Dạo tháng Giêng âm lịch năm kia, tôi chở vợ đi lễ chùa. Trong khi vợ tôi đang lễ bên trong, tôi ngồi đợi trên ghế đá dưới tán cây ngoài sân chùa, chợt ngẩng lên, thấy một vị sư cao to, béo tốt, ở trong chùa đi ra. Tôi thấy nét mặt ông ta hơi quen. Càng nhìn kỹ, tôi càng thấy nét mặt ông sư giống thằng em họ tôi. Tôi há mồm định hỏi, nhưng vẫn còn lưỡng lự vì sợ nhận nhầm. Ông sư đi lại phía tôi. Tôi đứng dậy. Ông ấy quay lại nhìn tôi. Rồi ôm choàng lấy tôi.
“A anh! Ô anh! Anh khỏe không? Lâu lắm không gặp. Chắc phải mười mấy năm rồi. Chị khỏe không anh? Các cháu thế nào? Chắc anh đang ngồi chờ chị?”
Ông sư hỏi dồn, làm tôi không biết trả lời câu hỏi nào, chỉ cười trừ.
Đến lúc đó, tôi đã nhận ra. Đó là San, con ông chú tôi.
Gần 20 năm trước, San là một thằng đầu bò đầu bướu. Mười ba tuổi, nó bỏ học, suốt ngày lêu lổng với vài thằng cùng lứa. Ăn trộm. Cắm quán. Trêu gái. Buổi tối có lần ba đứa suýt hiếp một đứa con gái 14-15 chỗ đoạn đường vắng, may có người đi đến quát chúng mới buông con bé ra và bỏ chạy. Nhiều lần San lục rương lấy hết sạch tiền của bố mẹ nó. Chú tôi đã từng đánh nó tóe máu đít, rồi lấy muối ớt xát vào chỗ tóe máu và đánh tiếp. Lần khác, ông treo chân nó lên xà nhà mà đánh, hỏi đã chừa thói ăn trộm chưa. Nó nói “Con chừa rồi.” Khi thả xuống, nó nằm vật ra như sắp chết. Vài hôm sau khỏe lại, nó lại đi ăn trộm, lại cắm quán, lại trêu gái. Khỏi phải nói, bà thím tôi đã hết nước mắt vì nó.
15 tuổi, San bỏ đi mất. Gần hai năm sau, nó bỗng xuất hiện với cái đầu trọc, trong bộ quần áo nâu sòng. Nó đã thành chú tiểu tại một ngôi chùa ở vùng núi cách nhà gần 100 cây số.
“Chú mới được điều về đây à?” Tôi hỏi San.
“Vâng. Em về trụ trì ở đây.”
Tôi tròn mắt ngạc nhiên. San nói tiếp:
“Sư cụ trụ trì cũ trình độ kém, tính cách thụ động, nhiều vấn đề không giải quyết được, trong đó có vấn đề tài chính, vấn đề trùng tu tôn tạo chùa. Các vị bề trên đưa em về đây…”
Rồi sư phụ kể tôi nghe về công trạng của nó đối với chùa và giáo hội Phật giáo tỉnh trong mấy năm qua. Ngài cũng nói ngài đã có bằng thạc sĩ phật học! Pháp danh của ngài là Thích Thịnh Đạt.
Thấy cái cơ thể sung mãn, thậm chí hừng hực sức trai, cách ăn nói bỗ bã, lại nhớ đến cái quá khứ huy hoàng của sư phụ, tôi rất nghi ngờ việc tu phật của ngài.
Hơn nửa năm sau, một hôm tôi đang cưỡi xe máy đi chầm chậm trên đoạn đường vắng ngoại ô thì thấy một chiếc ô-tô con màu đen bóng loáng dừng sát lề đường. Cạnh ô-tô, trên lề đường, một người đàn ông cao lớn ăn vận và để đầu kiểu hòa thượng đang lom khom đỡ một đứa bé trai chừng hơn hai tuổi và vạch quần cho nó đái. Xong, người đàn ông đỡ cho đứa bé vào trong xe. Ông ta làm những việc đó với sự âu yếm của một người cha.
Trước khi hòa thượng chui vào xe, chúng tôi kịp nhận ra nhau. Lại là San, tức sư phụ Thích Thịnh Đạt. Ngài hơi lúng túng, đồng thời có vẻ tràn trề hạnh phúc. Tôi liếc nhìn vào trong xe, thấy một thiếu phụ khá sang trọng và hấp dẫn.
“Nếu anh không vội quá thì đi đằng này với em…” San nói.
“Cũng được.” Tôi nói và hơi mỉm cười.
San lái xe dẫn tôi đến một ngôi nhà ở ngoại ô. Về vị trí, chỗ này chỉ cách rìa nội đô chừng một cây số, nhưng từ thành phố ra phải đi vòng khá xa. Khung cảnh gần giống như ở miền rừng, rất kín đáo và yên tĩnh. Ngôi nhà hai tầng với khoảng sân khá rộng như ở miền quê nằm lọt trong khuôn viên khá nhiều cây to. Đi ngoài lộ nhìn vào thậm chí không phát hiện ra trong lùm cây có nhà. Buổi trưa, tiếng chim cu gáy trong những lùm cây càng làm cho không gian ở đây thêm phần tĩnh mịch.
“Đây là nhà của Diệp.” San vừa nói vừa hơi hất hàm chỉ về phía thiếu phụ vừa từ trong xe ra. Tôi nhìn cô ta và gật đầu chào. Cô hơi đỏ mặt, lúng túng: “Dạ… chào…”
“Đây là anh An, anh họ anh…”
“Mời anh vào nhà…” Diệp nói.
Trong khi Diệp đi pha cà phê, San tranh thủ giới thiệu Diệp là phật tử, là doanh nhân khá thành đạt, đã cung tiến gần trăm triệu cho nhà chùa.
“Nói thật với anh, em tu phật theo quan điểm mới, không kiêng kỵ mọi thứ như quan điểm cổ điển. Thỉnh thoảng em vẫn đến đây, đọc sách và thiền tại đây cho yên tĩnh. Diệp là phật tử, nhưng cũng là bạn tâm giao của em. Công việc kinh doanh của cô ấy em cũng tham gia quyết định.”
“Gia cảnh cô ấy thế nào?” Tôi không nén nổi tò mò.
“Cô ấy đã từng có chồng, nhưng ly hôn cách đây 5 năm.”
Ly hôn đã 5 năm, mà đứa bé này mới chỉ hơn 2 tuổi. Tôi hiểu điều San muốn nói.
Diệp đem cà phê và chocolat đen đến rồi ngồi xuống cạnh bàn. Đứa bé cũng đi lại. Nó tựa vào đùi San và hỏi San điều gì đó; tôi không để ý, chỉ thấy nó gọi San là “thầy” và xưng “con”. Diệp thì xưng hô “thầy-em” với San, một cách vừa an toàn nhưng vừa có thể thể hiển sự âu yếm.
San bế đứa bé đặt lên đùi, đưa cho nó một mẩu chocolat.
Khi Diệp đi lấy thứ gì đó, San bảo tôi:
“Vốn đầu tư ban đầu của Diệp thực ra chủ yếu là của em. Em lấy một phần tiền cúng tiến của phật tử và bà con đi lễ, cái phần mà em nghĩ là em xứng đáng được hưởng, và thêm tiền em đi làm lễ đầu năm, lễ giải hạn cho các gia đình, đưa cho Diệp lo việc kinh doanh.”
Vẫn do tò mò, tôi lại hỏi:
“Thế chú đến đây không sợ dị nghị à?”
San bảo:
“Ở đây ít người lui tới lắm. Diệp có lệ là không tiếp cấp dưới tại nhà. Chỉ vài người bạn thân nhất là thỉnh thoảng đến, nhưng họ cũng chỉ đoán biết quan hệ của bọn em, vì khi có người ngoài thì bọn em cư xử rất đúng mực. Những người đó cũng được lợi vì bọn em nên cũng biết ý, giữ mồm.”
Tôi ngồi chơi khoảng 20 phút, rồi cáo từHè năm ngoái, trong chuyến bay từ Đà Lạt về quê ngoài Bắc, khi vừa ngồi xuống ghế trong khoang máy bay được vài phút, tôi nghe một giọng nói rất quen ở hàng ghế trước. Thoáng thấy một bên má, tôi nhận ra San. Nó đang giảng giải điều gì đó cho mấy phụ nữ ngồi chung quanh nó. Rất say sưa. Và suốt hơn một tiếng đồng hồ, San liên tục giảng giải, hết văn học nghệ thuật đến lịch sử, rồi khoa học tự nhiên, rồi phép dưỡng sinh, bóng đá,v.v. Thỉnh thoảng sư phụ lại pha trò làm các em cười nghiêng ngả. Chung quanh ai cũng phải ngoái lại nhìn. Các em thì thỉnh thoảng quay ra bảo nhau: “Thầy tuyệt thật, phong độ, uyên bác, lĩnh vực nào thầy cũng thông hiểu, lại dí dỏm, hài hước.” Một cô nói nhỏ: “Giá thầy có thể quan hệ với phụ nữ thì…”
Khi xuống máy bay, tôi đi sau San và đám đệ tử của nó, nhưng nó không nhận thấy tôi.
Ngay tối hôm đó, truyền hình tỉnh tôi có một chương trình phỏng vấn hòa thượng Thích Thịnh Đạt về ‘phật pháp’, và xin sư phụ đưa ra lời khuyên đối với các phật tử và những người đến chùa lễ bái, cúng tiến. Sư phụ trả lời lưu loát, diễn thuyết thật hùng hồn. Tôi dám chắc những nữ đệ tử của thầy đều đang theo dõi chương trình và nhìn thầy mà mê mẩn.
Gần đây, tôi còn biết sư phụ đã vào đảng hơn chục năm nay, và được thực hiện rất đắc lực việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với nhà chùa và giáo hội. Sư phụ cũng vừa mới được bầu vào hội đồng nhân dân tỉnh. Ngoài ra, ngài vừa bắt đầu làm luận án tiến sĩ, chẳng biết về phật học hay khoa học thế tục.
Mỗi lần nhớ đến San, tôi vẫn thực sự ngạc nhiên về sự thay đổi kỳ lạ của con người nó, kể cả ở dáng mạo và phong cách. Vẫn là bát nháo cả thôi, nhưng hai kiểu bát nháo hoàn toàn khác nhau, không thể hình dung ra là của cùng một cá thể.
NGUYỄN TRẦN SÂM
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét