Đợt trước vào Sài Gòn còn gặp Nguyễn Khải, đợt này vào không còn thấy anh nữa. Tự nhiên thấy tiếc. Không nhớ mà tiếc.
Đợt trước gặp anh được nửa giờ, tình cờ gặp ở vỉa hè, kéo vào ngồi quán cà phê nghèo ở hẻm, anh nói Lập viết kịch hay, viết phim cũng hay, nhưng viết văn đi em. Mày bỏ văn lâu quá rồi. Đó là lần đầu tiên anh Khải gọi mình bằng em, bằng mày, trước nay toàn gọi ông xưng tôi dù anh hơn mình cả 20 chục tuổi.
Đó cũng là lần đầu tiên mình tin anh Khải khuyên mình chân thành nhất. Trước nay anh nói câu gì mình cũng khả nghi. Anh sống khéo nổi tiếng, chưa chê văn ai nửa câu. Hoặc khen hoặc không chứ chưa bao giờ chê.
Gặp lần nào anh cũng khen, anh khen rất khéo, không lộ như Trần Đăng Khoa, nhưng mình vốn khả nghi anh từ lâu nên không bao giờ mình tin là anh khen thật. Khi nào cũng nghĩ: ông này có đọc mình đếch đâu, chỉ khen thế thôi. Bởi vì ông nổi tiếng câu: Thằng nào thích khen thì khen cho nó chết.
Vì thế dù anh khen có thật lòng cũng chẳng sung sướng gì. Ở Hà Nội anh thân nhất là Nguyễn Khắc Trường, còn đám con nít tụi mình, anh chơi như sự chiếu cố mà thôi. Đấy là mình nghĩ thế, hoá ra không phải.
Hồi đại hội IV nhà văn mình còn hung hăng lắm. Mặc bộ đồ bò đầu gấu lên diễn đàn nói văng mạng, được vỗ tay càng nói hăng. Nói xong về chỗ thì run, không biết mình có nói hớ chỗ nào không. Nghỉ giải lao ra hành lang ngồi gần Nguyễn Khải, mình hỏi anh, nói em nói có được không anh? Anh nhìn mình chăm chăm, nói ông có cái miệng tươi kinh. Tôi mà đàn bà tôi đã có chửa với ông lâu rồi.
Cả buổi sáng hôm đó mình cứ nghĩ vẩn vơ: Không biết ông này nói thế là có ý gì, tại sao mình hỏi thế ông lại nói thế. Bốn năm sau gặp lại, hỏi hồi đó anh nói thế là có ý gì? Anh cười, nói tôi nói thật mà ai cũng cho tôi nói lỡm, khổ thế. Khi ông lên diễn đàn tôi có nghe đâu, tôi đang tán phét với Đỗ Chu ở ngoài sảnh. Rồi anh thở dài, nói Đảng cho tôi nói lỡm đã đành, bạn bè cũng nghĩ vậy, chán mớ đời.
Mình nghĩ bụng cũng tại anh quá thông minh, biết sợ, luôn cảnh giác. Anh không tin ai thì ai cũng không tin anh thôi. Bụng nghĩ thế thôi chứ bố bảo cũng không dám nói.
Đợt đó anh khen mình, thằng Thiều ( Nguyễn Quang Thiều), thằng Phong ( Nguyễn Thành Phong) làm Văn nghệ trẻ giỏi, nói nhất định sẽ viết bài, mình cũng không tin. Bụng nghĩ ông này nói thế thôi, dư hơi mà đi khen đám con nít ranh tụi mình. Hoá ra anh viết thật, khen nức nở, khen mình nhiều nhất, còn khen mình đẹp trai nữa, he he.
Cách đây gần hai tháng, mình viết đến tám giờ sáng, vào buồng ngủ lại, chợt có điện của anh Trọng Huấn báo anh Khải mất rồi. Mình gọi điện lung tung báo cho mọi người.
Đến một giờ chiều anh Huấn lại gọi điện nói anh Khải chưa chết, người ta chưa cho anh Khải chết. Mình hỏi sao, anh Huấn nói nhà tang lễ đòi có thẻ 40 năm tuổi Đảng mới cho vào chết trong đó, nhưng anh Khải đã vứt nó đâu rồi, tìm không ra.
Ngao ngán hết nỗi, đến chết cũng khó thế thì sống làm sao. Anh Khải ôi anh Khải!
Trước khi vào Sài Gòn mình có đọc bài Cái tôi của anh, viết hay quá, hay đến nổi cả da gà. Đây là bài đầu tiên và cũng là bài cuối cùng Nguyễn Khải nói thật.
Nhưng cứ ai sắp chết mới chịu nói thật như anh cả thì bọn cần lao biết sống làm sao, sống thế nào!? Anh Khải ôi là anh Khải ôi!
NQL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét