Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Công cụ dân chủ hàng đầu của Tự do: Báo chí!

Alexis de Tocqueville (1805-1859), nhà chính trị học vĩ đại người Pháp viết tác phẩm bất hủ “De la démocratie en Amérique” (Nền dân trị Mỹ), xuất bản vào năm 1835 và 1840. Điều lạ lùng là cuốn sách của một người Pháp viết về Mỹ, nó đề cao nền dân trị Mỹ song không ca ngợi một chiều, mà ngược lại còn chỉ ra một cách cụ thể những khiếm khuyết và cảnh báo một loạt vấn đề nảy sinh trong tương lai, nhưng lại được người Mỹ tôn thờ như một thứ “tôn giáo chính trị”, bên cạnh bản Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ. Hơn 170 năm sau ngày cuốn sách được xuất bản, lịch sử Hoa Kỳ và thế giới diễn ra nhiều sự kiện đúng như những lời tiên tri của Tocqueville : hai cuộc đại chiến thế giới, sự phình to của bộ máy nhà nước - từ các loại "kế hoạch hóa" đến New Deal của F.D. Roosevelt, Great Society của L.B. Johnson và các loại Nanny State ở châu Âu... đều là những biểu hiện khác nhau của tình trạng chuyên chế, bức hiếp, hạ thấp tự do cá nhân. Ngay cả điều tưởng như đơn giản, như sự không hạn chế thời gian tái cử tổng thống , ông cũng cảnh báo sự nguy hại của nó từ hơn 1 thế kỷ trước khi nước Mỹ giới hạn lại còn tối đa 2 nhiệm kỳ...

Tự do là khát vọng ngàn đời của con người, khát vọng đó xuyên suốt lịch sử nhân loại cũng như xuyên suốt một đời người. Tagore bảo “trong bụng mẹ, đứa trẻ được tự do lần thứ nhất”, vì ở đó con người không bị can thiệp tùy tiện. Marx từng tuyên bố về một xã hội “từ vương quốc tất yếu sang vương quốc tự do” như là cứu cánh của học thuyết của mình. Cụ Hồ cũng bảo (câu này hình như nhiều người muốn lờ đi không dám nhắc tới) : “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (Báo Cứu quốc 17-10-1945).

Như sau này Friedrich Hayek nhấn mạnh, dân chủ chủ yếu là một phương tiện để bảo vệ tự do cá nhân, nhưng dân chủ chưa phải là một phương tiện chắc chắn, rằng một chính phủ được bầu cũng có thể trở thành một chính phủ độc tài, học thuyết của Tocqueville, về bản chất, là học thuyết về tự do.

Tuy dân chủ mở ra một khung trời mới để nhân loại khôi phục và nuôi dưỡng tự do, nhưng khung trời đó vẫn bị giới hạn. Ngay từ đầu thế kỷ 19, khi laissez-faire đang là chủ đạo, khi toàn bộ quân đội Mỹ lúc đó chỉ có 6000 người, khi kích cỡ bộ máy nhà nước của các nước dân chủ còn rất bé so với hiện nay, bằng những chiêm nghiệm từ nước Mỹ và châu Âu, Tocqueville đã cảnh báo :

Nếu như thời nay mà các quốc gia dân chủ có xác lập được nền chuyên chế, thì hẳn là nền chuyên chế đó sẽ phải có những đặc điểm khác : nó sẽ trải ra trên diện rộng hơn và nó có một dáng vẻ hiền lành hơn nhiều, nó có thể sẽ làm cho con người bị mất phẩm chất người đi, nhưng nó không làm cho lương tâm con người quằn quại đau khổ…

Tôi không hồ nghi chút gì rằng, trong những thời kỳ của ánh sáng và của quyền bình đẳng như thời đại chúng ta, những kẻ cầm quyền tối cao lại dễ dàng làm cho mọi quyền lực công cộng đều tập hợp được vào trong đôi tay mình, và thâm nhập khôn khéo hơn và sâu xa hơn vào các miền lợi ích riêng tư, những điều mà không một kẻ chuyên chế nào của thời Cổ đại có thể làm được…

Tôi muốn hình dung xem sự chuyên chế mới sẽ mang những nét mới nào trong cuộc sống này : tôi nhìn thấy một đám đông vô cùng với những con người giống hệt nhau, họ đang không ngừng quay đầu tìm lẫn nhau ở những thú vui nhỏ bé và thô lậu chất chứa đầy đầu óc họ… Bên trên những con người này là một quyền lực bao la và cũng là thế lực đỡ đầu họ, riêng nó chịu trách nhiệm bảo đảm cho họ có mọi hưởng thụ và chăm lo cho số phận của họ. Quyền lực này là tuyệt đối, chăm lo tỉ mỉ chi tiết, chính quy, nhìn xa trông rộng và mềm mỏng. Quyền lực này sẽ như thể quyền của người cha với người con nếu như mục đích của nó là chuẩn bị cho đàn con lớn khôn mạnh mẽ; nhưng trái lại, quyền lực này chỉ nhằm làm sao cho con cái mãi mãi bị cột chặt vào tuổi ấu thơ; quyền lực này muốn các công dân được hưởng thụ, miễn sao hưởng thụ phải là mục tiêu duy nhất của họ, thế là được. Quyền lực này tình nguyện hoạt động vì hạnh phúc của những con người kia; nhưng nó muốn chỉ có nó tạo ra hạnh phúc đó và quyết định thế nào là hạnh phúc…

Sau khi theo cách đó để lần lượt nắm từng công dân vào đôi bàn tay cực mạnh của mình và nhào nặn nó tùy thích, kẻ cầm quyền tối cao giang rộng đôi cánh tay ra toàn bộ xã hội. Nó bao trùm bề mặt xã hội bằng một hệ thống những quy tắc nhỏ nhặt rắc rối, tỉ mỉ chi tiết và đồng loạt, qua đó ngay cả những đầu óc độc đáo nhất và những tâm hồn mạnh mẽ nhất cũng chẳng thể nào ngoi lên nổi để có thể đi xa hơn toàn bộ đám đông. Nó không bóp nát mọi ý chí con người, nhưng nó làm cho ý chí con người mềm nhũn đi, bắt mọi ý chí phải cúi đầu và điều khiển chúng. Hiếm khi nó bắt buộc con người phải hành động, nhưng nó luôn luôn chống lại khi con người hành động. Nó không thủ tiêu cái gì cả, nó chỉ ngăn chặn sinh sôi. Nó không dùng lối bạo hành với ai hết, nó chỉ gây phiền hà, nó đè nén, nó chọc tức, nó làm tắt ngấm, nó khiến cho con người chỉ còn biết há hốc mồm kinh ngạc…

Các quốc gia dân chủ đã du nhập Tự do vào phạm vi chính trị, đồng thời với việc họ làm gia tăng tính chuyên chế trong phạm vi hành chính, tất cả đều dẫn tới những điểm lạ kỳ. Khi phải tiến hành làm những công việc nhỏ mà chỉ cần thiên lương là đủ, thì họ nghĩ rằng các công dân không đủ sức làm điều đó. Khi sang chuyện cai quản cả một Nhà nước, thì họ lại trao cho cũng các công dân ấy những đặc quyền vô cùng lớn. Lần lượt, họ biến các công dân lúc thì thành những đồ chơi trong tay kẻ cầm quyền tối cao và lúc lại thành các ông chủ của kẻ cầm quyền đó, khi thì to hơn cả các ông vua và khi thì ít hẳn phẩm chất người. Sau khi đã sử dụng cạn kiệt mọi hệ thống bầu cử khác nhau mà vẫn chẳng tìm ra một hệ thống nào thích hợp nhất, họ tỏ ra ngạc nhiên và lại tiếp tục kiếm tìm…

Tật xấu của những kẻ cầm quyền và sự ngu xuẩn của những kẻ bị cai trị sớm muộn sẽ dẫn tai họa tới. Và nhân dân, khi đã mệt mỏi vì những kẻ đại diện mình và vì cả bản thân mình, sẽ tạo ra những thiết chế tự do hơn nữa, hoặc là sẽ sớm quay lại nằm dài dưới chân của một ông chủ duy nhất.

Cảnh báo những nguy cơ của nền dân chủ lấy số đông thống trị số ít, nhưng Tocqueville không hề có ý định khước từ dân chủ để trở lại chế độ “quý tộc trị”, nơi mà “sự thịnh vượng của đại đa số con người bị hy sinh cho sự vĩ đại của vài ba cá nhân”. Vấn đề, theo ông là “làm cho Tự do thoát thân ra từ trong lòng xã hội dân chủ.”.

Tocqueville không “thầm kêu rên cho số phận đồng loại”, ông tin vào Tự do và đưa ra một loạt các giải pháp khắc phục những nguy cơ của nền dân chủ bằng việc phân quyền và giới hạn quyền lực của nhà nước, bằng những bảo đảm tự do cá nhân trong Hiến pháp, bằng sự độc lập của tòa án, bằng các thiết chế tự nguyện của "xã hội dân sự" (sociétés civiles), bằng bằng báo chí tự do, bằng việc phổ cập các giá trị tự do truyền thống…

Đối với báo chí tự do, Tocqueville tự nhận rằng ông “không có được cái tình yêu trọn vẹn” đối với nó, rằng ông yêu báo chí vì “tôn trọng việc nó ngăn chặn được những cái xấu hơn là vì những cái tốt đẹp nó tạo ra”, nhưng từ 170 năm trước ông đã nhìn thấy rõ tầm quan trọng của báo chí trong một xã hội dân chủ. Ông viết :

Cá nhân vào thời dân chủ dễ dàng bị tống ra khỏi bầy đoàn, và anh ta dễ dàng bị xéo dưới chân. Ngày nay, một công dân bị đè nén áp bức chỉ còn có một phương tiện tự vệ, đó là gửi lời kêu gọi tới toàn thể dân tộc; anh ta chỉ có một phương tiện thực thi điều đó, đó là báo chí… Sự bình đẳng làm cho con người xa cách nhau và làm cho con người yếu kém đi; nhưng báo chí đem đặt bên cạnh mỗi con người hèn yếu đó một vũ khí cực mạnh mà kẻ yếu nhất và kẻ bị xa lánh nhất cũng đều có thể đem sử dụng. Quyền bình đẳng tước đi mất của mỗi cá nhân khả năng hỗ trợ những kẻ có chung số phận; nhưng báo chí cho phép kêu gọi tất cả các công dân và đồng loại tới ứng cứu…

Để bảo đảm có độc lập cá nhân cho những con người sống ở các quốc gia dân chủ này, tôi chẳng tin cậy vào những cuộc đại hội nghị chính trị, cũng chẳng tin gì vào những quyền hành của nghị viện, và chẳng tin gì hết vào tuyên ngôn về chủ quyền tối thượng của nhân dân.

Tất cả những trò đó trong chừng mức nào đó đều có thể dung hợp được với sự nô lệ của cá nhân con người; nhưng có tự do báo chí thì cảnh nô lệ đó sẽ không diễn ra hoàn toàn được.Báo chí là công cụ dân chủ hàng đầu của Tự do.

Và như vậy là, cũng theo Tocqueville, cho dù có tự do báo chí thì nguy cơ của nền dân chủ số đông thống trị số ít, mà một trong những nguy cơ đó là cảnh nô lệ, cũng mới chỉ “không diễn ra hoàn toàn” mà thôi. Nhưng không có tự do báo chí thì dứt khoát không được.
____________
(Những đoạn trích của Tocqueville theo cuốn : Nền Dân trị Mỹ, bản dịch tiếng Việt của Phạm Toàn, NXB Tri Thức, Hà nội, 2008)
Blog: Hoang Hai Van
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: