái tôi sợ ở những nơi ấy
sinh hoạt thường là ô hợp, ăn ở tạm bợ gồm nhiều hạng người, tốt có mà xấu cùng
không thiếu. Đấy là những nơi nhiều thô lỗ, cuộc sống con người thiếu cái căn
bản. Nơi hỗn quân, hỗn quan..
Là tôi “tưởng tượng” ra thế..
Sau này gặp lại bạn cũ, tôi mới biết mình nhầm!
Hoặc cũng có thể trong câu chuyện, bạn bè tôi “moniphe”, tô vẽ thêm
ra viễn cảnh để tôi nhầm như thế chăng?
Chừng nào còn những hạng người như bố con ông Tý Tỏm, ông Đoàn
Nhiêu, chừng đó tôi biết mình khó mà mở mày mở mặt ra được! Bố mẹ tôi đã phải
bỏ quê bỏ làng đi hàng trăm cây số lên đây mà chưa khỏi vòng “khắc tinh” của
họ. Họ là cái gì ám ảnh, đeo bám dai
dẳng. Tôi cứ đi tới đâu là y như rằng, cách nào đó lại có cái “bóng” trong số
họ xuất hiện, lù lù trước mặt.
Tôi cần con đường khác, cách khác để lập thân, lập nghiệp. Bất
luận như thế nào..Dù có phải đi vòng, gian nan vất vả quyết không bỏ cuộc. Muốn
thế phải chuẩn bị ngay từ bây giờ..
Thằng Hón bảo tôi nó có cách kiếm tiền nhanh, tôi đi theo nó. Vẫn
biết đó là cách không được đàng hoàng cho lắm, mà vẫn làm. Không phải lúc nào
con người cũng có quyền lựa chọn theo suy nghĩ chủ quan và cảm tính của riêng
mình. Có lúc phải chiều theo hoàn cảnh, hay gọi văn vẻ là “số phận đẩy đưa”.
“Phe vé” ở bến xe không phải công việc công khai. Phải làm lén
lút. Bất cứ lúc nào cũng có thể bị công an, quản lý bến dẫn vào đồn. Đó là việc
nhà nước về mặt quản lý công khai nghiêm cấm. Nhưng nó vẫn là một thứ nghề mọn
chui lủi lẩn lút suốt nhiều năm thời bao cấp. Có cầu ắt có cung. Phương tiện
giao thông thiếu thốn, số vé bán cho khách chỉ có hạn của mỗi ngày. Đó là lý do
tại sao cấm cản ráo riết mà việc này vẫn xảy ra. Nhưng làm được nó cũng không
phải chuyện dễ, ai cũng làm được. Cần có sự tháo vát, nhanh nhạy và quan trọng
nhất phải biết “dẻo mỏ”, như người ta hay gọi về tính chất của công việc ấy
thời bấy giờ. “Làm lâu ngày sẽ có kinh nghiệm. Thậm chí còn móc nối được với
nhà xe, người bán vé lúc ấy mới ăn to, với điều kiện “biết lại quả” cho họ một
chút”, khéo léo và tế nhị nếu không muốn “nhà xe” trở mặt, lập biên bản ngay
tức thời!.
Ấy là Hón nói thế, tôi nghe có lý và không phản đối.
Phải công nhận một thời “Phe vé”, “Phe tem phiếu” là nghề kiếm
được tiền tương đối dễ dàng, lại không tốn sức.
Chỉ cần có gan, nhanh nhẹn, giảo hoạt một chút là có thể làm
được. Tôi vẫn thấy có điều gì đó không ổn. Mình đang vụng trộm, lén lút thì tâm
trạng làm sao thanh thản được?
Anh Bình nhìn thấy khi tôi đang chen xếp hàng. Mỗi lần xếp hàng như
thế thật không dễ chịu chút nào. Dưới dùn lên, trên ép xuống, tê chân, tức
ngực, thở không ra hơi.. Trời không đến nỗi nóng mà quần áo mồ hôi mồ kê ướt
đầm đìa. Nhưng mua được cái vé, bán lại cho người khác giá trị ngày công gấp
mấy lần các công việc nặng nhọc ở xưởng cán mì.
Đã đứng vào hàng chỉ nhằm nhằm trông vào cái ô bán vé rộng bằng
hai bàn tay. Ngoài ra chẳng để ý gì đến xung quanh.
Đến lúc anh Bình vỗ vai, tôi lại tưởng ai đó ở phía sau gây sự
với mình, chút nữa tôi văng tục. Quay lại nhìn thấy anh, tôi chột dạ. Sao anh
ấy lại biết mình ở đây?
Anh Bình không nói không rằng cầm tay tôi lôi ra khỏi hàng. Dù
lúc này anh mặc thường phục, vẫn có người biết anh ở ty công an. Mọi người dãn
ra không ai nói gì, nhưng ánh mắt nhìn đầy nghi hoặc. Có thể người ta nghĩ tôi
là thằng ăn cắp vừa xổng ra, bị bắt lại? Người ta biết đâu tôi là em vợ của
anh?
Anh bảo tôi lên xe chở về nhà. Cái xe đạp của anh xích khô dầu,
cứ kêu lách cách. Tôi định nhảy xuống đi bộ, nhưng anh Bình không cho.
Cả nhà tôi đang chuản bị ăn cơm. Tôi đồ mẹ tôi khóc chán, mỏi
mắt, giờ đã thôi. Bố tôi có lẽ cũng đánh liều, “kệ xác nó, muốn đi đâu thì đi,
lớn rồi đâu lên năm lên ba nữa mà cứ lo mãi!”, ông sẽ bảo thế, nhưng không hiểu sao giờ bố tôi
cứ nhìn tôi chằm chằm?
Bố tôi vốn hiền lành, ít nói sao cái nhìn của ông khi ấy khiến
tôi rất sợ, phải quay đi chỗ khác? Tôi khâm phục cách xử trí khéo léo của anh
Bình. Nếu hôm nay không phải là anh đưa tôi về, sự thể tôi không đoán trước
được.
Bố tôi mặt vẫn lạnh như tiền, có lẽ bố còn giận tôi lắm. Mẹ tôi
mếu máo, các anh chị em khác cũng chẳng ai đồng tình. Sắp có trận bão giông xảy
ra đây, tôi nghĩ bụng..
May mà anh Bình ngăn được.
Anh làm như không có chuyện gì, mở xà cột lấy ra tờ giấy đưa cho
bố tôi. Ông bảo:
- Giấy má gì? Anh cứ đọc luôn đi, tôi không đeo kính!
“Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa..” anh Bình đọc. Thì ra đây là giấy
báo tôi nhập học một lớp đào tạo cấp tốc ngành sư phạm. Trường sư phạm khu hiện
đang thiếu học sinh cho năm học mới, gọi bổ sung. Mặc dù thời gian học chỉ có
một năm, hệ tiểu học cả nhà tôi mừng như vừa có người chết sống lại. Còn tôi
không biết nói gì, cứ cầm chặt tay anh dể tôi rất chặt, lâu đến nỗi anh phải gỡ
tay tôi, hỏi: “Cậu làm sao thế?”. “Em không sao, nhưng em biết anh vất vả vì
em. Nếu không chắc đã có giấy báo này”. Tôi nói, tự nhiên nước mắt ứa ra. Lâu
lắm tôi không hay tủi thân như ngày còn bé, chẳng hiểu tại sao bây giờ nó cứ ứa
ra, tràn xuống, mặn trên môi..
( Còn nữa..)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét