Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Trích TT của Ngố: "Ngày ấy đâu rồi"


23.

Lần này tôi lại sang sông. Mùa thu nước trong hơn mọi mùa. Dấu vết của trận lũ tháng bảy vẫn để lại dấu bùn, vết đổ gãy hai bên bờ sông. Những đám cỏ ngâm nước lâu ngày ủng úa lại bắt đầu trổ những búp trắng, xanh mờ hai bên lối đi. Từng đàn kiến cần mẫn nối đuôi nhau chuẩn bị đối phó với mùa đông dài sắp đến, cuối thu này. Tôi giờ có chút thời gian để nhìn ngắm khung cảnh nơi đây trong lúc đợi thuyền. Phải nói hôm nay là một ngày nắng đẹp. Nắng vàng như mật, như gừng. Trong nắng phảng phất hương vị của một vùng quê nghèo, yên tĩnh. Thứ bình yên lạ lùng, khiến người ta nao nao, bồn chồn..
Nơi tôi đang qua vốn là nơi xưa kia có thành nhà Bầu. Nhưng bây giờ chả còn dấu tích gì của một thời kỳ lịch sử đen tối, chuẩn bị cho Trịnh Nguyễn phân tranh hàng trăm năm trước.
Có chăng là những câu chuyện mơ hồ, không đầu không cuối về một triều đại suy tàn, thối nát dẫn đến loạn lạc, tao khổ cho con dân nước Việt. Thời của các ông vua sợ ánh sáng mặt trời, suốt ngày ở trong bóng tối, tận hưởng lạc thú xa hoa, khiến cho xã tắc điêu tàn. Tham quan, lại nhũng lộng hành khắp cõi. Luân lý bị đảo lộn. Người ngay lại sợ kẻ gian. Đạo đức suy đồi. Trộm cướp giặc giã mọc lên như nấm..Nếu nhà Thanh cường thịnh, người Trung Hoa đã nuốt chửng quốc gia này.
May là lân quốc cũng đang cơn khủng hoảng triều chính, chẳng hơn gì xứ mình. Họ còn bận lo đối phó sau cuộc chiến tranh nha phiến, đất nước to lớn dềnh dàng của họ đang bị tây phương gậm nhấm từ từ..
 Những câu chuyện pha chút huyền thoại về anh em họ Vũ, thời gian chống kình với nhà Mạc. Thời nào cũng vậy, những kẻ muốn làm chúa tể thiên hạ thường nêu những chiêu bài hay ho về giang san xã tắc. Thực ra trong tim đen của chính mình, họ chỉ có duy nhất chút tham vọng vương quyền. Chỉ khổ cho trăm họ chân đất, mắt toét phải phung sự ái quốc trung quân. Dân chúng chỉ là những quân cờ, những con chốt trên bàn cờ thế cuộc mà kẻ vương quyền bá đạo có thể thí đi không thương tiếc..
Có lẽ chẳng có mấy quốc gia như đất nước này. Sử sách thật nôm na và nhiều thiếu sót. Thường lại phiến diện một chiều. Chủ yếu để tuyên dương công trạng của mỗi triều đại do quan lại chế độ đó phần nhiều hư cấu. Hơn là ghi nhận sự thực lịch sử một cách khoa học với sự chính xác vô tư..
Tôi đang lan man nghĩ chẳng tự biết là đúng hay là sai như thế nào? Thì thuyền cập bến.
Ông lái đò mũ nan, quần lá tọa nhuộm nâu, cởi trần không mặc áo, để râu dài bảo tôi ngồi đợi. Rất lâu không thấy có thêm khách, ông miễn cưỡng nhổ sào. Con thuyền từ từ sang bờ bên kia.
Đây là bến đò mấy chục năm sau nữa bị bỏ quên, không có người qua lại do người ta quy hoạch lại đường xá, có thêm cầu bắc qua sông. Nhưng đấy là câu chuyện của sau này. Còn bây giờ nó vẫn là huyết mạch nối liền hai tỉnh. Đi thêm một quãng dài nữa là đến chân đèo khế.
Nơi đây ông Tố Hữu nói về cái rét chết cò thổi từ tỉnh nọ sang tỉnh kia. Có lẽ nhà thơ nhầm vì ông ít chú ý đến yếu tố địa lý cho lắm nên mới viết như vậy. “Gió qua rừng đèo Khế gió sang” là cái gió ngược chiều với hướng đi của gió. Nhưng mà cũng chẳng sao. Thơ ca cần vần vè như thế, nó mới đúng âm vận, thi luật, không thể khác.
Thôi thì có lúc phải thông cảm với người làm thơ. Bắt bẻ quá bố ai mà sáng tạo ra thơ ca được?
Chỉ lát nữa là tôi phải vượt qua con đèo này. Tôi sẽ được tận mắt cảm nhận tất cả những điều chưa thực xác đáng của bài thơ. Nơi núi non trùng điệp, các vòng cung gặp nhau,  rồi nối nhau như bức tường thành thiên nhiên, phân cách địa giới hai tỉnh cùng một khu tự trị này.
Non sông vẫn vậy, thản nhiên tồn tại trước những định kiến chủ quan, sai lạc của con người. Trước cả những trào lưu, khát vọng của mỗi thời đại. Mà thời tôi đang sống đây là thời khác hẳn mọi thời.
Tôi còn phải mất nhiều thời gian mới thấu hiểu và cảm nhận đầy đủ về nó.

( Còn nữa..)



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: