( Ảnh không liên quan nội dung bài )
..Đường đê đổ bê tông, vắng ngơ vắng ngác, chưa có ai qua lại giờ này. Thỉnh thoảng mới có một hai người đi chợ sớm ngược chiều. Nhưng lão Đại vẫn dặn:
- Cứ thông thả đi chú ạ. Anh em mình ra nhà nghỉ Linh Sơn chơi,
mai hãy về.
Lân đang chạy xe nên không nói gì. Vả lại có nói lão cũng chẳng nghe
thấy. Xe đang chạy ngon trớn. Bỗng phía trước mặt có con vật mờ mờ, đen đen
đang chúi mũi chạy ngược chiều. Không phải lợn, không phải bò. Một con chó
becgie gần bằng con bò con vừa được thả ra, chạy lồng lại. Lân đã có ý tránh
nó, nó lại cứ nhằm thẳng phía anh. Đúng là đồ chó ngu và đểu. Chắc nó bị chủ
xích phòng mất trộm cả đêm, giờ mới được thả ra, mừng cuồng lên, chạy bạt mạng
đây! Lân thoáng nghĩ thế, đạp phanh định dừng lại. Nhưng không kịp nữa rồi!
Chiếc xe tông thẳng vào con chó, vụt lên như kiểu người ta đi mô tô bay! Lạ cái
không nghe thấy nó kêu tiếng nào? Chỉ
thấy lão Đại kêu ối một tiếng phía sau, có chuyện rồi, sau xe nhẹ bẫng đi.
Trước mắt Lâm là những cột mốc giới lề đường trắng xóa. Bên dưới kia là dốc
cao. Xuống đấy là giã biệt cuộc đời! Lân cố gắng lấy lại tay lái, loạng choạng một
lúc sau mới dừng xe lại được. Anh vừa thoát hiểm nghèo trong gang tấc!
Lão Đại nằm một đống, co co hai chân, nghiêng người bên vệ cỏ.
Người ở đâu đột ngột xuất hiện, nâng lão dậy. Không có vết thương ở mặt, chỉ có
hai bên sườn xây xát khá nặng. Một nửa bàn chân lão đẫm máu. “Cũng còn may, xa
ruột chán” Một người nào đó thốt lên. Phải khi khác, Lân đã vả cho tên đó một
cái. Người ta đang đau, lại là người già..Ăn với chả nói!
Nhưng lúc này chính bản thân Lân cũng bị đau nhói chỗ cổ chân.
Anh bị sai khớp mà chưa biết. Lân nhảy lò cò nhặt kính đổi mầu, điện thoại và
cặp số lại cho lão. Mặt lão trắng bợt chả nói câu nào. Cái vẻ hùng hồn, hùng
biện mọi khi biến đâu mất?
Thôi thế là đi tong cái cặp số kiểu “Đại gia” khóa bấm, đai viền
mạ vàng, quai xách bằng sừng trâu trắng giả ngà voi, hay bằng ngà voi thật Lân
chưa kịp hỏi. Cái cặp lão vừa khoe với Lân mới mua hơn chục triệu, gửi mua mãi
tận Hồng Kong!
Nhưng đấy chưa phải là cái đáng tiếc và đáng lo vào lúc này. Chân
cẳng lão đau thế kia, làm thế nào để đưa lão đi đến nơi về đến chốn? Lão nặng
gần cả tạ, một mình chân cẳng thế này làm thế nào để lão ngồi lại lên xe đi
tiếp được?
Đang lo. Chợt có hai tay mặc đồ thể thao, đi xe máy lại. ( Sau
này Lân mới biết một trong số hai người này là có thể là chủ chó, biết chuyện
chạy ra ) Một người giữ xe, một người ôm người, họ bảo Lân đi theo.. Xe chạy
qua cánh đồng một đoạn, rẽ vào làng.
Trạm xá còn sớm, chưa ai làm việc. Một người bảo “cứ đưa thẳng
đến nhà ông bác sĩ trạm trưởng. Nhà ông cũng có phòng khám, chả kém gì ở đây”.
Thời buổi chân ngoài dài hơn chân trong, chỗ nào chả thế? Nhưng bây giờ không
phải là lúc bận tâm các loại chuyện này.
Lân đỡ lão lên cái giường một kê trong phòng khám. Bác sĩ xem, sát
trùng, cắt bỏ miếng ra rách. Khâu. Băng lại. Lão Đại vẫn tỉnh bơ như không.
Công nhận lão gan. Da thịt con người có phải gỗ đâu mà không đau?
- Cứ nằm một lúc cho nó ổn định đã, đừng đi ngay - Bác sĩ nói.
Lân ra cửa, tìm hai vị “hiệp sĩ” vừa rồi, chả thấy, các vị đã đi
từ lúc nào? Dù sao cũng phải cảm ơn, úy lạo người ta một tí. Nhưng chỉ có mấy
gốc cây, không thấy người! Khả năng Lân đoán họ chính là chủ chó vừa rồi càng
được chắc chắn khẳng định. Nhưng mà thôi, dở chuyện ra giờ có ích gì?
Lân quay vào. Lão Đại bảo anh cho lão chậu nước. Lão muốn thay bộ
quần áo trên người. Cái quần lấm bê lấm bết, áo xoạc một miếng, dù có đau thế
chứ đau nữa, đời nào lão chịu mặc? Lân lúng túng mất một lúc mới xong. Cứ y như
cô bảo mẫu thay tã cho em bé. Một em bé quá khổ, chả lúng túng thì sao? Rồi
cũng xong. Thanh toán. Cảm ơn. Bác sĩ đỡ hộ lão lên xe.
Hai người tiếp cuộc hành trình dang dở. Ngang qua một quán phở
lúc bấy giờ đã mở, lão bảo dừng lại. Phở sốt vang mà cứ đắng như bột đao mốc.
Chán. Không muốn ăn. Lão Đại bảo:
- Nghe cứ đau đau hai bên sườn.
Lân nói:
-
Được
rồi em có cách.
Lại nhờ một cô gái ngang qua đường đỡ lão lên. Có “Tầm quất da
truyền” đây rồi! Biển quảng cáo sai chính tả, nhưng em tầm quất cực kỳ xinh.
Lão Đại có vẻ khoái. Lân bảo “ Cứ thật nhiệt tình vao, hết bao nhiêu không
thành vấn đề”. Tự nhiên lão nói: “ Làm cho đại gia tiền nong không cần phải lo.
Làm “tốt” còn có thưởng”. Con bé thích lắm, cười rinh rích. Bấy giờ Lân mới để
ý sao ở trong nhà mà em ý vẫn đeo kính? Thì ra em khiếm thị, mình vô tâm không
biết.
Em hỏi: “ Chú là đại gia ở đâu ạ?”. Lão cười khờ khờ: “ Không
những đại gia, đây còn là bố đại gia kia”. Lân định nói rõ thêm về các con lão.
Lại nghĩ, nói chuyện ấy ở đây có ích gì?
Em tầm quất vừa làm vừa thủ thỉ chuyện gì đó, Lân không nghe rõ..
Đến lúc ra ngoài, nghe lão Đại nói em ấy “người đồng hương”. Nếu em ý thích lão
sẵn sàng đầu tư cho một cửa hàng để hành nghề, khỏi phải thuê mướn đắt “khiếp
lên ấy” ở chỗ này. Em xin số điện thoại. Chả biết mắt mũi có nhìn thấy gì không,
mà tay cứ bấm nhoay nhoáy?
Lão đưa tờ năm trăm. Em tầm quất kêu trời lên rằng mới sáng ra đã
làm ăn được gì đâu mà anh trả tiền to thế?
Lão lại khờ khờ:
- Anh hay thương người, thừa một tý bo luôn có sao?
Em bảo em cám ơn.
Chỉ có Lân là hơi phân vân. Hình như mình còn nghĩ sai về lão.
Thực ra lão quảng đại, tốt tính hơn mình tưởng nhiều.
- Chú có biết vì sao hôm nay anh em mình gặp nạn không?
Lân bảo em chịu. Lão nghiêm giọng:
- Tại hôm qua thăm đình anh không thắp hương như mọi khi Đình
làng anh thiêng liêng lắm. Anh chưa từng làm như thế bao giờ. Chẳng qua tại ông
từ đi vắng. Kỳ sau có về phải rút kinh nghiệm!
Có thể lão nói đúng, cũng có thể không. Còn như “một lần khác nữa”
e rằng không bao giờ. Nhớ quê, lão cứ đi một mình, hoặc với ai đó. Còn anh, Lân
sẽ KHÔNG!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét