Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

LÃO ĐẠI VỀ QUÊ


                     Truyện ngắn Hồng Giang.

Lão Đại đặt mình nằm xuống một lát là gáy pho pho. Hình như lão còn nói mê lảm nhảm gì nữa mà  Lân không nghe rõ. Nỗi ám ảnh, hãnh diện về tài ăn nói của mình khiến cho “cơ quan ngôn luận” của lão làm việc cả khi đi vào cõi ngủ.
Căn phòng vôi màu vàng úa, trần cao lại hẹp. Có cảm giác như ở dưới hầm vì rất bí do không có cửa sổ.
Câu chuyện của lõa Đại lúc hai người vào phòng này khiến Lân cứ cảm giác gờn gợn. Lão bảo khi trước chỗ chợ này vốn xưa gọi là xứ Đông, toàn những mả là mả. Cỏ may hoa tim tím mọc rất nhiều, xen lẫn những cây cà gai có vuốt sắc như móng mèo.
Hồi bé lão thường hay ra đây bắt cào cào, châu chấu, chơi đá dế với đám trẻ con trong làng. Hôm nào về, hoa cỏ may cũng bám, dắt đầy vào hai bên ống quần. Sợ mẹ mắng  trước khi về lão phải lấy mảnh trai,mảnh sành nạo hết thứ cỏ tai quái nhọn một đầu bám vào vải rất chắc ấy đi. Nếu nhặt từng cái một chả biết đến bao giờ mới xong?
Vật đổi sao dời, sau ngày lão đi xa, người ta quy hoạch lại. Chợ ngày xưa họp ở xóm Đình, chỗ ấy đất hẹp, không thể để ở đó tiếp tục được nữa.
Một trong số yếu tố của “kinh tế thị trường có định hướng” là phải mở mang chợ. Cần nơi đất rộng, tiện bề giao thông để mở chợ, thế là người ta nghĩ ngay đến chỗ này, rồi mang nó về đây.
Bữa cơm chiều vừa rồi ông em trai lão kể, Lân mới biết như thế.
Nửa phố nửa làng, chợ sát ven đê, các ki ốt dày đặc, người đến , người đi tấp nập. Mùi thịt nướng, cá rán từ các quán nhậu cạnh chợ bay ra thơm nức. Cả mùi cá tanh tanh, mùi thịt nồng nồng, mùi hoa quả thoảng thơm, mùi những cô nàng choai choai..Tạo thành hỗn hợp hương vị rất đặc trưng của vùng ven đô. Không ai ngờ bên dưới những đường nhựa, nền ki ốt lát gạch hoa kia lại vốn là nghĩa địa chôn người.
Cái cảm giác phân vân, sờ sợ khiến người ta nghĩ ngay đến việc liệu dưới lớp đất của nền chợ nhơm nhớp này, có còn sót bộ hài cốt vô chủ của ai đó quên chưa di rời đi nơi khác hay chưa?

Lân không có thói quen đi nghỉ sớm. Ở nhà giờ này anh đang xem ti vi, đọc sách hay viết cái gì đó. Giờ đi cùng lão, phải làm theo là lẽ dĩ nhiên. Có ngồi nói chuyện với chủ nhà cũng chả biết nói chuyện gì. Mới lần đầu gặp gỡ, câu chuyện thật khó nói. Nặn ra cho cho có chuyện anh không quen. Lão kêu mệt muốn đi nằm sớm, anh cũng theo luôn, dù chưa muốn ngủ sớm hơn mọi ngày.
Ở góc phòng anh có thấy kê một tủ sách khung bằng nhôm, ghép kính bốn mặt. Nhìn rõ phía bên trong những cuốn sách dựng nghiêng, để lộ gáy ra ngoài. Ngọn đèn tiết kiệm điện không nhìn rõ chữ trên gáy sách. Nhưng qua hình thức bề ngoài Lân đoán đó là loại sách công cụ, dạy tiếng Anh, dạy nấu nướng, dạy cách làm giàu gì gì đó.. Toàn những thứ thời thượng một cách nông nổi, tràn lan, vội vã đang thịnh hành ở những phố thị vừa mới nổi. Thứ sách cho quảng đại chứ không phải nghiên cứu, chuyên sâu.
Cạnh tủ sách có giàn máy vi tính đời đã cũ. Bàm phím mốc meo, sứt cả con chuột. Một sợi dây cáp điện nhỏ bị đứt, thả lòng thòng ngay phía bên trên cái máy tính.
Có thể đây là phòng riêng học tập của cậu con trai chủ nhà. Cái thằng có cái sẹo dài ngang mặt. Có lẽ từ ngày bị tai nạn giao thông, cậu ta chả màng đến sách vở hay máy vi tính để ở kia nữa?
Lúc Lân cùng lão Đại đến buổi trưa nay, chính cậu con trai chủ nhà ra đón. Khi đi rửa chân tay sau chặng đường dài bụi bặm, lão Đại kể cho Lân nghe đôi chút về cậu ta như để cắt nghĩa vì sao có cái sẹo trên mặt:
- Năm ngoái thằng thứ hai nhà này đưa nó lên cho chạy xe. Không may xe nó bị đổ, không chết ai, nhưng nó bị tai nạn phải nghỉ về đây bán hàng cho mẹ nó. May lại lấy được cô vợ giáo viên xinh xắn giỏi giang. Vụ ấy anh đến khốn khổ với nó đấy!
Lão chỉ kể có thế, nhưng mà vụ này Lân biết.
Chuyến ấy thằng con tổng giám đốc của lão mất toi cái xe tải, loại xe “ba chân” siêu trọng. Hầu hết những chuyến hàng “chưa đúng thủ tục” đều chạy về đêm, gần sáng, tốc độ cao vào những đêm trời mưa. Đường trơn, ổ voi ổ gà ngập nước lênh lánh chả biết đâu mà tránh, bánh xe không bám đường, xe lại chở nặng, chuyện mất lái gần như không cần bàn cãi.
May mà thằng cháu gọi lão bằng bác mệnh nó lớn mới giữ được mạng. Sau chuyến đó chuyện chạy chữa, bồi thường của thằng anh đối với em có điều gì đó chưa thông, ông em với lão có vẻ không còn mặn mà đằm thắm như trước.
Đó là lý do lão đã gọi điện báo từ lúc ở nhà đi, ông em vẫn lấy lý do bận đưa người ra thành phố chữa bệnh không có nhà.
Đến nơi Lân thấy bà em dâu lão có vẻ khang khác. Bữa cơm trưa rất sơ sài được bày ra để thết đãi ông anh “Đại gia” cả năm cả đời về chơi.
Lão nói như để chữa ngượng: “Anh không muốn vợ chồng chú ấy bày vẽ. Mình đâu có thèm thuồng gì? Lại đang lo bệnh gút với tiểu đường nên phải dặn thím ấy cấm có được làm cỗ.   cứ xoàng xoàng như cơm bữa bình thường.. Ăn thế nào chả xong, phải không chú?”
Lân biết lão nói vậy để chống chế chữa ngượng vì suốt dọc đường lão luôn mồm ca ngợi anh em nhà lão nhờ phúc lớn tổ tiên, anh nào cũng vào hàng “đại gia” cả, lại lịch duyệt, hiểu biết, cư xử chả ai có thể chê trách vào đâu được”.
Mình đâu có nề hà miếng ăn? Lân nghĩ bụng. Nhưng anh cứ thấy việc này nó sao sao ấy, chả giống như lão vẫn thường mô tả trước khi về đây?
Hay là bọn “đại gia” ở đâu cũng vậy, đều keo kiệt, bủn xỉn giả tạo giống nhau? Họ chả bao giờ thết đãi ai không vì cái gì, khi chưa chắc chắn nắm được mối lợi vật chất hay tinh thần nào?

Như người xưa có câu: “ Có bạc mới giầu, có cơ cầu mới có”?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: