"CON ĐƯỜNG" TRỞ THÀNH NHÀ BÁO.
Dạo này, cứ gặp mình là nhiều tên bạn tru tréo: Báo chí cái phải gió gì thế mày, khoan bàn chuyện nội dung, nội viết cho đúng chính tả thôi cũng không nên hồn. Cứ tưởng...
Ngày trước khi mới vào nghề mình cũng cứ tưởng, nhưng hóa ra....;-))
Cứ bảo đấy là nghề nghiệt ngã đòi hỏi cao này kia...nhưng con đường trở thành nhà báo với nhiều người, dễ không thể tả và có thể chẳng cần đến kiến thức trình độ gì ráo trọi, chỉ cần: có bố mẹ anh chị em bà con đang làm ở 1 đài bào nào đấy, kế đó là có tiền, kế nữa là có ông to bà nhớn đỡ đầu...bất luận là ai cũng trở thành nhà báo tất !
1. Rớt tốt nghiệp PTTH với nhiều người khác thì con đường học hành hay sự nghiệp nọ kia vẻ như là đã đóng cái kịch. Nhưng nếu có bố hay mẹ làm ở 1 tờ báo thì điều đó chả nghĩa lý gì. Chả hiểu tự bao giờ người ta có qui định ngầm là những người làm trong nghề thì được 1 đến 2 xuất cho con em vào làm, bất kể con em họ có năng khiếu, có khả năng báo chí hay không.
Cái này gọi là cha truyền con nối được chăng?
Và thế là khi người khác còn đang long tóc gáy mài nhẵn đít quần ở các giảng đường hay chạy bục mặt kiếm cơm, thì những ông bà tú hụt ấy ngày ngày nghiễm nhiên hoặc vác máy quay phim hoặc số sách lon ton theo các đàn anh đàn chị đi lấy tin viết bài. Ngày kiếm tiền tối đi bổ túc thi tốt nghiệp lại, sau đó thi vào 1 lớp tại chức vừa học vừa làm, tằng tằng vài năm bằng cấp đủ cả mà lại còn kiếm ra tiền !
Trình thì thế nào? Những "còn nối" mà mình biết ấy, trình hãi hùng không thể tả. Đại loại là viết những câu dzư lày: từ nay em đã có một người bạn cùng chung chí hướng trên con đường học tập, đấy là chiếc xe đạp. Hoặc trợn mắt cãi với rằng: hợp tác thì là T chứ không phải C, viết hợp tác là sai viết như nàng "hợp tát" mí là đúng !
Cơ bản thế mà còn sai, đừng mong gì hơn.
Con hát thì mẹ khen hay. Bố là sếp con là nhân viên, vào cuộc họp bố gọi con là đồng chí, khen con như sao sáng như nhân tài mới trồi ra. Đi làm thì luôn được bố( mẹ) và những người dưới quyền bố(mẹ) "ưu tiên" hết cỡ, nghĩa là không phải đi vùng sâu vùng xa, đứa nào chạy bục mặt kiếm tin bài chứ những ông bà "con nối" ấy nghiễm nhiên ngày nào cũng có tên trên bảng phân công công việc, đảm bảo mỗi ngày đều có thu nhập.
Đố đứa nào dám ho he chê bai.
2. Không đến mức rớt tốt nghiệp trung học và cũng vào được ĐH như ai, nhưng cái sự học hết sức làng nhàng, đại loại chơi nhiều hơn học. Dám nói thế vì chỉ cần kiểm tra vài kiến thức cơ bản nhất cũng ú ớ thì đủ biết, sự học ra sao. Học cái nghề đòi hỏi đọc nhiều, đi nhiều mà ngại cả đôi thì thôi rồi. Thế nhưng con đường vào nghề từ thực tập cho đến đi làm cứ như trải lụa nhờ bố làm quan to. Nàng về thực tập thôi thì đã được chào đón như công chúa hồi cung, sáng lên cơ quan trình diện, chiều bố chiêu đãi cả phòng và toàn bộ sậu lãnh đạo 1 chầu tại nhà hàng sang trọng nhất, uống bia nhiều đến nỗi một vị bảo: đái ra bia. Vì cái sự bia bọt chiêu đãi không chỉ một lần mà nhiều lần lẫn cái chức của bố mà kỳ thực tập của nàng thực chất chỉ là đi chơi và cụng ly rổn rảng với các liền anh. Tin bài thì sếp "nhẹ nhàng" giao cho 1 lão làng "giúp em nó", bài báo cáo kết quả thực tập thì lấy bài của PV cứng cựa nhất xóa tên đi, thay tên nàng vào nộp về trường. Thế là xong 1 kỳ thực tập mỹ mãn cả đôi bên. Đương nhiên sau đó công chúa hồi cung lần 2 và cũng được cúc cung tận tụy phục vụ như kỳ thực tập, và dù làm cả năm trời vẫn không phân biệt nổi đâu là HĐND, đâu là UBND nhưng tuyệt đối, không ai phê nàng câu nào cả, mà có khi ngược lại, uy lực của những bữa tiệc chiêu đãi và chức của bố nàng đã thực sự "xoay được ngòi bút biên tập" !
3. Chưa hề tốt nghiệp THPT, lăn lóc đủ nghề, sau đó nhờ quen thân với sếp của một tờ báo, chàng nghiễm nhiên trở thành phóng viên. Mang tiếng là phóng viên nhưng việc chính của chàng là: tối tối nếu sếp cần chàng có thể phóng xe máy đi mua bánh mì mang tới nhà cho sếp và gia đình ăn khuya, đi đón phu nhân cho sếp mỗi chiều, sếp nhậu ở đâu thì chạy tới vinh hạnh trả tiền cho sếp...Những chuyện này chẳng cần dòm dỏ để ý gì cả, vì chàng thường hãnh diện khoe ra với đồng nghiệp, thậm chí nhiều khi đồng nghiệp khác cáu vì chàng bỏ ngang xương công việc, thì chàng trợn mắt long trọng mà rằng: Tui phải đi đón con cho sếp chớ bộ ! Vẻ như, chàng khinh rẻ tất thảy những người khác vì không được làm Osin cho sếp như chàng.
.....
Với những "đầu vào" như thế này, bảo sao đầu ra không" ngô vẫn hoàn ngô".
Nói thế, bởi sau nhiều năm làm việc, vẫn chỉ quẩn quanh với những tin lễ tân, khai mạc cái này bế mạc cái kia khánh thành cái nọ tặng quà chỗ kia.... vẫn cứ câu cú không chấm không phẩy, vẫn cứ ngơ ngác trước những vấn đề mà cả xã hội đang nhao nhao bàn tán, viết về dân tộc mà không phân biệt được đâu là người Cill, người Lạch, người Mạ hay người Chu Ru; viết về cây cafe thì chịu chết không biết đâu là Robusta đâu là Catimo đâu là Arabica; không phân biệt được đình và đền, không biết hết các đơn vị hành chánh của một địa phương, các thuật ngữ khoa học hay chuyên môn vẻ như là một cánh rừng rậm...có cảm tưởng như chẻ đầu ra đổ chữ vào thì đảm bảo chữ nghĩa cũng sẽ theo tất cả các lỗ có trên đầu trên mặt mà trào tuôn ra hết...
Đó là sự thật, không hề thêm thắt chút nào.
Kiểu tuyển dụng "cha truyền con nối" như thế này chỉ có một lợi ích duy nhất là : mỗi khi cơ quan có hội họp gì thì mỗi gia đình chỉ cần cử 1 người đi đại diện là xong !
Và với kiểu tuyển dụng này, những sinh viên báo chí học hành nghiêm túc, thực sự có năng khiếu nghề nhưng không thân không quen không tiền không bạc, càng không có bố hay mẹ làm nghề báo khó lòng mà kiếm được một chỗ chen chân.
Bi kịch hay là sự khốn nạn của một nghề trót mang cái tiếng "sang"?
Chỉ biết, sự ghét bỏ, sự khinh miệt của nhiều người với nghề này là chẳng oan sai chút nào. Và trong đó sự đóng góp của những "con nối" cũng chả bé chút nào !
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét